Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Andre Rieu và những điệu Valse tụng ca hạnh phúc

Đăng ngày:

Chỉ cần một cú vẫy tay về phía dàn nhạc và những nốt nhấn archet duyên dáng của nhạc trưởng, nghệ sỹ violon André  Rieu, công chúng như bị cuốn theo vòng xoáy vô tận của những điệu luân vũ bất hủ.

Andre Rieu tại một buổi hòa nhạc ở Amsterdam (Hà Lan).
Andre Rieu tại một buổi hòa nhạc ở Amsterdam (Hà Lan). Wikipedia
Quảng cáo

Bất cứ ở đâu mà người nghệ sỹ ấy đặt chân đến, người ta lại thấy hiện diện một Vienna thu nhỏ, tưng bừng theo những điệu nhạc rạng ngời. Những bước chân chống chếnh, cuồng nhiệt quyện vào từng nhịp valse của André Rieu, nghệ sỹ vỹ cầm người Hà Lan và dàn nhạc Johann Strauss Orchestra.

Ông hoàng hiện đại của valse

Thời thơ ấu, André Rieu sớm bị mê hoặc bởi cái thế giới âm nhạc huyền diệu của dàn nhạc giao hưởng do cha làm nhạc trưởng. Trong thời gian theo học violon ở nhạc viện, ông được mời chơi trong dàn nhạc Limburg Shymphonic Orchestra. Tác phẩm đầu tiên mà ông chơi cùng họ là bản valse ‘Gold und Silber’ của Franz Lehár. Đây là một trải nghiệm thú vị của André Rieu về valse, nó trở thành nhịp điệu chính theo suốt cuộc đời sự nghiệp của ông.

Mười năm sau, người nghệ sỹ ưu tú này đã quyết định gây dựng từng bước vương quốc âm nhạc theo tiêu chí riêng của mình. Cùng với người anh trai Jean-Philippe, André Rieu đã thành lập dàn nhạc mang tên Johann Strauss Orchestra, công diễn lần đầu tiên vào ngày mùng một tháng giêng năm 1988 trong dịp hòa nhạc đón mừng năm mới. Mạch nguồn trung tâm của dàn nhạc là những điệu luân vũ lừng lẫy từ triều đại Strauss cho tới Paganini, Dimitri Chostakovitch hay Lanner.

Đúng ba mươi năm kể từ buổi diễn đầu tiên, vương quốc André Rieu trở nên thịnh vượng hơn bao giờ hết. Johann Strauss Orchestra trở thành dàn nhạc tư nhân lớn nhất thế giới với 60 nhạc công đến từ hơn 10 quốc gia. Hơn 40 triệu CD và DVD được bán hết trên toàn cầu, hơn 500 đĩa bạch kim và 270 đĩa vàng của các giải thưởng danh giá quốc tế đã được trao cho ông và dàn nhạc. Đó là những thành công không gì so sánh nổi.

André Rieu còn là nhạc sỹ phụ trách chuyển soạn, đơn giản hóa, thu gọn các tác phẩm cổ điển nhằm mang thể loại âm nhạc bác học này đến gần hơn với mọi thính giả. Đặc biệt, việc đại chúng hóa bản valse số 2  của Chostakovitch đã đưa ông lên ngôi vị « Hoàng đế hiện đại của valse ». Những điệu luân vũ thành Vienna kiêu sa trở nên rạng ngời hơn bao giờ, những giai điệu kinh điển trong giao hưởng, nhạc kịch tưởng như chỉ dành cho quý tộc giờ đây hòa mình một cách gần gũi, thân thiện.

Không dừng lại ở đó, André Rieu tiếp tục làm mới danh mục biểu diễn bằng việc chào đón nhiều phong cách valse khác nhau từ đến mọi nơi như : valse dân gian Hà Lan, valse Pê-ru với chút điểm xuyết của điệu tango hay valse Mê-hi-cô mang âm hưởng flamenco… Những bản valse mang hương vị lạ như vậy đã đưa ông trở thành một trong những nghệ sỹ có đĩa nhạc thính phòng bán chạy nhất hành tinh.

Âm nhạc hướng tới niềm vui

Ở hầu hết các buổi hòa nhạc của André Rieu, trên sân khấu, người ta luôn thấy một nguồn năng lượng tràn đầy qua những bộ trang phục lông lẫy, qua những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của mỗi người nghệ sỹ. Và buổi diễn biến thành đêm vũ hội từ lúc nào không hay. Tất cả mọi người đều đứng lên, tay trong tay, khiêu vũ giữa lối đi của khán phòng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn với Reuters, Andre nói: “Tôi chưa khi nào yêu cầu khán giả khiêu vũ giữa các lối đi như thế, nhưng họ đã làm vì họ cảm thấy niềm vui từ điều ấy. Mọi người thường hỏi liệu tôi có bị phân tâm khi khán giả khiêu vũ lúc đang chơi bản Dòng sông Danube xanh hay không? Câu trả lời là hoàn toàn không. Thật tuyệt khi buổi hòa nhạc của tôi trở nên sống động như vậy. Thường thì khi tôi chơi một bản valse, hầu hết khán giả bắt đầu đứng lên cùng nhảy và mỉm cười thích thú”.

Quan niệm chơi nhạc cổ điển của André Rieu không theo quy tắc thông thường. Ngày xưa khi ông còn là một cậu bé, được tham dự các buổi hòa nhạc của cha, André rất ngạc nhiên vì không khí trịnh trọng và nghiêm túc trong khán phòng. Không một nụ cười, thậm chí cũng không dám ho khi tiếng đàn vang lên.

Trong khi đối với ông, âm nhạc là nguồn suối của niềm vui mãnh liệt. Bày tỏ về quan điểm này, ông nói « Sự trang trọng bao trùm nhạc cổ điển, đã làm cho công chúng cảm thấy sợ sệt và e ngại, nhưng điều này không có ở buổi hòa nhà của chúng tôi(…) Mọi người hát, nhịp chân và vỗ tay theo nhạc, họ đu đưa, nhảy và khiêu vũ, tất cả đều được phép ! ». Mỗi buổi hòa nhạc của André Rieu đối với công chúng là một đêm hội sôi động, không ai ra về đều không quên mang theo những nụ cười và câu hát trên môi.

Cũng vì quan điểm trên mà André Rieu ít được giới bình luận âm nhạc đánh giá cao. Họ cho đó là thứ âm nhạc tạp lai, một thứ « cổ điển đại chúng », một hình thức phổ cập nhạc hàn lâm bằng những bản chuyển soạn đơn giản hóa. Để đáp lại, André Rieu thẳng thắn : « Tôi được đào tạo bài bản về nhạc cổ điển, những nhạc công của tôi cũng vậy, chúng tôi thực hiện những buổi hòa nhạc trên cơ sở tôn trọng nhạc cổ điển. Khi tôi đánh một bản nhạc của Bach, tôi chơi như ông ấy muốn. Nhưng đúng là tôi có thêm vào đó cái hóm hỉnh mà khán giả có thể bật cười trong buổi diễn, và đôi khi những nhà hàn lâm không thich điều này ! »

Ba mươi năm tồn tại và sẽ còn hơn thế nữa, André Rieu và dàn nhạc Johann Strauss Orchestra hôm nay vẫn ngang dọc khắp các nẻo đường với tâm nguyện mang những giai điệu hạnh phúc nhất đến nhân gian.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.