Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Vladimir Horowitz, chàng kỵ sĩ cuối cùng của trường phái âm nhạc lãng mạn

Đăng ngày:

« Quỷ satan trên phím đàn », « cơn lốc xoáy thảo nguyên », ông là một trong những nghệ sĩ kiệt xuất của lịch sử dương cầm, mà trong đó chúng ta có thể tìm thấy những tên tuổi vĩ đại khác như Chopin, Liszt, Rachmaninoff, Rubinstein, Richter, Michelangeli và Martha Argerich. Nghệ sĩ piano huyền thoại ấy không ai khác mang tên Vladimir Horowitz (1903-1989), người đã khiến cho những đôi tai khó tính nhất tâm phục bởi lối chơi táo bạo đầy ma thuật, nhưng luôn dào dạt nhạc cảm.

Nhạc sĩ dương cầm Horowitz, sứ giả cuối cùng của dòng nhạc lãng mạn.
Nhạc sĩ dương cầm Horowitz, sứ giả cuối cùng của dòng nhạc lãng mạn. Nguồn : WIKIPEDIA
Quảng cáo

Vladimir Horowitz sinh trưởng trong gia đình khá giả, trí thức, người Ukraina gốc Do Thái. Ba mẹ ông đều chơi piano rất giỏi, hơn nữa lại giao du với những bậc thông thái về âm nhạc như Anton Rubinstein, Alexandre Scriabine nên điều này có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển tài năng của ông sau này.

Mẹ ông , Sofia Horowitz, là người dạy những nốt nhạc đầu tiên trên phím đàn khi ông năm tuổi. Năm 1912, Horowitz được nhận vào nhạc viện Kiev và tình cờ theo học tại lớp của Vladimir Puchalski, cũng là thầy giáo dạy piano của mẹ mình.

Tuy nhiên, sau một thời gian, với phương pháp sư phạm khá sơ lược, phần lớn những giờ học chỉ được tóm tắt bằng những chuỗi mắng nhiếc cậu bé, Horowitz thật sự chán nản. Puchalski từng nói với ba mẹ của ông rằng : « Con trai của ông bà thật tồi tệ, nó chẳng có kỉ luật gì cả… Nó chả có gì cả ! Nó chơi đàn quá nhanh và quá to »

Vốn là một cậu bé có cá tính, Vladimir Horowitz chắc chắn rằng không muốn bị gò bó vào bất cứ điều gì. Có lẽ ngay từ cái tuổi ấy, cậu đã có ý thức đi tìm dấu ấn cá nhân qua phương tiện biểu đạt là cây đàn piano.

Tại sao lại phải chơi đàn giống như những người khác ? Tại sao phải xử lý kĩ thuật, âm thanh và câu nhạc một cách rập khuôn như vậy? Cá tính trong nghệ thuật, có phải là điều cần thiết hay sao? Và từ đó Horowitz bắt đầu cảm thấy thất vọng về thầy giáo Puchalski, tự mình đi theo lối khác, tìm kiếm những ngón đàn mới, âm sắc và sự biểu cảm riêng mang tên Horowitz.

Năm 1920, Vladimir Horowitz tốt nghiệp nhạc viện với bản Concerto số 3 của Rachmaninov vốn được coi là một trong những tác phẩm khó nhất hành tinh. Đây là bệ phóng giúp ông bắt đầu sự nghiệp sáng chói trên lãnh thổ Xô Viết (1922-1925). Mùa thu năm 1925, Horowitz có chuyến lưu diễn đầu tiên tại Đức, sau đó ở Paris, Luân Đôn, Roma.

Năm 1928, tại New York ông trở thành nghệ sĩ độc tấu dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Thomas Beecham và được vinh danh như một trong những nghệ sĩ dương cầm kiệt xuất thời bấy giờ, sánh vai cùng Serge Rachmaninoff, Josef Lhévinne hay Josef Hofmann.

Con đường sự nghiệp của Horowitz không phải lúc nào cũng trải đầy hoa cỏ thơm mát. Có những lúc ông cảm thấy mệt mỏi bởi sự sâu sát thái quá của người vợ trong việc lên lịch diễn, tổ chức phỏng vấn, thậm chí vào những cuộc gặp gỡ của chồng. Mang nặng trên vai áp lực của một nghệ sĩ dương cầm số 1 thế giới, luôn mải miết đua theo những buổi hòa nhạc ngày càng dài và nặng, hơn nữa sự ra đi vĩnh viễn của cha mẹ và con gái đã làm cho Horowitz mất thăng bằng về tâm lý dẫn tới trầm cảm nặng.

Người mà công chúng ngưỡng mộ vì những rặng âm thanh du dương bất tận, giờ đây bỗng dưng chơi đàn một cách nhạt nhẽo, khô khan thậm chí hơi thô bạo. Ba lần trong cuộc đời, Horowitz quyết định tạm xa khán phòng hòa nhạc lộng lẫy, thời gian có khi kéo dài tới 12 năm, để chữa bệnh và tìm lại phong thái cho chính mình trước công chúng.

Tuy nhiên, những giai đoạn ở ẩn của ông chỉ là sự gián đoạn với sân khấu chứ không phải là sự cắt đứt, lãng quên trong âm nhạc. Thời gian đó ông tập trung vào việc ghi âm và cho ra đời nhiều đĩa nhạc có giá trị. (Concerto n° 1 de Tchaïkovski, thu âm năm 1953 với George Szell)

Thế nhưng, công chúng như bị kích động khi gặp lại một Horowitz hầm hập đam mê sau mỗi lần ông trở lại sân khấu. Phép màu của người nghệ sĩ dương cầm huyền thoại này, đó là đặt mình vào vị trí của nhà soạn nhạc đã viết ra tác phẩm mà ông sẽ chơi, không bao giờ chơi một bản nhạc mà không hiểu cặn kẽ tính cách, con người đã sinh ra nó.

Thêm vào đó, những ngón tay của ông gieo rắc một cách kinh ngạc những biến hóa qua việc khai thác tối đa những âm sắc trên đàn piano. Ông đã chơi nó như một dàn nhạc. Hay nói cách khác, cái mà ông chơi trước hết không phải là "piano" mà là "âm nhạc”, cây đàn piano chỉ là phương tiện nhất định để biểu đạt mà thôi.

Về điểm này, Horowitz có cùng quan điểm với Chopin, coi những bài tập kĩ thuật là thứ yếu, và nhạc cảm trong tiếng đàn mới là điều gần gũi nhất với con người. Trong danh mục biểu diễn của ông, hiếm hoi lắm công chúng mới tìm thấy vài tác phẩm thuộc trường phái cổ điển, hay baroque như của Beethoven, Mozart, Scarlatti… Suốt cuộc đời mình, Vladimir Horowitz chỉ dành tâm huyết cho những nhà soạn nhạc thuộc chủ nghĩa lãng mạn, đặc biệt là Liszt, Chopin, Rachmaninov, Scriabine và Tchaïkovski.

Horowitz đã đi vào huyền thoại âm nhạc theo cách như vậy, là phong thái phóng túng và những nét nhạc khó tiên liệu, là sự thiên biến vạn hóa đôi khi như thiên thần tung hứng từng giọt đàn pha lê lóng lánh, khi lại tựa hồ quỉ dữ, gieo rắc những âm thanh vang động như núi lửa tuôn trào.

Năm 1989, xuất hiện dòng tít trên tạp chí New York Times « Vladimir Horowitz, Người khổng lồ Piano, đã từ trần », khẳng định thêm lần nữa tài năng kiệt xuất của người con Ukraina. Và cho đến tận ngày nay, Vladimir Horowitz vẫn là nghệ sĩ dương cầm được trả tiền cát sê cao nhất hành tinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.