Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hungary có nguy cơ hiếm gan ngỗng béo mùa Giáng Sinh 2017

Đăng ngày:

Gan béo (foie gras), niềm tự hào của ẩm thực truyền thống Pháp, một phần của nền văn hóa Pháp, là món ăn đắt đỏ từ gan ngỗng hay vịt bị nhồi ăn để vỗ béo, cho buồng gan to và có vị thơm ngon đặc biệt khác thường. Đây là món không thể thiếu được trên bàn tiệc trong mùa Giáng sinh và vào dịp năm mới.

Món gan ngỗng béo là món ăn không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh và Năm Mới tại Châu Âu.
Món gan ngỗng béo là món ăn không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh và Năm Mới tại Châu Âu. AFP PHOTO / LOIC VENANCE
Quảng cáo

Tuy nhiên, bệnh cúm gia cầm trong hai năm 2016-2017 đã khiến các trại gà và vịt ở Pháp suy sụp, nhiều triệu gia cầm bị tiêu hủy, và trong năm nay, ước tính lượng gan béo được sản xuất tại Pháp sẽ giảm 44% so với năm 2015, thời điểm cuối cùng chưa có dịch cúm gia cầm, và 22% so với 2016.

Sự thuyên giảm này liệu có khiến bàn tiệc cuối năm ở Pháp sẽ thiếu món gan béo? Câu trả lời là không: cho dù giá cả có phần tăng chút đỉnh (ước tính 2 Euro cho một hộ gia đình 4 người), nhưng Pháp cũng sẽ "đủ dùng", bởi lẽ có chừng 3 000 tấn gan béo đã và sẽ được nhập từ khu vực Đông Âu.

Một phần đáng kể là nhập từ Hungary, xứ sở vào năm 2013 đã liệt các món ăn nấu từ gan ngỗng béo vào danh mục Hungaricum, tức những giá trị văn hóa và tinh thần xuất chúng, những sản phẩm đỉnh cao có thể đại diện cho lịch sử 1.100 năm tồn tại của nước này tại vùng lòng chảo Carpathian.

Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn cho biết sơ qua về ngành sản xuất gan ngỗng béo của Hung :

« Trên tầm thế giới, Hungary là nước có sản lượng gan ngỗng béo đáng nể, đã có truyền thống từ vài trăm năm nay, trong khi các nước khác dần dần chuyển sang sản xuất gan vịt béo, đơn giản và rẻ tiền hơn nhiều, và có thể áp dụng được công nghệ hiện đại. Đó chính là trường hợp của Pháp.

Nếu như Pháp đứng đầu Châu Âu về sản lượng gan vịt béo, thì Hungary đứng đầu về gan ngỗng béo. Nếu không có dịch cúm, theo những tính toán ban đầu, nước này dự định xuất khẩu 1 400 tấn gan ngỗng và 2 000 tấn gan vịt béo sang Tây Âu, mang lại doanh thu 11-12,5 tỷ Forint hàng năm.

Tuy nhiên, chính Hungary từ tháng 11/2016 tới cuối tháng 8, cũng phải chịu hậu quả nặng nề của dịch cúm gia cầm. Chỉ riêng với vịt, thay vì sản lượng 26-28 triệu con như thường lệ, trong năm nay giới chăn nuôi Hungary chỉ cung cấp được 16-18 triệu con, không đủ cho thị trường ngoại quốc. »

Dịch cúm gia cầm có tác động ra sao lên ngành sản xuất gan ngỗng béo ?

« Trung tuần tháng 1 năm nay, báo chí Hungary gióng hồi chuông cấp báo về việc hầu như toàn thể lượng ngỗng và vịt ở Hung phải bị tiêu hủy vì dịch cúm. Ngạch xuất khẩu ngan ngỗng béo bị ảnh hưởng trầm trọng nhất, vì 85-90% gan ngỗng béo ở Hung được dùng cho mục tiêu xuất khẩu.

Trong số các nước nhập khẩu gan ngỗng béo Hung, Pháp là nước đứng đầu, sau đó tới Bỉ, Nhật Bản, Nam Hàn và Hongkong. Do sự quản lý rất ngặt nghèo của vùng Viễn Đông, việc xuất khẩu gan ngỗng béo Hung tới thị trường này về căn bản đã bị đình chỉ hoàn toàn trong thời kỳ đầu năm nay.

30% sản lượng gan ngỗng béo bị thuyên giảm trong năm nay tất nhiên khiến xuất khẩu của Hung khốn đốn, nhưng không thực sự kéo theo sự xáo trộn đáng kể đối với những bà nội trợ hoặc giới quán xá Hung, vì với giá cả được coi là cao với thu nhập của dân Hung, lượng tiêu thụ ở Hung không nhiều.

Có điều, ở Hung, thiểu số đã "nghiền" món gan ngỗng béo, thì luôn coi gan vịt béo là thứ "đồ rởm", và không thể chấp nhận món gan béo có thể khác, ngoài gan ngỗng béo. Với họ, cúm gia cầm kéo dài gần 1 năm ở Hung là thảm họa, vì gan ngỗng béo ở xứ này khả năng sẽ trở thành của hiếm trong mùa Giáng sinh này. »

Pizza: « Vàng của Napoli » hứa hẹn tương lai tươi sáng

Vào ngày 09/12/2017, UNESCO xếp nghệ thuật làm bánh Pizza là di sản phi vật thể của nhân loại. Đây là kết quả sau tám năm vận động và tranh đấu do Hiệp hội các đầu bếp làm bánh pizza và vùng Campania tiến hành, với sự ủng hộ thông qua một kiến nghị có tới 2 triệu chữ ký của mọi người khắp nơi trên thế giới. Toàn nước Ý và trước hết là người dân vùng Napoli đã vui mừng trước thắng lợi này.

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir gửi về bài tường trình :

« Trên các đường phố ở Napoli, bánh pizza được phát thoải mái cho người qua lại để ăn mừng sự công nhận cao quý này. Những người vui mừng, sung sướng nhất, đó là những đầu bếp làm bánh pizza. Một đầu bếp nói : Chúng tôi rất tự hào, chúng tôi nghĩ đến việc kế thừa di sản của ông cha và trách nhiệm truyền lại di sản này cho thế hệ mai sau.

Từ nay, người dân Napoli yên tâm là có thể duy trì bảo tồn nghệ thuật làm bánh pizza, cách thức chuẩn bị bột làm bánh – cần phải ủ bột ít nhất trong tám tiếng – tung bột bánh lên không trung để lấy thêm oxy và làm cho bánh pizza dễ tiêu hóa hơn.

Điều cần phải tuân thủ nghiêm ngặt, đó là thành phần bánh chỉ gồm những sản phẩm đích thực của vùng Campania : bột, cà chua, phó mát mozzarella, rau húng và dầu ăn.

Tại Roma, chủ một tiệm chuyên bán pizza Napoli khẳng định tầm quan trọng của việc nghệ thuật làm bánh được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại. Ông nhấn mạnh : Bản sắc của một sản phẩm lịch sử đích thực sẽ được bảo vệ và điều này sẽ cho phép thực khách nhận biết được đâu là bánh Pizza Napoli thật sự.

Nước Ý hiện có 63 ngàn tiệm bán Pizza, với 100 ngàn lao động làm việc 100% thời gian. Một khu vực đang phát triển mạnh và tương lai sẽ còn nhiều hứa hẹn hơn. »

Luân Đôn mừng Noël với « Khúc nhạc Giáng Sinh »

Mùa Giáng Sinh năm nay bảo tàng đại văn hào Charles Dicken ở Luân Đôn tổ chức đợt triển lãm xoay quanh tác phẩm nổi tiếng « Christmas Carol », hay còn được gọi là Khúc nhạc Giáng Sinh do chính ông sáng tác. Câu chuyện về một sự hối cải ấp ủ giấc mơ bao trẻ nhỏ những nước nói tiếng Anh từ hơn 150 năm qua. Một câu chuyện được bắt nguồn từ cảm xúc phẫn nộ của Dickens về tình trạng lao động trẻ em.

Từ Luân Đôn, thông tin viên Lê Hải tường thuật :

"Trẻ em hát bên gốc cây thông ở một góc phố Luân Đôn. Đây là hình ảnh đã trở thành biểu tượng của giáng sinh không chỉ ở nước Anh mà còn ở tất cả các nước nói tiếng Anh và hầu như là trên toàn thế giới. Trang trí cây thông và hát nhạc Giáng sinh là nét văn hóa được coi là bắt đầu hình thành từ thời mà Charles Dickens viết tác phẩm này và xuất bản vào năm 1843, thời đại Victoria. Vào thời ấy, nền kinh tế tư bản phát triển đã làm số người giàu gia tăng nhanh chóng và tình trạng trẻ em nghèo bị bóc lột cũng ngày càng tăng.

Khúc nhạc Giáng sinh kể câu chuyện về một người chủ keo kiệt gặp 2 hồn ma trong đêm Giáng Sinh và sau đó đã thay đổi bản tính, biết san sẻ cho người khác. Đây cũng chính là một trong số những bản tính được coi là tạo ra hình tượng bản sắc của nước Anh. Nhìn từ một góc cạnh nào đó thì bản tính này phần nào là nhờ tác phẩm của đại văn hào Charles Dickens tạo ra, khi số lượng ấn bản vượt quá mọi con số đếm.

Ngay sau ngày phát hành vào dịp Giáng Sinh 1843 toàn bộ sách đã bán hết sạch, và cho đến cuối năm sau thì nhà xuất bản đã kịp tái bản 13 lần. Từ đó đến nay thì tác phẩm A Christmas Carol luôn là tiểu thuyết mà những ai biết tiếng Anh đều phải đọc. Bảo tàng Charles Dickens còn giữ lại ấn bản đầu tiên của tác phẩm này.

Cán bộ bảo tàng giải thích rằng nhìn vào quyển sách người ta có thể thấy được thành ý của nhà văn, khi cho phủ nhũ vàng cạnh giấy, và nhất là tốn rất nhiều công sức và tiền của cho các bức tranh minh họa màu của John Leech. Charles Dickens nổi tiếng với các tác phẩm viết về mặt trái của nước Anh thời công nghiệp hóa.

Thời kỳ có rất nhiều người phải sống trong cảnh nghèo khổ chen chúc, như câu chuyện về hai thành phố Luân Đôn khác biệt hẳn nhau cùng chung sống trong thời Victoria, hay tác phẩm về Khúc nhạc đêm Giáng Sinh được viết sau ngày ông đến thăm một trường học dành cho trẻ em nghèo mù chữ.

Những người giàu ích kỷ đã được ông hình tượng hóa thành nhân vật keo kiệt để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, kêu gọi con người hãy biết yêu thương đồng loại và chia sẻ một phần tài sản với những người kém may mắn. Đó cũng chính là tinh thần bác ái được ghi lại trong kinh thánh như lời Chúa Giê-su kêu gọi mọi người hãy giúp cho những người thất thế cũng giống như là họ giúp cho Chúa vậy."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.