Vào nội dung chính
NGA - SYRIA - QUÂN SỰ

Rút quân khỏi Syria, Putin tìm lối thoát ngoại giao

Trong chuyến thăm chớp nhoáng căn cự quân sự Hmeimim ngày 11/12/2017, trên đường đến thăm Ai Cập, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố “đã quyết định rằng một phần lớn lực lượng được triển khai (tại Syria) trở về Nga”. Ngày 14/03/2016, chủ nhân điện Kremlin đã phát biểu gần như nguyên văn tại Matxcơva và hai lần trong tháng 11, ông cũng tuyên bố chấm dứt các chiến dịch quân sự tại Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (G), bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu (P) và tổng thống Syria Bashar Al Assad (T) thăm căn cứ không quân Hmeimim, tỉnh Latakia, Syria, ngày 11/12/2017.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (G), bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu (P) và tổng thống Syria Bashar Al Assad (T) thăm căn cứ không quân Hmeimim, tỉnh Latakia, Syria, ngày 11/12/2017. Sputnik/Mikhail Klimentyev/Sputnik via REUTERS
Quảng cáo

Với Le Monde, “Putin đang đẩy các quân cờ tại Trung Đông”. Khi thăm chớp nhoáng căn cứ quân sự Hmeimim, tổng thống Nga muốn tự cho mình hưởng “chiến thắng” trước tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong khi liên quân Ả Rập-Kurdistan FDS, được liên quân quốc tế yểm trợ, mới là lực lượng chủ đạo trong những chiến thắng quân sự quan trọng.

Sau Syria, ông Putin đến Ai Cập. Chuyến công du ngoại giao tại Trung Đông cho phép tổng thống Nga trở thành trung tâm của chính trường quốc tế, trong khi đồng nhiệm Donald Trump đang gieo rắc rối ren trong nội bộ các đối tác của Hoa Kỳ.

Matxcơva tính đến việc tranh thủ vai trò của Nga tại Syria để đảm bảo sự hiện diện ở nơi khác, như tại Ai Cập, một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ. Thậm chí, một thoả thuận nguyên tắc đã được hai bên ký kết để máy bay Nga được phép sử dụng không phận và các căn cứ của Ai Cập, theo thông tin được nhật báo New York Times đăng ngày 30/11.

Trong một bài viết khác, Le Monde nhận định : “Matxcơva đang tìm một lối thoát ngoại giao trên hồ sơ Syria”. Phát biểu trước tổng thống Syria Bachar Al Assad tại căn cứ Hmeimim, tổng thống Putin cho rằng “các điều kiện đã tụ hợp cho quá trình giải quyết chính trị (cuộc xung đột) dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc”. Cùng ngày với lời tuyên bố của ông chủ điện Kremlin, phái đoàn của chế độ Al Assad trở lại bàn đàm phán tại Genève với các phe đối lập, sau một tuần đơn phương rút khỏi vòng đàm phán thứ 8 về Syria do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

“Chính Matxcơva đã buộc (phái đoàn Syria) trở lại bàn đàm phán”, theo tiết lộ của một nhà ngoại giao phương Tây, vì Kremlin mới là người làm chủ cuộc chơi. Nhưng Nga biết cũng cần đến Liên Hiệp Quốc để đẩy những quân cờ và bảo vệ lợi ích của mình tại Syria. “Chỉ Genève mới có tính chính đáng và chỉ Genève mới tiến hành được cứu trợ quốc tế hàng loạt cần thiết để khôi phục đất nước”, theo nhận định của nhóm làm việc của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura. Số tiền cần thiết để tái xây dựng Syria được thẩm định từ 250 đến 400 tỉ euro. Nga, với GDP còn thấp hơn cả Ý, không có đủ phương tiện để giúp đỡ.

Matxcơva cũng muốn cạnh tranh vai trò trung gian khi đứng ra bảo trợ, cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, “tiến trình Astana” đàm phán giữa các bên tham chiến tại Syria. Việc thành lập bốn “khu vực giảm căng thẳng” là một thành công, nhưng Nga cũng bị rơi vào chiếc vòng luẩn quẩn trong việc hoà giải điều không hoà giải được.

Tổng thống Putin nhắc lại Matxcơva “chỉ muốn cổ xuý Genève” trong bối cảnh Nga đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc đàm phán. Pháp và Mỹ cũng ủng hộ tiến trình của Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Nga có mọi lá bài quan trọng trong tay. “Vấn đề giờ là xem Nga sẵn sàng đi đến đâu trong việc thay đổi lãnh đạo mà vẫn giữ được cơ cấu của hệ thống”, như phát biểu của một nhà ngoại giao. Nhưng Nga cũng có nguy cơ đối mặt với Iran, một vị cứu tinh khác của tổng thống Assad, cũng tìm cách bảo vệ nhiều căn cứ của họ trên lãnh thổ Syria và duy trì ảnh hưởng trên chế độ Damas, cũng như sự tiếp tục duy trì sự hiện diện này với đồng minh được bảo trợ Hezbollah Liban.

Rumani: Sự độc lập của ngành tư pháp lâm nguy

Ngày 07/12/2017, một trong ba dự luật cải cách tư pháp Rumani đã được Hạ Viện thông qua, bất chấp phản đối của phe đối lập. Hai dự luật còn lại sẽ được thông qua từ giờ đến cuối tháng.

Nhật báo Le Monde nhận định “Độc lập của ngành tư pháp Rumani đang lâm nguy”“các dự thảo luật nhằm xem xét lại tính độc lập của các thẩm phán và biện lý” được thông qua quá khẩn cấp, theo nhận định với Le Monde của bà Laura Codruta Kovesi, một biện lý viện kiểm sát chống tham nhũng (DNA). Phe đối lập, một bộ phận quan tòa, ngành ngoại giao Mỹ và Hội Đồng Châu Âu cùng lên án các dự thảo luật là nhằm làm suy yếu cuộc chiến chống nạn tham nhũng tại Rumani.

Người đứng sau những dự thảo luật này không ai khác là ông Dragnea, chủ tịch Hạ Viện. Quan chức này từng bị kết án vào năm 2016 vì gian lận bầu cử và có liên quan đến hai vụ biển thủ công quỹ đang bị điều tra. Vì vậy, “ông Dragnea sợ mất tự do và muốn nhẹ nhàng nhúng tay vào ngành tư pháp để gây ảnh hưởng đến các quyết định của tòa”, theo đánh giá của cựu thủ tướng Rumani Dacian Ciolos.

Rumani có nguy cơ “trở lại thời kỳ mà các biện lý đều sợ sệt và nhận được lệnh nhắm mắt làm ngơ với những hồ sơ nhạy cảm”. Rumani cũng “đang hất tung những gì chúng tôi khó khăn gây dựng được từ 20 năm nay”.

Từ khi Rumani gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Viện Kiểm Sát chống tham nhũng của nước này đã kết án và tống giam vài trăm dân biểu ở mọi cấp, trong đó có cựu thủ tướng Adrian Nastase. Chỉ riêng năm 2015, một phần ba các chủ tịch hội đồng tỉnh đã bị truy tố. Thành tích có một không hai ở trong khu vực là niềm tự hào của Rumani, nhưng cũng khiến một bộ phận chính trị gia lo sợ.

Các dự luật mới sẽ chỉ được ban hành vào mùa xuân 2018, sau khi những văn bản khác hết hiệu lực. Cựu thủ tướng Rumani Ciolos hy vọng sẽ có một cuộc tuần hành lớn hơn để phản đối.

Tổ chức Thương Mại Thế Giới còn hiệu quả?

Họp tại Buenos Aires (Achentina) đến ngày 13/12/2017, Tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO đang phải đối mặt với những bất đồng nội bộ tác động đến sự trường tồn của tổ chức này. Ngoài ra, WTO đang bị chính quyền Donald Trump chỉ trích gay gắt vì thiên vị và không hiệu quả. Washington tỏ ra mạnh tay khi quyết định không cử đại diện mới tại tổ chức hiện đang có nguy cơ bị tê liệt.

Theo bài xã luận của Le Monde, khó khăn của Tổ chức Thương Mại Thế Giới không phải chỉ mới xuất hiện từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, mà có từ năm 1995 khi, Thoả thuận chung về Thuế khóa và Thương mại (GATT) trở thành WTO cũng với nhiều bất đồng nội bộ : Các thành viên không đạt được một thỏa thuận khung của vòng đàm phán Doha, được bắt đầu vào năm 2001. Ông Roberto Azevedo, người Brazil, chủ tịch WTO từ 2013, chỉ ký những thỏa thuận tối thiểu, lại càng cho thấy Tổ chức Thương Mại Thế Giới phải cấp tốc tìm lại tham vọng.

Sự bất lực hiện này còn do một phần lớn ở sự lỗi thời của một bộ khung được ấn định từ đầu thập niên 1990. Nhưng thế giới thay đổi sâu sắc từ thời điểm đó, khi Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil còn chưa trở thành cường quốc, còn hiện giờ đang cạnh tranh với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Cả Washington và Bruxelles khó lòng chấp nhận tiếp tục để những quốc gia đó được hưởng lợi thế thương mại như khi còn thuộc thế giới thứ ba”.

Chính vì vậy, những lời chỉ trích của tổng thống Mỹ, dù nhằm bảo vệ chính sách bảo hộ của Mỹ, nhưng cũng là cơ hội để WTO xem xét lại hệ thống. Nếu không, tổng thống Mỹ có lẽ có lý khi cho rằng WTO là một tổ chức lỗi thời.

Pháp tăng cường ủng hộ lực lượng G5 chống khủng bố tại Sahel

Pháp đang nghiên cứu giảm bớt lực lượng trong chiến dịch Chammal được triển khai tại Irak và Syria sau khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bị thất thủ. Tuy nhiên, gần 5 năm có mặt tại Mali và vùng hoang mạc Sahel, quân đội Pháp vẫn chưa giúp đẩy lui được lực lượng khủng bố trong vùng, trong khi chiến dịch Barkhan tiêu tốn của Pháp mỗi ngày hơn 1 triệu euro.

Các nhật báo Le Figaro và Les Echos cho biết tổng thống Pháp tổ chức họp thượng đỉnh ngày 13/12/2017 tại ngoại ô Paris, với sự tham gia của thủ tướng Đức Angela Merkel. Chủ đề chính là nguồn ngân sách cho lực lượng quân sự của năm nước G5 (Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger và Tchad).

Theo Le Figaro, tổng ngân sách cho các chiến dịch là 250 triệu euro, trong đó Pháp đóng góp 8 triệu euro bằng trang thiết bị, mỗi nước trong G5 đóng góp 10 triệu, Liên Hiệp Châu Âu hứa 50 triệu và có thể thêm 30 triệu euro, Ả Rập Xê Út có thể đóng góp 100 triệu đô la, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hứa một khoản tiền đáng kể.

Trang nhất các nhật báo

Trang nhất của Le Figaro và Libération đề cập đến dự án xây sân bay mới Notre-Dame-des-Landes thay thế cho sân bay Nantes Atlantique bị quá tải. Dự án đầy tranh cãi này bị trì hoãn nhiều năm vì làn sóng phản đối gay gắt. Chính phủ Pháp quyết định sẽ đưa ta câu trả lời vào tháng 01/2018 sau khi nghiên cứu báo cáo của một nhóm chuyên gia được trình lên chính phủ ngày 13/12.

“Macron : “Một cú sốc” để cứu hành tinh” là hàng tựa trên trang nhất của Le Monde. Trả lời phỏng vấn của Le Monde, tổng thống Pháp báo động về tình trạng khí hậu ngày càng xuống cấp, kêu gọi ngừng khai thác nhiên liệu hóa thạch trên quy mô thế giới và hướng tới nguồn tài chính của cả lĩnh vực công và tư để phát triển nhiên liệu sạch.

Chỉ riêng nhật báo La Croix đề cập đến thời sự quốc tế trên trang nhất : “Aleppo, một năm sau”. Chế độ Damas giành lại thành phố từ tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sau một trận chiến dữ dội. Nhật báo công giáo nhận định thành phố đang dần lấy lại nhịp sống bình thường. Les Echos quan tâm đến “Bàn tay sắt trong việc đánh thuế các hợp đồng ngắn hạn”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.