Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Tính phản kinh tế khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris

Đăng ngày:

(Tạp chí phát lần đầu vào ngày 06/06/2017)Ngày 01/06/2017 tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, được ký kết 18 tháng trước đó nhân thượng đỉnh COP 21-Paris. Chủ nhân Nhà Trắng giải thích ông lấy quyết định này nhằm bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ.

Trái đất đang bị hâm nóng.
Trái đất đang bị hâm nóng. Reuters
Quảng cáo

Lãnh đạo Hoa Kỳ nhận lấy búa rìu từ các nhà khoa học, các tổ chức bảo vệ môi trường, các chính khách hay các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Những tiếng nói mạnh mẽ nhất cất lên từ Mỹ.

Từng là một trong những đầu tàu của công cuộc chống biến đổi khí hậu dưới thời tổng thống Barack Obama, nước Mỹ sau có bốn tháng trong tay nhà tỷ phú Donald Trump là một trong ba quốc gia đứng ngoài thỏa thuận Paris, cùng với Syria và Nicaragua.

Trong trường hợp của Syria, cuộc nội chiến kéo dài giải thích cho sự vắng mặt của Damas tại thượng đỉnh COP 21 ở Paris hồi tháng 12/2015. Còn với chính quyền Nicaragua, thỏa thuận khí hậu Paris quá "khiêm tốn", không đủ quyết tâm trong mục tiêu chống hiện tượng trái đất bị hâm nóng. Với Hoa Kỳ đâu là những nguyên nhân và tác động từ việc Washington rút khỏi thỏa thuận lịch sử đó ?

Ra khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tổng thống Trump liệu có giữ được công việc làm cho người Mỹ như đã cam kết hay không ? Vì sao ngay cả các doanh nghiệp lớn ở Mỹ đã bước lên tuyến đầu trong mặt trận « chống » Donald Trump bỏ cuộc trong tiến trình chuyển đổi năng lượng ?

00:57

Tuyên bố của TT Donald Trump

Donald Trump : "Trong lúc thỏa thuận khí hậu cấm Hoa Kỳ phát triển công nghệ than sạch, thì Trung Quốc lại được phép xây dựng thêm hàng trăm nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Ấn Độ được quyền tăng lên gấp đôi lượng than đá sử dụng trên toàn quốc từ nay tới năm 2020. Ngay cả châu Âu cũng có quyền mở thêm nhà máy điện sử dụng than đá. Nhưng Hoa Kỳ thì không.

Nói tóm lại, thỏa thuận Paris chỉ nhằm cướp đi công việc làm của người Mỹ trong ngành công nghệ than đá, để dành những công việc đó cho các quốc gia khác.

Thỏa thuận Paris không nhắm vào mục đích là khí hậu mà nhằm tạo điều kiện tài chính thuận lợi cho những nước khác. Hiệp định Paris thực ra đẩy Hoa Kỳ vào một thế hết sức bất lợi về mặt kinh tế".

Trong những ngày kế tiếp, lãnh đạo Mỹ liên tục khai thác lập luận cho rằng « thỏa thuận Paris chẳng qua chỉ là một âm mưu chống phá Hoa Kỳ », làm suy yếu nền kinh tế số 1 thế giới.

Sai lầm về mục tiêu bảo vệ việc làm cho người Mỹ

Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, ông Thierry Fornas, chủ tịch và đồng sáng lập viên cơ quan tư vấn về tiến trình chuyển đổi năng lượng EcoAct của Pháp cho rằng, tổng thống Mỹ, Donald Trump lầm đường khi tuyên bố nắng lượng sạch và các biện pháp chống biến đổi khí hậu đang cướp đi công việc làm củangười dân Mỹ, trên đất Mỹ :

"Donald Trump tố cáo thỏa thuận Paris vì cho rằng hiệp định này cướp đi công việc làm của người Mỹ. Điều đó hòa toàn sai. Chính ngành năng lượng tái tạo mới đang là lĩnh vực kinh tế tạo nhiều công việc làm nhất. Tôi xin đơn cử vài con số : 777.000 việc làm được tạo ra trên thị trường Mỹ nhờ năng lượng sạch. Con số này cao gấp 10 lần so với công nghiệp than đá. Năng lượng mặt trời cũng là một nguồn tạo ra việc làm rất mạnh, cao hơn gấp 17 lần so với phần còn lại của kinh tế Hoa Kỳ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ chứng minh rằng tổng thống Trump hoàn toàn sai khi cho rằng thỏa thuận khí hậu Paris là một tai họa cho thị trường lao động Mỹ"

Armelle Le Comte, đại diện của tổ chức phi chính phủ OXFAM, chống bất công xã hội và nạn nghèo khó trên thế giới cũng cho rằng quyết định của tổng thống Trump hoàn toàn « mang tính phản kinh tế ». Chủ nhân Nhà Trắng thực ra đã chịu áp lực của một phần các công ty trong ngành công nghiệp dầu mỏ và than đá :

"Những cáo buộc đó hoàn toàn sai. Bởi vì, khi nhìn vào guồng máy kinh tế thì rõ ràng là đầu tư vào khu vực năng lượng tái tạo đang thực sự bùng nổ. Chỉ riêng ngành công nghệ năng lượng mặt trời và năng lượng gió, năm ngoái đã đem lại gàn 800.000 việc làm cho người Mỹ. Nhịp độ tăng trưởng trong ngành cao gấp 12 lần so với mức trung bình trên toàn quốc. Nói như vậy, năng lượng sạch mới là nguồn tạo ra công việc làm. Quyết định của tổng thống Trump mang tính ngắn hạn, và tổng thống Mỹ đã nhượng bộ trước áp lực của ngành công nghệ hóa thạch".

Đền bù cho ngành công nghiệp than

Chuyên gia nghiên cứu về Hoa Kỳ, Corentin Sellin, tìm cách giải thích về nguyên nhân sâu xa khiến ông Trump đã đưa ra quyết định nói trên :

" Đừng quên rằng ứng cử viên tổng thống Donald Trump từng được ngành công nghiệp than đá của Hoa Kỳ hậu thuẫn, quyên góp tiền giúp ông trong thời gian vận động. Họ tin chắc ông Trump là người vực dậy ngành công nghiệp than cho nước Mỹ và với họ, giải pháp duy nhất là phải đưa nước Mỹ ra khỏi hiệp định Paris. Đương nhiên trong quyết định của tổng thống Trump phải có những tính toán về lợi ích kinh tế. Đáng tiếc là ông ấy lại dành ưu tiên cho những công nghệ đã thuộc về quá khứ là than đá, thay vì hướng tới những năng lượng của tương lai.

Cần lưu ý là thành phần cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sống vì công nghiệp than đá. Chủ yếu là tại các bang như Kentucky, Tây Virginia … Tại một số địa phương, tỷ lệ bỏ phiếu cho ông Trump lên tới hơn 80 %. Đây là những bang đa số là người Mỹ da trắng, hoạt động kinh tế lớn nhất liên quan đến ngành khai thác quặng mỏ. Qua quyết định rút khỏi hiệp định Paris, tổng thống Trump muốn đền bù những người đã dồn phiếu cho ông, cảm ơn ngành công nghiệp than đá đã ủng hộ ông".

Doanh nghiệp Mỹ và mặt trận chống Trump

Không chỉ có cộng đồng quốc tế, mà chính các doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ, từ Apple đến Tesla, từ tổng giám đốc tập đoàn giải trí Disney, đến lãnh đạo công ty nặng ký trong trong ngành hóa chất Dow Chemical đều giữ khoảng cách và chống đối việc Mỹ bỏ cuộc trên hồ sơ khí hậu. Từ ngành tài chính đến mảng công nghiệp và kể cả một số "đại gia" dầu hỏa như ExxonMobil et Chevron đều mạnh mẽ tuyên bố "đứng về phía Paris"

Câu hỏi đặt ra là tại sao những cây đại thụ của nền công nghiệp Mỹ như công ty điện lực General Electric, hay hãng nước ngọt Coca Cola hoặc tập đoàn xe hơi General Motors lại phản đối quyết định của tổng thống Trump rút lui khỏi thỏa thuận Paris ?

Tính thực dụng của các doanh nhân Hoa Kỳ

Đơn giản là vì các công ty Mỹ đã đầu tư rất nhiều để tiến hành « cuộc cách mạng năng lượng xanh ». Trong số này phải kể đến những tên tuổi hàng đầu của nền công nghiệp Mỹ như Coca Cola, hay General Electric. Theo thứ tự, cả hai đã cam kết giảm 25 % và 20 % lượng khí thải carbon từ nay đến năm 2020.

Một ông khổng lồ khác là Apple thì hứa sẽ sử dụng 100 % năng lượng tái tạo trong các hoạt động trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng như vậy, các hãng Mỹ đã đầu tư hàng tỷ đô la và không một ai muốn bị mất khoản vốn đã chi ra đó.

Một yếu tố khác quan trọng không kém, là khách hàng của một số hãng Mỹ ngày càng quan tâm đến môi trường và muốn sang trang thời kỳ năng lượng hóa thạch. Ý thức này phần nào được giải thích vì giá thành của năng lượng tái tạo trong ba năm trở lại đây đã giảm đi đáng kể.

Ngược lại thì đầu tư vào công nghệ than, hay dầu hỏa lại không có lợi bằng, theo như giải thích của chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn năng lượng Duke Energy trên báo Wall Street Journal gần đây.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tất cả các hãng của Mỹ đều quyết tâm chống biến đổi khí hậu. Hiệp hội API bao gồm hơn 600 doanh nghiệp trong ngành dầu khí vẫn không tin vào những lập luận chứng minh rằng trái đất của chúng ta đang bị hâm nóng. Công nghệ dầu hỏa, than đá và khí đá phiến ở Hoa Kỳ vẫn có nhiều triển vọng được phát triển thêm nữa. Cho dù là Bảo tàng về Than đá ở bang Kentucky sử dụng pin mặt trời để có đủ điện thắp sáng các gian trưng bày cho khách tham quan !

Điều đáng nói ở đây là khi Mỹ quay lưng lại với khí hậu, thì thứ nhất là cộng đồng quốc tế lo ngại vì Hoa Kỳ tới nay là là nền kinh tế gây ô nhiễm thứ nhì trên hành tinh. Không có Mỹ, nỗ lực chống biến đổi khí hậu của thế giới gay go hơn nhiều, nhất là khi Hoa Kỳ lại là một nguồn tài trợ chính cho quỹ xanh của thế giới ! Thứ hai, là với quyết định hôm 01/06/2017 tổng thống Trump để ngỏ sân chơi cho Trung Quốc trên hồ sơ khí hậu. Sau cùng, công luận Mỹ và thế giới tập trung vào hồ sơ mô trường, giảm bớt chú ý vào những cáo buộc trong quan hệ giữa êkip của tổng thống Trump với Nga hay trên sắc lệnh nhập cư gây nhiều tranh cãi.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.