Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - TRUNG CẬN ĐÔNG

« Lò lửa » Trung Cận Đông : Những điều ít biết về Hezbollah Liban

Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban là một trong những chủ đề thời sự quốc tế được nhắc đến nhiều trong những ngày qua. Sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 06/12/2017 công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, tổ chức Hezbollah - Liban ngay lập tức kêu gọi kêu gọi thế giới Hồi Giáo « biểu tình ồ ạt » để phản đối quyết định của Donald Trump.

Hassan Nasrallah, lãnh đạo Hezbollah Liban, phát biểu trên truyền hình Liban, ngày 10/11/2017.
Hassan Nasrallah, lãnh đạo Hezbollah Liban, phát biểu trên truyền hình Liban, ngày 10/11/2017. REUTERS/Aziz Taher
Quảng cáo

Ngày 08/12/2017, Nhóm quốc tế hỗ trợ Liban được tổ chức tại Paris, với sự tham dự của thủ tướng Liban Hariri và đại diện của 5 nước thành viên Hội đồng Bảo An để giúp Liban thoát khỏi khủng hoảng. Tổng thống Pháp kêu gọi tổ chức Hezbollah Liban tôn trọng nguyên tắc « không can dự » vào các cuộc khủng hoảng trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề xuất các biện pháp « mạnh tay hơn » để hạn chế « các hành động gây bất ổn » của Hezbollah trong khu vực.

Vậy, lực lượng Hezbollah, họ là ai ? Giáo sư Joseph Daher, thuộc Khoa Khoa Học Xã Hội Và Chính Trị, Đại học Lausanne - Thụy Sỹ nhận định Hezbollah là « lực lượng quan trọng của cả khu vực Cận Đông ». RFI xin tóm lược dưới dạng hỏi - đáp nội dung bài viết của giáo sư Joseph Daher đăng ngày 23/11/2017 trên trang mạng The Conversation.

Hezbollah được hình thành như thế nào ?

Hezbollah, tiếng Ả Rập có nghĩa là « Đảng của Thượng Đế », là một phong trào được hình thành trong những năm 1980, và được hợp thức hóa thành một đảng chính trị vào năm 1985 trong một giai đoạn khủng hoảng chính trị mạnh mẽ, trong bối cảnh nổ ra nội chiến ở Liban, Israel xâm lược Liban vào năm 1982 và sau khi nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran được thành lập vào năm 1979.

Hezbollah là một phong trào chính trị Hồi Giáo dòng Shia, bắt nguồn trực tiếp từ tư tưởng của lãnh tụ tối cao Khomeini và thuyết Luật Hồi Giáo Wilayat al-Faqih của Khomeini, người đã lãnh đạo cuộc Cách Mạng Iran 1979 và thành lập chế độ Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Theo thuyết Wilayat al-Faqih, người nắm về luật Hồi Giáo thâu tóm cả quyền hành chính trị cao nhất.

Năm 1987, Hassan Nashrallah, giải thích là tổng bí thư đảng Hezbollah phải vừa là lãnh tụ tinh thần, vừa là lãnh tụ chính trị và quan niệm cơ bản này phải được mọi thành viên tuân thủ. Ông Hassan Nashrallah trở thành tổng thư ký của đảng Hezbollah vào năm 1992.

Hezbollah ăn sâu, cắm rễ vào các vùng của Liban có đa phần dân chúng là người Hồi Giáo dòng Shia, chẳng hạn ở Dahyeh, ngoại ô thủ đô Beyrouth, miền Nam Liban hoặc ở Bekaa, miền đông Liban. Chính tại các khu vực này, Hezbollah đã tạo được tính chính đáng thông qua việc tích cực, tập trung vào cuộc đấu tranh vũ trang chống Israel, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Và dần dần, Hezbollah trở thành một tác nhân không thể phủ nhận và tạo sự đối đầu trên sân khấu chính trị tại Liban và trong khu vực.

Một số nước như Ả Rập Xê Út và các quốc gia theo chế độ quân chủ ở vùng Vịnh cáo buộc Hezbollah là một tổ chức khủng bố. Một số nước khác, nhất là Syria và Iran, lại ủng hộ Hezbollah và coi đó là một lực lượng chủ chốt chống Nhà Nước Israel.

Sức mạnh của Hezbollah nằm ở đâu ?

Sự lớn mạnh về chính trị của Hezbollah gắn liền với khả năng quân sự mà phong trào này có được trong cuộc nội chiến Liban. Theo một bài viết vào năm 2015 của báo Le Figaro, đảng Hezbollah có khả năng oanh kích Israel với 1.000-1.500 quả pháo/ngày.

Từ kỳ bầu cử lập pháp đầu tiên năm 1992, Hezbollah đã có hơn 10 ghế dân biểu Quốc Hội Liban. Hezbollah đặc biệt khẳng định được sự tín nhiệm của dân chúng khi thắng cử tại nhiều kỳ bầu cử địa phương và kiểm soát được đa phần khu vực sinh sống của người Hồi Giáo dòng Shia trong nước.

Và cuối cùng, sức mạnh của Hezbollah nằm ở mạng lưới các hiệp hội, tổ chức xã hội, giáo dục, từ thiện và các cơ quan văn hóa riêng. Mạng lưới này chủ yếu do Iran cung cấp tài chính, qua đó Nhà Nước Hồi Giáo Iran tuyên truyền lý tưởng chính trị Hồi Giáo của họ.

Sự hỗ trợ tài chính của Teheran, theo nhiều nguồn tin, có thể lên tới 100-400 triệu đô la/năm. Hezbollah nhận tiền tài trợ trực tiếp từ lãnh tụ tối cao của nước Cộng Hòa Iran, cũng là người kiểm soát việc cung cấp tài chính cho tổ chức Hezbollah.

Hezbollah dựa vào tầng lớp dân cư nào ?

Ban đầu, Hezbollah cắm rễ sâu vào các tín đồ Hồi Giáo dòng Shia thuộc tầng lớp nghèo khó nhất. Sau đó lan tỏa dần sang các tầng lớp xã hội khác. Nhưng tầng lớp trung lưu và quý tộc dòng Shia của Liban có ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là ở Beyrouth, ngay trong nội bộ Hezbollah.

Tại ngoại ô phía nam Beyrouth, rất nhiều thành viên thuộc các gia đình Hồi Giáo dòng Shia giàu có nhất và phần lớn tiểu thương đã gia nhập Hezbollah. Thêm vào đó, các cơ quan, tổ chức của Hezbollah, nhất là trong lĩnh vực du lịch và giải trí đáp ứng được nhu cầu và cung cấp được nhiều dịch vụ cho các tín đồ dòng Shia thuộc tầng lớp trung lưu.

Tầng lớp những người có nguồn tiền phong phú, chủ yếu nhờ kết nối với các mạng lưới của Iran, cũng phát triển mạnh, chủ yếu đầu tư vào bất động sản, thương mại và góp phần gắn kết một bộ phận quý tộc dòng Shia ở Liban và khu vực với « Đảng của Thượng Đế ».

Đường lối chính trị của Hezbollah đã thay đổi thế nào ?

Sự đối đầu cứng rắn ban đầu của Hezbollah đối với hệ thống chính trị truyền thống của Liban đã giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn, vào mùa hè năm 2015, trong chiến dịch đấu tranh chống hệ thống điều hành của chính phủ Liban, « Đảng của Thượng Đế » đã không đưa ra yêu sách nào, điều này cho thấy họ cũng ngả về phe của các đảng truyền thống hiện nay.

Vai trò của Hezbollah Trung Cận Đông như thế nào ?

Đảng Hezbollah trở thành một lực lượng quan trọng trong khu vực Trung Cận Đông qua việc can thiệp vào công việc của các nước láng giềng như Irak, Syria và trở thành cánh tay phải của Iran.

Khả năng hành động của phong trào Hồi Giáo Liban dòng Shia không ngừng phát triển trong khu vực. Sau khi liên quân Mỹ-Anh tấn công Irak năm 2003, Hezbolla đã cử cố vấn quân sự sang Irak và hợp tác với dân quân Hồi Giáo nguyên gốc có liên hệ với các nhóm Hồi Giáo chính trị dòng Shia, dưới sự bảo trợ của Vệ binh Cách mạng Iran.

Bên cạnh cuộc chiến chống các đội quân, chẳng hạn dân quân Sunni nguyên gốc, các lực lượng đối lập khác của Irak, các lực lượng chiếm đóng của liên quân Mỹ-Anh, họ còn tấn công dân thường Irak dòng Sunni và tham gia vào cuộc nội chiến 2005-2008 ở Irak.

Tuy nhiên, việc can dự mạnh mẽ nhất của Hezbollah diễn ra tại Syria từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012, bên cạnh quân đội của tổng thống Syria Assad để chế ngự phong trào của phe đối lập. Có 7.000-9.000 chiến binh Hezbollah tại Syria, trong đó có cả các chiến binh lão luyện, chuyên gia kỹ thuật và quân nhân dự bị.

Hezbollah cũng thành lập và huấn luyện dân quân dòng Shia chiến đấu cho chế độ Syria, thậm chí một số nhóm dân quân còn tự nhận là Hezbollah Syria. Và vẫn với sự trợ giúp cuả Teheran, Hezbollah đã đào tạo được 10.000-20.000 dân quân cho chế độ al-Assad ở Syria.

Cho tới nay, cùng với các lực lượng Iran và không quân Nga, Hezbollah vẫn tiếp tục yểm trợ mạnh mẽ cho quân đội của chế độ Syria và các dân quân trung thành với al-Assad trên khắp Syria. Theo nhiều số liệu không chính thức, có khoảng 2.000-2.500 chiến binh Hezbollah đã thiệt mạng và 7.000 chiến binh Hezbollah bị thương tại Syria từ năm 2011.

Việc can dự của Hezbollah vào Syria có liên quan mật thiết với lợi ích của Iran, quốc gia đang tìm cách củng cố và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Điều này cũng giải thích tại sao sự đối đầu quân sự giữa Hezbollah và Israel không còn là ưu tiên duy nhất của Hezbollah Liban, cho dù Israel đã từng xâm lược Liban năm 2006. Hezbollah hiện đang tập trung vào củng cố lợi ích của Teheran, ngay cả ở Liban, và tích cực can thiệp vào Syria và Irak. Các chiến binh và chuyên gia quân sự của Hezbollah còn hiện diện ở cả Yemen, hỗ trợ lực lượng Houti, vốn được Iran ủng hộ.

Hezbollah sẽ đi về đâu ?

Cỗ máy quân sự và an ninh của Hezbollah vẫn là yếu tố then chốt đối với sự phát triển của đảng này để có được một vị thế chính trị chắc chắn và đối đầu với các mối đe dọa. Hezbollah vẫn đang tìm kiếm một vị trí chính thức trong bộ máy chính trị Liban, vừa để đảm bảo chính phủ vận hành ổn định, vừa để kiểm soát hệ thống chính trị Liban ở một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, tại Trung Cận Đông, nơi mà từ năm 2011 liên tục có các cuộc nổi dậy của dân chúng, sự thay đổi chính trị nhanh và mạnh, chắc chắn là Hezbollah rất khó có thể tiếp tục ủng hộ « những người bị áp bức trên toàn thế giới » như họ đã từng tuyên bố trong khi vẫn đang phải hỗ trợ các chế độ độc tài như Syria và Iran.

Hồi cuối tháng 10/2017, người dân theo dòng Shia ở khu phố nghèo Hay Sellom ở thủ đô Beyrouth, Liban, đã bộc lộ sự chán ngán với một đảng Hezbollah hiện đang mải mê điều chiến binh sang Syria mà lơ là trong việc đáp ứng các đòi hỏi xã hội hàng ngày của người dân.

Vì không có giải pháp chính trị thay thế, tạm thời những người theo Hezbollah vẫn sẵn sàng tiếp tục ủng hộ đảng này bất chấp các chỉ trích ngày càng mạnh mẽ trong nước. Nhưng khi có một phong trào chính trị dân chủ, xã hội và tôn giáo đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của người dân ra đời, Hezbollah chắc chắn sẽ không còn được ủng hộ như hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.