Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG-QUỐC TẾ

Làm cách nào để bịt miệng người bảo vệ môi trường ?

Đức tròng trành, Châu Âu nghiêng ngửa, Daech diệt đạo Hồi, Hun Sen mua phiếu đối lập, dương tính với HIV ở thế kỷ 21 là những chủ đề lớn của các tuần báo Pháp. Riêng Courrier International phối hợp với Ân Xá Quốc Tế trình bày « cái giá phải trả » của những nhà tranh đấu vì nhân quyền và môi trường trên khắp nẻo địa cầu.

2,9 triệu người trên thế giởi tử vong vì ô nhiễm môi trường. Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới năm 2013.
2,9 triệu người trên thế giởi tử vong vì ô nhiễm môi trường. Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới năm 2013. Clément GUILLAUME/Getty Images
Quảng cáo

Gương mặt xinh xắn của bé gái chừng một tuổi, âu lo, trước mũi kim tiêm được L’Express đưa lên trang bìa kèm với tựa : Sự thật về thuốc chủng ngừa. Luật y tế thay đổi : Kể từ 01/01/2018 , 11 kháng nguyên (cuả 11 loại bệnh truyền nhiễm) được pha chung trong một mũi tiêm. Tài liệu y tế của L’Express giải thích vì sao cha mẹ không nên lo ngại. Ngày quốc tế chống bệnh liệt kháng SIDA/AIDS, mồng 1 tháng 12, là hồ sơ y tế thứ hai trong tuần, được L’Obs, dành nhiều trang giới thiệu và phỏng vấn các nhân chứng.

Nhân quyền : Từ phiên toà dàn dựng…

Về thời sự quốc tế, tuần báo Courrier International, gửi đến độc giả hai hồ sơ nóng : Nguy cơ châu Âu rạn nứt vì khủng hoảng chính trị tại Đức và cái giá mà các nhà tranh đấu cho nhân quyền trên thế giới phải trả.

Hồ sơ 12 trang được tổ chức Ân Xá Quốc Tế công bố trên Courrier International gồm các bài tường thuật, phân tích và phỏng vấn nhân chứng, những người chấp nhận tù đày, tra tấn chỉ vì tâm nguyện "bảo vệ môi trường và quyền sống con người không phải là tội ác". Trước hết là trường hợp Trung Quốc :

Trong phần dẫn nhập, sự kiện luật sư Giang Thiên Dũng (Jiang Tian Yong) phải lãnh án 2 năm tù với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền", sau một phiên toà giả hiệu, một lần nữa cho thấy chế độ Tập Cận Bình siết chặt bàn tay sắt.

Nhưng không phải chỉ ở Trung Quốc không gian tự do mới bị thu hẹp. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, 11 nhà hoạt động nhân quyền trong đó có giám đốc Ân Xá Quốc Tế bản địa vừa ra khỏi nhà giam, hoặc Taner Kilic, chủ tịch một tổ chức Phi chính phủ, đang chờ lãnh án có thể lên đến 15 năm tù, là một sự bất công làm uất nghẹn. Ân Xá Quốc Tế tung chiến dịch « 10 ngày vận động chữ ký » kể từ 01 tháng 12 để chứng tỏ « bảo vệ nhân quyền không phải là tội ác ».

... cho đến vu khống trắng trợn

Không phải chỉ những nhà họat động đơn lẽ bị đàm áp mà ngay bản thân của đại diện Ân Xá Quốc Tế cũng trả giá nặng. Trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mức độ tàn nhẫn của chế độ, cho dù thâm tâm kẻ thừa hành cũng biết chính nghĩa nằm trong tay người bị tra tấn.

Các chế độ độc đóan bịt miệng các nhà đấu tranh như thế nào ? Idil Eser, một phụ nữ lớn tuổi, giám đốc Ân Xá Quốc Tế ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa được thả vào ngày 25 tháng 10 sau 4 tháng tù cho biết "tội"của bà như sau : tham dự một cuộc hội thảo do một hiệp hội nhân quyền "Cương lĩnh công dân" tổ chức về chống căng thẳng thần kinh, huấn luyện cho các nhà họat động nhân quyền. Bởi vì khi lắng nghe lời kể của nạn nhân bị đàn áp, người nghe cũng bị « stress lây lan ». Do vậy phải học cách hóa giải. Thế mà an ninh Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội bà và những người tham gia hội thảo là "gián điệp". Vấn đề là công an biết rõ sự thật không phải vậy và gọi bà là "bà nội khủng bố". Điều làm cho chế độ này lo sợ là có người tìm hiểu về những vi phạm nhân quyền.

Thấp cổ nhưng không bé miệng thì… đi tù

Trường hợp ông nông dân tên Raleva ở Madagascar rất đáng được suy gẫm. Lên tiếng đòi một công ty Trung Quốc khai thác vàng trình giấy phép khai thác trên đất của mình trong một buổi họp vào tháng 9, nhà nông 62 tuổi này bị viên quận trưởng bắt nhốt và cho đến ngày 26/10 bị kết án 2 năm tù với tội danh « lạm dụng danh nghĩa quận trưởng ».

Theo Ân Xá Quốc Tế, nhiều nhà họat động bảo vệ môi trường ở Madagascar chịu chung số phận trong những năm trở lại đây : bảo vệ động vật hoang dã, gỗ quý thì bị các con buôn Trung Quốc dùng tiền mua chuộc quan chức địa phương kết tội ngược lại là "vi phạm luật bảo vệ môi trường, buôn lậu động vật thực vật quý hiếm".

Bị giam vì "đe dọa hoà bình"

Còn ở Trung Đông, trường hợp của Issa Amro, một nhà hoạt động Palestine chỉ biết kêu trời nếu không có một nhật báo Israel Ha Aret, báo động : chỉ vì tham gia phong trào bất bạo động chống Israel chiếm đất mà Issa Amro có thể bị kêu án 10 năm tù. Vấn đề là trước đó, nhà tranh đấu này đã bị chính quyền Palestine tống giam với tội danh "có hành động đe dọa hoà bình.

Đồng tiền của thủ tướng Cam Bốt

Courrier International không quên thời sự Cam Bốt. Trong những tuần qua, chính quyền Hun Sen từng bước tiêu diệt đối lập và các tổ chức dân sự bị xem là nguy hiểm cho đảng cần quyền. Người hùng liên tục cai trị xứ Chùa Tháp từ 32 năm nay mạnh hay yếu, thủ đoạn ra sao ?

Bài gốc của Asia Times Online "Thủ tướng Cam Bốt mua phiếu đối lập". Sau khi cáo buộc đối lập tiến hành một cuộc "cách mạng màu" và lấy cớ để giải tán đảng Cứu Nguy Dân Tộc, đảng Nhân Dân của ông Hun Sen tung đòn mua phiếu cử tri đối lập với hai biện pháp mềm : tăng lương và cho tiền. Trung tuần tháng 11, thủ tướng Hun Sen tặng cho công nhân một hãng dệt mỗi người một phong bì số tiền tương đương với 2 đôla kèm theo lời hứa giảm thuế cho công nhân viên mà lương tháng dưới 250 đôla . Đổi lại, Hun Sen kêu gọi bỏ phiếu cho đảng của ông trong cuộc bầu cử 2018.

Vì sao, sau 32 năm cầm quyền liên tục, người hùng Cam Bốt sử dụng thủ đoạn mua phiếu trắng trợn ? Về mặt chính thức, đảng Nhân Dân là đảng lớn mạnh nhất xứ Chùa Tháp với 5,3 triệu đảng viên. Thế nhưng trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 6/2017, đảng Nhân Dân chỉ thu được 3,5 triệu phiếu trên tổng số 9,8 triệu cử tri, cho dù đã có "dấu hiệu bất bình thường", tức gian lận, như lời tố cáo của đối lập, nhiều tổ chức phi chính phủ. Theo dự báo của giới phân tích, nếu bầu cử 2018 diễn ra bình thường, Hun Sen sẽ mất đa số ở Quốc Hội và do vậy chiếc ghế thủ tướng sẽ vào tay đối lập.

Berlin hắt hơi, thế giới cảm cúm

Trở lại thời sự châu Âu. Bên cạnh bức hí họa thủ tướng Angela Merkel ôm vỉ trứng, mỗi quả trứng là một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, chân trượt vỏ chuối, Courrier International tóm lược nhận định chung của giới chuyên gia : bị kẹt không lập được nội các, thủ tướng Đức mất vai vế lãnh đạo châu Âu và hệ quả của vận xui này.

Macron, Merkel hai nhà lãnh đạo Pháp Đức tràn ngập các trang báo tuần. Nhìn từ Luân Đôn, The Spectator, ủng hộ Brexit nhận định : Không có Merkel, Liên Hiệp Châu Âu có nguy cơ tan rã". Cả báo chi Đức cũng bi quan : "Khi Berlin hắt hơi, thế giới cảm cúm, tựa của Süddeutsche Zeitung, bản tiếng Pháp trên Courrier International.

Tuy nhiên, không phải nhà bình luận nào cũng bi quan : "Đã đến phiên ông đó Macron ạ !" Der Tagesspiegel thấy trong cái rủi có cái may : Thất bại của bà Merkel không lập được nội các liên hiệp với đảng Tự Do là vận hội tốt cho Pháp và dự án tái cấu trúc Liên Hiệp Châu theo hướng dân chủ hơn do tổng thống Macron đề nghị. Bởi vì, đảng Tự Do (kể cả lúc chủ tịch gốc Việt Phillip Rosler làm phó cho bà Merkel trong chính phủ) luôn ngăn chận mọi dự án dân chủ hóa Liên Hiệp Châu Âu sao cho gần gũi với nguyện vọng của người dân mỗi nước, tức là thêm quyền hạn cho nghị viện quốc gia.

Nhìn từ Paris, tuần báo L’Express tin tưởng Angela Merkel "luôn đứng vững" nhưng phải đối đầu với cuộc thử thách lơn nhất cuộc đời chính trị. Cuộc khủng hoảng hiện nay còn cho thấy trong đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thiếu người kế nghiệp có tầm cỡ.

Hồi giáo là nạn nhân của đạo hữu u mê

Nhìn sang Trung Cận Đông, với tựa "Daech muốn tiêu diệt tâm linh Hồi giáo", trên tuần báo L’Obs, chuyên gia Eric Geoffroy giải thích vì sao tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tấn công thảm sát tín đồ Soufi ở Ai Cập. Lý do chỉ vì hệ phái đạo Hồi chủ trương phát triển tâm linh hoà bình và tình yêu nhân loại. Cũng cùng chủ đề, bài xã luận của Le Point phân tích hiện tượng người Hồi Giáo là nạn nhân của Hồi Giáo chính trị. Chính xác thì tín đồ hệ phái Shia là nạn nhân của thành phần cực đoan trong hệ phái Suni. Hệ phái này do Ả Rập Xê Út làm lãnh tụ. Le Point đặt câu hỏi, liệu thái tử nối ngôi của Ả Rập Xê Út, Mohamad Ben Salman, có thể cùng tổng thống Ai Cập al Sissi, cứu được đạo Hồi thóat khỏi kẻ thù là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hay không ? Hay tiếp tục đắm chìm trong trận thế lừa đảo vừa chống khủng bố vừa dung dưỡng những Ben Laden và thừa kế.

SIDA : phẫn nộ và hy vọng

Ngày 01 tháng 12 hàng năm là ngày Quốc Tế Chống Sida. Mang bệnh liệt kháng ở năm 2017 này, có phương thuốc cầm cự, nhưng đời sống xã hội của người bị dương tính với HIV có thay đổi gì không ?

L’Obs giới thiệu quyển sách mà nhân chứng là một nhóm nạn nhân của HIV, từ tuổi đôi mươi cho đến hơn 60 trong đó có một người gốc Việt 62 tuổi muốn phát biểu tâm trạng.

Tất cả đều có một nhận xét chung : bị vướng HIV từ lâu nhưng ở năm 2017 này vẫn còn phải che dấu mọi người. Cho dù y khoa tiến triển nhanh, tìm ra phương thuốc hiệu nghiệm virus, cho phép nạn nhân hy vọng nhìn về tương lai, nhưng Sida vẫn tiếp tục bị xem là " chuyện cấm kỵ" ngay đối với chính nạn nhân.

Florence, 51 tuổi, nhiễm siêu vi từ năm 1996 tâm sự : "Nhờ phương thức trị liệu phối hợp, sức khỏe tôi bình thường. Tuy nhiên , trong cái nhìn của người ngoài thì « không bình thường chút nào".

Còn ông Phong, 62 tuổi, không có vẻ gì đau ốm cho biết : "Rời Việt nam năm 1975, mất tất cả. Tại Pháp, tôi thấy một số bạn bè tôi lần lượt bị đốn ngã. Trong nỗi tang tóc này, đến phiên tôi bị HIV. Ngày nay, sức khỏe phục hồi nhờ thuốc hiệu nghiệm, tôi tranh đấu để bảo vệ ký ức của mọi nạn nhân".

Xin kết thúc bài điểm tuần báo với niềm hy vọng này. Đối với độc giả ham học, Le Point giới thiệu loạt bài tìm hiểu về thông minh nhân tạo, về phương pháp mà mục tiêu dạy tóan của Singapore. Trong khi đó L’Express cho biết, vì thiếu tiền, tham vọng chinh phục không gian của nhân loại với "trạm sao hỏa" tạm đình hoãn. Nói cách khác, chúng ta sẽ chứng kiến con người quay trở lại mặt trăng.

Cũng như thông lệ, các tuần báo Pháp tràn ngập phần giải trí cuối tuần : Trong số sách được điểm của quyển Le sympathisant - Cảm tình viên, của tác giả Mỹ gốc Việt Nguyễn Việt Thanh được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. Còn độc giả thích món ngon giản dị có thể nếm món cá rô phi chiên, rán, của đầu bếp Nhật Bản Kei Kobayashi ở quận Một, Paris. L’Express, trang thể thao chú ý tới chi phí Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 tại Nga sẽ tốn kém kỷ lục với 10,1 tỷ đôla và nguy cơ thua lỗ không tránh khỏi.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.