Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - HUNGARY

"Quyết chiến" với Soros, chính quyền Hungary đi ngược lại giá trị của Châu Âu

" Dụng ý của Hungary là trở thành phòng thí nghiệm của thứ Châu Âu thù ghét ngoại quốc và theo hướng dân tộc chủ nghĩa, và chúng ta không cho phép họ như thế " - đó là nội dung bài viết của Ban biên tập nhật báo Le Monde của Pháp trong số ra cuối tuần qua.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong 7 năm cầm quyền đã 7 lần tổ chức "tham vấn quốc gia".
Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong 7 năm cầm quyền đã 7 lần tổ chức "tham vấn quốc gia". REUTERS/Laszlo Balogh
Quảng cáo

07:30

Phỏng vấn Hoàng Nguyễn Budapest 27/11/2017

Với tựa đề "Cuộc thánh chiến nguy hiểm của Orbán Viktor chống lại George Soros", báo Le Monde nhận xét rằng, chiến dịch chống lại Soros "với sự bài Do Thái không giấu giếm" mà chính phủ Hung theo đuổi, là "biểu tượng tàn khốc của sự biến thái mỵ dân và độc đoán mà Hungary và nhiều quốc gia Đông - Trung Âu khác để cho mình bị cuốn vào".

Trong chiến dịch mới nhất mà ông Orbán khởi xuớng để chống lại Soros, vị tỷ phú Mỹ gốc Hung vốn kiệm lời này, thông qua hệ thống Quỹ Xã hội Mở của ông, cũng như trực tiếp, đã phải "đăng đàn" để phản bác, và cho rằng là một thảm họa khi chính quyền tìm cách giữ quyền chính bằng cách dối trá và đánh lừa công luận.

Ngày 09/10/2017, lần thứ ba chỉ trong một thời gian ngắn, chính phủ Hungary lại dùng tới vũ khí "tham vấn quốc gia", tức là gửi thư tới tất cả các cử tri kèm những câu hỏi được đặt theo chủ ý, để có được hồi âm hiển nhiên theo “đáp án” mà họ “cài đặt” trước. Lần này, "tham vấn" tập trung về cái mà nội các Hung gọi là “kế hoạch Soros” mà theo họ, Liên Âu đang chuẩn bị thực hiện.

Để hiểu thêm về “tham vấn quốc gia” này, RFI có buổi trao đổi với thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest.

RFI : Chào nhà báo Hoàng Nguyễn, anh có thể cho biết nội dung các câu hỏi trong « tham vấn quốc gia » về kế hoạch Soros được không ạ ?

Hoàng Nguyễn : "Tham vấn" đặt ra bảy vấn đề lớn mà Budapest cho rằng Soros đang thực hiện, đó là:

- Soros muốn thuyết phục Bruxelles hàng năm tiếp nhận ít nhất 1 triệu người nhập cư từ Châu Phi và Cận Đông vào lãnh thổ Liên Âu, trong đó có Hungary.

- Cùng các lãnh đạo Bruxelles, Soros cũng dự định để các quốc gia Liên Âu - trong đó có Hungary - dỡ bỏ hệ thống hàng rào bảo vệ biên giới, mở cửa cho người nhập cư tràn vào.

- Theo “kế hoạch Soros”, Bruxelles bắt buộc các nước thành viên EU, đặc biệt là khu vực Đông Âu, phải tiếp nhận những người nhập cư tập trung ở các quốc gia Tây Âu, và Hungary cũng phải tham gia chương trình này.

- Căn cứ “kế hoạch Soros”, Bruxelles bắt buộc mọi quốc gia thành viên EU, trong đó có Hungary phải chấp cho mọi người nhập cư một khoản trợ cấp nhà nước trị giá 30 ngàn Euro.

- Soros còn muốn người nhập cư phạm tội được hưởng hình phạt nhẹ hơn mức thông thường.

- Mục tiêu của “kế hoạch Soros” là đẩy ngôn ngữ và nền văn hóa các nước Châu Âu lùi vào hậu trường, để quá trình hội nhập của người nhập cư bất hợp pháp diễn ra nhanh hơn.

- “Kế hoạch Soros” cũng nhằm tấn công trên bình diện chính trị các quốc gia phản đối sự nhập cư, và trừng phạt nặng nề họ.

RFI : Theo anh thì thực hư các vấn đề trên là như thế nào?

Hoàng Nguyễn : Báo chí độc lập của Hungary đã nhiều lần phân tích rất kỹ về những vấn đề được liệt kê trong kỳ “tham vấn” lần này, và chỉ rõ rằng cũng như những lần trước, đó là những chuyện hoặc không tồn tại, hoặc được đưa ra một cách thất thiệt, bóp méo hay chí ít cũng “một nửa sự thật”. Chính Liên Âu cũng chính thức lên tiếng bác bỏ, rằng không hề có cái gọi là "kế hoạch Soros".

Ủy ban Châu Âu không hề bàn thảo hay thông qua để tiến hành bất cứ “kế hoạch” nào của Soros liên quan tới người tỵ nạn, và những điểm nói trên là sự bẻ cong ý kiến của Soros ở mức trắng trợn. Trong thực tế, nhà tài phiệt này, trong hai bài tiểu luận năm 2015 và 2016, có nêu ra một số điểm mà theo ông, cần dựa vào đó để xử lý cuộc khủng hoảng tỵ nạn.

Trong đó, ông không đồng tình việc thủ tướng Đức Angela Merkel mở biên giới mà không có được sự chuẩn bị kỹ càng về tổng thể. Theo Soros, vì không lường trước được hậu quả của sức thu hút người nhập cư do nó gây ra, quyết định đó đã ảnh hưởng đến cư dân Châu Âu. Soros cũng không đồng ý với việc các nước thành viên phải tiếp nhận người tỵ nạn theo hạn ngạch.

Ngược lại, Soros đưa ra một lộ trình mà theo ông, Liện Hiệp Châu Âu có thể tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn hàng năm một cách an toàn, có trật tự, theo một chính sách thống nhất về tị nạn và di dân. Có lẽ đó chính là điều mà giới lãnh đạo Hungary không ưa, gọi ông là “công ty tổ chức nhập cư” và mở chiến dịch với slogan “Hãy đừng để yên!”, tiêu tốn gần 3,5 triệu Euro tiền thuế dân.

Theo phát biểu chính thức của hệ thống Quỹ Xã hội Mở, và gần đây là của chính Soros trong một đoạn clip mà ông nói trực tiếp bằng tiếng Hung, nhà tỷ phú có quan điểm hoàn toàn ngược lại với những gì chính quyền Hung gán cho ông trong kỳ "tham vấn" lần này. Và đây không phải lần đầu: cái tên Soros đã được nhắc tới trong chiến dịch hô hào “đừng để Soros đắc chí” trước đó.

Theo Soros, trong khi hệ thống y tế và giáo dục Hung đang trong trạng thái đáng lo ngại và tình trạng tham nhũng ở tầm nhà nước, và chính quyền nước này cần tạo ra một "kẻ thù bên ngoài" để đánh lạc hướng người dân. Cuộc chiến chống lại Soros, theo nhà tỷ phú, làm bùng nổ bầu không khí chống Hồi giáo, với những ngôn từ bài Do Thái gợi nhớ thập niên 30 thế kỷ trước.

RFI : Vậy nguyên nhân của cuộc chiến chống lại Soros là gì?

Hoàng Nguyễn : Cuộc quyết đấu giữa Orbán Viktor và nội các của ông với nhà tài phiệt gốc Hung Soros có thể khó hiểu với nhiều người ở chỗ, tại sao một "Mạnh Thường Quân" của từ nhiều thập niên nay của phe đối lập dân chủ và theo chủ nghĩa tự do của Đông Âu, mà Orbán cũng từng là một thành viên xuất sắc, giờ lại trở nên kẻ thù của thủ tướng Hung?

Những ai theo dõi tình hình chính trị tại Hungary, rất dễ nhận ra kỳ "tham vấn" lần này là một phần của chiến dịch tuyên truyền mang tính nhồi sọ và tẩy não người dân, bắt đầu từ tháng 05/2015, bao hàm cuộc trưng cầu dân ý chống người nhập cư và tỵ nạn năm 2016, và cuộc "tham vấn" chống Liên Âu mang tên "Hãy chặn đứng Bruxelles!" vào mùa xuân 2017.

Trong hơn 2 năm qua, hoạt động tuyên truyền ấy của chính quyền Hung xóa nhòa hai khái niệm "nhập cư" và "tị nạn", đồng nhất họ với khủng bố, coi họ là những kẻ phá hoại phong tục tập quán, truyền thống, thành phần cư dân và chiếm đoạt công việc của người bản địa. Và người "chủ mưu" trong tất cả chiến dịch đưa người nhập cư vào Châu Âu, được cho là Soros.

Hậu quả là, không chỉ Soros biến thành kẻ thù trong mắt nhiều người Hung, mà các tổ chức xã hội dân sự độc lập với chính phủ cũng bị coi là do ông "giật dây" và bị nhìn với con mắt ngờ vực như "gián điệp ngoại bang", "phá hoại"... Bầu không khí bài ngoại bao trùm tại Hungary, ở nhiều nơi heo hút, chưa hề có bóng người tỵ nạn, người dân đã hành hung hoặc gọi cảnh sát khi thấy ai đó họ coi là "lạ".

Tất nhiên, truyền thông ngoại quốc cũng nhận ra dụng ý đó của nội các Hungary. Báo Đức cho rằng Thủ tướng Hung trong 7 năm cầm quyền đã 7 lần tổ chức "tham vấn", vì luật Hung không nhắc gì tới định chế này, và do đó nó không có hậu quả pháp luật gì, tuy nhiên thích hợp để tiêu tiền dân cho mục đích "vận động chính trị" của phe cầm quyền.

Còn "Le Monde" thì quả quyết, "Liên Âu, và trước hết là nước Pháp, không thể thúc thủ trong vụ này", bởi lẽ "không đơn thuần chỉ là chuyện cần lên án từ mọi góc độ hành động chống lại Soros một cách bất chấp của ông Orbán Viktor, mà thông qua vụ Soros, những nhà dân chủ Châu Âu không thể thờ ơ trước việc Hungary đối nghịch với những giá trị của Liên Âu".

RFI xin chân thành cảm ơn nhà báo Hoàng Nguyễn, từ Budapest !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.