Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - MỸ - AFGHANISTAN

Liệu chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan sẽ có hiệu quả?

Ngày 20/11/2017, Hoa Kỳ thông báo một chiến lược mới tại Afghanistan : Đó là tập trung tấn công vào các cơ sở trồng và chế biến ma túy nhằm “tận diệt” nguồn thu tài chính của phe Taliban. Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra bi quan và cho rằng chiến lược mới này của Mỹ có nhiều “rủi ro”.

Quân đội Mỹ chuẩn bị máy bay không người lái tại căn cứ không quân Kandahar, Afghanistan 09/03/2016.
Quân đội Mỹ chuẩn bị máy bay không người lái tại căn cứ không quân Kandahar, Afghanistan 09/03/2016. REUTERS/Josh Smith
Quảng cáo

Trái với những gì được tuyên bố hùng hồn trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống, ông Donald Trump hồi tháng 8/2017 buộc phải thông báo thay đổi chiến lược quân sự tại Afghanistan. Hoa Kỳ không chỉ đưa thêm quân sang Afghanistan, nâng tổng số lính Mỹ tại đây lên 14 000, không quân Hoa Kỳ còn gia tăng các cuộc oanh kích.

Từ đầu năm đến hết tháng 10/2017, không quân Mỹ thả hơn 3 550 quả bom xuống Afghanistan, tăng gấp 3 lần so với toàn năm 2016. Và mới đây nhất, tướng John Nicholson, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan, thông báo đã cho không kích các cơ sở chế biến ma túy tại Helmand, “xứ sở hoa anh túc” do quân Taliban kiểm soát.

Đáng chú ý là lần đầu tiên Hoa Kỳ sử dụng máy bay tàng hình F-22A, đồng thời với việc tăng cường triển khai các loại máy bay không người lái, loại vũ khí công nghệ đời mới nhất, sau thất bại của Daech tại Syria và Irak.

Đương nhiên, giới quân sự phải trấn an công luận là các vụ tấn công này được thực hiện một cách chính xác nhất. Thế nhưng Human Rights Watch lo ngại rằng các chiến dịch không kích này có thể khiến cho người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế phẫn nộ.

Bà Andrea Prasow, đại diện của HRW, lưu ý, công luận Afghanistan rất nhạy cảm với vấn đề thường dân là nạn nhân của các đợt không kích. Một báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc nêu rõ trong vòng 9 tháng (từ tháng 1-9/2017), hơn 460 dân thường, trong đó có 2/3 là phụ nữ và trẻ em đã bị sát hại hay bị thương trong các trận dội bom, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016.

AFP nhắc lại vào tháng 9/2017, một đợt oanh kích của Mỹ tại Kabul đã làm thiệt mạng nhiều thường dân. Vụ việc xảy ra ngay giữa lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đến Afghanistan nhằm tái khẳng định “cam kết” chống khủng bố của Mỹ và NATO tại Afghanistan.

Thế giới còn chưa quên vụ không kích năm 2015 của Mỹ nhắm vào một bệnh viện của tổ chức phi chính phủ Y sĩ không biên giới MSF ở Kunduz làm thiệt mạng 42 người, trong đó có 24 bệnh nhân. Vụ việc đã làm dấy lên một cơn bão chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Bất chấp những cảnh báo, dường như Hoa Kỳ vẫn chủ trương theo đuổi chiến lược mới này. Ông John Hannah, thuộc đảng Cộng Hòa, cựu cố vấn của phó tổng thống Dick Cheney, khẳng định chiến lược mới này là cần thiết, “có thể giúp cho quân đội Afghanistan lấy lại thế tấn công, và về lâu dài, thay đổi đảo tình thế cuộc chiến”.

Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ dùng chiến lược đánh thẳng vào “hầu bao” của kẻ thù. Washington đã từng tìm cách triệt hạ nguồn thu tài chính của Daech khi tấn công vào các cơ sở khai thác dầu khí tại Irak và Syria.

Thế nhưng cuộc chiến ở Afghnaistan chẳng khác gì như trò “mèo vờn chuột”. Liên quân Hoa Kỳ và NATO giành được nhiều thắng lợi quân sự nhưng quân Taliban lại tái chiếm những vùng lãnh thổ này ngay khi quân đội Afghanistan và liên quân quốc tế rút đi. Với chiến lược mới này của Donald Trump, ngày về của lính Mỹ như đã hứa có lẽ sẽ còn xa vời vợi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.