Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Concerto số 3 Rachmaninoff, quả ngọt từ tình bạn cao cả

Đăng ngày:

Trong xứ sở gần như vô hạn của giới sành nhạc, mấy ai không thể không biết đến cuộc ngộ diện giữa hai nghệ sĩ người Nga xuất chúng nhất thế kỉ XX. Một bên là nghệ sĩ dương cầm, nhà soạn nhạc Serge Rachmaninoff, nổi tiếng với những tuyệt tác chạm « thẳng trái tim » với những ngón tay biết hát. Bên kia là « Hoàng đế piano » Vladimir Horowitz, người một mực tôn sùng « vị thần âm nhạc » Rachmaninoff của đời mình.

Nhạc sĩ Rachmaninoff (ảnh chụp 1910)
Nhạc sĩ Rachmaninoff (ảnh chụp 1910) (@wikipedia.org)
Quảng cáo

Tình bạn giữa hai thiên tài

Vào cuối những năm 1910, trong thời gian theo học tại nhạc viện Kiev, Vladimir Horowitz đã biết chơi trọn những sáng tác của Serge Rachmaninoff. Minh chứng thuyết phục nhất đó là ông đã chơi bản concerto số 3, tác phẩm khó nhất trong tất cả concerto cho đàn piano của Rach, trong buổi thi tốt nghiệp ra trường. Cách diễn tấu của cậu sinh viên tài năng này đã gây ấn tượng mạnh tới mức những vị giám khảo khó tính nhất hôm đó cũng phải đứng dậy vỗ tay không ngớt.

Ngay khi đặt chân đến Hoa Kỳ để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn đầu tiên tại đây, « Volodia » (tên gọi thân mật của Horowitz) chỉ có một ý định trong đầu : diện kiến thần tượng của mình. Giấc mơ đã thành hiện thực. Tháng giêng năm 1928, trong căn phòng của hãng đàn Steinway ở New York, Horowitz đã chơi bản concerto số 3 của Rachmaninoff dưới sự dẫn dắt của cây piano 2 do chính tác giả đệm phần dàn nhạc.

Trong trạng thái sững sờ, Rachmaninoff tuyên bố với người nghệ sĩ đồng hương : « Tác phẩm này thuộc về anh đấy ». Nhận xét về sự kiện này, Rach viết : « Anh ấy đã nhào vào những câu nhạc như một con hổ đói ». Với sự táo bạo, lòng can đảm, cuồng phong mãnh liệt, « anh đã ăn tươi, nuốt gọn nó chỉ bằng một miếng ».

Cuộc gặp gỡ đó nhanh chóng làm đâm chồi một tình bạn bền lâu cho đến khi Rachmaninoff qua đời : hai người đàn ông, cùng chung một nỗi niềm lưu lạc tổ quốc, người này khâm phục cái tài của người kia và không ngừng dõi bước nhau trong hoạt động âm nhạc. Horowitz thường hủy các buổi hòa nhạc của mình nếu như Rachmaninoff biểu diễn ở New York. Tương tự như vậy, Rach luôn có mặt trong những buổi diễn của bạn đồng hương Horowitz ở New York, và luôn là vị khán giả ra về cuối cùng.

Mặc dù giữa hai người có nhiều mối đồng cảm và sự tôn kính lớn lao, nhưng không phải lúc nào đôi bạn cũng luôn tìm thấy tiếng nói chung. Đơn cử là khi Rachmaninoff đề cập đến lối diễn tấu của Horowitz về những tác phẩm của Tchaïkovsky, cho rằng bạn chơi hơi quá nhanh. Thế nhưng Horowitz không bao giờ đồng ý với lời nhận xét đó và ông vẫn giữ tempo nguyên sơ của mình trong những buổi hòa nhạc sau.

Concerto số 3, bản nhạc khó nhất hành tinh viết cho đàn piano

Chấp bút trong khu điền viên yên ả của gia đình, Ivanovka, concerto số 3 cho đàn piano được hoàn thành ngày 23 tháng 9 năm 1909. Rachmaninoff viết tác phẩm này với mục đích phô diễn tài năng cá nhân của một nhà soạn nhạc tài hoa cũng như nghệ sĩ dương cầm kiệt xuất thế giới.

Bản anh hùng ca số 3 được xem như một trong những tác phẩm khó nhất trong danh mục biểu diễn của các nghệ sĩ dương cầm danh tiếng. Một mặt vì tính chất đồ sộ, chứa đựng nhiều chuyển đổi phức tạp về tâm thái, từ êm dịu, phẳng lặng tựa hồ thu đến mưa bão cuồng nộ. Một mặt lại đòi hỏi nhiều ngón đàn đỉnh cao trong kĩ thuật chơi.

Thế nên, tuyệt phẩm mệnh danh « khó như ma, như quỷ » ấy khiến nhiều nghệ sĩ dương cầm giỏi giang không dám động tới. Ngay cả thần đồng âm nhạc Ba Lan, Josef Hofmann, người mà Rachmaninoff đã đề tặng và xem là tài ba hơn ông, đã không bao giờ có ý định chơi nó. « Bản nhạc đó không phải dành cho tôi », Hofmann từ chối.

Bản concerto được công diễn lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1909, Rachmaninoff xuất hiện với tư cách là nghệ sĩ khách mời của nhà hát New Theater, New York (sau này là Century Theater). Vào cuối buổi hòa nhạc, sau khi ông chơi xong bản concerto số 3, tiếng reo hò trong khán phòng yêu cầu nghệ sĩ thưởng thêm một đoạn nhạc nữa (bis), nhưng đó là điều không thể. Những ngón tay của Rachmaninoff « đang bị bốc lửa » sau khi chơi bản concerto « thần thánh » này.

Một tờ báo Hoa Kỳ thuật lại : « Khán giả đồng thanh gọi tên nhiều lần ngài Rachmaninoff để cố nài ông ấy diễn lại, nhưng ông ấy giơ tay lên theo nghĩa rằng ông hoàn toàn đồng ý, tuy nhiên những ngón tay của ông lại không nghe lời. Điều này khiến khán giả phải bật cười, và để cho Rachmaninoff rời khỏi sân khấu ».

Có một chi tiết nhỏ liên quan đến bản concerto số 3 này đó là vì sao Rachmaninoff lại có động lực mạnh mẽ mang tác phẩm mới ra lò của mình giới thiệu tại Hoa Kỳ? Đến nỗi do thời gian hạn hẹp, ông không thể tập chơi nó ở Nga mà phải mang theo một cây piano có trang bị hệ thống chặn tiếng để tranh thủ luyện tập trên tàu. Đơn giản là khoản thù lao cho tác phẩm mới mà ông dự trù sẽ được dùng vào việc thực hiện ước mơ đắt đỏ nhất : mua siêu xe. Cuối cùng ông đã chọn chiếc  Mercedes « Lorelei » rất khó tìm thấy tại nước Nga.

Sau khi nghe người nghệ sĩ đồng hương tấu lên đứa con tinh thần của mình, Rachmaninoff đã cho rằng không có ai có thể chơi bản nhạc này xuất sắc hơn Vladimir Holowitz, thậm chí hay hơn cả chính tác giả của nó. Mặc dù sau này, có một số nhà lý luận trao danh hiệu này cho nghệ sĩ piano bậc thầy khác Sviatoslav Richter, nhưng lúc ấy (1928) anh ta chỉ mới 13 tuổi.

Rachmaninoff vốn có đôi tay dài quá cỡ, có thể ôm gọn 13 phím trên đàn. Điều này được coi là kỉ lục trong lịch sử âm nhạc thế giới. Đó chính là một trong những lý do mà một vài sáng tác của ông trở nên bất khả thi đối với những nghệ sĩ piano điêu luyện, có đôi tay gọi là « bình thường ».

Thế nhưng tạo hóa lại ưu ái ban tặng cho Vladimir Horowitz một tâm hồn giàu nhạc cảm và đôi tay ngoại cỡ như Rachmaninoff. Có những bản sonate mà tác giả đã phải lược giản đi vì ngay chính ông cũng không thể vượt qua nổi độ khó về kỹ thuật, thì nay bản thảo đặc biệt được biên tập lại như ban đầu, và chỉ để dành riêng cho Horowitz diễn tấu.

Như là định mệnh, mối đồng cảm sâu sắc, sự thấu hiểu và niềm cảm phục giữa họ đã làm nên một tình bạn cao cả. Để ngày hôm nay, thế giới mới may mắn gập mình trước những đường chạy thần tốc, phi thường như quỉ dữ của concerto số 3.

Có khi nó lại khiến tâm thái nhân loài trở nên sâu hơn, tĩnh hơn bởi những giọt đàn lan tỏa nhả ra từ những đầu ngón tay thiên thần. Tâm hồn khô héo bỗng hồi sinh. Đó là lý do tại sao Serge Rachmaninoff và Vladimir Horowitz trở thành vĩ nhân của mọi thời đại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.