Vào nội dung chính
ANH - NGA - ĐIỂM BÁO

Luân Đôn chỉ trích trò tung tin giả của Matxcơva

Sau Hoa Kỳ đến lượt Anh Quốc tố cáo Nga can thiệp vào tình hình nội bộ. Trên trang nhất, Le Monde (17/11/2017) chạy tít lớn : « Brexit, Catalunya : Matxcơva bị cáo buộc can thiệp ». Bài viết trên trang hai có tựa đề « Luân Đôn chỉ trích trò tung tin giả của Matxcơva » tổng kết các hoạt động can thiệp của Nga từ hệ thống điện, các cơ sở viễn thông và truyền thông, và nhất là cuộc trưng cầu dân ý Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit).

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại buổi dạ tiệc thường niên của thị trưởng Luân Đôn ngày 13/11/2017.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại buổi dạ tiệc thường niên của thị trưởng Luân Đôn ngày 13/11/2017. REUTERS/Peter Nicholls
Quảng cáo

Ngày 15/11/2017, Ciaran Martin, lãnh đạo Trung Tâm An Ninh Mạng Quốc Gia (NCSC) của Anh khẳng định : « Nga tìm cách làm rung chuyển hệ thống quốc tế ». Phát biểu này được đưa ra sau bài diễn văn của thủ tướng Theresa May tại dạ tiệc thường niên của thị trưởng Luân Đôn, hôm thứ Hai, 13/11. Bà May cáo buộc Matxcơva sử dụng tin giả để gây bất hòa tại Anh Quốc và các nước phương Tây khác.

Tuy thủ tướng Anh không nói đến sự can thiệp của Nga vào cuộc trưng cầu dân ý Brexit ngày 23/06/2016, nhưng truyền thông Anh Quốc có đề cập đến. Thời báo Times cho biết, các tài khoản trên mạng xã hội Twitter của Nga, trong 48 giờ, đã tung lên internet hơn 45 ngàn tin nhắn trong khoảng thời gian các phe chống và ủng hộ Brexit tiến hành vận động cử tri.

Tổng cộng có tới 150 ngàn tài khoản Twitter đặt tại Nga đã cuồng nhiệt tung tin nhắn vào thời điểm gần ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý, rồi sau đó, đột ngột « im hơi lặng tiếng ». Theo các nhà nghiên cứu thuộc đại học Swansea (Xứ Wales - Liên Hiệp Anh) và Berkeley (California - Hoa Kỳ), các tin nhắn Twitter nói trên được tung ra một cách tự động, đôi khi có sự trợ giúp của con người và đã có hàng trăm triệu lượt người xem.

Điều đáng chú ý là đa số các tin nhắn Twitter này ủng hộ Brexit thì cũng có một số tin khác chống lại. Do vậy, mục tiêu của các Tweet này là gây rối loạn và làm gia tăng căng thẳng giữa hai phe, chống và ủng hộ Brexit. Ông Damian Collins, chủ tịch Ủy Ban Tin Học Nghị Viện Anh, cho rằng đấy không phải là công việc của một vài người, gửi các tin nhắn từ phòng ở của họ.

Vấn đề cần biết là phải chăng Nga đã xây dựng một mạng lưới hàng ngàn tài khoản Twitter cho phép họ dồn dập tung các tin giả và những nội dung mang tính phe phái. Việc Nga can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 không dừng ở đó. Ủy Ban Bầu Cử Anh đang điều tra về khả năng tổ chức Leave EU, vốn ủng hộ Brexit, nhận tài trợ của Nga.

Đối với Matxcơva, chính quyền Anh tung ra các cáo buộc này nhằm tạo dựng một bức màn khói « kẻ thù bên ngoài », đánh lạc hướng công luận Anh đang lo lắng về hậu quả của Brexit. Tuy vậy, Le Monde nhận định việc Luân Đôn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, làm cho người Anh dao động và phục vụ các lợi ích địa chính trị của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mặt khác, việc thủ tướng May chỉ trích Nga còn nhắm tới nhiều mục tiêu. Thứ nhất, bà muốn chứng tỏ sự khác biệt với tổng thống Mỹ Donald Trump trước những nghi vấn về sự can thiệp của Matxcơva. Trước đây, bà May tỏ ra thân thiện với ông Trump với hy vọng hai nước sẽ ký được một thỏa thuận tự do mậu dịch cho thời kỳ hậu Brexit. Triển vọng này giờ đây khá mờ nhạt.

Thứ hai, thủ tướng Anh muốn tấn công ngoại trưởng Boris Johnson, đối thủ đang ngấp nghé chiếc ghế của bà. Đầu tháng 11/2017, ông Johnson khẳng định với các dân biểu Anh là không có một bằng chứng nào về việc Nga can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý Brexit và từ nay đến cuối năm, ông sẽ công du Matxcơva. Do vậy, thủ tướng Anh tìm mọi cách gây khó khăn cho ngoại trưởng Boris Johnson.

Bóng dáng của Nga trong cuộc trưng cầu dân ý tại Catalunya

Vẫn theo Le Monde, Nga không chỉ bị nghi ngờ can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, mà vào cả cuộc bỏ phiếu hỏi ý kiến dân về nền độc lập của vùng Catalunya, Tây Ban Nha.

Trong bài « Bóng dáng của Nga che phủ cuộc trưng cầu dân ý tại Catalunya », tờ báo cho biết, chính quyền Madrid khẳng định là nhiều tổ chức đặt tại Nga dường như đã sử dụng mạng xã hội Twitter và Facebook để tiến hành một chiến dịch tung tin giả, với mục đích ủng hộ Catalunya đòi độc lập.

Trong cuộc họp tại Bruxelles, ngày 13/11/2017, các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Tây Ban Nha nói là có bằng chứng về những hoạt động này. Bộ trưởng Quốc Phòng Maria Dolores de Cospedal tỏ ra thận trọng, tránh nêu đích danh nước Nga, nhưng nhấn mạnh : không thể khẳng định một cách hoàn toàn chắc chắn là chính phủ Nga, nhưng các hoạt động tung tin giả này xuất phát từ lãnh thổ Nga.

Về phần mình, ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis, dẫn nguồn tin của giới chuyên gia, cho biết một nửa số tài khoản trên mạng xã hội có liên quan đến hồ sơ Catalunya là đặt tại Nga, 30% tại Venezuela.

Đương nhiên, chính phủ Nga bác bỏ mọi cáo buộc can thiệp hoặc gây bất ổn trong cuộc khủng hoảng Catalunya. Theo điện Kremlin, những cáo buộc này là không có cơ sở và mang tính cuồng loạn. Đại sứ Nga tại Madrid lên án truyền thông Tây Ban Nha sử dụng lá bài « Nga can thiệp », để giải thích một vấn đề rất nghiêm trọng mà nước này phải đối mặt.

Donald Trump : Doanh nhân chào hàng ngoại hạng

Nhật báo kinh tế Les Echos tiếp tục có bài nhận định về chuyến công du châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump. Bài viết hóm hỉnh đề tựa : « Trump: Nỗi nhọc nhằn của một doanh nhân chào hàng siêu hạng tại châu Á ».

Đầu tiên hết, bài viết nhận định về chuyến công du châu Á của ông Trump như sau: Hoành tráng, nhưng không mấy hiệu quả trên cả hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên lẫn trên các vấn đề mậu dịch. Nhưng có trên tay hàng tỷ đô la hợp đồng. Tuy là công du nước ngoài, nhưng tổng thống Mỹ vẫn không quên các cử tri của mình. Tại Đà Nẵng, bài diễn văn của Donald Trump trình bày tầm nhìn về thương mại gợi nhắc lại điệp khúc « Nước Mỹ trước đã » mà ông đưa ra trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống.

Ông không bỏ qua một dịp may nào để nhắc rằng vẫn sẽ luôn ưu tiên cho lợi ích nước Mỹ ngay khi ông có thể. Không những không hứa hẹn đưa Mỹ quay trở lại trong khu vực, nhưng chuyến công du châu Á đầu tiên này của ông Trump còn cho thấy rõ việc ông đang nhắm đến việc tái tranh cử nhiều hơn.

Phương pháp ngoại giao của Trump mang đậm dấu ấn của một doanh nhân. Tại mỗi điểm dừng chân, mỗi cuộc tiếp xúc với một nguyên thủ hay lãnh đạo đương nhiệm đều mang dụng ý là « bán hàng hóa của Hoa Kỳ ». Tổng thống Mỹ đã tỏ ra ngạc nhiên không bán được thiết bị quân sự cho Hà Nội, hiện đang tìm nguồn cung từ Nga.

Thương mại là trên hết. Do đó, trên hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ đã không thu được một cam kết nào từ Bắc Kinh, trong khi mà, những quốc gia bị đe dọa như Nhật Bản và Hàn Quốc phải lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ vẫn bán vũ khí cho Đài Loan bất chấp phản đối của Trung Quốc.

Vậy mà trước một Tập Cận Bình, ông Donald Trump đã không có được một sự nhượng bộ nào trong quan hệ ngoại thương với Trung Quốc. Les Echos cũng không quên nhắc lại là trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã không kiệm lời chỉ trích những người tiền nhiệm là thiếu cương quyết, để cho Hoa Kỳ phải gánh chịu thâm hụt cán cân mậu dịch trong suốt nhiều thập niên liền.

Cuối cùng, trong những vấn đề đối ngoại, tổng thống Mỹ tỏ ra không mấy thoải mái. Chuyến đi này của ông không cho thấy rõ hơn về những đường hướng ngoại giao chung. Trong suốt thời gian này, 11 thành viên còn lại của Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ tuyên bố rút lui đã ký một thỏa thuận mới.

Những quốc gia đó hiểu rõ rằng việc dỡ bỏ TPP sẽ mở rộng đường cho Trung Quốc. Trong khi mà cùng lúc này, Donald Trump đang chạm cốc với Tập Cận Bình.

Khứu giác bị rối loạn : Dấu hiệu của bệnh Parkinson

Trong lĩnh vực sức khỏe, Le Figaro gởi đến độc giả một số thông tin hữu ích về « mối liên hệ giữa hiện tượng mất khứu giác và bệnh Parkinson ».

Theo một nghiên cứu được đăng trên tờ Neurology (Thần kinh học), sau 65 tuổi cứ 5 người Pháp thì có một người bị rối loạn khứu giác. Với nhiều đối tượng trong số này, triệu chứng mất khứu giác này diễn ra vào năm trước khi mắc chứng bệnh Parkinson. Các nhà nghiên cứu trường đại học Michigan đã theo dõi và đánh giá về khứu giác của hơn 2 000 người trong vòng một thập niên.

Kết quả cho thấy là những ai bị mất khả năng khứu giác nghiêm trọng có nguy cơ mắc chứng bệnh Parkinson cao gấp 5 lần trong mười năm sau đó so với những người không bị tổn thương về khứu giác. Còn đối với những người mất khứu giác ở mức « trung bình », rủi ro mắc bệnh thấp hơn.

Theo giải thích của giáo sư thần kinh học bà Marie Vidailhet, thuộc bệnh viện Pitié-Salpétrière : « Nghiên cứu tổng quát này khẳng định những chúng ta đã biết từ vài năm nay. Các triệu chứng tổn thương thần kinh dường như bắt đầu từ những hành khứu giác ».

Leonard de Vinci : Cú sét đánh cho thị trường nghệ thuật

Bức tranh « Salvator Mundi » của danh họa Leonard de Vinci vừa được bán với mức giá kỷ lục 450,3 triệu đô la tại New York ngày 15/11/2017 trong một cuộc bán đấu giá. Sự kiện này được các báo Pháp bàn tán sôi nổi.

« Một bức tranh của Leonard de Vinci đánh bật mọi kỷ lục », « Giá kỷ lục cho một Leonard bí ẩn » hay « Léonard de Vinci : một cú sốc cho thị trường nghệ thuật » là tựa đề các bài nhận định trên Le Monde, La Croix và Le Figaro. Cả ba nhật báo đều cho rằng với giá bán kỷ lục này, thị trường nghệ thuật vừa làm một bước đại nhảy vọt.

Theo Le Figaro, sự kiện đã khiến cho kẻ cười, người khóc. Thị trường nghệ thuật đang trong tâm trạng bị sốc. Bởi vì, chỉ trong vòng có 19 phút đấu giá giữa 4 người tham gia qua điện thoại và một người khác trong phòng đủ để quét sạch kỷ lục 179,3 triệu đô la do bức họa Les Femmes d’Alger của Picasso nắm giữ năm 2015.

Nhật báo tự hỏi : Giờ chính thức trở thành bức ảnh đắt giá nhất thế giới, tại các sàn đấu giá và thị trường tư nhân, phải chăng bức tranh này của Vinci là cú sét đánh lớn cho thị trường nghệ thuật ?

Ngoài việc lược thuật lại hành trình gian truân của bức tranh ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XVI, thất lạc trôi nổi qua nhiều tay chủ và xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên vào năm 1958 tại Sotheby’s, cả ba nhật báo đều trích dẫn nhận định của nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính chính đáng của tác phẩm nghệ thuật này. Riêng Le Figaro còn thắc mắc đến danh tính bí ẩn của người mua.

Trang nhất các báo Pháp

Les Echos và La Croix quan tâm đến tình hình chính trị trong nước qua hai tít chính « Quyền sai lầm : dự thảo luật của Macron để thay đổi Nhà Nước » và « Cuộc sống mới của các đảng chính trị » tại Pháp.

Libération vẫn đặt niềm tin vào khả năng bảo vệ môi trường khi khẳng định rằng : « Chưa, vẫn còn chưa muộn ». Trong khi đó, lĩnh vực đối ngoại là chủ đề trọng tâm của Le Figaro qua hàng tựa : « Vụ Hariri, Pháp tự khẳng định như là một nhà trung gian ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.