Vào nội dung chính
ĐỨC - QUỐC TẾ - KHÍ HẬU

Lập liên minh quốc tế ‘‘đoạt tuyệt than đá’’ để bảo vệ khí hậu

Hôm nay, 16/11/2017, vào ngày cuối của hội nghị khí hậu COP23 tại Bonn, một nhóm khoảng 20 nước do Anh và Canada chủ xướng thông báo quyết định thành lập một liên minh quốc tế nhằm đoạn tuyệt với than đá. Quyết định nói trên được hoan nghênh, nhưng các nước tham gia liên minh chỉ chiếm một phần tiêu thụ than rất nhỏ, trên qui mô thế giới.

Một nhà tranh đấu giương biểu ngữ chống than đá, bên lề hội nghị COP23. Ảnh chụp bên bờ sông Rhein, Đức, ngày 15/11/2017.
Một nhà tranh đấu giương biểu ngữ chống than đá, bên lề hội nghị COP23. Ảnh chụp bên bờ sông Rhein, Đức, ngày 15/11/2017. REUTERS/Leon Kuegeler
Quảng cáo

Theo AFP, trong liên minh đoạn tuyệt với than đá nói trên, ngoài Anh và Canada, còn có Bỉ, Pháp, Phần Lan, Ý, Bồ Đào Nha, Angola, Salvador… và cả một số tiểu bang Mỹ, Canada. Tất cả các thành viên của liên minh cam kết sẽ loại trừ dần dần các nhà máy điện than, với các thời hạn khác nhau. Cụ thể như Anh sẽ ngừng dùng than từ năm 2023, Canada và Pháp vào 2021-2022…

Than đá là nguồn năng lượng chính trong sản xuất điện, chiếm 40% sản lượng toàn cầu. Năng lượng than – gây tổn hại nghiêm trọng cho chất lượng không khí, môi trường, và thủ phạm chính của việc Trái đất bị hâm nóng – là vấn đề trung tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Một đại diện của tổ chức Greenpeace nhìn nhận « đây là một dấu hiệu tích cực của phong trào chống than trên thế giới », việc liên minh ra đời càng làm nổi rõ « thái độ lần chần của chính phủ nhiều nước », hoặc « lập trường ủng hộ loại năng lượng bẩn nhất thế giới ».

Trước mắt, tác động của liên minh này chủ yếu mang tính biểu tượng, vì các quốc gia tiêu thụ than đá chính nằm ở châu Á, cụ thể là các nước Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Tổng thư ký LHQ lên án đầu tư cho năng lượng hóa thạch

Hôm qua, 15/11, tại hội nghị khí hậu COP23 ở Bonn, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên án các thị trường tiếp tục đầu tư cho than đá, dầu mỏ, đe dọa tương lai hành tinh.

Tổng thư ký Guterres tổng kết là, trong năm 2016, đã có 825 tỉ đô la được đầu tư cho năng lượng hóa thạch và các hoạt động tạo nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong khi đó, cũng tại diễn đàn COP23, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu nỗ lực đóng góp cho Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC), để bù vào phần khuyết thiếu do Hoa Kỳ rút đi. GIEC là một tổ chức quốc tế đóng vai trò lớn trong việc tổng hợp thường xuyên các hiểu biết về khí hậu, được coi là một nguồn thông tin quan trọng giúp cộng đồng quốc tế hoạch định các quyết định mang tính chiến lược. Năm 2016, Hoa Kỳ đóng góp khoảng hai triệu đô la cho GIEC, chiếm gần một nửa chi phí của tổ chức này.

Phát biểu đầu tiên của Mỹ kể từ tuyên bố rút khỏi COP21

Cũng về COP23, bài phát biểu của đại diện Hoa Kỳ, trợ lý bộ trưởng Khoa Học và Môi Trường Judith Garber, vào chiều nay, trong phiên bế mạc hội nghị, là một diễn văn được trông đợi, cho dù chính phủ Mỹ thường xuyên khẳng định quan điểm sẽ rút khỏi thỏa thuận Paris COP21.

Một nhà quan sát theo dõi kỹ các thương thuyết về khí hậu cho biết, bất kể lập trường của Washington, rất nên xem đại diện bộ Môi Trường Mỹ có thái độ cụ thể như thế nào, và các phản ứng của cộng đồng quốc tế. Đây là lần đầu tiên Mỹ có phát biểu chính thức kể từ tuyên bố rút khỏi COP21, hồi tháng 6 của tổng thống Trump.

Về nguyên tắc, Hoa Kỳ chỉ có thể chính thức rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, kể từ tháng 10/2020. Nhiều người hy vọng tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo sẽ đảo ngược lại quyết định của ông Donald Trump.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.