Vào nội dung chính
TIN VẮN

TIN ĐỌC NHANH

Quảng cáo

(AFP) - Hồng Kông và ASEAN ký thỏa thuận thương mại tự do. Thỏa thuận thương mại tự do và một thỏa thuận đầu tư được ký ngày 12/11/2017. Sự kiện này được coi là một cuộc bỏ phiếu chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Thỏa thuận thương mại tự do với Hồng Kông là thỏa thuận thứ 6 được ASEAN ký tại Manila, sau các thỏa thuận tương tự với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Ông Ramon Lopez, bộ trưởng Thương Mại Philippines, chủ tịch ASEAN năm 2017, cho biết việc ký kết hai hiệp định đánh dấu cam kết chia sẻ sự thịnh vượng và tăng trưởng toàn diện trong khu vực.

(SCMP) - Mỹ-Nhật tập trận chung ở biển Nhật Bản. Cuộc tập trận chung diễn ra ngày 12/11/2017 « nhằm tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên », theo phát biểu của quan chức Hải Quân hai nước. Phía Mỹ có cả ba tầu sân bay tham gia và phía Nhật Bản có ba tầu hộ tống Ise, Makinami và Inazuma. Hải Quân Mỹ đang tập trận trong vòng 4 ngày từ 11-14/11 tại Tây Thái Bình Dương và đây là lần đầu tiên cả ba hàng không mẫu hạm tham gia để thể hiện sức mạnh quân sự, gây sức ép với Bắc Triều Tiên.

(Reuters) - Lính Bắc Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc. Seoul ngày 13/11/2017 thông báo một quân nhân Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc và bị đồng đội bắn trọng thương. Đương sự đã được đưa vào bệnh viện điều trị. Một quan chức bộ Quốc Phòng Hàn Quốc nhấn mạnh : không một vụ chạm súng nào xảy ra giữa quân đội hai nước. Mỗi năm vẫn có khoảng 1000 công dân Bắc Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc. Vụ gần đây nhất xảy ra hồi tháng 6/2017.

(AFP) - Khủng hoảng Liban : Paris khuyến cáo Ryad và Teheran. Không gọi đích danh Iran và Ả Rập Xê Út, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố « rất quan ngại về tình hình Liban » và kêu gọi tôn trọng nguyên tắc « không can thiệp vào nội tình nước có lịch sử lâu dài với Pháp ». Ngày chủ nhật, từ Ả Rập Xê Út, thủ tướng Liban Saad Hariri cho biết « tự do hành động và sẽ về nước trong nay mai ». Một lần nữa, thủ tướng Liban tố cáo Iran can thiệp vào chính trường Liban. Sự kiện một thủ tướng đương nhiệm, từ nước ngoài, tuyên bố từ chức để bảo toàn sinh mạng, gây hoang mang trong công luận Liban từ ngày 04/11 đến nay.

(AFP) - Syria : không quân Nga oanh kích dân tị nạn. Theo tổ chức Nhân Quyền Syria OSDH, 50 thường dân trong đó có 20 trẻ em Syria bị máy bay Nga oanh kích chết. Địa điểm tấn công là hai trại tạm cư đón tiếp thường dân từ thành phố Boukamal, căn cứ cuối cùng của Daech, chạy trốn chiến sự.

(AFP) - Iran và Irak bị động đất mạnh, ít nhất 344 người chết, hơn 4.000 người bị thương. Trận động đất 7,3 độ Richter xảy ra đêm Chủ Nhật 12/11/2017, rạng sáng thứ Hai 13/11 tại vùng biên giới Iran và Irak. Phía Iran bị thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, chủ yếu ở tỉnh Kermanshah.

(RFI) - Irak : Hơn 400 thi thể được phát hiện trong một hố chôn tập thể. Theo lãnh đạo tỉnh Kirkouk ngày 12/11/2017, hố chôn tập thể trên nằm cách thị trấn Hawija 30 km về phía bắc, từng là một thành trì của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và đã được giải phóng hồi tháng 10/2017. Căn cứ quân sự ở Hawija dường như được Daech sử dụng làm nơi hành quyết nhiều người. Chính quyền Irak sẽ cho tiến hành điều tra để xác định danh tính các nạn nhân.

(AFP) - Venezuela : Liên Hiệp Châu Âu thông qua biện pháp mới trừng phạt Caracas. Một trong số biện pháp của Bruxelles buộc tổng thống Maduro đàm phán với đối lập Venezuela là cấm vận. Biện pháp thông qua ngày hôm nay liên quan đến « vũ khí và các trang thiết bị có thể sử dụng để đàn áp ». Hôm nay cũng là ngày được xem là « đầy bất trắc cho chế độ Maduro ». Vào trưa nay giờ địa phương, Caracas sẽ phải chứng minh có đủ khả năng trả nợ quốc tế khoảng hơn 11 tỷ đôla sắp đáo hạn trong khi trữ lượng ngoại tệ quốc gia chỉ còn độ 9,7 tỷ đôla. Tổng thống Maduro cho biết sẽ « không tuyên bố phá sản », mà sẽ « đàm phán lại món nợ » 150 tỷ đô la .

(RFI) - Perou : Khu khảo cổ Ventarrón bị thiêu rụi. Tại vùng Lambayeque, miền bắc Perou, một đám cháy dữ dội bùng lên từ nhà máy công-nông nghiệp Pomalca, vào chiều Chủ Nhật 12/11/2017, đã phá hủy phần lớn khu khảo cổ Ventarrón, nơi có đền thờ 4500 năm, được phát hiện năm 2007. Ventarrón cũng là nơi có bức tranh tường cổ nhất châu Mỹ, với trên 2000 năm tuổi.

(AFP) - Biến đổi khí hậu tàn phá nhiều di tích thiên nhiên. Ngày 13/11/2017, tại hội nghị khí hậu Bonn- Đức, quốc tế cảnh báo nạn tàn phá di tích thiên nhiên do biến đổi khí hậu tăng nhanh trong thời gian gần đây. Các rạn san hô bị tẩy trắng, tan băng, hỏa hoạn... Di sản thiên nhiên của thế giới ngày càng bị đe dọa. Theo báo cáo của Hiệp Hội Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên IUCN, chỉ trong ba năm nhịp độ tàn phá các di sản thiên thiên của thế giới đã bị « nhân lên gấp ba ». Trên 241 di sản thiên nhiên trong danh sách của UNESCO, 62 đang bị « đe dọa » vì biến đổi khí hậu, thay vì 35 quần thể như hồi 2014.

(Reuters) - Lượng khí thải CO2 tăng 2% trong năm 2017. Cũng tại hội nghị về khí hâu COP 23, các chuyên gia cảnh báo lượng thải khí carbon trên thế giới năm 2017 tăng lên trở lại sau một thời gian đã được « duy trì ổn định từ 2014 đến 2016 ». Trung Quốc là «thủ phạm » chính trong vụ này. Theo thẩm định của trung tâm nghiên cứu về khí hậu CICERO trụ sở tại Oslo-Na Uy, khối CO2 Trung Quốc thải ra năm nay tăng 3,5 %. Nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính của Hoa Kỳ năm nay "kém" hơn so với 2016, do Hoa Kỳ sử dụng nhiều than đá hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.