Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Paradise Papers, liên hệ "mật thiết" Mỹ Nga ?

Đăng ngày:

Paradise Papers : Mẫu số chung giữa nữ hoàng Anh Elizabeth II, thủ tướng Canada Justin Trudeau, tổng thống Mỹ Donald Trump là cả ba đều gián tiếp liên quan đến các vụ ủy thác tiền bạc tại các thiên đường thuế, theo như tiết lộ từ 13,5 triệu tài liệu đang từng bước được công bố.

W.Ross (trái) trước khi được tổng thống Trump bổ nhiệm làm bộ trưởng Thương Mại. Ảnh ngày 20/11/2016.
W.Ross (trái) trước khi được tổng thống Trump bổ nhiệm làm bộ trưởng Thương Mại. Ảnh ngày 20/11/2016. Reuters
Quảng cáo

Nhờ thủ thuật cao siêu lách thuế, những người giàu có nhất thế giới và các công ty đa quốc gia tiết kiệm được 350 tỷ đô la tiền thuế. Để so sánh, GDP của cả nước Việt Nam trong năm 2016 đạt 202,6 tỷ đô la theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới.

Suốt tuần này, Hiệp Hội Phóng Viên Điều Tra Quốc Tế (ICIJ) có trụ sở tại thủ đô Washington, cùng với 96 cơ quan truyền thông trên thế giới, trong đó có Đài Phát Thanh Pháp Radio France, hay tờ báo uy tín của Paris là Le Monde… trong chiến dịch mang tên Paradise Papers sẽ từng bước "nhả" những thông tin nhạy cảm về những nhân vật giàu có nhất trên thế giới, những tập đoàn nổi tiếng nhất, từ nhiều năm qua đã vận dụng những kẽ hở của "hệ thống" để "tránh bị đánh thuế nhiều" nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ pháp lý.

Hành vi lách thuế này được gọi theo tiếng Pháp là "Optimisation fiscale". Đây là khác biệt lớn nhất so với vụ Panama Papers được tiết lộ cách nay một năm rưỡi.

Trong 24 giờ đầu sau khi vụ Paradise Papers được công bố, lãnh đạo ba nước lớn trên thế giới là Anh, Mỹ và Canada bị liên lụy : trong trường hợp của nữ hoàng Anh, Elizabeth II ủy thác cho công ty quản lý tài sản Duchy of Lancaster 10 triệu bảng Anh và số tiền này được đầu tư tại hai "thiên đường thuế" là quần đảo Cayman và Bermuda.

Các khoản đầu tư này đều hợp pháp có điều, tiền của nguyên thủ Anh đầu tư vào tập BrightHouse mà công ty này nổi tiếng là làm giàu "trên xương máu" của người nghèo qua dịch vụ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp vay tín dụng với tiền lãi là 99,9 % ! Chỉ một mối liên hệ dù không trực tiếp ấy, cũng đủ làm xấu đi hình ảnh của Elizabeth II, người mà trên nguyên tắc phải bảo vệ quyền lợi cho thần dân của bà.

Trường hợp của thủ tướng Canada, Justin Trudeau cũng tế nhị không kém : một trong những người bạn thân tín nhất và cũng là người nắm hầu bao của đảng Tự Do, Stephen Bronfman, có tên trong danh sách các "chuyên gia lách thuế", gây thiệt hại cho nhà nước Canada hàng triệu đô la. Tiết lộ liên quan đến nhà tỷ phú Bronfman lại càng nhậy cảm hơn khi biết rằng, thủ tướng Trudeau coi việc bài trừ các thiên đường thuế là một ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ đầy hứa hẹn của vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Canada.

Nhưng tất cả mọi chú ý đang dồn về phía tổng thống Trump cho dù ông đang ở cách xa thủ đô Washington đến hơn 11 ngàn cây số : 13 trong số những người thân cận của chủ nhân Nhà Trắng khai thác các công ty bình phong, cách thức làm ăn phức tạp của các "tổ hợp đầu tư" để ủy thác tài sản ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong số này, con rể của tổng thống Hoa Kỳ Jared Kushner ít nhiều bị liên quan, rồi ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson. Nhưng hồ sơ nhậy cảm nhất liên quan đến bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, Wilbur Ross. Ông là một trong những nhân vật "có trọng lượng" nhất trong chính quyền, đứng đầu một tài sản ước tính lên tới 3 tỷ đô la, tức không thua so với ông vua địa ốc Donald Trump là bao. Wilbur lại nổi tiếng là một doanh nhân sắc sảo, được mệnh danh là "con kền kền" do thường mua lại các công ty sắp phá sản để làm giàu.

Khi được mời làm bộ trưởng Thương Mại, ông Ross đã cam kết "sang tên" 80 doanh nghiệp do ông đứng đầu, mà phần lớn trong số ấy được đặt tại các địa điểm có chế độ thuế khóa ưu đãi. Tuy nhiên, Wilbur Ross vẫn giữ lại 9 trong công ty chuyên quản lý "tín dụng địa ốc" và giao thông hàng hải.

Ross và quỹ đạo Putin

Những mối làm ăn của nhà tỷ phú Mỹ Wilbur Ross không gây nhiều tranh cãi nhân các cuộc điều trần ở Thượng Viện trong quá trình bổ nhiệm. Tuy nhiên nhiều câu hỏi đã dấy lên về liên hệ giữa ông với nước Nga của tổng thống Putin đang bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Thứ nhất : trong thời gian từ 2014 đến 2016, Wilbur Ross là phó thống đốc ngân hàng Bank of Cyprus. Tập đoàn tài chính này quản lý tài sản cho nhiều đại gia Nga. Trong tư cách phó thống đốc ngân hàng này, ông Ross đã thường xuyên giao tiếp với Valimir Strazhakhovsky, một thời là đồng nghiệp của Putin trong đại gia đình KGB.

Mối liên hệ này đã bị "pha loãng" trong vô số những thông tin để rồi, không hề ảnh hưởng đến quyết định sau cùng trong việc bổ nhiệm nhà tỷ phú Wilbur Ross vào chức vụ bộ trưởng Thương Mại.

Liên hệ trực tiếp thứ nhì giữa doanh nhân Mỹ Ross và Nga được gắn liền với tập đoàn vận tải đường biển Navigator Holdings Ltd., trụ sở đặt tại đảo Cayman.

Paradise Papers tiết lộ bộ trưởng của tổng thống Donald Trump vẫn còn kiểm soát 31,5 % vốn của công ty hàng hải Navigator Holdings Ltd. mà tập đoàn dầu khí Nga Sibur là một trong những khách hàng quan trọng nhất, đem về từ 5 đến 9 % doanh thu của tập đoàn.

Xung đột lợi ích

Theo Hiệp Hội Phóng Viên Điều Tra Quốc Tế (ICIJ) khúc mắc nằm ở chỗ, từ khi ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng, Wilbur Ross vẫn thu về hàng triệu đô la từ công ty Navigator Holdings Ltd.

Như vậy công ty vận chuyển hàng hải này của ông Ross không hơn không kém là một đối thủ cạnh tranh với các công ty Mỹ có trụ sở ở Hoa Kỳ phải đóng thuế một cách bình thường.

Trả lời trên đài France Inter, Jacques Monin, giám đốc đặc trách về vụ điều tra Paradise Paper, đại diện cho đài phát thanh Pháp, Radio France nhấn mạnh trên xung đột lợi ích giữa doanh nhân và bộ trưởng Thương Mại Ross :

"Cần nhắc lại là có đến 13 nhân vật thân cận với tổng thống Donald Trump cất giấu rất nhiều tài sản ở các thiên đường thuế khóa. Trong số này phải kể đến những tên tuổi được biết đến nhiều, như ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson, hay bộ trưởng Thương Mại, Wilbur Ross. Trường hợp của ông Ross có lẽ khiến tổng thống Trump khó xử hơn cả. Trong cương vị bộ trưởng Thương Mại, ông này là người có trọng trách đặt ra một số luật chơi chung cho mọi giao thương giữa Mỹ với các đối tác quốc tế. Vậy mà chính Wilbur Ross lại ủy thác tiền ở các thiên đường thuế khóa. Ở đây đặt ra vấn đề xung đột lợi ích giữa vai trò một doanh nhân và một nhà hành pháp.

Đáng quan ngại hơn, là liên hệ trực tiếp giữa một thành viên trong chính quyền Donald Trump với gia đình Vladimir Putin và nhiều doanh nhân Nga đang bị Hoa Kỳ trừng phạt. Bộ trưởng Thương Mại Mỹ đang cộng tác với một tập đoàn dầu khí của Nga là Sibur. Ở đây lại có hai trở ngại lớn khác : Thứ nhất, một cổ đông của Sibur là con rể của tổng thống Nga, Vladimir Putin. Có lúc con rể của tổng thống Putin kiểm soát đến 20 % vốn của tập đoàn này, tỷ lệ đó gần đây chỉ còn là khoảng 3,9 %.

Vấn đề thứ hai là cũng trong thành phần quản trị Sibur, có nhiều doanh nhân Nga nằm trong danh sách bị Hoa Kỳ trừng phạt vì Matxcơva can thiệp vào Ukraina. Nội bấy nhiêu thông tin, cũng đủ để chưởng lý đặc biệt Robert Mueller phải quan tâm. Ông Mueller đang điều tra về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, tạo thuận lợi cho ứng cử viên Donald Trump"

Kirill Chamalov là chồng con gái út của Vladimir Putin. Còn nhà tỷ phú Guennadi Timtchenko là một trong những nhân vật nằm trong danh sách đen của bộ Tài Chính Mỹ. Tài sản của ông này được báo Forbes ước tính lên tới trên 15 tỷ đô la. Ở Matxcơva Timtchenko được xem là người nắm giữ hầu bao của điện Kremli. Nhân vật thứ ba trong hàng ngũ lãnh đạo Sibur là Leonid Mikhelson, chủ nhân của tập đoàn năng lượng Novatek. Novatek cũng bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Không chỉ có Wilbur Ross

Mối liên hệ "mật thiết" giữa tư bản Mỹ và Nga không dừng lại ở đây. Nhiều nguồi tin thông thạo cho biết là nội trong tuần này, Paradise Papers còn tiết lộ thêm nhiều tài liệu "nóng" liên quan đến Facebook và Twitter. Cả hai tập đoàn này, theo các nhà điều tra ICIJ, từng nhận "những khoản tài trợ quan trọng xuất phát từ các cơ quan chính thức của Nga, qua một trung gian. Trung gian đó lại là một "cộng tác viên với Jared Kushner", con rể tổng thống Trump và cũng là cố vấn của Nhà Trắng

"Kỹ thuật lách thuế tinh xảo và hợp pháp "

Mỗi quốc gia đều có luật thuế khóa riêng và mức thuế không đồng nhất, do vậy những ai có tài sản lớn, dù là cá nhân hay công ty đều có thể nhờ một văn phòng luật sư cố vấn để mở cơ sở tại các "thiên đường thuế".

Trên nguyên tắc, một công dân Anh phải đóng thuế tại Anh, một hãng của Mỹ phải trả thuế ở Mỹ, nhưng điều kỳ lạ theo như tiết lộ từ vụ Paradise Papers, là tập đoàn sản xuất giày thể thao nổi tiếng như Nike của Mỹ bán ra mỗi ngày không biết bao nhiêu đôi cho người Pháp, trên thị trường Pháp nhưng nhờ những "kỹ thuật lách thuế tinh vi", sở thuế Pháp chẳng nhận được xu nào từ khối lượng giày bán ra đó, dù là qua các vụ mua bán trực tiếp tại các cửa hàng hay trên mạng .

Trả lời trên France Inter, một trong những chi nhánh của Radio France, giám đốc điều tra đại diện cho Đài Phát Thanh Pháp, Jacques Monin nêu lên kẽ hở trong "hệ thống" của mô hình kinh tế tư bản ở quy mô toàn cầu :

"Điều khiến tôi bị sốc nhất là qua vụ Panama Papers hồi năm 2016, công luận nhìn nhận rằng các hành vi trốn thuế, là một sự bất bình thường trong hệ thống kinh tế. Lần này với Paradise Papers, mọi người vỡ lẽ ra rằng, các vụ cất giấu ấy hoàn toàn hợp pháp. Đó không hơn không kém là một thương vụ chuyển tài sản từ một quốc gia này sang một quốc gia khác, mà khối tiền liên quan lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đô la. Nói một các dễ hiểu, qua những phát hiện từ Paradise Papers, như thể từ trước tới nay, mọi người chấp nhận để ngỏ những cánh cửa nhằm tào điều kiện cho nhiều công ty, các nhân vật giàu có nhất được quyền miễn đóng thuế".

Pascal Saint Amans người đứng đầu cơ quan đặc trách về chính sách thuế khóa thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, OCDE giải thích về khác biệt giữa trốn thuế và "quản lý có hiệu quả" để trả thuế càng ít càng tốt. Đấy là khác biệt cơ bản giữa hai vụ Panama Papers và Paradise Papers :

"Trốn thuế ở quy mô quốc tế là một chuyện, còn tìm những kẽ hở của luật pháp để mở công ty hay đầu tư tại các thiên đường thuế nhằm trả ít thuế chừng nào tốt chừng nấy là hai việc khác hẳn nhau. Khác biệt của vụ Panama Papers với Paradise Papers nằm ở chỗ đó.

Gian lận thuế là bất hợp pháp, còn đầu tư ở những nơi cho phép miễn thuế là việc làm hợp pháp khi mà chúng ta sống trong một thế giới toàn cầu hóa. Trường hợp thứ nhì đòi hỏi một sự tinh vi và phải biết rõ về luật thuế của từng nơi, từ ở nước sở tại cho tới các địa điểm được gọi là thiên đường thuế.

Vụ Panama Papers phơi bày ra ánh sáng những vụ gian lận thuế. Thân chủ của quỹ Mossack Fonseca muốn trốn thuế. Còn trong trường hợp Paradise Papers chúng ta phải đối mặt với những hoạt động luồn lách thuế tinh xảo hơn và tôi nhắc lại, các hoạt động này là "Hợp Pháp".

Điều khó chấp nhận được ở đây là tính hợp pháp của các thương vụ luồn lách thuế đó. Từ một chục năm qua, Tổ Chức Hợp Tác và Pháp Triển Kinh Tế OCDE liên tục đấu tranh ngăn chận các vụ gian lận thuế. Một số các biện pháp chống trốn thuế bắt đầu được áp dụng. Chúng ta đang trong giai đoạn đầu".

Những tiết lộ từ OffshoreLeaks, SwissLeaks ... hay Panama Papers và hiện tại là Paradise Leaks đang chứng minh rằng, trong thế giới toàn cầu hóa, như thể có một hành tinh khác, nơi các nhà tư bản hàng đầu của thế kỷ 21 không hề biết đóng thuế là gì. Còn tất cả những ai không có tên trong câu lạc bộ khép kín của thành phần được ưu đãi ấy, đều phải chấp nhận nộp thuế cho Nhà nước, từ thuế doanh nghiệp, đến thuế lợi tức, thuế trị giá gia tăng, nhà đất, thổ trạch.

Trong trường hợp của tay đua xe hơi người Anh, Lewis Hamilton chẳng hạn, theo tiết lộ của Paradise Papers, đã sắm máy bay riêng, trị giá 22 triệu đô la mà không phải lo đóng thuế TVA. Nhưng cũng trên quê hương của nữ hoàng Elizabeth II, nếu là dân thường thì dù chỉ mua chiếc xe đạp vài trăm bảng Anh cũng phải chịu thuế 20 %.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.