Vào nội dung chính
NGA - 100 CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI

Đối với nước Nga, đó là một thế kỷ thụt lùi tương đối

Phải chăng nước Nga đã phí phạm một thế kỷ ? Người ta có thể tin như vậy khi so sánh thứ hạng các nước trên thế giới về mặt kinh tế và xã hội hiện nay và vào thời điểm trước khi nổ ra cuộc Cách mạng tháng 10. Báo Les Echos có bài nhận định: "Đối với nước Nga, đó là một thế kỷ thụt lùi tương đối".

Bôn-sê-vic và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (tranh cổ động)
Bôn-sê-vic và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (tranh cổ động) (wikipedia)
Quảng cáo

Theo sử gia Angus Maddison, nếu tính theo tổng sản phẩm quốc nội, vào thời điểm đó, Nga đứng hàng thứ tư trên thế giới về kinh tế. Nước Nga hiện nay đứng hàng thứ sáu. Năm 1913, sản xuất công nghiệp của Nga tương đương với Đức, còn hiện nay thì chỉ xấp xỉ bằng một phần ba, cho dù chế độ Xô Viết đã tiến hành nhiều chương trình phát triển công nghiệp nặng.

Về mặt khối lượng, trong giai đoạn 1930 – 1960, Liên Xô đã thực hiện nhiều chương trình với những kết quả gây ngạc nhiên. Cho đến khi Liên Xô sụp đổ, thì người ta mới phát hiện ra đó chỉ là những con số phóng đại hoặc dựa trên những đánh giá mang tính chính trị về giá trị, không hề dựa trên giá cả thị trường. Vào thời điểm trước khi nổ ra đại chiến thế giới lần thứ nhất, mức thu nhập trung bình tính theo đầu người của Nga nằm trong khoảng giữa mức của Ý và Tây Ban Nha. Hiện nay, tỷ lệ này chỉ bằng một phần ba của Tây Ban Nha.

Mức độ hội nhập vào thương mại của nước Nga vẫn khiêm tốn, do nước này luôn luôn có xu hướng đi theo mô hình tự cung tự cấp nhờ có diện tích lớn nhất thế giới. Theo Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), năm 2017, Nga đứng hàng thứ 24 trên thế giới về nhập khẩu và thứ 17 về xuất khẩu, chiếm 1,8% thị phần thế giới, và xuất khẩu chủ yếu là dầu khí. Hầu như không có một sản phẩm công nghiệp nào của Nga được biết đến trên thế giới, ngoài rượu vodka và súng Kalachnikov.

Một hệ thống không ổn định

Nước Nga cũng bị tụt giảm rõ nét về dân số, cho dù rất khó so sánh, bởi vì diện tích nước Nga hiện nay chỉ bằng 73% so với thời đế chế Nga. Với 147 triệu dân, Nga dường như là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới – không tính các nước cộng hòa cũ trong Liên Bang Xô Viết – có số dân bị giảm từ một trăm năm nay, do tỷ lệ sinh để thấp và nạn nghiện rượu.

Kể từ thời Cách mạng tháng 10, nước Nga hầu như chỉ có lĩnh vực quân sự và các công nghệ liên quan (không gian) là phát triển. Dưới tác động của đệ nhị thế chiến và chiến tranh lạnh, nước Nga có hệ thống vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới, ngang hàng với Hoa Kỳ và Matxcơva đứng hàng thứ hai trên thế giới về số lượng xe tăng, tàu chiến và máy bay.

Nếu như xã hội Nga đã thay đổi sâu sắc kể từ khi Nga hoàng sụp đổ, thì cơ cấu chính trị của nước này lại có một bước thụt lùi kinh ngạc. Theo giới sử gia, sau 73 năm trấn áp dưới chế độ Xô Viết, các vụ hành quyết, đày ải, lao động khổ sai, đã giết chết từ 10 đến 20 triệu người. Sau ngoại lệ tám năm dân chủ hỗn loạn dưới thời Boris Elsine, nước Nga dưới thời Putin dường như quay trở lại một dạng chế độ sa hoàng : quyền lực tập trung trong tay một người, điều chưa từng thấy kể từ khi Stalin chết vào năm 1953.

Nghị viện, các phương tiện truyền thông, các chính phủ, các đảng phái chính trị, quân đội và cơ quan an ninh FSB (nguyên là KGB), đều theo lệnh của Putin, bởi vì nguyên thủ Nga dựa vào mối liên hệ trực tiếp với người dân, thể hiện qua tỷ lệ được lòng dân thực sự, cao hơn 80%. Tuy vậy, đó vẫn là một chế độ không ổn định với câu hỏi được đặt ra là một ngày nào đó, ai sẽ là người thay thế chủ nhân điện Kremlin hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.