Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - TÂY BAN NHA

Tây Ban Nha khởi tố cựu chủ tịch vùng Catalunya vì tội “nổi loạn’’

Ba ngày sau khi chủ tịch vùng Catalunya Carles Puigdemont tuyên bố độc lập, cơ quan công tố Tây Ban Nha khởi động thủ tục truy tố cựu lãnh đạo này, với tội danh «nổi loạn». Trong khi đó cựu lãnh đạo Catalunya đang ở Bỉ.

Cựu chủ tịch vùng Catalunya, Tây Ban Nha, bị phế truất tới cuộc họp báo tại Bruxelles, Bỉ ngày 31/10/2017.
Cựu chủ tịch vùng Catalunya, Tây Ban Nha, bị phế truất tới cuộc họp báo tại Bruxelles, Bỉ ngày 31/10/2017. REUTERS/Eric Vidal
Quảng cáo

Theo AFP, tại Madrid, đích thân chưởng lý Tây Ban Nha, ông Jose Manuel Maza, thông báo hồ sơ khiếu kiện toàn bộ ê-kíp cầm quyền vùng tự trị, bao gồm cựu chủ tịch Carles Puigdemont, đã được đệ trình.

Cựu chủ tịch Catalunya đã không xuất hiện tại Tây Ban Nha kể từ hôm qua. Theo truyền thông châu Âu, ông Puigdemont đang có mặt tại Bỉ. Trả lời đài truyền hình Flamand VRT (Bỉ), luật sư Paul Bakaert xác nhận điều này. Vị luật sư nói trên đã tiếp thân chủ của mình tại Tielt, một thị trấn nhỏ, cách Bruxlles khoảng 90 km.

Thông tín viên Quentin Dickinson tường trình từ Bruxelles:

Để hiểu được ông Carles Puigdemont đến đây để làm gì, chúng ta có thể tìm hiểu các hoạt động chuyên môn của luật sư Paul Bakaert, người kể từ giờ là đại diện pháp lý cho cựu chủ tịch Catalunya tại Bỉ. Vị luật sư 70 tuổi này dành gần như cả đời cho vấn đề luật cư trú, dẫn độ và quy chế tị nạn chính trị.

Điều đó có nghĩa là khách hàng mới người Catalunya của ông lo ngại sẽ bị chưởng lý Tây Ban Nha cưỡng chế về nước, dựa trên lệnh truy nã của Liên Hiệp Châu Âu. Như vậy, ông Carles Puigdemont sẽ phải xin tị nạn chính trị tại Bỉ.

Tuy nhiên, vấn đề là đã từ rất lâu nay, Bruxelles không còn cấp quy chế này cho các công dân, thành viên của các quốc gia khác của Liên Hiệp Châu Âu, hoặc của khu vực kinh tế châu Âu. Bởi những quốc gia châu Âu được tiếng là tôn trọng luật pháp, các giá trị, và các tập quán dân chủ.

Hơn nữa, Bỉ cũng muốn làm mọi cách tránh để Tây Ban Nha có phản ứng giận dữ về ngoại giao. Đây cũng có thể là vấn đề mà cơ quan chuyên trách của Bruxelles, về người tị nạn và người vô tổ quốc, sẽ phải xem xét.

Một giả thuyết khác cũng được đặt ra là cựu chủ tịch Catalunya sẽ quyết tâm, cùng với năm cựu lãnh đạo khác trong chính quyền vùng tự trị, lập nên cái gọi là ‘‘chính phủ lưu vong’’ tại Bỉ, một chính quyền Catalunya tự phong. Trong giai đoạn hiện tại, còn chưa rõ đây sẽ là một tổ chức có khả năng hoạt động thực sự, hay chỉ mang tính biểu tượng.

Còn tại Tây Ban Nha, hôm qua, cũng là ngày đầu tiên, 200.000 viên chức Catalunya làm việc trực tiếp dưới sự giám hộ của chính quyền trung ương, sau quyết định của Thượng Viện. Cũng hôm qua, đảng PdeCat chủ trương độc lập của cựu lãnh đạo Catalunya tuyên bố sẽ tham gia vào cuộc bầu cử cấp vùng, được tổ chức ngày 21/1, theo quyết định của chính quyền Madrid.

Tuyên bố độc lập, được 70 nghị sĩ Catalunya thông qua, trên tổng số 135, gây các phản ứng hết sức trái ngược tại vùng tự trị, khiến giới đầu tư lo ngại. Theo một thăm dò dư luận của nhật báo El Mundo, thực hiện cuối tuần trước, tổ chức trước tuyên bố độc lập, phe đòi độc lập sẽ mất đa số tại Nghị Viện, và chỉ đạt 42,5% phiếu bầu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.