Vào nội dung chính
TÂY BAN NHA - CHÍNH TRỊ

Tây Ban Nha : Catalunya làm liều tự sát

Căng thẳng giữa Catalunya và Madrid lên đến cao trào chiếm lĩnh trang nhất các báo Pháp ngày 30/10/2017. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy thông báo truất quyền chủ tịch của lãnh đạo phong trào ly khai, giành lại quyền kiểm soát vùng tự trị Catalunya vừa tuyên bố độc lập cách nay hai ngày. Đa số các báo Pháp có chung nhận xét, nền kinh tế Catalunya đang bắt đầu trả giá cho bất ổn chính trị.

Nghị viện vùng tự trị Catalunya, Tây Ban Nha.
Nghị viện vùng tự trị Catalunya, Tây Ban Nha. REUTERS/Albert Gea
Quảng cáo

« Sau tuyên bố độc lập, Madrid thông báo tổ chức bầu cử tại Catalunya » là tít lớn trên Le Monde. « Catalunya : Tại Barcelona, phe ủng hộ thống nhất tuần hành đông đảo để được ở lại với Tây Ban Nha », Le Figaro thông báo. « Đường phố cứu viện cho Madrid trong cuộc đấu căng thẳng với Catalunya » là nhận định của Les Echos. Thế nhưng, sự kiện cho thấy có sự « Rạn nứt tại vùng Catalunya », nhật báo công giáo La Croix nhận xét.

Hầu hết các báo Pháp đều dành nhiều trang báo để giải thích, đánh giá, dự phóng diễn biến và phân tích sự việc. Tuy nhiên, Le Figaro trên trang Quốc Tế cho hay Catalunya bắt đầu phải hứng chịu hệ quả đầu tiên về bất ổn chính trị khi có « Hơn 1.700 doanh nghiệp đã di dời trụ sở ».

Liên Bang Thụy Sĩ : Một mô hình thích hợp cho Catalunya ?

Về điểm này, trong mục ý kiến của Le Figaro, nhà báo Roland Rossier trong bài « Catalunya làm liều tự sát » nêu ra những hậu quả kinh tế của việc phe đòi ly khai muốn tách ra khỏi Tây Ban Nha. Cuộc khủng hoảng chính trị Catalunya sẽ đặt ra những thách thức lâu dài về mối liên kết giữa lãnh thổ tự trị này với Tây Ban Nha, làm rung chuyển Liên Hiệp Châu Âu và gây lo ngại cho Thụy Sĩ.

Theo nhà báo Rossier, khi đi tìm mô hình lý tưởng, phe ly khai Catalunya và một bộ phận châu Âu thường nêu ra mô hình Liên Bang Thụy Sĩ. Thế nhưng, so sánh này là phi lý, bởi vì Thụy Sĩ được hình thành trên cơ sở quyết tâm chung của nhiều vùng lãnh thổ, mà về mặt pháp lý, thì đó là các bang hoặc nước cộng hòa nhỏ, được gọi là tổng – canton.

Do vậy, Thụy Sĩ là một liên bang tản quyền và điều này thể hiện rõ qua ngân sách : Liên bang có ngân sách rất nhỏ (khoảng 56 tỷ euro), bằng một nửa so với ngân sách các tổng (75 tỷ) và các công xã (40 tỷ). Như vậy, sức mạnh của một bang, một vùng tự trị hay một cộng đồng các công xã thể hiện qua khả năng ngân sách.

Ba hậu quả nghiêm trọng

Nguồn thu ngân sách đến từ phần nộp thuế của công dân và các doanh nghiệp. Thế nhưng, chỉ trong vòng có ba tuần vừa qua, do khủng hoảng chính trị, các doanh nghiệp quan trọng của vùng Catalunya - theo ước tính mới nhất là 1.500 doanh nghiệp - đã chạy vội ra khỏi nơi đây để đến những nơi khác ở Tây Ban Nha.

Câu hỏi đặt ra là giả sử tình hình Catalunya tái ổn định thì liệu những doanh nghiệp nói trên có quay lại hay không ? Câu trả lời là dường như không. Ví dụ cụ thể là trường hợp Quebec. Cách nay 40 năm, lo ngại Quebec trở thành một nước độc lập, rất nhiều công ty lớn đã bỏ Montreal để đến Toronto, hiện là thủ đô kinh tế của Canada. Các doanh nghiệp nói trên không hề quay lại Montreal.

Cuộc tháo chạy hỗn loạn của các doanh nghiệp ít nhất gây ra ba hậu quả có sức tàn phá ghê gớm. Trước hết là sự ra đi của các doanh nghiệp này. Hậu quả thứ hai, nguy hiểm hơn, là sự di dời của các doanh nghiệp quy mô vừa, tuy không nổi tiếng trên phạm vi quốc tế nhưng có liên hệ chặt chẽ và có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Catalunya. Nếu phải lựa chọn giữa một bên là vùng lãnh thổ có 7,5 triệu dân và bên kia là thị trường hơn 500 triệu người tiêu dùng của châu Âu, thì các doanh nghiệp này có câu trả lời rất nhanh.

Hậu quả thứ ba là cuộc khủng hoảng chính trị đã đưa ra một tín hiệu xấu cho các doanh nhân muốn đầu tư vào một vùng có rất nhiều lợi thế, như nhân công có tay nghề cao, đa dạng văn hóa, chất lượng cuộc sống cao, giá thuê nhà vừa phải, có nhiều hội chợ…

Từ nghìn năm nay, Catalunya là miền đất của sáng tạo, là nơi thử nghiệm nghệ thuật và kiến trúc, luôn luôn phồn thịnh, bởi vì người dân ở đây biết chung sống với nhau. Năm 1992, Barcelona mở được đường ra biển. Một phần tư thế kỷ sau, mảnh đất này tự đóng cửa, co cụm lại. Trong bốn thập niên qua, Catalunya muốn kiểm soát một phần nguồn của cải của mình. Giờ đây, vùng lãnh thổ này có nguy cơ mất toàn bộ quyền kiểm soát và đang hành động tự sát một cách mạo hiểm.

Căng thẳng Catalunya - Madrid : Lỗi cả đôi bên

Trong bài xã luận đề tựa « Sự đánh cược của nền dân chủ », La Croixcho rằng cuộc khủng hoảng Catalunya giống như một bộ phim dài nhiều tập ngán ngẩm và vào lúc này, nói ai đúng ai sai đều vô nghĩa, bởi cả Madrid và Catalunya đều phải chịu trách nhiệm.

Năm 2010, đảng của thủ tướng Mariano Rajoy đã thành công trong việc thuyết phục Tòa Bảo Hiến Tây Ban Nha cắt đi rất nhiều quyền hạn trong quy chế tự trị dành cho vùng Catalunya. Năm 2017, khủng hoảng gia tăng cường độ và bất chấp rất nhiều lời cảnh báo, chủ tịch Catalunya Carles Puigdemont và phe của ông đã cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp, và rồi sau đó tuyên bố độc lập.

Như vậy, cả hai bên đều có lỗi. Và giờ đây, phải tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Liệu nền độc lập có mang lại một tương lai rạng rỡ cho Catalunya hay không ? Chắc chắn là không và xã hội Catalunya bị chia rẽ. Cuộc biểu tình khổng lồ ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất ngày 29/10 tại Barcelona là một ví dụ. Mặt khác, mọi chiến lược co cụm sẽ dẫn đến bế tắc và hậu quả nhãn tiền là các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Catalunya.

Tuy nhiên, mọi toan tính dập nát ý đồ đòi độc lập cũng vô nghĩa, bởi vì không nên nghĩ rằng vùng này ích kỷ nên đòi độc lập. Lịch sử đã hun đúc khát vọng độc lập của vùng này và không thể phẩy tay khinh bỉ gạt bỏ khát vọng đó.

Xã luận của La Croix cho rằng công việc trước tiên là cả hai bên cần làm dịu tình hình. Để giải quyết bất đồng, giải pháp duy nhất là cuộc bầu cử cấp vùng dự định vào ngày 21/12/2017. Trong một nền dân chủ, bầu cử đóng vai trò trọng tài, độc lập, sẽ cho phép cả Catalunya và Tây Ban Nha dịu giọng, tiến hành đối thoại với nhau.

Bầu cử sớm : Một giải pháp cho Catalunya ?

Theo cùng hướng này, trong bài xã luận « Catalunya : đã đến lúc thực hiện dân chủ », báo Le Monde cho rằng « nước cộng hòa độc lập » mà nghị viện Catalunya tuyên bố trong lúc một nửa số nghị sĩ vắng mặt, chỉ là một giả tưởng, huyễn hoặc. Không một quốc gia nào công nhận « nước cộng hòa » này. Phe ly khai đã không đưa ra một dự án nghiêm túc nào để hỏi ý kiến người dân Catalunya ngoài việc tuyên bố độc lập.

Lẽ ra, để giải quyết khủng hoảng, chủ tịch vùng Carles Puigdemont phải cho tổ chức bầu cử cấp vùng trước thời hạn. Thế nhưng, thái độ co cụm, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa « đi tới cùng » của ông đã biến khát vọng chính đáng của người dân vùng này thành mối thù hận đối với nước Tây Ban Nha.

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc bầu cử cấp vùng trước thời hạn theo quyết định của thủ tướng Rajoy giúp tháo gỡ bế tắc, mở ra cho phe dân tộc chủ nghĩa Catalunya một triển vọng về tiến trình hợp pháp và thương lượng với Madrid về tương lai quan hệ với Tây Ban Nha.

Giáo dục và Xã hội chủ đề trọng tâm khác của báo Pháp

Dư chấn vụ tai tiếng xâm hại tình dục tại Hollywood vẫn còn ảnh hưởng mạnh đến tình hình xã hội tại Pháp. Không liên quan gì đến Hollywood, « Weinstein » kiểu Pháp cũng hiện hữu trong mọi lĩnh vực đời sống : tài chính, cảnh sát, truyền thông, bệnh viện. Trên trang nhất Libération chạy tít lớn « Cuộc điều tra về những vụ tấn công tình dục tại Pháp ». Nhật báo dành đến 7 trang để trình bày lời chứng của các nạn nhân.

Một đề tài khác cũng được các nhật báo Pháp quan tâm đến là chương trình cải cách tuyển chọn đầu vào đại học. Le Figaro cho biết « Chính phủ lùi bước về việc tuyển chọn ». Nhưng với Les Echos, đây là « một chương trình cải cách để thông lối vào đại học ».

Thủ tướng chính phủ cùng với hai bộ trưởng Đào Tạo Sau Đại Học và Giáo Dục, Frédérique Vidal và Jean-Michel Blanquer ngày 30/10 trình bày dự thảo luật mới cải cách cách thức tuyển chọn đầu vào đại học. Học sinh tú tài vẫn sẽ là người quyết định ngành học của mình. Nhưng một loạt biện pháp sàng lọc sẽ được đề ra nhằm loại trừ bớt những học sinh nào có những kiến thức không thích ứng với chương trình đại học mà họ mong muốn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.