Vào nội dung chính
NGA - Ả RẬP XÊ ÚT - NGOẠI GIAO

Nga - Ả Rập Xê Út xích lại gần nhau, Hoa Kỳ khó chịu?

Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út được tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón trọng thể tại điện Kremlin. Chuyến đi kéo dài ba ngày từ 04-06/10/2017 được cả hai bên đánh giá là “chuyến công du lịch sử”, một sự kiện “mang tính biểu tượng”. Đây là chuyến thăm đầu tiên có quy mô như vậy tại Nga vì liên bang Nga và vương quốc Ả Rập Xê Út là hai phe đối lập trên chiến trường Syria từ vài năm nay. Nhưng điều đặc biệt hơn cả, Riyad là đồng minh cốt lõi của Washington ở trong vùng.

Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, ngày 05/10/2017.
Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, ngày 05/10/2017. Sputnik/Alexei Nikolsky/Kremlin
Quảng cáo

Hai nhà nghiên cứu Pháp Cyrille Bret và Florent Parmentier, giảng viên trường Khoa Học Chính Trị (Sciences Po), trên trang The Conversation (12/10/2017), đặt câu hỏi : Chuyến công du vừa qua có ảnh hưởng đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út hay không?

Ả Rập Xê Út : Giữa liên minh với Mỹ và xích lại gần Nga?

Với Hiệp ước Quincy, ký ngày 14/02/1945, thắt chặt quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và vương quốc dầu lửa non trẻ, Ả Rập Xê Út đứng vào hàng ngũ đối lập với Liên Xô. Trên thực tế, ngay trước khi xảy ra Chiến tranh lạnh, Ả Rập Xê Út đã trở thành một trong những trụ cột trong chính sách Trung Đông của Mỹ.

Do đó, cuộc đối đầu khá gay go ở miền Nam Yemen, được Liên Xô hậu thuẫn, và tại Afghanistan nơi chiến binh thánh chiến được hoàng gia Saoud tài trợ. Một chút cải thiện thoảng qua khi hai miền Yemen thống nhất năm 1990 và khi Liên Bang Xô Viết tan rã vào năm 1991. Nhưng, ngay từ năm 1994, Nga nghi ngờ vương quốc Hồi Giáo ủng hộ phong trào ly khai Chechnya ngay trong lòng nước này.

Sau khi cuộc chiến Chechnya lần thứ hai chấm dứt vào năm 2000, Nga và Ả Rập Xê Út lại xích lại gần nhau vì vấn đề xuất khẩu dầu lửa. Đỉnh cao của thời kỳ lặng gió mới này được đánh dấu với chuyến công du Ả Rập Xê Út của tổng thống Putin vào tháng 02/2007. Tuy nhiên, lại một lần nữa, quá trình nối lại quan hệ thân thiện giữa hai nước bị gián đoạn vào đầu thập niên 2010 vì làn sóng Mùa Xuân Ả Rập.

Trong khi Matxcơva cho rằng các cuộc nổi dậy trên là yếu tố gây bất ổn cho các đồng minh truyền thống tại Syria và Libya, thì Riyad lại tài trợ cho một số phong trào đối lập với chính quyền Al Hassad và Kadhafi, như Lực lượng Quân đội Syria Tự do do tướng Abdul Jabbar Al Oqaidi chỉ huy.

Chuyến công du Matxcơva vào tháng 10/2017 của quốc vương Salman khẳng định, thêm một lần nữa, quan hệ ngoại giao song phương đi vào thời kỳ giảm căng thẳng.

Hướng tới giải pháp thoát khỏi khủng hoảng tại Yemen và Syria?

Tuy nhiên, không gì có thể chia rẽ thêm được lập trường của Nga và Ả Rập Xê Út như các cuộc xung đột tại Syria và Yemen.

Tổng thống Putin đã cố gắng để công luận quốc tế quên cuộc xung đột Ukraina bằng cách điều quân sang chiến đấu tại Syria. Ông cũng đạt được mục đích trở thành người nắm bắt thời cuộc. Sự can thiệp của Nga vừa mang ý nghĩa nội bộ, như liên quan đến cuộc chiến chống tư tưởng thánh chiến du nhập vào Nga, vừa mang ý nghĩa đối ngoại khi hỗ trợ một nước được coi là đồng minh. Ở phe bên kia là Ả Rập Xê Út, ủng hộ các nhóm nổi dậy theo hệ phái Suni.

Tại Yemen, Ả Rập Xê Út can thiệp vào cuộc nội chiến, sát cánh cùng lực lượng theo hệ phái Suni trung thành với cựu tổng thống Ali Abdallah Saleh để chống lại người Houthi theo hệ phái Shia (được Iran hậu thuẫn) để buộc phe này phải từ bỏ quyền lực. Trong cuộc chiến này, Nga đã kiềm chế để không đưa ra lập trường rõ rệt nhằm giữ vị trí trọng tài với mong muốn sau này có thể lập một căn cứ hải quân tại Yemen.

Tuy nhiên, chuyến công du của vua Salman không phải là sự ủng hộ quan điểm của Nga, thậm chí cũng không phải là đảo ngược liên minh, dù còn nhiều bất đồng về hai cuộc xung đột trên. Khi đón tiếp vua Salman, tổng thống Putin muốn chứng tỏ rằng Nga có thể hợp tác với mọi nước ở Trung Đông, trong khi Ả Rập Xê Út dường như xác nhận liên minh Mỹ không còn là sự đảm bảo tối cao cho lợi ích của Riyad nữa, và điều này đã xảy ra từ thời Obama.

Chuyến công du trên cũng thể hiện ý định kìm hãm sự đột phá của Iran trong khu vực, cũng như trên quy mô quốc tế. Thực vậy, Teheran trông cậy vào điện Kremlin để đối phó với thái độ chống đối rõ ràng của chính quyền Trump. Cho nên, Ả Rập Xê Út hy vọng Nga sẽ hạn chế ủng hộ Iran. Chính quyền Riyad tìm cách để quân nhân Iran rút hết khỏi Syria, ngăn chặn lâu dài sự hỗ trợ của lực lượng này đối với người Houthi và đảm bảo rằng nước Cộng Hoà Hồi Giáo sẽ không hùng mạnh thêm sau cuộc xung đột Syria.

Hướng đến tăng cường quan hệ kinh tế?

Trong lĩnh vực khai thác hydrocarbon, Nga và Ả Rập Xê Út hiện là đồng minh sau khi từng là đối thủ của Trung Quốc. Đây không phải là điều thường xảy ra.

Vào cuối thập niên 2000, cả hai nước đều có những chiến lược đối lập. Một bên là Nga, không phải là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC), đẩy mạnh khối lượng dầu xuất khẩu và chiếm thị phần thế giới để khôi phục nguồn dự trữ tài chính sau cuộc khủng hoảng năm 2008, bất chấp việc xuất khẩu nhiều khiến giá dầu sụt giảm. Bên kia là Ả Rập Xê Út, thuộc khối OPEC, cố khắc phục tình trạng xuống giá này. Vì vậy, hai nước sản xuất và xuất khẩu dầu hoả lớn nhất thế giới đã triển khai những chiến lược trái ngược nhau.

Mọi việc thay đổi vào năm 2014 với sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimée, cuộc chiến tại vùng Donbass, giá dầu thế giới sụt giảm và phương Tây trừng phạt kinh tế Nga. Rơi vào trình trạng suy thoái, phải đối đầu với cuộc khủng hoảng tỉ giá hối đoái, nền kinh tế Nga cần ngoại hối và vốn để bù những lỗ hổng đầu tư. Kết quả là, trong khuôn khổ OPEC+ (OPEC và Nga), cả hai nước thống nhất về việc giảm khối lượng sản xuất trên quy mô thế giới xuống còn 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ ngày 01/01/2017.

Trong lĩnh vực năng lượng, chuyến công du của quốc vương Salman còn nhằm mục đích chuẩn bị cho cuộc họp OPEC+, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2017 tại Vienna (Áo), để triển hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu lửa sau khi thỏa thuận hiện hành hết hạn vào tháng 03/2018.

Một số kết quả khác về kinh tế trong chuyến công du của quốc vương Salman cũng được nhấn mạnh, như thành lập một nhà máy hóa chất Nga tại Ả Rập Xê Út, phát triển quỹ đầu tư Ả Rập Xê Út tại Nga… Nhưng quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn quen với việc các thông báo này khó đạt đến hiệu quả. Thực vậy, khối lượng trao đổi thương mại giữa hai nước hiện mới chỉ ở ngưỡng 1 tỉ đô la mỗi năm.

Dấu ấn của Mỹ vẫn nổi trội trong quan hệ với Ả Rập Xê Út

Về mặt kinh tế, câu hỏi đặt ra là liệu các khoản đầu tư trị giá 10 tỉ đô la tại Nga mà Ả Rập Xê Út thông báo năm 2015 và được tái khẳng định trong chuyến công du Matxcơva của quốc vương Salman có được thực hiện hay không.

Các khoản đầu tư như vậy có lẽ sẽ là một lời cảnh báo đối với Mỹ và Iran. Trước hết, dường như Ả Rập Xê Út muốn chứng tỏ là quan hệ đối tác độc quyền đã đến hồi kết thúc. Tiếp theo, Nga có lẽ muốn tỏ ra bận tâm cân đối trục Matxcơva-Teheran bằng quan hệ hợp tác kinh tế với Ả Rập ; quốc gia Hồi Giáo này đang chuẩn bị cho sự kiện hoàng tử Mohammed ben Salman, từng đến Matxcơva, sẽ đăng quang tân vương Ả Rập.

Liệu một liên minh Nga-Ả Rập Xê Út đang thật sự hình thành? Nếu các điểm tương đồng có thể xuất hiện, đặc biệt trong việc giúp Nga quản lý một số lượng lớn người Hồi Giáo (chiếm 10% đến 15% dân số và khá đông trong một số vùng và chú ý theo dõi tiến triển chính trị tại vùng Vịnh Ba Tư), quan hệ hợp tác vững chắc giữa hai nước có lẽ cũng có thể gợi ý đến việc kết hợp chặt chẽ về quân sự, hiện chưa thể được về mặt kỹ thuật và an ninh.

Thông báo nhập hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đặc biệt gây ấn tượng mạnh. Đây là thỏa thuận bán trang thiết bị quốc phòng đầu tiên của Nga cho Ả Rập Xê Út, trong khi Riyad thường chủ yếu nhập trang thiết bị theo tiêu chuẩn của NATO.

Tuy nhiên, các khoản giao dịch với Nga chưa thấm vào đâu so với 100 tỉ đô la trong hợp đồng mua vũ khí với Mỹ. Hơn nữa, Lầu Năm Góc đã tỏ ra “cao tay” khi thông qua kế hoạch bán một hệ thống lá chắn tên lửa THAAD cho Riyad, bị trì hoãn từ lâu, vào ngày 08/10, chỉ hai ngày sau đề nghị bán vũ khí của Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.