Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Nga : Thế hệ trẻ đầu tiên có ý thức về tự do

Đăng ngày:

Ít quan tâm đến chính trị, say mê trò chơi điện tử và quanh quẩn trong nhà hơn là tung hoành ngang dọc. Đó là tâm lý chung của thanh thiếu niên của Nga hiện nay theo kết quả thăm dò ý kiến nghiên cứu tiếp thị. Tuy nhiên, vào lúc Nga tưởng niệm « 100 năm cách mạng tháng 10 » thì cũng là lúc một thế hệ học sinh đầu tiên chào đời trong thế kỷ 21, bước vào năm cuối bậc trung học. Vì sao một chuyện không đặc biệt gì lắm lại được một nhà quan sát tinh ý quan tâm ?

Giới trẻ Nga ngày nay nghĩ khác về lịch sử, và ý thức công dân của họ cũng khác. Trong ảnh, một cuộc kiểm phiếu tại Vladivostok năm 2011.
Giới trẻ Nga ngày nay nghĩ khác về lịch sử, và ý thức công dân của họ cũng khác. Trong ảnh, một cuộc kiểm phiếu tại Vladivostok năm 2011. REUTERS/Yuri Maltsev
Quảng cáo

Bài phát họa chân dung thế hệ trẻ của Nga được đăng trên báo mạng Gazeta.ru ngày 27/06/2017 nhân niên khóa vừa kết thúc với thế hệ học sinh cuối cùng sinh trong thế kỷ 20 tốt nghiệp phổ thông. Kể từ niên học mới này, đúng vào lúc Nga chuẩn bị « 100 năm cách mạng tháng 10 », những thí sinh tú tài đều chào đời trong thế kỷ 21.

Thế hệ này chỉ biết có một nhà lãnh đạo là Vladimir Putin, không biết mùi đói khổ như thế hệ cha anh, nhưng bị trói chặt vào tiện nghi vật chất.

Thế nhưng, vào lúc các kết quả thăm dò ý kiến khẳng định tính xu thời của thanh niên Nga thì nhà báo Andrei Desnitski, tỏ ra lạc quan hơn, cho là vận mệnh nước Nga nằm trong tay một thế hệ « đầy ẩn số ».

Trong bài « Thế hệ trẻ đầu tiên có ý thức về tự do », nhà báo Nga 50 tuổi cảnh báo « không nên tin vào kết quả thăm dò công luận » và nhất là công luận ở nước Nga. Bởi vì, thời Christophe Colomb tìm ra châu Mỹ, nếu lúc đó có viện thăm dò ý kiến thì chắc hẳn sẽ có đa số dân Tây Ban Nha tin rằng « trái đất phẳng ». Cho nên, không nên ngạc nhiên khi thấy tại Nga vẫn còn có người tuyên bố ái mộ Stalin hay cho là giới trẻ xu thời.

Thế hệ Christophe Colomb

Với kinh nghiệm của một người đậu tú tài năm 1985, thời Liên Xô, trưởng thành trong chế độ Putin, Andrei Desnitski cho biết ông và thế hệ các con của ông, cảm giác như là hệ thống chính trị nước Nga bất di bất dịch. Cảm thấy bất lực, cha mẹ và con cái tập trung vào đời sống cá nhân. Hệ quả là một thế hệ trẻ lớn lên trong niềm xác tín là cuộc sống riêng tư được tự do thì đó là điều quan trọng. Thế hệ tương lai này, mở ra với thế giới Tây phương, nhưng không qua những con dấu « visa » xuất ngoại mà bằng tinh thần tự tin là họ sẵn sàng sống trong một thế giới biến đổi không ngừng. Nói khác đi là không định kiến, không giáo điều.

Theo tác giả, điều bất hạnh cho nước Nga là thế hệ 50 tuổi, sau khi tích cực dấn thân lật qua trang sử cộng sản, xuống đường bảo vệ chế độ dân chủ non trẻ chống đảo chính 1991, ngày nay phải nhìn nhận một cách chua xót là để đất nước lần lượt lọt vào tay « siloviki » tức là quân đội và mật vụ và bây giờ là các « đại gia ». Bây giờ, người thì nhẫn nhục làm công chức nhỏ, kẻ thì di cư sang nước ngoài.

Tuy nhiên, trong thất bại này, thế hệ Glasnos, Perestroika đã thành công xây dựng nền tảng cho một thế hệ mới mà ông gọi là « thế hệ Christophe Colomb », những con người có « ý thức tự do nội tâm », và một nền giáo dục tốt nơi mà thầy ra sức dạy, học sinh ra sức học.

Đi học không phải vì bằng cấp, tập võ không phải để mang đai mà vì « cảm nhận » tự do. Tự do này, bị hệ thống chính trị tìm cách bóp nghẹt trong nhiều thập kỷ qua các kế hoạch thi đua học sinh tiên tiến, diễn tập nghi thức quân hành hay xếp hàng dài trước tiệm mậu dịch.

Học đường : Tương lai của nước Nga

Chia sẻ kinh nghiệm sống của gia đình, Andrei Desnitski tiên liệu : trong thế kỷ 21 này, thế giới sẽ được kiến tạo bởi những con người có văn hóa, cùng hoài bão tốt đẹp, cho dù người đó là một tướng lãnh hay một nhà doanh nghiệp. Do vậy, không có gì phải e ngại cho tương lai.Thông điệp này được nhà báo Nga Andrei Desnitski, với tư cách là phụ huynh học sinh đọc nhắn gửi thế hệ trẻ ngày bãi trường của con trai ông.

Cũng từ kinh nghiệm bản thân, từ Maxcơva, thông tín viên RFI, Hoàng Dung, chia sẻ :

« hoàn toàn tán đồng với gazeta.ru, vì đã có cơ hội cùng hành trình với ba đứa con trong vấn đề học vấn và trưởng thành trên mảnh đất Nga này, và xem tất cả chương trình trong các trường phổ thông của Nga cũng như quan sát khuynh hướng suy nghĩ của giới trẻ vừa lớn lên sau thời kỳ nước Nga thay đổi…

Ngày nay, sự kiện tháng 10 năm 1917 không còn được xem là một cuộc cách mạng làm thay đổi lịch sử theo chiều hướng làm nước Nga tốt lên, mà nó được coi là một cuộc đảo chính. Vì là một cuộc đảo chính nên không còn mang ý nghĩa sáng ngời của suốt thế kỷ 20, như người ta tuyên truyền và vì vậy trẻ nhỏ ngày nay có cái nhìn khác…. ».

Phần III của loạt bài 100 năm Cách mạng tháng 10 do Tú Anh trình bày với phần đóng góp của thông tín viên Hoàng Dung từ Matxcơva.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.