Vào nội dung chính
TÂY BAN NHA - CATALUNYA

Catalunya : Madrid và Barcelona đối đầu trực diện, EU từ chối can thiệp

Hôm nay 20/10/2017, một ngày trước khi chính phủ Tây Ban Nha họp khẩn để quyết định về việc rút lại quyền tự trị của Catalunya, cả Madrid và Barcelona đều tỏ ra không khoan nhượng, trong khi Liên Hiệp Châu Âu (EU) nói rõ là không muốn đóng vai trò trọng tài.

Người dân tập họp tại quảng trường Plaza Catalunya, Barcelona xem thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phát biểu trên đài truyền hình. Ảnh ngày 1/10/2017.
Người dân tập họp tại quảng trường Plaza Catalunya, Barcelona xem thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phát biểu trên đài truyền hình. Ảnh ngày 1/10/2017. Cesar Manso/AFP
Quảng cáo

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk trong cuộc họp thượng đỉnh EU hôm qua tại Bruxelles nhìn nhận là tình hình đáng lo ngại, nhưng tỏ rõ sự ủng hộ Madrid. Ông tuyên bố : « Không có chỗ cho việc hòa giải, một sáng kiến nào đó hoặc một sự can thiệp quốc tế. Mỗi chúng ta đều có nỗi xúc động và sự đánh giá riêng, nhưng quan điểm chính thức là EU không can thiệp vào ».

Trước đó thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định : « Chúng tôi ủng hộ chủ trương của chính phủ Tây Ban Nha, và hy vọng sẽ tìm được giải pháp trên cơ sở Hiến pháp ». Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết, các lãnh đạo châu Âu sẽ gởi đi thông điệp đoàn kết xung quanh Tây Ban Nha. Ngay cả thủ tướng Bỉ Charles Michel vốn đã từng chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của Madrid, cũng thanh minh là không hề có « sự cố ngoại giao » với Tây Ban Nha.

Trong khi đó chủ tịch vùng Catalunya, Carles Puigdemont vẫn chưa trả lời tối hậu thư của chính quyền Tây Ban Nha, hạn định đến hôm qua phải làm rõ có tuyên bố độc lập hay không. Ông Puigdemont cũng không hề làm theo yêu cầu của Madrid là phải « tái lập trật tự hợp hiến ». Trong lá thư gởi cho thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, ông chỉ viết : « Nếu chính quyền nhất định ngăn trở đối thoại và tiếp tục đàn áp, Nghị viện Catalunya có thể bỏ phiếu về việc chính thức tuyên bố độc lập ».

Madrid coi lá thư này là một sự đe dọa, cho biết sẽ kích hoạt điều 155 Hiến pháp để ngưng toàn bộ hay một phần quyền tự trị của Catalunya. Ngày mai nội các sẽ họp khẩn để quyết định, sau đó chuyển sang Thượng Viện để được thông qua vào cuối tháng 10.

Theo các nhà quan sát, thủ tục mất nhiều thời gian này sẽ giúp các bên có thể tiến tới thương lượng. Đây cũng là phép thử của chính quyền Madrid, với hy vọng phe ly khai sẽ bị chia rẽ. CUP, liên minh cực tả của ông Puigdemont kêu gọi xuống đường đòi độc lập, còn giới kinh doanh muốn nhượng bộ : trên 900 công ty đã dời trụ sở chính ra khỏi Catalunya, và số lượng du khách sụt giảm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.