Vào nội dung chính
NGA - LỊCH SỬ

Những chính sách ngoại giao sai lầm sau Cách Mạng Tháng 10 Nga

Báo Le Monde Diplomatique số ra tháng 10/2017, trong loạt hồ sơ 1917 nhân 100 năm Cách Mạng Tháng 10 Nga, nhận định trong suốt thập niên đầu tiên sau cuộc Cách Mạng, chính quyền Xô Viết non trẻ không ngừng điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình, hòng tìm kiếm một sự cân bằng giữa sứ mệnh truyền bá cuộc cách mạng ra bên ngoài và nhu cầu bảo đảm sự tồn tại của chế độ.

Trang bìa số đặc biệt tuần báo Courrier international "Nga. Những người kế tục sự nghiệp cách mạng" (số ra tháng 9-10-11/ 2017)
Trang bìa số đặc biệt tuần báo Courrier international "Nga. Những người kế tục sự nghiệp cách mạng" (số ra tháng 9-10-11/ 2017) Affiche d'Anton Batishev, Russie
Quảng cáo

Lúc ban đầu, những người Bôn-sê-vic đã tránh việc xây dựng các nguyên tắc chính sách đối ngoại. Trong mắt họ, chừng nào tại các nước phương Tây công nghiệp hóa chưa có một cuộc cách mạng hóa giải được mối đe dọa can thiệp đế quốc, chừng ấy nước Nga vẫn sẽ lâm nguy. Hơn nữa, xét cho cùng, sự đăng quang của chủ nghĩa xã hội ở Nga, một quốc gia lạc hậu về mặt kinh tế, vẫn cần đến sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh tế của những nước đó.

Chính vì những lý do này, mà Leon Trotski có thái độ xem thường vị trí ủy viên nhân dân phụ trách đối ngoại mà người ta giao phó cho ông ngay sau khi chiếm được Cung điện mùa đông vào tháng 10 năm 1917. Người chủ trương « cách mạng thường trực » thấy chẳng có lợi gì trong việc thiết lập bang giao với các chính quyền theo chủ nghĩa tư bản mà ông tin rằng sắp đến hồi cáo chung.

Thậm chí Leon Trotski còn thông báo với nội các của mình ý định cho công bố các hiệp ước bí mật mà chế độ cũ thông qua với các chính phủ đế quốc khác, trước khi cho « đóng cửa tiệm » và bãi nhiệm họ. Chỉ 10 năm sau, việc Joseph Stalin từng bước củng cố vững chắc trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản không thể chối cãi đã trấn an được bộ Ngoại Giao Anh.

Bởi vì, theo nhận định của một trong số các đại diện ngoại giao Anh, « Chẳng có gì đáng ngạc nhiên về sự thất bại của phe đối lập cuồng tín Bôn-sê-vic, bởi vì phe này đưa ra một chính sách đối ngoại chỉ sử dụng các 'công cụ quốc gia' kinh điển. »

Chính sách ngoại giao nước đôi

Sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận này phản ánh sự biến đổi mà chính sách đối ngoại của Liên Xô đã trải qua trong suốt thập kỷ đầu tiên sau năm 1917. Một thời gian dài, đấu tranh giai cấp vẫn còn là một yếu tố cơ bản, ngay cả sau khi các cuộc cách mạng ở Trung và Đông Âu nếm mùi thất bại. Việc "bình thường hoá" quan hệ với các nước khác hiếm khi được xem như là một mục đích cuối cùng, mà đúng ra như là một sự thoái lui về chiến thuật.

Lenin đã nói một cách rõ ràng ý tưởng này vào tháng 11 năm 1920: « Cho đến lúc này, chúng ta vẫn chưa giành thắng lợi ở bên ngoài biên giới của chúng tôi, đó có lẽ là cách duy nhất để chúng ta bảo đảm an ninh của mình. Tuy nhiên, chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, bởi vì kể từ giờ chúng ta đã được công nhận như là một tác nhân quan trọng trên trường quốc tế. »

Quả thật chính phủ mới đã có những thành công đầu tiên khi cho thực thi chính sách này : Nghị định về hòa bình (không sáp nhập cũng không bồi thường) được đưa ra ngay ngày hôm sau cuộc Cách mạng Tháng Mười cho phép củng cố quyền lực trong con mắt của người dân; Hiệp ước Brest-Litovsk kết thúc chiến tranh với Đức vào tháng 3 năm 1918; Hiệp ước Rapallo phá vỡ cô lập ngoại giao Liên Xô vào năm 1922.

Thế nhưng, thực ra, sự nhìn nhận của quốc tế và sự ổn định chính trị, dù là tạm thời, vẫn cho thấy một sự mâu thuẫn về một chế độ mang tư tưởng quốc tế cộng sản và luôn trong quá trình vận động. Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm giữ đúng các nguyên tắc của mình, những người Bôn-sê-vic đã buộc phải áp dụng một chính sách kép.

Đó là vừa thúc đẩy quan hệ ngoại giao với phương Tây để bảo đảm an ninh quốc gia, vừa khuyến khích các hoạt động cách mạng ở nước ngoài khi có hoàn cảnh thuận lợi mà bằng chứng minh họa là sự ủng hộ của họ cho cuộc nổi dậy bất thành tại Hamburg vào tháng 10 năm 1923.

Sự mâu thuẫn này càng sâu sắc hơn trong suốt năm 1924, khi Vương quốc Anh, Pháp và Ý công nhận Liên Bang Xô Viết, trước sự bất ngờ của chính quyền Bôn-sê-vic. Cùng lúc, tổ chức Comintern - Quốc Tế Cộng sản hay còn gọi là Đệ Tam Quốc Tế - thừa nhận là cuộc cách mạng thế giới sẽ không xảy ra sớm như mong đợi.

Trong hoàn cảnh này, làm thế nào Liên Xô có thể gìn giữ được vị thế người canh gác cách mạng thế giới mà không phải hy sinh lợi ích quốc gia? Dần dần, Đệ Tam Quốc Tế được đưa vào phục vụ cho nền ngoại giao « quốc gia » của Liên Xô, trong khi bản sắc Quốc Tế Cộng Sản chỉ là vẻ bề ngoài. Được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI năm 1922, chiến thuật mặt trận thống nhất đã vạch ra hướng đi đồng thuận đặt nền tảng cho sự hòa giải với các tổ chức công nhân phi Cộng sản.

Mối quan hệ nhập nhằng với các công đoàn Anh

Mối quan hệ với Vương quốc Anh trong thời kỳ 1924-1927 đã làm sáng tỏ những mâu thuẫn của chính sách hai mặt này. Tháng 02/1924, chính phủ Công đảng đầu tiên của thủ tướng Ramsay McDonald công nhận một cách miễn cưỡng Liên Bang Xô Viết. Sau một chiến dịch đồng hóa Công Đảng với hiểm họa Cộng sản, phe Bảo thủ Anh đã chiếm lại được quyền lãnh đạo đất nước vào tháng 11/1924.

Để phòng thủ, Liên Bang Xô Viết nỗ lực tìm kiếm các lợi thế ngoại giao từ những mối quan hệ hữu nghị với các tổ chức công nhân ở Anh. Sự xích lại gần này, đặc biệt với Liên đoàn Công đoàn Anh (TUC), đã dẫn tới việc thành lập vào năm 1925 của một ủy ban hỗn hợp gồm Liên đoàn Công đoàn Liên Xô và Anh.

Người ta có thể cảm thấy lạ khi thấy Liên Xô nghĩ rằng các công đoàn sẽ thành công trong việc buộc chính phủ Bảo thủ có một thái độ khoan dung đối với họ. Suy nghĩ này có thể đúng khi kinh nghiệm của năm 1918-1920 mang đến cho họ một số lý do để hy vọng. Vào thời điểm đó, phe tả ở Anh chỉ trích sự can thiệp quân sự trong cuộc nội chiến.

Dưới khẩu hiệu "Hands Off Russia" (Hãy để người Nga yên !), cánh tả Anh phản đối việc đưa quân đội và đạn dược lên mặt trận Nga. Dưới áp lực từ cơ sở, Công Đảng và Liên Đoàn Công Đoàn Anh yêu cầu chính phủ « có những biện pháp cần thiết trong thời hạn ngắn nhất rút về lực lượng Anh bị gửi đến Nga ». Đây là nỗ lực đầu tiên và cuối cùng của cánh tả Anh để buộc chính phủ phải thay đổi chính sách đối ngoại bằng các biện pháp ngoài nghị viện.

Các nỗ lực để đạt được một thỏa thuận với Luân Đôn về mặt ngoại giao đi đôi với sự thiếu quan tâm đến các hoạt động của Uỷ ban hỗn hợp. Tuy nhiên, khi một cuộc xung đột xã hội nổ ra trong ngành khai thác mỏ của Anh vào đầu năm 1926, Kremlin đã quyết định không bỏ cơ quan này, mà phe đối lập theo Trotski tố cáo là cơ hội. Quyết định này được thực thi một phần do mong muốn của lãnh đạo Đảng không muốn nhượng bộ bất cứ điều gì cho phe cánh tả trong đảng.

Một lý do khác, không kém phần quan trọng, đó là tiềm năng ngoại giao của cơ quan này ngày càng trở nên có giá trị hơn vào lúc Liên Bang Xô Viết có nguy cơ bị cô lập trên trường quốc tế. Trong khi đó, phe bảo thủ Anh cứng rắn đang thúc ép chính phủ cắt đứt quan hệ với Liên Xô. Năm 1925, hiệp ước Locarno, do Vương quốc Anh đề xướng để hòa giải với Đức, hủy bỏ hiệu lực của Hiệp ước Rapallo và đe dọa cô lập Matxcơva. Việc mở đường cho Đức gia nhập Hội Quốc Liên bị Matxcơva xem như là một hành động phóng lao chống lại Liên Xô.

Chuỗi thất bại và ánh hào quang

Chiến thuật hai mặt này hàm chứa một số rủi ro nhất định, như cho thấy cuộc tổng đình công do Liên Đoàn Công Đoàn Anh phát động vào tháng 5/1926 nhằm bày tỏ tình liên đới với phong trào đình công mùa đông của những người thợ mỏ.

Bị mắc kẹt, nhưng vì bị gắn liền với vai trò lãnh đạo cách mạng thế giới, Kremlin chỉ có thể ủng hộ cuộc đình công ngay từ những ngày đầu. Sau thất bại của phong trào này, Kremlin đổ mọi trách nhiệm lên TUC, cáo buộc họ đã phản bội những người lao động và đã khước từ « vàng đỏ », nguồn trợ giúp kinh tế của Liên Xô. Chỉ cần đề cập đến nguồn viện trợ này, cho dù là biểu tượng hay thực, cũng đủ làm dấy lên một lời kêu gọi trục xuất người Nga khỏi lãnh thổ Anh.

Sự việc này dẫn đến việc Liên Xô lần đầu tiên phải xem xét lại chính sách ngoại giao này. Vào mùa thu năm 1926, Ivan Maïski và nhất là Leonid Krassine, một nhà ngoại giao nổi tiếng bảo thủ và truyền thống, được gửi đến Luân Đôn trong một nỗ lực cuối cùng là tránh cuộc khủng hoảng.

Đồng thời, các hoạt động của Quốc Tế Cộng Sản cũng giảm đi đáng kể. Những biện pháp khẩn cấp này đến quá muộn và không đủ để ngăn chặn một loạt thất bại ngoại giao vào năm 1927. Và Đức tiếp tục rẽ về phía Tây.

Vào tháng 4 cùng năm, cảnh sát Trung Quốc, theo yêu cầu của Luân Đôn, đã đột nhập vào trụ sở của phái đoàn Liên Xô ở Bắc Kinh; Tưởng Giới Thạch cho tàn sát các cựu đồng minh cộng sản của mình. Tháng 5, chính phủ Anh cho lục soát các văn phòng của phái đoàn thương mại Xô Viết ở Luân Đôn và với lý do đã tìm thấy các tài liệu cho thấy có sự can thiệp nội bộ của Liên Xô, Luân Đôn đã đoạn giao với Matxcơva. Tháng 9, các cuộc thương thảo kinh tế với Pháp rơi vào ngõ cụt, và Christian Rakovski, đại sứ Liên Xô ở Paris, đã trở thành nhân vật không được hoan nghênh.

Những thảm họa ngoại giao năm đó đã nhấn chìm Matxcơva trong « nỗi sợ chiến tranh » và trong trạng thái bi quan sâu sắc, buộc họ ý thức về thất bại của chính sách đối ngoại. Trợ lý Maxim Litvinov đã lên thay thế ngoại trưởng Gueorgui Tchitcherin. Ông Maxime Litvinov luôn chủ trương cách tiếp cận theo quy ước hơn và ủng hộ sự hội nhập của Liên Xô vào hệ thống châu Âu.

Sau khi được bổ nhiệm, sự đối đầu không lay chuyển với các nước tư bản dần nhường chỗ cho một đường lối ủng hộ cùng tồn tại hòa bình dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Được nhắc đi nhắc lại trong suốt thời Liên Xô, « thời kỳ hòa hoãn » đã làm lụi dần khát vọng cách mạng tưởng chừng không thể nào lay chuyển. Nền ngoại giao của Liên Xô dần dà rồi cũng gần giống với các đồng nghiệp phương Tây đến mức gần như lấy lại được một phần hào quang mà Nga đã từng có trong những chế độ trước đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.