Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

100 năm Cách mạng tháng 10 : Hòa giải hay xét tội đều bất khả

Đăng ngày:

Ước nguyện xét xử tội ác chủ nghĩa cộng sản không phải là mới. Ngày nay ba nước vùng Baltic Latvia, Litva và Estonia dường như muốn đi đến cùng, thành lập toà án quốc tế Nuremberg thứ hai. Matxcơva bác bỏ với lập luận : luật quốc tế không cho phép. Trong khi đó, tại Nga, con đường hoà giải dân tộc cũng gặp nhiều chướng ngại. Vì sao ?

Stalin đã lãnh đạo Liên Xô từ cuối thập niên 1920 cho đến khi qua đời ngyà 05/03/1953 tại Matxcơva.
Stalin đã lãnh đạo Liên Xô từ cuối thập niên 1920 cho đến khi qua đời ngyà 05/03/1953 tại Matxcơva. AFP PHOTO
Quảng cáo

Trong loạt bài « Nước Nga và 100 năm sau cách mạng tháng 10 » qua lăng kính của báo chí Nga trong những tháng qua, được tuần báo Pháp Le Courrier International tuyển chọn trong số đặc biệt, trong số các món nợ của quá khứ có hồ sơ nhức nhối được giới trí thức nêu lên : hoà giải dân tộc và xét tội chế độ cộng sản.

Hiểu một cách bình thường và hợp lý, một khi chính tổng bí thư Nikita Khrouchtchev đã chính thức tố cáo tội ác của Stalin thì chuyện xét xử công tội của đảng cộng sản Liên xô để mở đường hoà giải hoà hợp dân tộc là điều tất yếu. Trên thực tế, điện Kremlin không muốn đi tới.

Nuremberg thứ hai ?

Trong bài « Phiên toà xử chủ nghĩa cộng sản sẽ không diễn ra », Viatcheslav Vichnevki, trên báo mạng Vzgiad, cho biết vào năm 2017, tư pháp ba nước baltic, bị Liên Xô xáp nhập cho đến 1990, đề nghị hợp tác chung để thành lập toà án hình sự đặc trách điều tra tội ác chế độ cộng sản. Sáng kiến này nếu được thực hiện sẽ là một hành động có giá trị biểu tượng sâu sắc ghi khắc ký ức lịch sử.

Trước đó hai năm, một cuộc hội thảo do Viện Công Pháp Quốc Tế và Châu Âu ở Litva tổ chức quy tụ nhiều khách mời từ baltic cho đến các quốc gia đông Âu như Ba lan, Cộng hoà Sec, Hungari, Gruzia… Tuy nhiên, theo lý giải của một chuyên gia Nga, các nước baltic muốn nhân cơ hội Nga bị thế giới lên án trong vụ cán thiệp vào Ukraina và Syria để kích động phong trào chống Nga và đòi bồi thường kinh tế. Bởi vì nếu chủ nghĩa cộng sản Liên xô bị kết tội thì ai là kẻ thừa kế nếu không phải là Nga ? Đối với sử gia Vladimir Simindei, thì Nga không có chuyện gì phải lo vì ngày nào Nga cường thịnh thì ngày đó các nước baltic không làm gì được. Tuy nhiên, sử gia này nhìn nhận ba nước baltic có đủ khả năng huy động công luận trong nước bài cộng sản và qua đó bài bác Nga.

Về vấn đề này, nhà báo Pháp, Virginie Lepetit, chủ bút Le Courrier Internatinal cho rằng khác với nước Đức chấp nhận liệu pháp đớn đau thanh tóan nợ nần của chế độ diệt chủng Hitler, nước Nga của Vladimir Putin không dám nhìn vào quá khứ :

Danh sách đao phủ thủ đã được công bố và gây tranh luận : ai là thủ phạm ? Stalin hay cơ chế ? Bộ hạ tay chân của Stalin hay cả một quốc gia cùng tham gia vào tội ác chống lại chính dân tộc mình, đất nước mình. Baltic đòi thành lập toà án xử tội chế độ cộng sản, toà quốc tế hay một cơ quan tư pháp mới. Bên cạnh lý do công lý đòi hỏi có có vấn đề quyền lợi kinh tế. Nhà nước ba nước baltic đòi Nga bồi thường. Vấn đề rắc rối ở đây là định nghĩa thế nào là « tội ác cộng sản » ? Tội ác theo định nghĩa của Toà Án Hình Sự Quốc Tế phải có liên quan đến chiến tranh. Thế mà tội ác trong chế độ cộng sản không bắt buộc xảy ra trong thời chiến , cũng không chấm dứt khi chiến tranh kết thúc. Do vậy, có nhiều chướng ngại trên đường đi đến bản án chung cuộc.

Ai là thủ phạm?

Nhà văn Liên xô Sergei Dovlatov đã có câu trả lời : Chúng ta không ngừng lên án đồng chí Stalin, và dĩ nhiên chúng ta có lý. Tuy nhiên, tôi phải đặt câu hỏi : ai đã viết 4 triệu lá thư tố cáo phản động ?

Tất cả những người đã viết thư và ký tên tố cáo bạn bè mình, đồng nghiệp của mình, thậm chí bà con họ hàng của mình để họ bị tù đày hay bị hành quyết và ai đã « làm nhân chứng », chuyển thư tố cáo kể cả người thư ký đánh máy đều là thủ phạm, theo nhận định của nhà báo Ioulia Melamed trên báo mạng Gazeta.ru.

Từ hàng chục năm nay, Denis Karagodin, một thanh niên Nga, đã âm thầm truy tìm tài liệu thủ phạm hành quyết ông cố của mình vào năm 1937. Những kẻ trực tiếp bắt người dân làng ở Tomsk là nhân viên mật vụ NLDV của Stalin. Denis Karagodin (2016) lập được danh sách của những kẻ sát hại ông cố cách nay 80 năm ( và 37 nông dân khác). Danh sách này tính từ người thư ký đánh máy bản cáo trạng, anh lái xe đưa nạn nhân ra pháp trường , phăng lần lên những cán bộ cao hơn, cao hơn…

Denis Karagodin tâm sự : nhiều người bảo tôi không nên xếp thư ký đánh máy vào danh sách đao phủ thủ. Tôi trả lời là phải tính luôn. Bởi vì thư ký đánh máy cáo trạng làm việc ở đâu nếu không phải là ở cơ quan mật vụ ? Anh ta không phải là nhân viên bán kem.

Người cháu bốn đời của nạn nhân đã tìm ra được cách vận hành của guồng máy đàn áp. Để trả thù ? Không, Denis Karagodin chỉ muốn đem những kẻ tham gia sát hại ông cố từ kẻ chỉ đạo cho đến thừa hành, ngụy tạo hồ sơ, ngụy tạo bản án, ngụy tạo chứng cớ ra trước công lý . Nói đúng ra là ông muốn một phiên toà lịch sử kết tội Stalin.

Theo nhà báo Ioulia Melamed, câu chuyện của Karagodin gây tiếng vang tại Nga. Một người cháu bốn đời của một trong số nhân viên mật vụ hành quyết ông cố của Denis Karagodin đã viết một bức thư cho cháu cố của nạn nhân : cảm giác của tôi khi biết câu chuyện này là không nói ra lời… Cô này gửi hình của ông cố mật vụ, chứng minh thư nhân dân kèm theo lời xin lỗi « để không làm anh mất thời giờ, tôi sẽ giúp anh, trong khả năng của tôi, thu thập thêm tài liệu để đưa tội ác ghê rợn này ra ánh sáng ».

Một sự kiện nổi bật nữa là trong gia đình cô gái này, tự xưng là Ioulia, cũng có những người khác là đao phủ thủ nhưng cũng có người là nạn nhân của chính sách đàn áp.

Xét tội Stalin… chạm đến Lenin và chiến lược của Putin

Hàng thế hệ bị bịt miệng. Đã đến lúc mỗi người Nga phải can đảm cất tiếng nói. Đó là giải pháp đưa đến con đường hoà giải dân tộc. Đó là kết luận của con cháu nạn nhân.

20 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, nhu cầu hoà giải dân tộc mới được nêu lên cấp thiết.

Sabine Dullin, sử gia, giáo sư Đại Học Chính Trị Paris giải thích với RFI :

Người ta có thể nói là trong thập niên 1990, vấn đề quan trọng nhất là đảng Cộng sản phải sám hối tội lỗi sau khi chế độ Cộng sản Liên-Xô cáo chung. Vấn đề này được bàn luận rất nhiều thời tổng thống Boris Yeltsin. Thế rồi, cuối cùng chẳng đi đến đâu. Không một công trình, không một nỗ lực cụ thể nào nghiêm túc xem xét lại thời kỳ chế độ Xô-viết.

Bây giờ người ta nói đến nhu cầu « hoà giải dân tộc » bởi vì điều mà chính quyền Nga, chính quyền Putin muốn tránh né hơn hết là sợ phải khơi lại thực trạng năm 1917, thời kỳ Lenin sáng lập chế độ cộng sản. Nghĩa là không phải chỉ có một cuộc cách mạng mà có nhiều cuộc cách mạng và không bắt buộc mang trọn vẹn ý nghĩa cách mạng cộng sản. Ví dụ như cuộc « cách mạng dân tộc » phát triển trong năm 1917, đối kháng với chủ trương « dân tộc chủ nghĩa » của triều đình Nga. Người ta cũng có thể kể ra cuộc xung khắc giữa phe cộng sản và phe bạch vệ với hệ quả là một làn sóng di dân bỏ nước Nga ra đi. Ngày nay, Vladimir Putin muốn làm tổng thống của tất cả người Nga kể cả người Nga lưu vong và người Nga sống trong nước. Do vậy, chính quyền Nga ngày nay cảm thấy không an tâm, thỏai mái khi nhắc đến quá khứ. Như mọi cuộc cách mạng, cách mạng tháng 10 làm máu đổ rất nhiều. Chính vì thế mà nó gây chia rẽ, phân hóa xã hội Nga : một bên là đao phủ thủ, một bên là nạn nhân của suốt hai thời kỳ Lenin và Stalin.

Đối với triết gia Alexandre Tsipko, vào thời điểm 2017 này, không thể chờ đợi thêm nữa mà cần phải lập danh sách các tội lớn của bôn-xê-vich làm cho hàng chục triệu người chết. Nhưng một khi xử Stalin thì cũng phải xét tội Lenin. Đây chính là chướng ngại.

Giáo sư Sabine Dullin : Những thực trạng này không thể đưa vào diễn văn của Putin. Diễn văn của Putin là thông điệp « đơn điệu » không có chổ đứng cho « đa nguyên », cho nhiều quan điểm khác nhau. Do vậy, điều duy nhất trong cách mạng 1917 mà Putin giữ lại là hình ảnh của Lenin, cho dù Lenin của năm 1917 là một người hoàn toàn đối nghịch với Putin ngày nay 2017. Lúc đó, Lenin là kẻ chủ trương chống tổ quốc Nga, làm những điều đi ngược lại quyền lợi nước Nga .

Nhưng khi Bôn-xê-vich chiếm được chính quyền, Lenin xây dựng Liên Bang Xô-viết, thu hồi những vùng lãnh thổ bị mất trong Thế chiến thứ nhất, tức là khi ông xóa được cái nhục bại trận của quân đội hoàng gia Nga, làm nước Nga bật dậy thì Lenin được xem là một nhân vật có công tập họp nước Nga, trở thành cha đẻ nước Nga hiện nay. Vì thế, người ta để cho ông một lăng mộ nằm ngay quảng trường Đỏ. Hầu hết các bức tượng của Lenin vẫn tồn tại ở các thành phố.

Trên thực tế, Lenin không được tôn vinh ngang hàng với Stalin, ít ra là tại nước Nga của Putin. Bởi vì tại Nga, người ta thích tôn sùng chiến tranh hơn là cách mạng.

Nói như Serguei Narychkine, giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại SVR, chủ tịch Hiệp hội lịch sử Nga thì « kẻ chiến thắng cũng như nạn nhân (của cách mạng ), ai cũng có sự thật của mình ». Vấn đề là cho đến 100 năm sau, nước Nga vẫn áp đặt « sự thật của kẻ chiến thắng ».

Chủ đề lần tới : Tương lai nước Nga trong tay thế hệ trẻ không giáo điều

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.