Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - KURDISTAN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa : Kurdistan sẽ phải trả giá vì đòi độc lập

Sau cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập, được tổ chức vào ngày 25/09 vừa qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tiếp tục đe dọa người Kurdistan Irak là sẽ trả đũa và chỉ trích mạnh mẽ lãnh đạo Kurdistan Irak, ông Massoud Barzani. Hôm qua, 30/09/2017, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa là người Kurdistan sẽ phải trả giá vì đòi độc lập.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, ngày 30/09/2017, dọa bóp nghẹt kinh tế Kurdistan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, ngày 30/09/2017, dọa bóp nghẹt kinh tế Kurdistan REUTERS/Murad Sezer
Quảng cáo

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết thêm thông tin:

«Thay vì cho thực hiện các đe dọa trừng phạt được nêu ra trong suốt cả tuần qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tiếp tục lớn tiếng chỉ trích người Kurdistan Irak. Ông cam kết sẽ đánh vào túi tiền của vùng tự trị này, bằng cách đóng cửa biên giới, khóa van ống dẫn dầu, không cho xuất khẩu dầu lửa của vùng này được trung chuyển qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan cho rằng đã bị ông Massoud Barzani, chủ tịch vùng Kurdistan Irak đánh lừa, vì trước đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ chủ tịch Kurdistan Irak khi phải đối mặt với Bagdad, bằng cách cấp cho vùng này các khoản tín dụng trị giá hơn một tỷ đô la và đã từng đón tiếp lãnh đạo Kurdistan một cách trọng thị tại phủ tổng thống ở Ankara. Do vậy, hôm qua, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ có một bài diễn văn rất cứng rắn. Ông nói: Chúng ta không ân hận về những gì chúng ta đã làm cho họ trong quá khứ. Giờ đây, do các các điều kiện đã thay đổi, do chính phủ vùng phía bắc Irak mà chúng ta đã liên tục ủng hộ, đã cho tổ chức trưng cầu dân ý bất chấp ý kiến của chúng ta, vậy thì họ sẽ phải trả giá.

Vẫn theo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức hôm thứ Hai vừa qua chỉ mở lại một vết thương trong khu vực. Trước đó, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từng nêu ra nguy cơ một cuộc chiến tranh sắc tộc và tín ngưỡng.

Ông Erdogan cũng gợi ý là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại can thiệp vào Irak, nhất là để bảo vệ người Irak gốc Thổ ở Kirkouk. Tỉnh nàycó trong phạm vi cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, cho dù nằm ở ngoài vùng Kurdistan và để cho người Kurdistan kiểm soát từ năm 2014 khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tấn công».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.