Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Bóng ma Lênin vẫn ám ảnh xã hội Nga

Đăng ngày:

Tháng 10/2017, Nga kỷ niệm 100 năm « Cách mạng tháng Mười ». Chỉ trong vòng vài tháng, từ chế độ Nga hoàng, nước Nga rơi vào tay Bôn-sê-vich, chế độ cộng sản đầu tiên của lịch sử, đứng đầu là một nhân vật có bí danh Lênin. Một trăm năm sau, nước Nga của Putin nhìn quá khứ như thế nào ? Tâm trạng phân vân không biết phải tưởng niệm ai và kỷ niệm cái gì, thể hiện trên báo chí, cho thấy « Cách mạng tháng Mười » chưa được « tiêu hóa », chưa « hội nhập » vào dòng lịch sử.

Tượng của Lênin tại quảng trường trước ga xe lửa Finlyandsky ở Saint Petersburg.
Tượng của Lênin tại quảng trường trước ga xe lửa Finlyandsky ở Saint Petersburg. Mladen ANTONOV/AFP
Quảng cáo

Chế độ Xô-viết là gì ? Theo Lênin : « hầu hết trên thế giới người ta không thể hiểu hoặc không muốn hiểu. Bản chất của chế độ Xô-viết là thu hút mỗi ngày mỗi đông đảo công nhân mỗi nước đi theo cách mạng. Nếu trong quá khứ, chính quyền nằm trong tay giai cấp nhà giàu hay tư bản thống trị thì từ nay, lần đầu tiên (tháng 10/1917), nước Nga do một giai cấp từng bị tư bản bóc lột cai trị một cách bất công đứng lên giành quyền lãnh đạo ».

Nếu đúng như vậy, cách mạng Nga phát sinh từ ý thức hệ giải phóng giới công nhân, thợ thuyền. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, lý tưởng này bị dẹp qua một bên, nhường chổ cho một chế độ độc tài bạo ngược, đàn áp, triệt hạ mọi ý kiến, mọi tiếng nói khác biệt.

100 năm sau, nước Nga nhìn về lịch sử như thế nào ? Tưởng niệm « cách mạng » hay « thảm sát » ? Putin muốn đặt mình vào vị trí của nhân vật nào trong lịch sử Nga ?

Tuần báo Le Courrier International tuyển chọn một loạt bài phân tích trên báo chí Nga. Những câu hỏi được nêu lên phản ánh thực trạng : nước Nga, 100 năm sau cách mạng tháng Mười, 61 năm sau báo cáo của Khroutchev lên án Stalin, 26 năm sau khi Liên xô sụp đổ, vẫn chưa thống kê được công tội của cộng sản xô-viết. Tổng thống Putin cũng không có ý định giải quyết phân minh hồ sơ gai góc này. Điện Kremlin chỉ thị không được chạm đến chính trị trong năm tưởng niệm. Hệ quả là nước Nga tiếp tục phân hóa.

Từ đầu năm nay, trên báo chí Nga rất nhiều bài báo cho thấy dấu mốc 100 năm cách mạng Nga đang gây tâm trạng « bất an », dường như nước Nga chưa « tiêu hóa » được cách mạng bôn-sê-vich. Được RFI đặt câu hỏi, nhà báo Virginie Lepetit, chủ chiệm tuần báo Le Courrier International, trở lại bối cảnh lịch sử của Nga và thế giới vào thời điểm 1917 :

Virginie Lepetit : Vào năm 1917, thế giới đang chìm trong Thế chiến thứ nhất. Nga là một trong những nước tham chiến. Nước Nga của Nga hoàng gặp rất nhiều khó khăn từ đầu năm 1917. Thiệt hại nhân mạng rất nặng nề. Lãnh thổ quá rộng lớn khiến cho công việc vận chuyển hàng hóa, thực phẩm tiếp tế cho dân chúng không được chu toàn. Trong bối cảnh này, xuất hiện một cuộc cách mạng đầu tiên vào tháng hai. Theo từ ngữ của báo chí Nga ngày nay, cuộc cách mạng đầu tiên có thể xem là « cách mạng tự do theo lối Tây phương ». Một cuộc cách mạng tư sản mà mục tiêu được loan báo là một khi chiến tranh kết thúc, sẽ thành lập chế độ đại nghị.

Thế nhưng, chiến tranh kéo dài. Lênin, đang sống lưu vong ở nước ngoài, trở về Nga tổ chức cuộc cách mạng thứ hai : cách mạng bôn-sê-vich do những Xô-viết công nhân, bị chính trị hóa tối đa, mà chỉ huy là Lênin.

Nói đến cách mạng tháng Mười thì không thể không nói đến những sai trái, những chệch hướng và tội ác. Trả lời phỏng vấn báo Zvezda, sau khi đi thăm nhà tù Perm-36 ở Siberia, nhà điện ảnh Alexander Sokourov, đạo diễn một bộ phim nổi tiếng về chủ nghĩa độc tài, đòi phải có một « viện bảo tàng quần đảo ngục tù » tầm thế giới. Từ 1923 đến 1991, khi trại tù cuối cùng đóng cửa, đây là những nơi từng giam cầm, đầy đọa khoảng 18 triệu người.

Virginie Lepetit : Cao điểm của chế độ này là thời kỳ Stalin đến thập niên 1950. Hai triệu người bị giam cầm trong các trại tù được thiết lập trên khắp lãnh thổ Nga, còn gọi là các quần đảo ngục tù Goulag. Điểm đặc biệt khác thường là tù nhân chính trị bị giam chung với tù hình sự. Ngoài điều kiện lao động khắc nghiệt, còn có nạn tra tấn, bạo hành, hành quyết trong tù. Chính sách cay nghiệt này đã tạo một vết thương lớn cho cả nước Nga cho đến tận bây giờ .

Qua báo chí Nga, người ta thấy vì sao nước Nga hiện nay lúng túng, không thoải mái trước sự kiện lịch sử này, 100 năm cách mạng thánq 10 : tưởng niệm cái gì, một cuộc đại cách mạng hay một cuộc đảo chính, thảm sát ?

Virginie Lepetit : Vâng, có rất nhiều đề xuất : đề xuất chính thức của điện Kremlin, của các hội đồng được thành lập để tổ chức tưởng niệm 100 năm cách mạng tháng 10. Nhưng tưởng niệm cái gì, tưởng niệm ai lại là một điều vô cùng phức tạp. Những hậu duệ, con cháu của thế hệ 1917 ngồi lại với nhau để thảo luận xem cần phải chọn lọc những sự kiện nào : chiến thắng của người dân nghèo chống triều đình phong kiến chăng ? Nếu vậy, thì có nên tưởng niệm nạn nhân các đợt thanh trừng, thảm sát tiếp theo đó không ? Vladimir Putin đã tính trước tuyệt đối không nhắc lại những sự kiện gây tranh cãi. Chỉ thị của điện Kremlin là phải duy trì « đồng thuận » : Có một cuộc cách mạng lớn 1917 và nội chiến sau đó, nhưng phải xem đó là những sự việc tiếp nối nhau trong lịch sử nước Nga, chứ không phải là một « bước ngoặt » của lịch sử.

Vì sao các đảng chính trị không được mời tham gia các hội đồng tổ chức kỷ niệm biến cố lịch sử ?

Virginie Lepetit :  Điện Kremlin và chính phủ Nga không muốn các đảng phái chính trị tham gia vào các hội đồng tổ chức kỷ niệm. Trong các hội đồng này, có sử gia, nhà điện ảnh, nghệ sĩ, nhưng tuyệt đối không được chính trị hóa sự kiện. Điều làm chính quyền Nga lo lắng nhất là kỷ niệm 100 năm cách mạng tháng 10 bị khai thác vào mục đích chính trị. Giáo Hội Chính Thống Giáo muốn một sự đồng thuận.

Báo chí Nga có xu hướng chung cổ vũ « hòa giải dân tộc » ? Điều này mang ý nghĩa gì 100 năm sau cách mạng, 26 năm sau khi Liên xô tan rã ?

Virginie Lepetit : Có lẽ đúng. Nước Nga vẫn còn bị phân hóa giữa những hậu duệ của « bạch vệ » Nga, nạn nhân đầu tiên của phe cách mạng bởi vì họ bị cướp mất quyền lực. Kế tiếp là hậu duệ của những nạn nhân bị thảm sát dưới thời Stalin. Bên kia là con cháu của những người một thời là đao phủ thủ, những quản giáo trại tù Goulag hay chỉ là cán bộ hành chánh quản lý trại giam. Vấn đề là làm sao thực hiện được « hoà giải dân tộc », nếu không nhìn nhận và nhắc lại những tội ác này.

Danh sách 40.000 công an chính trị tham gia trấn áp dân chúng thời kỳ đại khủng bố đã được công bố trên Internet. Những động thái này đã gây tranh luận tại Nga. Câu hỏi đặt ra là có nên « khơi dậy quá khứ » hay không ?

Trong bài « Những bóng ma ám ảnh » trên tạp chí Ogoniok ( Ogoniok ra mắt năm 1889, được huân chương Lênin thời Liên Xô), nhà văn Victor Erofeev cho rằng đó là một « nhu cầu cần thiết » : Không phải nhằm trả thù mà là để cảnh cáo những mưu toan của chính quyền Putin muốn phục hồi đồ tể Stalin.

Lần tới : 100 năm sau « cách mạng tháng 10 » : một thế hệ trẻ tự do trong tâm hồn

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.