Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - TÂY BAN NHA

Khủng hoảng Catalunya: Hiềm khích xa xưa nay trỗi dậy

Cuộc đối đầu giữa vùng Catalunya và  chính quyền Tây Ban Nha xung quanh dự định tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị, bị Madrid cấm, là màn mới nhất trong lịch sử đầy biến động của quan hệ giữa vùng đất này với chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Những hiềm khích đầu tiên đã manh nha từ thế kỷ XV, nhưng chính những năm 2000 mới là tiền đề cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Biểu tượng màu cờ sắc áo của Catalunya tại Đại học Barcelona ngày 22/09/2017.
Biểu tượng màu cờ sắc áo của Catalunya tại Đại học Barcelona ngày 22/09/2017. REUTERS/Jon Nazca
Quảng cáo

Bà Barbara Loyer,  giảng viên, nhà nghiên cứu tại Viện Địa Chính Trị Pháp thuộc Đại học Paris VIII và là một chuyên gia về Tây Ban Nha, trong một bài trả lời phỏng vấn France 24 cố gắng làm sáng tỏ thêm về cuộc khủng hoảng phức tạp giữa vùng Catalunya và chính quyền trung ương Madrid. Chúng tôi xin lược dịch giới thiệu ý kiến của chuyên gia Barbara Loye.

Căng thẳng giữa chính quyền vùng Catalunya và trung ương đã nảy sinh từ khi nào ?

Từ thế kỷ thứ XV, một vị vua tổ tiên người Castilla lên ngôi trị vì vương quốc Aragon, trải dài từ miền bắc Tây Ban Nha xuống tận Barcelona. Với những người Catalunya có tư tưởng cục bộ địa phương, đó chính là điểm khởi đầu của vấn đề. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một thời kỳ trong lịch sử chung của đất nước này.

Sau đó còn có nhiều giai đoạn căng thẳng khác nhau, đặc biệt ở vào thế kỷ XVIII,  khi những người Catalunya ưu tú chống lại một vị vua xuất thân từ  triều đại dòng họ Bourbon lên ngôi. Đó là vua Philppe V, người đã chinh phục và phá bỏ mọi quyền tự do của các địa phương. Ngày  11/09/1714 đánh dấu sự thất bại  của Catalunya được những người theo dân tộc chủ nghĩa kỷ niệm hàng năm kể từ năm 1886.

Đến thế kỷ XIX, trên đà mất hàng loạt thuộc địa, người Tây Ban Nha lần lượt từ bỏ chủ quyền ở các mảnh đất xa xôi như Cuba, Puerto Rico, Guam và đến năm 1898 đến lượt Philippines.

Thất vọng và phẫn nộ, giới thượng lưu Catalunya sử dụng tinh thần dân tộc Catalunya làm đòn bẩy tạo đối trọng với giới ưu tú còn lại của Tây Ban Nha.  Đó là thời điểm đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc Catalunya đương đại, có tổ chức chặt chẽ.  Tuy vậy những gia đoạn lịch sử trên không giải thích được cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Điều gì đã đẩy đến cuộc khủng hoảng hiện nay ?

Từ những năm 2000, có một sự giao thoa các hiện tượng chính trị, kinh tế. Ông José Luis Zapatero lên lãnh đạo chính phủ Tây Ban Nha năm 2004, cam kết xem xét lại các quy chế tự trị của một số vùng. Quy chế tự quyết mới của Catalunya do chính quyền liên minh gồm phe Xã hội, phe tả Dân tộc chủ nghĩa Catalunya và Cộng sản soạn thảo ra để thay thế cho quy chế 1979.

Được Nghị viện Catalunya, rồi tiếp đó là các dân biểu ở Madrid thông qua hồi tháng 3/2016, quy chế tự trị mới của vùng Catalunya bao gồm 223 điều khoản, thay vì 57 điều trong quy chế 1979.

Nhưng năm 2010 Đảng Nhân Dân kiện lên Tòa Bảo Hiến Tây Ban Nha phủ nhận 14 điều khoản mà họ cho là « vi hiến » . Tòa kết luận về mặt pháp lý Catalunya không thể được coi là « quốc gia », không chấp nhận ưu tiên sử dụng ngôn ngữ Catalunya trong hành chính và không chấp nhận độc lập hoàn toàn của hệ thống tư pháp Catalunya. Quyết định của Tòa Bảo Hiến đã làm dấy lên làn sóng biểu tình tại Barcelona với đòi hỏi : « Chúng tôi là một quốc gia, chúng tôi quyết định »

Trong lúc đó, Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng kinh tế 2008, một lý do để dư luận Catalunya bắt đầu lắng nghe các phát biểu của những người chủ trương ly khai triệt để, mà đến lúc đó vẫn ít được biết đến. Các biện pháp của chính phủ Madrid đưa ra nhằm hạn chế hệ quả của khủng khoảng kinh tế đã kéo theo việc thắt chặt kiểm soát từ trung ương các chi tiêu công của các vùng cộng đồng.  

Lý giải thế nào cho việc khủng hoảng ngày càng lún sâu ?

Hiến Pháp Tây Bán Nha năm 1978 có quy định tiến trình theo đó các tỉnh sáp nhập thành cộng đồng tự trị nhưng lại không định hình được các quan hệ giữa chính quyền trung ương và các cộng đồng tự trị, bởi vì đa phần các vùng tự trị không tồn tại ở thời điểm thông qua Hiến pháp. Văn kiện thừa nhận sự tồn tại chủ quyền quốc gia, khẳng định « quốc gia Tây Ban Nha không thể chia cắt ».

Ngay lúc đó, quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương được xây dựng từng bước khi mà các đảng chiếm đa số cần đến đảng dân tộc chủ nghĩa chiếm thiểu số để bầu thủ tướng hay thông qua các chính sách chung của Tây Ban Nha.  Cộng đồng tự trị xứ Basque và Catalunya vì thế có thẩm quyền rất rộng từ đó.

Không ít người Catalunya kêu gọi chính phủ Madrid hành động và thậm chí họ còn cho rằng cần phải làm điều đó sớm hơn. Ngay cả đảng Xã  Hội, đảng đối lập hàng đầu, đã ủng hộ phe bảo thủ để bảo vệ Nhà nước pháp quyền. Nhưng tình hình trở nên nghiêm trong bởi vì phe cực tả biến trưng cầu dân ý thành vấn đề có tính nguyên tắc.

Tại Nghị viện ở Madrid, đảng Podemos phụ thuộc vào các đồng minh trong vùng. Lãnh đạo đảng đã quyết định diễn giải các biện pháp của chính phủ như là một kiểu trấn áp bất hợp pháp. Những người chủ trương Catalunya độc lập tìm thấy đồng minh trong phe cực tả đang hy vọng là suy yếu đảng Xã Hội. Bàn cờ chính trị của Tây Ban Nha đang rất phức tạp và nguy hiểm vì một số tác nhân chính trị vẫn thấy có lợi trong việc khơi dậy đối đầu hay trấn áp. Tương lai chính trị của Tây Ban Nha rất bất trắc.

Những mốc thời gian chính trong sự trỗi dậy của trào lưu đòi độc lập cho Catalunya :

03/2006 : Quốc Hội Tây Ban Nha thông qua quy chế mới tăng cường quyền tự trị cho Catalunya, mà trong phần mở đầu xác định vùng này như một « quốc gia » bên trong Nhà nước Tây Ban Nha.

07/2006 : Đảng Nhân Dân của Mariano Rajoy, khi đó đang là đối lập, phản đối quy chế mới kiện lên Tòa Bảo Hiến.

06/2010 : Tòa Bảo Hiến  hủy một phần quy chế tự trị của Catalunya. Tòa kết luận: Xác nhận Catalunya là một « quốc gia » là không có giá trị pháp lý. Tòa bác bỏ ưu tiên sử dụng tiếng Catalunya trong hành chính và truyền thông.

11/09/2012 : Hơn một triệu người xuống đường tại Barcelona nhân ngày lễ của vùng, với khẩu hiệu  « Catalunya, Nhà nước mới của châu Âu »

20/09/2012: Thủ tướng Mariano Rajoy từ chối thương lượng với chủ tịch vùng Catalunya, Artur Mas. Tháng 11 năm 2012, sau khi thắng trong cuộc bầu cử cấp vùng , ông Artur Mas hứa tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của vùng.

9/11/2014 : Catalunya tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, nhưn bị coi là chống Hiến pháp. Tỷ lê tham gia bỏ phiếu khoảng 35%. Gần 80% người bỏ phiếu (khoảng,8 triệu dân Catalunya) ủng hộ độc lập.

27/09/2015 : Toàn bộ các đảng chủ trương đòi độc lập, tả và hữu, lần đầu tiên giành được đa số (47,6%) ở Nghị viện vùng.

9/11/2015 : Nghị Viện Catalunya thông qua nghị quyết tuyên bố khởi động tiến trình thiết lập ra « Nhà nước Catalunya độc lập theo hình thái Cộng hòa » chậm nhất là vào năm 2017. Tòa Bảo Hiến phủ nhận nghị quyết trên.

10/01/2016 : Carles Puigdemont, một nhân vật chủ trương độc lập từ lâu nay, trở thành chủ tịch vùng.

06/2017 : Carles Puigdemont thông báo tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập vào ngày 1/10/2017 bất chấp lệnh cấm của chính quyền trung ương. Câu hỏi để người dân lựa chọn : « Quý vị có muốn Catalunya là một Nhà nước độc lập dưới hình thái Cộng hòa ? ».

6/09/2017 : Nghị viện vùng thông qua luật tổ chức trưng cầu dân ý. Puigdemont ấn định ngày tổ chức 1/10. Ngay hôm sau theo đề nghị của chính phủ Madrid, Tòa Bảo Hiến ra phán quyết phủ nhận luật.

Cuộc đọ sức thêm căng thẳng từng ngày. Chính quyền trung ương huy động mọi nỗ lục để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu, bằng cả các biện pháp mạnh như bắt bớ, cấm đoán. Chính quyền vùng tiếp tục khẳng định quyết tâm có được cuộc tham khảo ý kiến dân, trong lúc đường phố Barcelona không lúc nào vắng bóng người biểu tình đòi trưng cầu dân ý.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.