Vào nội dung chính
IRAK - KURDISTAN

Dân Kurdistan Irak trưng cầu dân ý: Hơn 90% ủng hộ độc lập

Hôm qua, 26/09/2017, lãnh đạo vùng tự trị Kurdistan, Irak, chính thức thông báo đa số cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ chủ trương độc lập. Cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm thứ Hai bị chính quyền Bagdad tuyên bố là « bất hợp pháp », và tất cả các nước láng giềng lên án. Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa can thiệp vũ trang.

Tại một điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurdistan  tại Kirkuk, Irak ngày 25/09/2017.
Tại một điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurdistan tại Kirkuk, Irak ngày 25/09/2017. REUTERS/Thaier Al-Sudani
Quảng cáo

AFP dẫn nguồn tin của ủy ban bầu cử địa phương, theo đó hơn 3,3 triệu cử tri đã bỏ phiếu, chiếm 72% tổng số cử tri. Theo đài truyền hình Kurdistan Roudaou, hơn 90% cử tri đã bỏ phiếu cho độc lập. Người đứng đầu vùng tự trị Kurdistan, ông Massoud Barzani, kêu gọi chính quyền trung ương Irak « đàm phán nghiêm túc (…) hơn là đưa ra các đe dọa », đồng thời bảo đảm trước cộng đồng quốc tế là cuộc trưng cầu dân ý nói trên không nhằm hoạch định đường biên giới « giữa Kurdistan và Irak », cũng như không áp đặt phạm vi lãnh thổ theo nguyên trạng.

Lãnh đạo vùng Kurdistan Irak cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng « nguyện vọng của hàng triệu người » ủng hộ độc lập, và khẳng định người dân Kurdistan chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn.

Trong khi đó, chính quyền Irak bác bỏ mọi thương lượng. Bagdad hạn cho chính quyền khu tự trị ba ngày để giao trả các sân bay quốc tế, và đe dọa sẽ cấm vận hàng không đối với khu vực của người Kurdistan. Tối hậu thư kết thúc vào 12 giờ, giờ quốc tế, ngày mai, 28/09. Hôm nay, chính quyền khu tự trị Kurdistan bác bỏ tối hậu thư của Bagdad.

Hôm qua, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cảnh báo nguy cơ « chiến tranh sắc tộc và tôn giáo », nếu người Kurdistan Irak đòi độc lập đến cùng.

Về phần mình, bộ Ngoại Giao Mỹ ra tuyên bố bày tỏ « thất vọng sâu sắc » về quyết định của chính quyền tự trị Kurdistan, nhưng khẳng định Washington vẫn duy trì các quan hệ lịch sử với vùng tự trị nói trên.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc yêu cầu các bên « thỏa hiệp ». Bộ Ngoại Giao Nga cũng kêu gọi các bên đàm phán để tìm giải pháp thỏa đáng, nhằm cùng tồn tại trong một Nhà nước Irak chung. Tuy nhiên, Matxcơva cũng lưu ý đến việc cần xem trọng các khát vọng dân tộc của người Kurdistan. Nga và khu tự trị có nhiều quan hệ kinh tế. Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi bảo vệ sự thống nhất của Irak, để chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Khoảng 30 triệu người Kurdistan sống rải rác tại bốn quốc gia Trung Đông (Irak, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria), sau khi đế chế Ottoman bị giải thể, vào cuối Thế chiến thứ nhất. Ngoài Irak, chính quyền ba quốc gia còn lại đều lo sợ trưng cầu dân ý độc lập Kurdistan đe dọa ổn định. Người Kurdistan tại Irak và Syria đã hy sinh nhiều xương máu trong cuộc chiến chống Daech những năm vừa qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.