Vào nội dung chính
NGA - NATO

Vì sao NATO lo lắng cuộc tập trận Zapad 2017 của Nga ?

Kể từ ngày hôm nay 14/09/2017, Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận có quy mô lớn, kéo dài cho đến hết ngày 20/09. NATO lấy làm lo lắng và theo dõi sát sao cuộc tập trận này. Vì sao ?

Binh sĩ và thiết bị quân sự NATO tới cảng Gdansk, Ba Lan, ngày 13/09/2017
Binh sĩ và thiết bị quân sự NATO tới cảng Gdansk, Ba Lan, ngày 13/09/2017 REUTERS
Quảng cáo

Cuộc tập trận lần này mang tên « Zapad 2017 ». Trong tiếng Nga, « Zapad » có nghĩa là « phía tây » hay « phương Tây », tức nói đến những vùng lãnh thổ phía tây của Nga, Belarus và Kaliningrad, vốn dĩ nằm lọt thỏm giữa Ba Lan và các nước vùng Baltic. Địa điểm tập trận diễn ra ngay sát biên giới với Ba Lan và Litva, thành viên của khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO.

Sự kiện quân sự lớn này đang khiến nhiều quốc gia lân cận với Nga và khối NATO lo lắng. Liên Hiệp Châu Âu và NATO xem cuộc tập trận này hoặc như là một hành động khiêu khích từ Matxcơva, hoặc đó là khúc dạo đầu cho một cuộc tấn công quân sự.

Đáp trả những lo lắng trên của NATO và Liên Âu, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Nga Alexandre Fomine khi trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Welle ngày 29/08, nhắc lại rằng chính NATO đang đe dọa Nga qua việc cho triển khai binh sĩ ngay sát biên giới với Nga.

« Thứ nhất, chính NATO đang đóng quân gần biên giới của chúng tôi. Quý vị có thể thấy điều đó, Nga không triển khai quân ở biên giới Đức hay Pháp. Trong trường hợp đó, ai sẽ là động lực thúc đẩy ? Chúng ta hãy nhìn thẳng những gì đang diễn ra từ một khía cạnh khác : cuộc tập trận "Zapad 2017" không phải là một lý do để NATO triển khai lực lượng ở biên giới Nga ».

Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định cuộc tập trận này đơn thuần mang tính phòng thủ, đồng thời cáo buộc « các giả thuyết của một số truyền thông cho rằng tập trận nhằm sắp xếp "một điểm đầu cầu" để xâm chiếm Litva, Ba Lan hay Ukraina là dối trá ».

Chuyên gia Igor Delanoe, phó giám đốc Đài Quan Sát Pháp-Nga cho rằng có một luận điểm thường xuyên được lặp lại trong một số phân tích khi nói về mối đe dọa của Nga. Theo đó, « quân đội Nga đã từng tiến hành tập trận quy mô lớn trước khi xảy ra chiến tranh với Gruzia năm 2008 hay khi xảy ra khủng hoảng Ukraina năm 2014. Do đó, họ thường nhấn mạnh : "Chắc gì Nga không tái diễn lại cùng một kịch bản và không xâm chiếm một trong số các nước vùng Baltic hay một phần lãnh thổ Ba Lan ? " »

Dù vậy, những giải thích của Matxcơva vẫn chưa thể nào trấn an NATO và các nước vùng Baltic. Ngoài việc, không chắc chắn về mục đích cuộc tập trận, NATO cáo buộc Nga thiếu minh bạch trong việc tổ chức « Zapad 2017 ».

Litva tố cáo Nga muốn huy động hơn 100 000 binh sĩ cho cuộc tập trận với ý đồ để lại một bộ phận quân đội trên lãnh thổ Belarus một khi cuộc tập trận kết thúc. Về phần mình, Nga cho đến lúc này vẫn khẳng định có 12 700 quân nhân tham gia (7 200 binh sĩ Belarus và 5 500 lính Nga).

Với Matxcơva, con số này có một tầm quan trọng, vì điều đó cho phép Nga không bị bắt buộc phải mở cửa cho các nhà quan sát nước ngoài đến thanh sát tập trận, theo như con số ấn định của Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE từ 13 000 quân trở đi.

Căng thẳng giữa Nga và NATO xung quanh « Zapad 2017 » có lẽ cũng khó mà hạ nhiệt trong suốt thời gian cuộc tập trận. Trước nỗi bất an của nhiều nước vùng Baltic và Ba Lan, Hoa Kỳ đã quyết định gởi 7 chiến đấu cơ F-15 tiến hành tuần tra trong không phận các nước Baltic.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.