Vào nội dung chính
ANH QUỐC - BREXIT

Quốc Hội Anh xem xét dự luật rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu

Từ hôm qua, 07/09/2017, các dân biểu Anh Quốc bắt đầu thảo luận dự luật do chính phủ trình lên, để xác định xem những quy định nào của châu Âu sẽ được duy trì trong hệ thống luật pháp quốc gia sau khi Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Ảnh minh họa : Biểu tình phản đối Brexit trước nghị viện ở Luân Đôn, ngày 19/08/2017.
Ảnh minh họa : Biểu tình phản đối Brexit trước nghị viện ở Luân Đôn, ngày 19/08/2017. REUTERS/Luke MacGregor
Quảng cáo

Lúc đầu được gọi là « Đạo luật hủy bỏ », nay trở thành « Đạo Luật rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu », văn bản này đánh dấu tiến trình Quốc Hội Anh Quốc giành lại chủ quyền từ Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, nhiều dân biểu đã chỉ trích vì dự luật này cho phép chính phủ thay đổi một số luật mà không cần Quốc Hội chấp thuận trước.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix cho biết thêm thông tin :

« Chính phủ của thủ tướng Theresa May biết rằng dự luật này còn lâu mới có được sự đồng thuận, kể cả trong hàng ngũ của đảng bảo thủ. Chính vì thế, bộ trưởng phụ trách hồ sơ Brexit, ông David Davis, đã nhấn mạnh rằng dự thảo này cực kỳ quan trọng để có được một sự chia tay bài bản với Liên Hiệp Châu Âu, tránh xẩy ra sự gián đoạn phũ phàng đối với các doanh nghiệp và người dân, bằng cách tiếp tục duy trì khuôn khổ pháp lý Anh.

Quả thực đây là một nhiệm vụ cực kỳ lớn bởi vì cần phải chuyển hóa hơn 12 ngàn quy định của châu Âu vào trong luật của Anh trước khi quyết định giữ, hủy bỏ hay sửa đổi các luật này.

Chính phủ Anh cho rằng công việc này phức tạp đến mức không thể áp dụng quy trình xem xét bỏ phiếu như thông lệ tại Quốc Hội và đề nghị được trao các đặc quyền trong vòng hai năm để tự chính phủ sửa đổi luật pháp. Đó là đặc quyền có tên gọi là « Các quyền của Henry VIII » làm cho các dân biểu khó chịu. Họ lo ngại là cơ quan hành pháp – chính phủ - sẽ hành xử như một vị vua triều đại Tudor và tùy ý sửa đổi một số đạo luật, ví dụ liên quan đến quyền của người lao động, bảo vệ người tiêu dùng hoặc bảo vệ môi trường. Vả lại, Công Đảng Anh và một bộ phận phe đối lập, đã báo trước là sẽ chống lại văn bản này trong cuộc bỏ phiếu vào thứ Hai, 11/09. Nhóm dân biểu bảo thủ ủng hộ châu Âu cũng có thể bỏ phiếu chống. Điều này gây khó khăn cho thủ tướng Theresa May vì bà chỉ có được một đa số mong manh, hơn phe đối  lập có 13 phiếu ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.