Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Venezuela : Cuộc khủng hoảng sẽ tiếp diễn đến đâu ?

Đăng ngày:

Từ gần 5 tháng qua, Venezuela, vốn là một quốc gia giầu có và phồn thịnh, nay mỗi ngày như thêm lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, và xã hội. Vì đâu nên nỗi ?

Biểu tình phản đối chính phủ của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Caracas, ngày 30/08/2017.
Biểu tình phản đối chính phủ của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Caracas, ngày 30/08/2017. REUTERS/Andres Martinez Casares
Quảng cáo

Toàn cảnh đất nước là một mầu u ám : ít nhất 125 người chết trong các cuộc bạo động kể từ khi các cuộc xuống đường phản đối tổng thống Nicolas Maduro nổ ra vào tháng 04/2017. Khoảng 1.000 người đã bị bắt giam. Nhiều vụ tra tấn đã xảy ra.

Đời sống của người dân ngày càng khó khăn. Khan hiếm lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men. Lạm phát phi mã với mức 1.000%, một tỷ lệ tồi tệ nhất trên thế giới. Thị trường chợ đen nở rộ làm suy sụp nền kinh tế đất nước. Đó là chưa kể đến nạn tham nhũng hoành hành và tình trạng mất an ninh, băng đảng lộng hành…

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị vẫn tiếp diễn, chưa có hồi kết. Diễn biến mới nhất là cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ngày 30/07/2017, nhằm lấy lại quyền hành từ Nghị Viện do phe đối lập kiểm soát từ tháng 12/2015.

Venezuela giờ như xẻ làm đôi, giữa một bên là phe thân chính phủ và bên kia là liên minh đối lập qui tụ các đảng chính trị từ hữu đến cực tả, chống Maduro do Henrique Capriles - một chủ doanh nghiệp, thống đốc bang Miranda, theo cánh trung dẫn đầu.

Những chính sách kinh tế sai lầm

Lỗi tại ai ? Do thất bại của một con người - Nicolas Maduro, hay là lỗi của cả hệ thống - Chủ nghĩa Chavez ? Hay là phe đối lập vẫn chưa thể nuốt trôi cuộc « cách mạng xã hội » đưa Hugo Chavez lên nắm quyền lãnh đạo đất nước ?

Trong chương trình tranh luận Địa Chính Trị của ban tiếng Pháp đài RFI ngày 27/08/2017, chuyên gia Gaspard Estrada giải thích rằng trong số các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, có hai yếu tố cơ bản làm cho tình hình Venezuela thêm trầm trọng : Thực thi một chiến lược kinh tế sai lầm và áp đặt một chính sách kiểm soát tỷ giá hối đoái cứng nhắc dưới thời Hugo Chavez.

Rất nhanh chóng, chính sách của Hugo Chavez đã lộ rõ các nhược điểm vào lúc tình hình kinh tế - tài chính thế giới có những biến động : giá dầu thô bắt đầu tụt giảm và lãi suất vay trên thị trường thế giới tăng vọt.

« Từ năm 2013, Venezuela gặp nhiều khó khăn trong việc tích trữ ngoại tệ do phải tuân theo một tỷ giá do ngân hàng trung ương ấn định. Và ngày nay, việc kiểm soát tỷ giá giải thích tại sao có một sự khó khăn đến thế trong việc nhập khẩu các sản phẩm nước ngoài trong một bối cảnh tất cả những thứ gì không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực dầu hỏa đều phải nhập khẩu vào Venezuela ».

Nguồn thu từ dầu lửa chỉ được sử dụng để tài trợ cho các chính sách xã hội, mà không dùng vào việc đa dạng hóa, mở rộng bộ máy sản xuất. Phải chăng ngày nay người dân Venezuela đang phải trả giá cho những chính sách sai lầm đó ? Và vì sao Venezuela không thể đa dạng hóa sản xuất ? Về điểm này, chuyên gia Christophe Ventura, trên làn sóng RFI, giải thích như sau :

« Câu trả lời là Chavez đã xóa bỏ cái gọi là món nợ xã hội của Venezuela đối với người dân nước này. Vào cuối những năm 1990, Venezuela là một trong những nước nghèo nhất châu Mỹ Latinh. Các khoản thu nhập từ dầu lửa nằm trong tay khoảng 1% nhóm những người giầu có nhất Venezuela. Những người này sống sung túc giữa Caracas và Miami, trong khi toàn nước Venezuela gần như đang rơi vào tình cảnh chết đói. Chavez muốn xóa bỏ món nợ xã hội này, và ông đã tập trung mọi sức lực vào việc thực hiện các chương trình chống đói nghèo, giáo dục, y tế…

Về câu hỏi tại sao Venezuela không thành công trong việc đa dạng hóa bộ máy sản xuất, thực tế cho thấy, đối với một nước ở phía nam, hay còn gọi là thuộc thế giới thứ ba, một nước “độc canh” hay chỉ có mỗi một lĩnh vực phát triển là dầu lửa, phụ thuộc vào thị trường quốc tế, công nghệ không được chuyển giao, và mức giá lại do việc tiêu thụ dầu lửa tại các nước giàu quyết định … thì tại Venezuela, một bộ phận xã hội không muốn tiến hành các cải cách và họ tổ chức, sắp xếp để ngăn chặn việc này.

Trong những điều kiện như vậy, rất khó đa dạng hóa bộ máy sản xuất. Hậu quả của tình trạng này là phi công nghiệp hóa. Các hậu quả của cuộc khủng hoảng thế giới 2008 đang tác động tới Venezuela. Các yếu tố nói trên tạo thành một thùng thuốc nổ. Venezuela chìm đắm trong cuộc khủng hoảng và chính phủ đã không dự ứng tình thế này. »

Quân đội có vai trò gì?

Nền kinh tế ngày càng ảm đạm, xã hội ngày càng phân hóa, phe đối lập càng ra sức gia tăng các hành động. Mà đỉnh điểm phản đối là cuộc bầu cử tổng thống năm 2013 với thắng lợi sít sao của Nicolas Maduro, được xem như là người kế thừa di sản chính trị Hugo Chavez, trước đối thủ cánh trung Henrique Capriles.

Lên nắm quyền trong bối cảnh nội tệ mất giá, giá dầu xuất khẩu tụt giảm, Nicolas Maduro không còn giải pháp nào khác đành phải vay mượn thêm từ các đối tác, chẳng hạn như Trung Quốc và Nga. Không có được « hấp lực » trước công chúng như người tiền nhiệm, tổng thống Maduro phải đối mặt với nỗi bất bình của người dân lên cao trước tình trạng đời sống ngày càng khó khăn do khan hiếm lương thực, thực phẩm, thuốc men…

Cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến (30/07/2017) nhằm chiếm lại quyền hành của Nghị Viện do phe đối lập kiểm soát càng làm bức tranh chính trị Venezuela thêm u ám. Phe đối lập vốn dĩ chia rẽ, cũng không có một chương trình hành động dài hạn khả dĩ, tố cáo cuộc bầu cử này là một cú đảo chính, trong khi mà chế độ Maduro ngày càng tỏ ra quyết đoán và có xu hướng độc tài.

Trong bối cảnh này, chuyên gia Gaspard Estrada còn lưu ý đến vai trò quan trọng của quân đội trong chính quyền Maduro.

« Hiện nay quân đội và các cựu quân nhân chiếm giữ đến 1/3 nội các chính phủ. Quân đội kiểm soát các lĩnh vực chủ chốt như những ngành sản xuất dầu khí, thực phẩm, phương tiện công cộng, điện… - những lĩnh vực chiến lược. Do đó, khách quan mà nói, quân đội khó có thể từ chối việc chính phủ trao thêm quyền hành ».

Câu hỏi đặt ra : Liệu ông Maduro có nguy cơ bị giới quân nhân lật đổ hay không, một kiểu kịch bản của Ai Cập ? Chuyên gia Christophe Ventura tỏ ra dè dặt, cho rằng nên đợi xem đến kỳ bầu cử tổng thống 2018.

« Hiện nay, người ta không nhìn thấy các tín hiệu. Mọi việc đều có thể xẩy ra. Tuy nhiên, điều rõ ràng là tùy theo hình thức và phạm vi của sự liên minh giữa các thành phần xã hội dân sự và chính phủ mà ông Maduro là đại diện, giữa ban lãnh đạo theo tư tưởng Chavez và quân đội, tùy theo tương quan và phạm vi của sự liên minh này, chúng ta có thể biết là chủ nghĩa Chavez sẽ đi về đâu, liệu ông Maduro có tiếp tục vai trò quyết định và trung tâm hay không?

Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại là hiện nay, tình hình có lắng dịu đôi chút và theo lịch trình thì sẽ có bầu cử tổng thống trong vài tháng tới. Vào lúc đó, chúng ta có thể xem xét tương lai của ông Maduro. »

Hoa Kỳ và Cuba: Kẻ đấm, người xoa?

Giờ đây, cuộc khủng hoảng Venezuela còn thêm phần rắc rối khi có sự can dự của Hoa Kỳ và Cuba. Washington ủng hộ phe đối lập MUD (Bàn Tròn Thống Nhất Dân Chủ) chống Maduro, trong khi La Habana lại là đồng minh lâu đời của chế độ Maduro. Mối liên minh này đã được hình thành từ năm 2004, dưới thời cố tổng thống Hugo Chavez.

Tổng thống Mỹ không những liên tiếp ban hành các biện pháp trừng phạt, mà còn đe dọa can thiệp quân sự vào Venezuela. Một lời đe dọa đã bị các quốc gia trong khu vực Nam Mỹ, vốn không mấy đồng tình với các hành động trấn áp đối lập của ông Nicolas Maduro, cũng phải lên tiếng phản bác.

Bình luận về lời đe dọa của Donald Trump, nhà nghiên cứu Christophe Ventura cho rằng : « Phát biểu của ông Donald Trump hoàn toàn vô tác dụng và chỉ càng mở rộng thêm khả năng hành động của ông Maduro, đặt đối lập vào tình thế khó xử. Phe đối lập không bình luận và cũng không công khai bác bỏ những phát biểu của tổng thống. Họ im lặng. »

Về phần Cuba, cả hai ông Gaspard Estrada và Christophe Ventura đều có chung nhận định : Trong cuộc khủng hoảng này, La Habana có một vai trò trung gian hòa giải quan trọng. Bởi vì, Cuba là quốc gia chịu nhiều tác động nhất do sự lệ thuộc khá lớn vào nguồn dầu hỏa của Venezuela. Theo Reuters, nguồn cung cấp dầu hỏa từ Venezuela đến Cuba đã bị giảm đến 13% trong 6 tháng đầu năm. Ông Christophe Ventura giải thích tiếp:

« Về Cuba, nước này luôn giữ vai trò trung tâm trong các cuộc xung đột, đàm phán chính trị trong khu vực. Cuba có quan hệ tuyệt vời với toàn bộ các chính phủ trong khu vực cho dù họ không cùng hệ tư tưởng với La Habana. Cuba có vai trò không thể thiếu được tại châu Mỹ Latinh, nhất là làm trung gian hòa giải. Theo hướng này, Cuba sẽ có vai trò trong các diễn biến tương lai.

Xin nói thêm là gần đây, Maduro đã chìa tay xin hỗ trợ. Ông ta đã đề nghị Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribé nắm lấy hồ sơ Venezuela, thiết lập một cơ chế đối thoại chính trị giữa phe đối lập và chính quyền. Trong khuôn khổ này, Cuba sẽ có vai trò quan trọng.

Cuba phụ thuộc nhiều vào Venezuela, đặc biệt là dầu lửa. La Habana không có lợi gì để xẩy ra nội chiến tại Venezuela. Không ai có lợi gì nếu xẩy ra nội chiến tại Venezuela. Cuba đang phải xử lý nhiều vụ việc trong quan hệ với Mỹ, vì Donald Trump đã xem xét lại một số vấn đề trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Vụ việc tương đối phức tạp. Không ai có lợi ích gì để xung đột lan rộng hoặc nổ ra trong khu vực. Do vậy, tất cả các nước đều cố gắng thúc đẩy một giải pháp chính trị. »

Chính phủ và đối lập: Trách nhiệm của cả hai

Nếu như cộng đồng quốc tế đều chỉ trích mạnh mẽ tổng thống Nicolas Maduro, chuyên gia Christophe Ventura trên tuần san L’Express có lưu ý rằng trong cuộc khủng hoảng này, cả Maduro lẫn phe đối lập đều có trách nhiệm.

« Venezuela là một quốc gia mà các nguyên tắc dân chủ rõ ràng đã bị áp dụng sai trái hoặc bị cản trở từ mọi phía. Trên quan điểm chính trị, chính phủ đã trở nên quá cứng rắn khi đôi lúc sử dụng các biện pháp trấn áp thô bạo. Nhưng ở phía bên kia, phe đối lập lại do cánh hữu cứng rắn thống trị từ 20 năm qua. Phe này luôn sử dụng một chiến lược hung hăng, thậm chí bạo lực và cực đoan ».

Chưa bao giờ xã hội Venezuela lại phân hóa sâu sắc như lần này. Về bản chất, đó chính là một cuộc đấu tranh giai cấp mà ở đó mọi cuộc đối thoại là điều không thể.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.