Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hà Lan lập "nhà thổ" tự quản để chống nạn buôn người

Đăng ngày:

Vào trung tuần tháng 05/2017, một nhà thổ mới, bao gồm 14 chiếc « tủ kính », ở đó những người hành nghề mãi dâm được phô bày những đường cong thân thể hấp dẫn, đã được khánh thành tại phố đèn đỏ Amsterdam. Dự án do tòa đô chính hỗ trợ, được mở ra nhằm chuyên nghiệp hóa ngành nghề và tạo điều kiện tốt nhất cho những người hành nghề. Nhưng đây cũng là cách để chống lại nạn buôn người.

Một góc phố Đèn Đỏ, Amsterdam, Hà Lan.
Một góc phố Đèn Đỏ, Amsterdam, Hà Lan. Wikimedia
Quảng cáo

« Nhà thổ » tự quản, tức là do chính những người hành nghề tự điều hành, nằm trong phố đèn đỏ nổi tiếng De Wallen, được thành lập theo sáng kiến của Quỹ « My Red Light », một hiệp hội thu hút đông đảo nhiều phụ nữ hành nghề mãi dâm tham gia. Theo ước tính, có khoảng 40 phụ nữ làm việc tại cơ sở kinh doanh mới này.

Để biết thêm về cách thức hoạt động cũng như lợi ích của việc thành lập « nhà thổ » tự quản dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ban Việt ngữ đài RFI có dịp trao đổi với anh Nguyễn Thanh Hùng, công dân Việt Nam sống lâu năm tại Hà Lan.

RFI : Trước hết, anh có thể giới thiệu sơ qua về khu phố đèn đỏ tại Amsterdam ?

Nguyễn Thanh Hùng : Đây là một khu phố khá nổi tiếng ở thành phố Amsterdam, Hà Lan. Đây cũng là nơi mà các cô gái mãi dâm được phép hành nghề một cách hợp pháp và tự do.

Cách hành nghề của các cô gái ở đây rất đặc biệt và phóng khoáng. Cơ thể của họ được trưng bày gần như là một món hàng. Địa điểm này nằm trong một khu phố rất đẹp của Amsterdam. Vì vậy, du khách đến đây thường rất thích đến đây để xem, để được thấy sự tự do của Âu châu và thế giới tự do.

RFI : Nghề mãi dâm tại Hà Lan đã được nhà nước công nhận từ lâu. Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên với việc thành phố Amsterdam tham dự trực tiếp hay tổ chức một cơ sở nào đó. Người dân Amsterdam hưởng được lợi gì từ khu phố này ?

Nguyễn Thanh Hùng : Thành phố Amsterdam và người dân thành phố này sống nhờ vào du lịch, và họ cũng thu được nhiều lợi lộc kinh tế qua khu phố đèn đỏ. Nhưng họ cũng có nhiều trở ngại với khu phố đèn đỏ lắm.

Cũng như những thành phố lớn Paris hay Luân Đôn, du khách đến đây quá đông, dẫn đến tình trạng ô nhiễm, ồn ào. Những vấn đề tiêu cực do khách du lịch đưa đến không phải là ít. Tại khu phố đèn đỏ, người dân ở đây cũng điên đầu vì số lượng du khách quá lớn, quá tải, đi qua những con đường nhỏ của Amsterdam.

RFI : Hoạt động mãi dâm được chính phủ Hà Lan công nhận. Vậy anh có thể cho biết các cơ sở kinh doanh tại khu phố đèn đỏ này hoạt động theo một cơ chế như thế nào ?

Nguyễn Thanh Hùng : Từ trước đến giờ họ vẫn hoạt động như bất cứ một cơ sở thương mại nào, không có sự khác biệt nào cả. Các cô hành nghề mãi dâm buôn bán cơ thể của họ, cũng giống như là một người bán hàng rau, bán hoa quả.

Họ cũng phải chịu một số biện pháp chế tài, quản lý, hay những luật lệ giống như những người buôn bán bình thường. Có thể vấn đề mãi dâm thì có dính dáng đến vấn đề an ninh nhiều hơn. Tức là các cô gái hành nghề phải được một số bảo vệ nhất định của cảnh sát, của chính quyền.

RFI : Vì sao lần này hội đồng thành phố tham gia vào việc tổ chức « nhà thổ » tự quản ?

Nguyễn Thanh Hùng : Ngày xưa, cách đây 5-6 năm, những cô gái hành nghề này phần lớn là người Hà Lan, và người phương Tây, đến từ những nước lân cận với Hà Lan chẳng hạn như là Đức, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha. Nhưng bây giờ, phần lớn các cô hành nghề này là bên Đông Âu. Và thường thường các tổ chức đưa các cô gái Đông Âu sang đây là có tính cách bất hợp pháp, những tổ chức mafia. Họ dụ dỗ các cô gái Đông Âu như là Nga, Bulgari, Hungary, hay Ba Lan…

Những người đó bị dụ dỗ, bị hành nghề mãi dâm gần như là cưỡng bách, nhưng mà vẫn hợp pháp, nghĩa là họ bị đe dọa phải làm nghề mãi dâm. Nhưng bây giờ, nhà nước Hà Lan muốn chận đứng chuyện này, nên họ tổ chức các cơ sở kinh doanh này, để bảo đảm được những người hoạt động trong lĩnh vực này được hành nghề một cách tự do và tự nguyện, không bị cưỡng bách, bị đe dọa.

Họ có lợi lộc nhiều hơn, thay vì họ phải làm nghề mãi dâm và tất cả những khoản tiền thu nhập được phải đưa cho các băng đảng, các tên « tú bà », thì nay họ được quyền giữ số tiền đó do họ làm ra, họ có thể dùng số tiền đó theo ý họ.

RFI : Những người trong nghề và công luận Hà Lan nói chung, cũng như là người dân tại Amsterdam nói riêng, đã có phản ứng ra sao về dự án này ?

Nguyễn Thanh Hùng : Tôi nghĩ là người Hà Lan là một dân tộc rất phóng khoáng và rất tôn trọng luật pháp. Họ thấy những hoạt động kinh doanh nào mà được quản lý và được kiểm soát thì họ đều hoan nghênh cả. Nhiều người Hà Lan đều công nhận là thời đại này là một thời đại phải tôn trọng phụ nữ, thành ra hoạt động mãi dâm phải được nhà nước đặc biệt chú ý đến, để bảo vệ người phụ nữ, để họ có thể hành nghề một cách lành mạnh và an toàn.

***

Theo tiết lộ của nhật báo Hà Lan NL Times, sau hai năm nghiên cứu, thị trưởng thành phố Amsterdam đã chính thức giới thiệu dự án này vào tháng 02/2015. « Nhà thổ » này sẽ cho phép các cô gái « lầu xanh » được phép chọn giờ làm việc, mức giá, cũng như mở rộng hơn nữa yếu tố xã hội của nghề này.

Cô Marieke de Ridder, thành viên của nhóm giám sát « My Red Light » cho NL Times biết thêm là một phòng trà dành riêng cho những người hoạt động trong nghề mãi dâm đã được mở, ở đó, « họ có thể đến dùng trà, học hỏi làm quen lẫn nhau và đương nhiên khách làng chơi không được phép bén mảng ».

Tạo một không gian làm việc thoải mái và lành mạnh cũng là một trong những tiêu chuẩn của « nhà chứa » mới này. Bên cạnh phòng trà, các phòng tiếp khách cũng rộng rãi hơn, mầu sắc hơn những nơi khác trong khu phố đèn đỏ. Cũng theo cô Marieke de Ridder, nhiều chương trình đào tạo hướng nghiệp cũng được tổ chức, như mát xa, hay kế toán chủ yếu nghiêng về khía cạnh thuế khóa trong ngành nghề này.

« Nhà thổ tự quản » : Một sự nhìn nhận về mặt xã hội

Với việc cho phép mở « nhà thổ tự quản » không có những tay môi giới tại Hà Lan được xem như là một bước tiến mới trong việc công nhận nghề mãi dâm. Bởi vì, việc hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh « thể xác » trên thực tế là không đồng đều tại nhiều nước phương Tây được cho là có tư tưởng tiến bộ.

Tại Pháp, Thụy Điển, Na Uy hay Bắc Ailen…, luật pháp tuy không cấm hẳn những người hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng lại quy định phạt tù và tiền « khách làng chơi ». Những biện pháp đã bị các hiệp hội bảo vệ những người lao động trong nghề này chỉ trích, cho rằng chỉ làm gia tăng các hoạt động trái phép.

Trong khi đó, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh Quốc, Ý, Cộng Hòa Séc, Ba Lan hay nhiều nước khác lại hợp pháp ngành nghề này, nhưng đặt dưới những luật lệ nghiêm ngặt. Theo từng quốc gia, các nhà thổ có thể được phép mở hay cấm, nhưng chài mồi khách được dung thứ (tại Pháp bị phạt), nhưng nghề dắt mối gái hầu như vẫn bị lên án.

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu trường đại học Nouvelle Sorbonne (Pháp), mô hình « nhà thổ tự quản » tại Hà Lan có thể được xem như là một sự nhìn nhận về mặt xã hội đầu tiên cần được thử nghiệm. Người dân sẽ bớt có cái nhìn tiêu cực hơn đối với ngành nghề này, được công nhận như một nghề nghiệp riêng biệt. Và như vậy, điều kiện sống của những người hoạt động trong lĩnh vực này nhìn chung sẽ được cải thiện tốt hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.