Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ

Đăng ngày:

Fed từng bước tăng lãi suất ngân hàng Mỹ trở lại, thu hồi khoản tiền khổng lồ 4.500 tỷ đô la đã tung ra để hỗ trợ kinh tế sau khủng hoảng 2008. Biện pháp đó ảnh hưởng gì đến thế giới và với tăng trưởng của  Hoa Kỳ ?

Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, bà Janet Yellen.
Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, bà Janet Yellen. REUTERS/Gary Cameron/Files
Quảng cáo

Điều trần giữa tháng 07/2017 tại Hạ Viện, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, bà Janet Yellen, đánh giá kinh tế Hoa Kỳ đủ vững vàng, Fed từng bước thu hồi khoản tín dụng đã bơm ra để hỗ trợ kinh tế từ sau khủng hoảng 2008.

Tính đến ngày 14/06/2017, Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ Federal Reserve tăng lãi suất ngân hàng thêm 0,25 điểm. Lãi suất mới dao động từ 1% đến 1,25 %. Đây là lần thứ tư Fed tăng lãi suất từ cuối năm 2015 và là lần thứ ba kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016. Fed dự trù nâng lãi suất chỉ đạo lên tới 2,1 % từ nay cho tới 2018.

Thời điểm thuận lợi để tăng lãi suất ?

Vào lúc một số dự phóng lo ngại kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, lạm phát gần như ở số 0 mở ra viễn cảnh giảm phát, thống đốc Yellen trấn an thị trường khi dự đoán : Tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ tăng chậm nhưng đủ sức tạo thêm công việc làm, chỉ số tiêu thụ của các hộ gia đình Mỹ được ổn định, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư.

Lúc này là thời điểm thuận lợi để Ngân Hàng Trung Ương Mỹ từng bước thu hồi lại số tiền 4.000 - 4.500 tỷ đô la đã bơm thêm vào các hoạt động kinh tế trong gần một chục năm qua.

Trong một cuộc hội thảo tại Luân Đôn cuối tháng 06/2017, bà Janet Yellen đã nhấn mạnh rằng nhờ các biện pháp cải tổ liên tiếp được đưa ra trong suốt thời gian từ 2008 đến 2017, hệ thống tài chính đã giờ đây đã "an toàn hơn nhiều so với thời điểm 2007-2008". Bà nói thêm là không tin sẽ phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng tài chính khác. Thống đốc Janet Yellen liệu có quá lạc quan hay không ? Đây là câu hỏi mà nhiều chuyên gia đặt ra.

Vì khủng hoảng tài chính 2008 và nạn suy trầm toàn cầu năm 2008-2009, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ Fed đã hạ lãi suất tới gần số 0 và bơm ra khoảng 4.500 tỷ đô la theo phương pháp gọi là "quantitative easing" để kích thích kinh tế. Sau đó, nhờ tình hình có vẻ khả quan hơn, định chế tài chính độc lập này đã bắt đầu tăng lãi suất ba lần từ tháng 11/2016 tới nay và Fed còn dự trù sẽ thu hồi dần khoản tiền đã bơm ra.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, chính sách siết chặt lại van tiền tệ của Mỹ đến quá trễ và Fed nâng lãi suất ngân hàng quá chậm :

Nguyễn Xuân Nghĩa : Kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm từ tháng 12/2007 tới tháng 07/2009 thì đã hết. Nhưng vì vụ khủng hoảng tài chính vào tháng 09/2008 đã giúp ông Barack Obama đắc cử tổng thống, rồi tiến hành việc cải tạo xã hội với nhiều luật lệ cản trở tăng trưởng, gây khó cho việc thành lập tiểu doanh thương là các cơ sở tuyển dụng nhiều nhất và còn nâng mức công trái là nợ của khu vực công lên gấp đôi, nay mấp mé 20.000 tỷ đô la. Vì thế, Fed phải có loại biện pháp kích thích quá bất thường, tạo thêm lệch lạc trong cơ cấu tài chính Hoa Kỳ khi giới tiết kiệm bị trừng phạt và dân có tiền đầu tư lại giàu to trên thị trường cổ phiếu.

Dù khá chậm, kinh tế Mỹ có phục hồi và thất nghiệp giảm, nên từ giữa năm 2013, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ thông báo việc "vuốt nhọn chính sách tiền tệ" là sẽ nâng lãi suất rồi thu hồi dần lượng tiền đã bơm ra. Nhưng tới giữa năm 2015 lại đình hoãn vì vụ sụt giá cổ phiếu bên Trung Quốc, đến cuối năm đó mới tăng 25 điểm căn bản là 0,25% và cho tới nay mới có ba lần để lãi suất ngắn hạn liên ngân hàng hay fed funds rate vẫn dưới 2%.

Trong buổi điều trần trước Hạ Viện vào ngày 12/07/2017, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương là Janet Yellen còn cho biết là tình hình đã khả quan nên không cần tăng thêm lãi suất từ nay đến cuối năm 2017 và năm nay sẽ hút lại số tiền khổng lồ đã bơm ra. Khi hút lại số tiền đó thì giá trái phiếu sẽ giảm, phân lời sẽ tăng, tức là lãi suất sẽ tăng, nhưng với tôi thì có lẽ quá trễ sau nhiều năm đắn đo chần chừ.

Fed "lầm đường" ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi chờ đợi nhiều biến động tài chính tại Hoa Kỳ khi Ngân Hàng Trung Ương Mỹ nâng lãi suất và hút về lượng tiền đã bơm ra một cách bất thường như vậy. Với 4.500 tỷ bơm ra mà mỗi tháng chỉ hút về 10 tỷ thì ta cần bao nhiêu lâu ? Người tiền nhiệm của bà Yellen là ông Ben Bernanke trong vụ khủng hoảng 2008, đương kim thống đốc Fed cũng phát biểu rằng một vụ khủng hoảng tài chính như vậy khó xảy ra.

Đấy là giới khoa bảng trong tháp ngà, không tiếp cận thị trường và đời sống thật, nên dự đoán sai với các phương trình kinh toán học phức tạp mà xa rời thực tế. Bây giờ, họ không hiểu vì sao lạm phát không tăng như dự kiến mà lại còn giảm, và không chỉ tại Hoa Kỳ mà trong cả khối G20 của các nền kinh tế dẫn đầu thế giới.

Chuyện thứ hai, nếu Ngân Hàng Trung Ương Mỹ nâng lãi suất sớm hơn để có mức trung bình khoảng 5% thay vì dưới 2% như hiện nay thì khi kinh tế suy trầm họ còn có đất lùi, là hạ lãi suất để kích thích. Với tình trạng "dựa lưng nỗi chết" như vậy, Fed hết đất lùi và khó ứng phó được với biến động mới.

Không chỉ có Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ, các ngân hàng trung ương bên Âu Châu cũng tương tự vì xa rời thị trường, nhận định sai về phản ứng doanh nghiệp và ứng phó chậm với chuyện bất ngờ.

Hậu quả là năm tới, thị trường Hoa Kỳ sẽ có nhiều biến động với hiệu ứng tỏa rộng sang các nền kinh tế khác qua bộ phận chuyển lực là đồng đô la, dù sao vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất. Đấy là ta chưa nói đến kịch bản đáng ngại là kinh tế Hoa Kỳ sẽ lại bị suy trầm nữa.

Nhiệm kỳ của thống đốc Cục Dự Trữ Liên Bang là bà Janet Yellen sẽ chấm dứt đầu năm 2018 và tổng thống Donald Trump có thể bổ nhiệm nhiều người thay thế bà. Vậy chính sách tiền tệ của Mỹ có thay đổi hay không và hậu quả sẽ ra sao ? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trả lời :

Nguyễn Xuân Nghĩa : Còn quá sớm để dự báo, nhưng ông Trump có thể đề cử thống đốc của Ngân Hàng Liên Bang cùng sáu người nữa trong Hội Đồng Thống Đốc là những viên chức có thẩm quyền bỏ phiếu về chính sách tiền tệ trong Ủy ban FOMC. Trung tuần 7/2017, tổng thống Mỹ chỉ định một người làm phó chủ tịch đặc trách giám sát, là cái ghế trống từ thời Barack Obama, theo hướng tháo gỡ sự can thiệp quá mạnh của Nhà nước vào sinh hoạt kinh tế.

Trong thời gian tới, Donald Trump còn có thể bổ nhiệm thêm người, có nhiệm kỳ lâu dài hơn trong cơ chế của Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ. Khi ấy, từ năm 2019 trở đi, người ta mới thấy thế nào là "hiệu ứng" Donald Trump.

 

Đối với với phần còn lại của thế giới, khi lãi suất ngân hàng Mỹ tăng, đồng đô la cũng sẽ tăng giá, vì giới kinh doanh sẽ mua đô la để đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ kiếm lời. Hậu quả kèm theo là những đơn vị tiền tệ khác, từ euro đến yen và nhất là nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ mất giá. Đối với những nền kinh tế bị cho là có mức độ rủi ro cao, nguy cơ "chảy máu tư bản" lại càng thêm rõ nét.

 

Bên cạnh đó, quyết định tăng lãi suất ngân hàng của thống đốc Yellen bắt buộc các đối tác tài chính khác của Hoa Kỳ từ Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE đến Ngân Hàng Trung Ương Nhật hay Trung Quốc đều phải "điều chỉnh" chính sách sách tiền tệ.

 

Cụ thể là BCE sẽ phải tăng lãi suất, thu hồi lại một phần số tiền đã tung ra để hỗ trợ khu vực eurozone trong giai đoạn 2009-2017. Cầu mong là biện pháp đó không dập tắt hy vọng vừa nhen nhúm khi kinh tế châu Âu vừa bình phục.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.