Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - TRIỀU TIÊN

Chuyên gia Pháp: Bắc Triều Tiên hành động "hợp lý"

" Hành động của Bắc Triều Tiên là có lý ". Đó là nhận định của ông François Heisbourg, chuyên gia về địa chính trị và chiến lược, trong bài trả lời phỏng vấn của báo Le Monde đăng ngày 19/08/2017.

Lãnh đạo Kim Jong Un, trong lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên. Ảnh do chế độ Bình Nhưỡng cung cấp ngày 26/04/2017.
Lãnh đạo Kim Jong Un, trong lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên. Ảnh do chế độ Bình Nhưỡng cung cấp ngày 26/04/2017. KCNA/Handout via REUTERS/File Photo
Quảng cáo

Trong buổi phỏng vấn, chuyên gia François Heisbourg giải thích tình hình cuộc khủng hoảng Washington – Bình Nhưỡng và phân tích các mối bận tâm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. RFI xin trích dịch nội dung cuộc phỏng vấn :

Bắc Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân ?

Bắc Triều Tiên đang tự trang bị sức mạnh tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Đó là một quá trình, chứ không phải một trạng thái. Bình Nhưỡng có khả năng phóng tên lửa hạt nhân tới các mục tiêu tầm ngắn và tầm trung, chẳng hạn Hàn Quốc hay Nhật Bản. So với hai quốc gia trên, đúng là Bắc Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân, nhưng so với Hoa Kỳ, thì chưa. Bắc Triều Tiên vẫn còn phải tiến thêm nhiều nấc thang nữa.

Bình Nhưỡng phải làm chủ công nghệ đẩy. Đây cũng chính là lĩnh vực mà Bắc Triều Tiên đạt những tiến bộ đáng kể nhất, nhờ có các động cơ của Nga và Ukraina. Rồi thì Bình Nhưỡng phải làm chủ công nghệ ghép tầng tên lửa. Bắc Triều Tiên đã đạt đến ngưỡng này. Bình Nhưỡng còn phải làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Họ đang đạt đến trình độ đó. Và cuối cùng, Bắc Triều Tiên phải đạt đến trình độ bắn đầu đạn hạt nhân trúng đích.

Cho tới giờ, Bắc Triều Tiên mới chỉ thành công ở khoảng cách gần và với tốc độ tên lửa thấp. Chưa có bằng chứng cho thấy Bắc Triều Tiên thành công ở tầm xa hơn. Nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Từ nay tới hết thập niên này, tức là chỉ trong vòng 2-3 năm nữa, Bắc Triều Tiên sẽ có thể phóng tên lửa hạt nhân tới tận Washington hoặc New York.

Theo ông, các nước có liên quan tới cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên hành động có hợp lý không ?

Bình Nhưỡng nói muốn có vũ khí hạt nhân để ngăn không cho Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên. Họ dựa vào bài học từ Irak và Lybia. Nỗi lo sợ của họ có thể không có cơ sở nhưng là có thực. Vì thế, cách cư xử của họ cũng là hợp lý thôi.

Xin nói thêm là hiện nay, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nhất là với tổng thống Donald Trump, muốn rằng Trung Quốc gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng. Nhưng nếu quý vị là một nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên, và quý vị thấy rằng cả Bắc Kinh cũng chống Bình Nhưỡng thì chắc chắn điều đó sẽ chỉ làm quý vị thêm lo sợ và tin rằng cần có sức mạnh hạt nhân.

Bắc Kinh không cho rằng việc Bắc Triều Tiên có sức mạnh hạt nhân sẽ là một mối nguy hiểm cho Trung Quốc. Đó là sự khác biệt giữa Trung Quốc và Hàn Quốc hay Nhật Bản. Trái lại, Bắc Kinh lo ngại rằng sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ khiến người dân Bắc Triều Tiên đổ xô sang Trung Quốc xin tị nạn và nhất là quân đội Mỹ hiện đang đóng ở Hàn Quốc sẽ có cơ hội tràn tới sát biên giới Trung Quốc. Điều này đã từng xảy ra hồi năm 1950, quân của tướng MacArthur đã kéo tới tận biên giới ở Mãn Châu.

Đối với Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã xâm lược họ vào năm 1950. Cũng chính Bình Nhưỡng đã điều một đội đặc công sang ám sát tổng thống Hàn Quốc vào những năm 1970. Bắc Triều Tiên còn đánh chìm một con tàu của Hàn Quốc trên vùng biển không thuộc chủ quyền của Bình Nhưỡng vào năm 2010. Và cũng chính vào năm đó, Bắc Triều Tiên đã oanh kích một hòn đảo Hàn Quốc đang có người ở. Séoul không biết Bắc Triều Tiên sẽ còn làm những gì nếu Bình Nhưỡng có được vũ khí nguyên tử.

Về phần Nhật Bản, quan hệ của quốc gia này với hai miền Nam - Bắc Triều Tiên đều phức tạp, vì trong quá khứ Nhật đã từng đô hộ Triều Tiên. Hơn nữa, vào những năm 1970 - 1980, Bắc Triều Tiên đã từng bắt cóc công dân Nhật và ép buộc họ làm một số việc. Đó là một trong những hành động hiếm thấy trong quan hệ quốc tế. Như vậy là Bắc Triều Tiên cũng là một vấn đề quan trọng với Tokyo. Cho tới nay, Nhật Bản vẫn cần « chiếc ô hạt nhân » của Mỹ, thậm chí để đối phó với các loại vũ khí thông thường của Bắc Triều Tiên.

Ông nghĩ thế nào về cách cư xử của tổng thống Mỹ Donald Trump ?

Trước tiên, cần nhớ rằng Mỹ biết rất rõ Triều Tiên. Mỹ đã mất 50 000 người trong chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950. Và ngay cả khi Mỹ không thừa nhận Bắc Triều Tiên,  hai bên đã có những liên lạc. Cho tới cách đây khoảng 12 năm, vẫn có một tiến trình thảo luận đa phương trong khuôn khổ các cuộc đàm phán Genève, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và hai miền Nam - Bắc Triều Tiên. Nhưng sau vụ khủng bố 11/09, Bắc Triều Tiên bị tổng thống Mỹ Bush liệt vào « trục tội ác ».

Khi phát hiện Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục làm giàu uranium trong khi đang thương lượng, Mỹ ngưng tham gia tiến trình đàm phán Genève. Chương trình đàm phán duy nhất về hạt nhân Bắc Triều Tiên có tiến triển vào thời điểm đó đã bị cắt đứt.

Hiện giờ, tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ rằng có thể lái Trung Quốc đi theo ý mình trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Ông Trump mới đây còn chỉ định một chuyên gia theo dõi xem Bắc Kinh có tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ hay không. Quyết định này có thể sẽ khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Tạm thời, Trung Quốc đã làm những điều phương Tây mong muốn, chẳng hạn, hồi đầu tháng 08/2017, Bắc Kinh đã ủng hộ dự thảo nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc để trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Ông Donald Trump sai lầm hay có lý? Chúng ta chỉ có thể đánh giá mức độ thành công của một chính sách căn cứ vào kết quả của chính sách đó. Giờ thì còn quá sớm để đánh giá chính sách của tổng thống Donald Trump. Nhưng chúng ta cũng không nên tự đánh lừa bản thân: Donald Trump thực sự là ông chủ của ngành ngoại giao Mỹ, và ông ấy tự phụ tin rằng chính sách của ông ấy tất sẽ khiến Bắc Triều Tiên thất bại. Nhưng đơn giản thôi, tôi xin nhắc lại là Trung Quốc càng xích lại gần Mỹ và các đồng minh của Mỹ thì Bắc Triều Tiên càng thấy cần có vũ khí hạt nhân.

Nga nghĩ gì về hồ sơ Bắc Triều Tiên?

Dưới thời Liên Xô, Nga là đối tác lớn của Bắc Triều Tiên, nhưng hiện giờ họ cũng rất lo ngại về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đây cũng là một trong các hồ sơ mà Nga và Mỹ có cùng quan điểm. Chính vì thế, đối với tôi, việc Bắc Triều Tiên có được động cơ tên lửa của Nga - Ukraina vẫn là một điều bí ẩn và tôi không nghĩ rằng nhà chức trách hai quốc gia Nga và Ukraina có liên quan trực tiếp tới việc này.

Làm cách nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng?

Cần có một chương trình thảo luận đa phương, như đã làm với Iran. Châu Âu có thể có một vai trò nhất định. Pháp và Anh đã tham gia chiến tranh Triều Tiên, và ít nhất là về lý thuyết, Pháp và Anh vẫn có trách nhiệm về chuyện này. Nhưng khác với Iran, Bắc Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là niềm tự hào dân tộc và không dễ gì buộc Bình Nhưỡng lui bước. Nhất là khi chỉ còn khoảng 3 năm nữa là Bắc Triều Tiên sẽ thành mối đe dọa trực tiếp cho Hoa Kỳ. Đó là điều Mỹ đang lo ngại. Và có một người thiếu suy nghĩ như ông Donald Trump ở Nhà Trắng nắm giữ hồ sơ Bắc Triều Tiên quả là điều khiến chúng ta e sợ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.