Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tổng thống Nga Putin bảo vệ Baikal - hồ nước ngọt lớn nhất thế giới

Đăng ngày:

Trong chuyến công du ở vùng Viễn Đông Sibéria, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thăm hồ Baikal và yêu cầu chính quyền khẩn trương có các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái của hồ nước ngọt lớn nhất hành tinh. Tổng thống Nga nhấn mạnh hồ Baikal không chỉ là một di sản của nước Nga mà còn là di sản của toàn thể nhân loại. Ông Putin cũng yêu cầu viện Công Tố Nga điều tra về các hoạt động bất hợp pháp và có hại tới môi trường sinh thái của vùng Baikal. Năm 1996, hồ Baikal đã được UNESCO xếp hạng di sản nhân loại.

Tổng thống Nga Vladimir Poutine tới thăm hồ Baïkal, ngày 04/08/2017 và yêu cầu bảo vệ hệ sinh thái trong hồ.
Tổng thống Nga Vladimir Poutine tới thăm hồ Baïkal, ngày 04/08/2017 và yêu cầu bảo vệ hệ sinh thái trong hồ. Sputnik/Alexei Nikolsky/Kremlin via REUTERS
Quảng cáo

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne giới thiệu:

« Hồ Baikal chứa tới 20% lượng nước ngọt trên cả hành tinh. Hồ dài 600km, rộng 80 km và sâu 1630m. Dung tích nước khổng lồ và hệ sinh thái độc nhất vô nhị của hồ Baikal giúp hồ nước này chống chọi được với nạn ô nhiễm.

Các loài tôm sống trong hồ có vai trò như những người thợ làm sạch đáy hồ. Các nhà khoa học của Đức và Nga đã quyết định quan sát, theo dõi những chú tôm trong hồ Baikan để hiểu hơn về ô nhiễm môi trường. Từ khi một nhà máy giấy ở vùng này bị đóng cửa, hồ Baikal ít chịu sự tác động của con người bởi khu vực này có rất ít cư dân sinh sống.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đang lo ngại vì gần đây mực nước trong hồ giảm và nhiều loại tảo xuất hiện, nhất là ở phía Bắc của hồ. Rất có thể một nhánh sông bắt nguồn từ các khu mỏ ở Mông Cổ nối tới hồ Baikal cũng cuốn theo một số chất độc hại khiến nước hồ bị ô nhiễm »

Trong một thông cáo, điện Kremlin nhấn mạnh là tự hào và có trách nhiệm đặc biệt về hồ Baikal. Điện Kremlin cũng khẳng định nhiệm vụ bảo vệ hồ Baikal cho các thế hệ hiện tại và tương lai là một ưu tiên hàng đầu của nước Nga.

Thị trường thế giới khan hiếm chè Darjeeling vì nhân công Ấn Độ đình công

Darjeeling được xếp đầu bảng trong các loại trà đen, đặc biệt được ưu chuộng và tiêu thụ nhiều nhất ở châu Âu. Trà Darjeeling loại hảo hạng có thể được bán với giá tới 1.500euro/kg. Trung Quốc, Srilanka, Nepal và đặc biệt Ấn Độ là những nước xuất khẩu trà Darjeeling lớn trên thế giới. Tại Ấn Độ, Darjeeling được trồng nhiều ở vùng núi Himalaya. Tuy nhiên, một cuộc đình công với quy mô lớn chưa từng có đã diễn ra từ suốt hai tháng qua ở các khu trồng chè Darjeeling ở miền đông bắc Ấn Độ. Những nhân công tại các khu trồng chè trên vốn phải làm việc trong các điều kiện lao động vô cùng thiếu thốn, cực khổ. Hậu quả : một trong những loại chè được ưa chuộng nhất thế giới gần như đã biến mất khỏi thị trường.

Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis giải thích :

« Tất cả bắt nguồn từ sự phản kháng của nhóm người dân tộc thiểu số Gorkhas. Từ lâu nay, họ đã đòi thành lập Nhà Nước riêng trực thuộc liên bang Ấn Độ.

Các cuộc biểu tình mang tính bạo lực đã làm bùng lên phong trào đấu tranh ở các vùng núi phía đông bắc Ấn Độ. Ngày 09/06, 25 nghiệp đoàn lao động tại các khu trồng chè đã quyết định gia nhập phong trào phản kháng để yêu cầu áp dụng quy định về mức lương tối thiểu cho nhân công.

Mặc dù trà Darjeeling là một trong những loại trà được ưa chuộng nhất và được tìm mua nhiều nhất trên thị trường thế giới, nhưng những người hái chè lại phải sống và làm việc trong điều kiện kham khổ như ở thời trung cổ. Họ chỉ được trả lương tương đương với 1.2 euro/ngày. Những ngôi nhà mà chủ trang trại cho họ ở thì quá tồi tệ. Con cái họ cũng thường xuyên phải hái chè giúp bố mẹ để có thêm thu nhập.

Sau khoảng 2 tháng không thu hoạch, hậu quả mà ngành công nghiệp chế biến chè gánh chịu vô cùng nặng nề : không có chè để xuất khẩu, và có rất ít khả năng sẽ có một đợt thu hoạch mới trong năm nay. Đây là một tình trạng chưa từng xảy ra từ nhiều thập kỷ nay. »

Trong tháng 06/2017, sản lượng trà Darjeeling của Ấn Độ đã giảm tới 90%. Tháng 06/2016, Ấn Độ chế biến được 1.33 triệu tấn trà Darjeeling. Con số này chỉ còn là 140.000 tấn vào tháng 06/2017. Theo dự báo của các chuyên gia, giá trà Darjeeling có thể sẽ tăng 20%. Và nếu cuộc đình công của công nhân hái chè tại Ấn Độ còn kéo dài thêm vài tháng, 50% số khu trồng chè Darjeeling ở nước này sẽ phải đóng cửa ít nhất 2-3 năm và ngành trồng chè Darjeeling sẽ phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được hoạt động bình thường. Quả là một thảm họa cho ngành chế biến trà Darjeeling! Các quan chức Ấn Độ còn lo ngại sẽ bị các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, Srilanka, Nepal chiếm mất thị phần thế giới.

Nghệ thuật chạm khắc trên hoa quả ở Thái Lan

Chắc hẳn quý vị đều đã từng có dịp ngắm nhìn các hình chạm khắc trên trái cây, chẳng hạn hình một con rồng hay cá khắc trên một trái dưa hấu, hay một bông hoa hồng khắc trên một quả đu đủ …. Dùng một lưỡi dao sắc, mảnh để khắc hình là một truyền thống lâu đời ở Thái Lan. Nghệ thuật khắc hình trên củ quả đặc biệt phát triển dưới triều đại Sukotail, ở thế kỷ XV.

Nghệ nhân Araya Arunanondchai, 70 tuổi, trưởng ban tổ chức lễ hội khắc hình trên trái cây để chào mừng sinh nhật của Hoàng Hậu Thái Lan cho biết : « Nghệ thuật điêu khắc trên hoa quả là một kho báu của người Thái Lan. Trước đây, môn nghệ thuật này thường được biểu diễn trong cung điện của Hoàng tộc. Ngày nay, hoa quả khắc hình vẫn là một loại đồ cúng tiến phổ biến trong chùa. Hoa quả khắc hình cũng được trưng bày nhiều trong các buổi lễ quan trọng, nhất là trong các lễ cưới. »

Điêu khắc trên trái cây cũng là hoạt động thu hút rất đông du khách quốc tế tới chiêm ngưỡng. Nhiều nơi còn tổ chức các khóa học khắc hình trên củ quả cho du khách. Tuy nhiên, nghệ nhân Manirat Svatstiwat na Ayutthaya lấy làm tiếc là hiện giờ giới trẻ không còn mặn mà với môn nghệ thuật này và cũng không còn nhiều người có thể sống với nghề này mặc dù khắc hình trên hoa quả vẫn là một bộ môn nghệ thuật độc lập ở Thái Lan, ngang hàng với các bộ môn nghệ thuật khác như điêu khắc trên đá.

Brexit : 23 thành phố tranh quyền được đặt trụ sở mới của hai cơ quan Liên Hiệp Châu Âu

Do Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu và cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu, vốn có trụ sở tại Luân Đôn sẽ phải di dời sang một quốc gia khác.

Hiện ít nhất có 23 thành phố muốn trở thành nơi đặt trụ sở cho một trong hai, thậm chí là cả hai cơ quan trên. Điều này không chỉ mang lại danh tiếng cho thành phố mà còn mạng lại rất nhiều « mối lợi ». Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cần 1000 nhân viên làm việc trực tiếp tại trụ sở, và mỗi tháng có 1000 chuyên gia từ các nước thành viên Liên Hiệp tới họp hành. Còn cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu thì có 220 nhân viên thường trực và tính tổng cộng các chuyên gia sẽ đăng ký 8000 lượt phòng khách sạn/năm.

Tuy nhiên, không phải thành phố nào cũng đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng cho hai cơ quan trên, vì cần có hệ thống giao thông hàng không và đường sắt thuận tiện. Một số thành phố, chẳng hạn la Valette, Porto không đáp ứng được các tiêu chí trên. Một số thành phố khác, như Bruxelles, Luxembourg thì đã có trụ sở của khá nhiều cơ quan của Liên Hiệp và khó có thể tiếp đón thêm nhiều chuyên gia quốc tế.

Để tránh việc các thành phố tranh cãi nhau mỗi khi có một cơ quan mới được thành lập hay thay đổi nơi đặt trụ sở, một hệ thống đánh giá mới đã được Châu Âu triển khai, với nhiều tiêu chí đánh giá khác nhau, chẳng hạn số lượng và chất lượng nhà cho thuê, các trường học song ngữ, đa ngôn ngữ cho con em của nhân viên các cơ quan và cơ hội việc làm cho vợ/chồng họ.

Ý : Lính cứu hỏa đốt rừng, kiếm tiền trợ cấp

Trong khi nước Ý đang phải gồng mình chống đỡ với nạn hạn hán, thời tiết nắng nóng cao độ và những trận cháy rừng khủng khiếp ở nhiều nơi thì công chúng lại phát hiện ra vụ tai tiếng « lính cứu hỏa đốt rừng ». Mọi việc bắt nguồn từ những năm 2013-2015, nhưng phải đến ngày 07/08/2017 khi đội trưởng một đội cứu hỏa, cứu hộ tình nguyện ở Ý bị tạm giam thì mọi chuyện mới vỡ lở.

Thông tín viên RFI Anne Le Nir giải thích từ Roma :

« Đó là một cuộc điều tra kéo dài của viện Công Tố thành phố Raguse, miền Nam đảo Sicile. Cuộc điều tra này đã cho phép lật tẩy đội cứu hỏa điên rồ gồm 15 thành viên tình nguyện, tất cả đều là người Sicile. Nhóm cứu hỏa tình nguyện này đã tham gia vào các vụ cứu hỏa nhiều gấp 3 lần các đội khác.

Liệu đó có phải một sự tình cờ ? Không hề. Bởi vì chính đội tình nguyện này đã cố ý đốt rừng bằng cách châm lửa đốt các thùng rác, thậm chí là phóng hỏa các khu trồng cây.

Điều đó giúp họ tham gia vào các tình huống khẩn cấp. Và đây là cách duy nhất để được hưởng tiền trợ cấp của Nhà nước Ý, 10 euro/giờ/người. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.