Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - ÚC

Úc : Kẹt giữa đối tác Trung Quốc và đồng minh Hoa Kỳ

Nước Úc đang đứng trước một sự lựa chọn khó khăn. Canberra nên chọn ngả về đối tác thương mại Trung Quốc hay nghiêng sang đồng minh quân sự Hoa Kỳ ? Trong vài viết « Nước Úc : sức cám dỗ từ Trung Quốc » đăng trên báo Le Monde ngày thứ Hai 14/08/2017, tác giả Caroline Taïx nhận định mọi chuyên không hề đơn giản, vì Hoa Kỳ là đồng minh lịch sử của Úc nhưng lại là đối thủ « nặng ký », « đáng gờm » của Trung Quốc.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (phải) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Canberra, ngày 23/03/2017.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (phải) và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Canberra, ngày 23/03/2017.
Quảng cáo

Nhà báo Caroline Taïx dẫn ví dụ về cảng Darwin để minh họa cho thế khó xử của chính quyền Canberra. Cảng chiến lược Darwin, nằm ở cực bắc nước Úc, gần Indonesia và không xa Trung Quốc. Về mặt lịch sử, thành phố Darwin  đã từng giữ vai trò quan trọng trong Đệ Nhị Thế Chiến : Các lực lượng đồng minh đã đóng quân ở Darwin và thành phố đã hai lần bị Nhật Bản ném bom hai tháng sau trận Trân Châu Cảng, hồi tháng 2 năm 1942. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Úc bị tấn công.

Năm 2015, Canberra bán cảng Darwin cho công ty Trung Quốc Landbridge. Mặc dù Landbridge là doanh nghiệp tư nhân nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với chính quyền Bắc Kinh. Vấn đề là cách cảng Darwin vài km có một doanh trại quân sự của Úc. Đó là nơi 1.250 binh lính Mỹ tới hồi tháng 04 để tập huấn với các đồng nghiệp Úc. Một phần thiết bị quân sự của Mỹ được bốc dỡ trước mắt người Trung Quốc ở cảng Darwin. Nhiều người lo ngại là rất có thể Bắc kinh đã mua cảng chiến lược Darwin để do thám các hoạt động quân sự của Úc và Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ chỉ biết đến thương vụ này sau khi mọi chuyên mua bán giữa Úc và Trung quốc đã xong xuôi. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với thủ tướng Úc Malcolm Turnbull : « Lần sau, hãy báo trước cho chúng tôi biết ». Giáo sư Hugh White, thuộc Đại học Quốc Gia Úc, cựu cố vấn của bộ Quốc Phòng Úc giải thích : « Đương nhiên là đồng minh Mỹ không muốn cảng này rơi vào tay người Trung Quốc, nhưng nước Úc lại muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở của nước này. Cảng Darwin là một ví dụ điển hình cho việc Úc phải lựa chọn». Trung Quốc càng lớn mạnh, Úc càng khó có thể tìm thế đứng cân bằng giữa hai « gã khổng lồ » Mỹ - Trung.

Trên thực tế, đối với Úc, sức hấp dẫn từ nền kinh tế Trung Quốc rất lớn. Trung Quốc đã vượt xa các quốc gia khác để trở thành thị trường lớn nhất cho nước Úc, đặc biệt từ sau thỏa thuận tự do mậu dịch 2015. Hơn 1/3 khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Úc là bán sang Trung Quốc, so với con số 3% vào năm 1991. Nếu từ năm 1991 tới nay, kinh tế Úc không bị suy thoái thì là phần lớn là nhờ nhập khẩu của Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Saul Eslake nhấn mạnh : « Trên Trái Đất này, không có quốc gia nào được hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng kinh tế nhanh và tốc độ công nghiệp hóa nhanh của Trung Quốc như nước Úc ».

Từ năm 2007, Trung Quốc đầu tư vào Úc tổng cộng 90 tỉ đô la, chỉ sau Hoa Kỳ. Năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Úc tăng 12%, đặc biệt vào nông nghiệp và hạ tầng cơ sở. Chuyên gia quốc phòng Hugh White khẳng định : « Người Úc coi Trung Quốc là mấu chốt thúc thẩy kinh tế phát triển trong tương lai. Đối với chính phủ Úc, giả thuyết về việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, hay đơn giản chỉ là mối quan hệ này nguội lạnh đi cũng thật đáng lo. Điều này khiến Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng quan trọng tới chính sách của Úc.»

Tuy nhiên, những tác động của Trung Quốc không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Người Úc lâu nay lo sợ là Trung Quốc theo dõi đất nước mình. Và gần đây họ lại phát hiện ra rằng Bắc Kinh ngày càng tìm cách gây ảnh hưởng, đặc biệt tại các trường đại học và đối với các đảng phái chính trị. Nhiều quan chức tình báo không ngại nhắc tới việc Bắc Kinh giám sát cộng đồng 1 triệu người Hoa ở Úc. Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, ông Dennis Richardon, hồi tháng 05/2017 tuyên bố với báo giới trước khi về hưu rằng việc Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động tình báo tại Úc không còn là một bí mật.

Còn ông Duncan Lewis, giám đốc tình báo Úc, đã cảnh báo Quốc Hội rằng các can thiệp của nước ngoài đang ở mức chưa từng có và có thể gây hại cho chủ quyền quốc gia, ngụ ý nói tới Trung Quốc.

Kênh truyền hình Úc ABC và tập đoàn truyền thông Fairfax đã tiết lộ cách thức mà Trung Quốc bí mật thâm nhập vào nước Úc : nhiều doanh nhân tỉ phú Trung Quốc đã chi nhiều triệu đô la để được tiếp cận và gây ảnh hưởng tới các quan chức chính trị. Cách đây hai năm, giám đốc tình báo Lewis đã cảnh báo các đảng lớn như đảng Lao Động hay đảng Tự Do về các khoản tiền cho tặng, quyên góp của hai tỉ phú thân Bắc Kinh - ông Hoàng Tường Mai (Huang Xiangmo) và Chu Trạch Vinh (Chau Chak Wing). Nhưng hai đảng trên vẫn tiếp tục nhận tiền của các doanh nhân Trung Quốc, tổng cộng 4,5 triệu euro trong vòng 10 năm.

Thượng nghị sĩ đảng Lao Động, ông Sam Dastyari đã nhận tiền của doanh nhân Hoàng và năm 2016 đã có tuyên bố ủng hộ Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông : « Biển Đông là việc của Trung Quốc ». Tuyên bố trên đi ngược lại với quan điểm chính thức của đảng Lao Động. Thượng nghị sĩ này cũng đã hai lần liên lạc thúc giục bộ Di Trú cấp cuốc tịch Úc cho tỉ phú Hoàng.

ABC và Fairfax còn tiết lộ về việc Bắc Kinh có các hành động đe dọa các nhà đối lập với đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện đang sống tại Trung Quốc. Hồi tháng 03/2017, Bắc Kinh bắt giữ giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một người Hoa thường trú tại Úc vì chỉ trích Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tới Canberra. Quan hệ hai bên sau đó trở nên nguội lạnh. Hệ quả là Canberra thông báo xem xét lại luật chống gián điệp để ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài. Úc cũng đã hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn hiệp ước dẫn độ ký kết với Trung Quốc.

Trong khi đó, Hoa Kỳ có mối quan hệ lịch sử chiến lược với Úc. Giám đốc viện Lowy Institute, ông Micheal Fillilove, giải thích: « Úc là nước duy nhất chiến đấu bên cạnh Hoa Kỳ trong tất cả các cuộc xung đột nghiêm trọng nhất ở thế kỷ XX, XXI ». Cho tới nay, Úc vẫn là thành viên của liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo do Mỹ đứng đầu. Đa phần dân Úc đánh giá liên minh với Mỹ rất quan trọng để đảm bảo an ninh cho đất nước.

Cùng với Anh Quốc, Canada và New Zeland, Mỹ và Úc còn là thành viên của liên minh tình báo Five Eyes. Washington và Canberra còn có chung một cơ sở hoạt động tình báo giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện ra các vụ phóng tên lửa đạn đạo của các thế lực thù địch.

Trước các tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của Úc sẽ tăng mạnh, vượt ngưỡng 2% tổng thu nhập quốc nội từ năm 2020. Úc cũng mua một phần lớn thiết bị quân sự của Mỹ.

Hồi tháng 01/2017, Rex Tillerson, trước khi chính thức là ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã đưa ra ý tưởng ngăn không cho Trung Quốc tới các đảo mà nước này đang chiếm đóng ở Biển Đông, đồng thời nhắc tới sự yên lặng của Úc trong hồ sơ Biển Đông. Để đáp trả, cựu thủ tướng Úc Paul Keating đã nhắc nhở chính quyền : « Chúng ta phải nói với tân chính quyền Mỹ là Úc sẽ không tham gia vào một hành động mạo hiểm như vậy, cũng giống như Úc đã từ chối tham gia chiến tranh Irak cách đây 15 năm ». Theo cựu thủ tướng Paul Keating, điều đó không có lợi cho nước Úc.

Donald Trump, kể từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, cũng không nể nang gì nước Úc, bắt đầu từ việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Sau đó, Úc đã tìm cách khôi phục TPP và mở cửa với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thủ tướng Úc Malcolm Turnbull mới đây lại gây ngạc nhiên khi thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc không tích cực ngăn cản chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và nhất là về việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Theo nhà báo Caroline Taïx, trong trường hợp khủng hoảng, Bắc Kinh có thể cản trở Úc trao đổi thương mại với phần còn lại của châu Á, nhất là hai thị trường lớn Nhật Bản và Hàn Quốc, vì 2/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Úc được chuyên chở qua Biển Đông. Và cũng chính vì thế, Úc đã đề nghị Mỹ duy trì sự hiện diện trong khu vực.

Từ nay tới cuối năm, Canberra sẽ công bố Sách Trắng về chính sách đối ngoại để bảo vệ lợi ích quốc tế của Úc và xác định chính sách ngoại giao cho những năm tới. Điều này đang được quốc tế chờ đợi vì Úc giữ vai trò cân bằng hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Để kết luận cho bài viết, nhà báo Caroline Taïx dẫn lời nhà nghiên cứu James Curran từ Trung tâm nghiên cứu về Hoa Kỳ, thuộc đại học Sydney : « Nếu căng thẳng Washington - Bắc Kinh gia tăng, nhiệm vụ của Ngoại Giao Úc sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.