Vào nội dung chính
KHÍ THẢI - THỰC PHẨM

Khí CO2 tăng, chất đạm trong gạo giảm

Khí thải CO2 tăng cao trong khí quyển, khiến Trái đất bị hâm nóng, cũng đồng thời là nguyên nhân làm sụt giảm chất lượng dinh dưỡng của nhiều cây lương thực chính như gạo và lúa mì, trước hết là đạm và sắt. Sức khỏe của hàng trăm triệu cư dân nhiều nước đang phát triển bị đe dọa.

Chất lượng của gạo, nguồn lương thực chủ yếu của hàng trăm triệu cư dân trên Trái đất bị đe dọa do khí thải CO2.
Chất lượng của gạo, nguồn lương thực chủ yếu của hàng trăm triệu cư dân trên Trái đất bị đe dọa do khí thải CO2. Ảnh chụp màn hình : momkitty.com
Quảng cáo

AFP hôm 02/07/2017, giới thiệu nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học ngành y, đại học Harvard, Hoa Kỳ, được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives. Theo đó, chỉ riêng tại 18 nước được nghiên cứu, khoảng 5% lượng đạm trong lúa mì, gạo và một số cây lương thực cơ bản khác, có nguy cơ bị hao hụt (từ đây đến 2050), do lượng CO2 tăng cao, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây trồng.

Hiện tại có đến 76% dân cư toàn cầu dựa chủ yếu vào nguồn đạm thực vật của các cây lương thực. Dự kiến ít nhất trong thời gian tới, sẽ có thêm 150 triệu người bị thiếu chất đạm. Riêng tại Ấn Độ, sẽ có thêm khoảng 53 triệu nạn nhân. Các hệ quả nói trên của việc CO2 tăng cao trong bầu khí quyển có thể khiến tình trạng suy dinh dưỡng ở vùng miền nam sa mạc Sahara (châu Phi), vốn đã nghiêm trọng, càng thêm tồi tệ.

Nghiên cứu nói trên do giáo sư Samuel Myers - bộ môn sức khỏe môi trường, khoa y tế công đại học Havard - chủ trì, được quỹ của vợ chồng tỉ phú Bill Gates tài trợ một phần.

Đồng thời với nghiên cứu nói trên, một điều tra khác cũng với giáo sư Myers là đồng tác giả, được công bố trên tạp chí GeoHealth, hôm qua 01/08, cho thấy CO2 tập trung cao làm giảm lượng sắt trong các lương thực căn bản. Trong những thập niên tới, cư dân của nhiều nước Nam Á và Bắc Phi có thể sẽ bị thiếu hụt khoảng 4% lượng sắt trong khẩu phần hàng ngày. Nạn nhân hàng đầu là khoảng 354 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và hơn một tỉ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Sắt đóng nhiều vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, trước hết là việc tạo nên hồng cầu trong máu. Thiếu sắt khiến lượng oxy được vận chuyển đến các tế bào bị giảm. Người thiếu sắt thường gặp một số triệu chứng ban đầu như choáng váng, chóng mặt.

Trái đất tăng không quá 2°C : Cơ may 5%

Vẫn trong lĩnh vực môi trường, thêm một nghiên cứu gây lo ngại khác. Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, chỉ có 5% cơ may là nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C, trước cuối thế kỷ 21, theo mục tiêu của cộng đồng quốc tế, được thông qua tại thượng đỉnh Paris 2015.

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ dựa trên các dự phóng về tăng trưởng dân số, để đánh giá tổng sản lượng của nền kinh tế toàn cầu và mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do các hoạt động sử dụng năng lượng hóa thạch. Căn cứ trên các dữ liệu này, các nhà khoa học vạch ra nhiều viễn cảnh, với nhiệt độ Trái đất tăng từ 2°C đến 4,9° C. Xác suất cao nhất rơi vào khả năng 3,2°C.

Cần phải nhấn mạnh là, các tính toán trong nghiên cứu nói trên không dựa trên “kịch bản tồi tệ nhất”, với mức tiêu thụ năng lượng lớn tương tự như hiện nay, mà đã tính đến các nỗ lực hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch.

Riêng về mức tăng nhiệt độ 1,5°C, mức tối thiểu được đặt ra trong thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, để cộng đồng quốc tế cùng phấn đấu, theo các nhà khoa học, viễn cảnh này chỉ có cơ may 1%.

Từ khá lâu, giới chuyên gia đã cảnh báo mục tiêu 2°C là khó đạt. Theo Liên Hiệp Quốc, dân số toàn cầu sẽ tăng từ 7,5 tỉ hiện nay lên 11,2 tỉ vào cuối thế kỷ. Số lượng dân cư tăng cao đồng nghĩa với áp lực sử dụng nhiều năng lượng hơn.

Theo giới chuyên gia, việc nhiệt độ Trái đất tăng quá 2°C sẽ khiến nước đại dương dâng cao, nhấn chìm nhiều vùng đất rộng lớn ven biển, cũng như thiên tai bất thường xảy ra liên tục hơn, dữ dội hơn, vượt khỏi khả năng kiểm soát của con người.

Theo GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu, để đạt mục tiêu này, lượng khí thải từ các năng lượng hóa thạch phải giảm từ 40 đến 70%, so với 2010, trước cái mốc 2050. Tuy nhiên, theo thỏa thuận Paris, các quốc gia chỉ cam kết sẽ cố gắng rút ngắn thời điểm lượng khí thải đạt đỉnh, tùy theo khả năng.

San hô Nhật Bản bị tẩy trắng

Trong những tuần vừa qua, thêm một loạt tín hiệu mới cho thấy các hệ quả đáng ngại của tình trạng Trái đất bị hâm nóng. Cụ thể như theo AFP, ngày 18/07, khoảng 30% san hô tại vùng biển xung quanh quần đảo Okinawa, Nhật Bản, bị tẩy trắng. Cho đến nay, san hô tại các vùng biển ôn đới vốn được coi là không bị ảnh hưởng của khí hậu nóng lên.

Hồi năm ngoái, các nhà khoa học đã ghi nhận tình trạng san hô bị tẩy trắng hàng loạt tại dải san hô lớn ở Úc, dài 2.300 cây số (dải san hô được xếp hạng di sản UNESCO).

San hô được coi là rừng rậm của biển. Dù chỉ chiếm diện tích 0,2%, nhưng môi trường này là nơi trú ẩn của 30% các loài động thực vật của biển.

Bảo vệ rừng : Đầu tư nhỏ, hiệu quả lớn

Để hạn chế biến đổi khí hậu, huy động được các nguồn tài chính là điều quan trọng, nhưng đầu tư vào đúng chỗ có thể là điều quan trọng hơn. Đáng mừng là đã bắt đầu có các nghiên cứu đi theo hướng này.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, được công bố trên tạp chí Science cuối tháng 7/2017, cho thấy chỉ cần đầu tư một khoản tiền tương đối nhỏ, để hỗ trợ những người dân, chủ của những khoảnh rừng nhỏ tại các nước đang phát triển, để họ nỗ lực bảo vệ rừng, có thể sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc đầu tư cho các nỗ lực tiết kiệm điện tại Hoa Kỳ chẳng hạn.

Nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện tại châu Phi cho thấy, một khoản đầu tư nhỏ hơn từ 10 đến 50 lần, có thể giúp giảm được 50% diện tích rừng bị phá hủy. Cụ thể là, các làng được đầu tư, sau hai năm thực nghiệm, có nhiều hơn các làng đối chứng, khoảng 5,5 ha rừng. Lượng rừng này tương đương với việc giảm 3.000 tấn CO2 vào khí quyển. Trong khi đó, giá để giảm được một tấn CO2 chỉ là 0,46 đô la.

Nữ giám đốc hiệp hội phi chính phủ “Innovation for Poverty Action” (Cách tân để chống nghèo đói) nhận định đây là nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực này. Nghiên cứu này không những cho thấy tính hiệu quả của cách làm nói trên, mà bản thân nghiên cứu cũng rất ít tốn kém. Theo vị phụ trách hiệp hội chống nghèo đói, kinh nghiệm tại châu Phi có thể được sử dụng trong tương lai vào nhiều mục đích, trước hết là việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ các không gian sống đang bị đe dọa, và trợ giúp các nông dân nghèo trong sinh kế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.