Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Roma phát hiện nhà cổ gần 2.000 năm tuổi

Đăng ngày:

« Tiểu thành Pompei » là những cụm từ hoa mỹ giới báo chí Ý sử dụng để nói đến ngôi nhà cổ vừa được phát hiện tại một công trường xây dựng tầu điện ngầm ở Roma.

Một góc nhà cổ được phát hiện tại công trường xây tầu điện ngầm ở Roma.
Một góc nhà cổ được phát hiện tại công trường xây tầu điện ngầm ở Roma. AFP/Tiziana Fabi
Quảng cáo

Nằm sâu 14 mét dưới lòng đất, các nhà khảo cổ không khỏi kinh ngạc khi nhìn thấy nhiều cổ vật có từ thời hoàng đế La Mã Trajan (98 - 117 sau CN), và được bảo tồn tốt không kém gì những cổ vật thành Pompei.

Từ Roma, thông tín viên Anne Le Nir tường thuật :

« Những báu vật được tìm thấy trong đống tro tàn của một ngôi nhà bị thiêu hủy, thuộc thế kỷ thứ III sau Công Nguyên là vô giá. Ở đó, người ta tìm thấy nào là những bức tranh tường còn nguyên vẹn, những tấm tranh ghép lộng lẫy hay những vật dụng bếp núc.

Đó là những vật dụng bằng gỗ đầu tiên, rất cổ xưa, được phát hiện ở Roma, và chúng được bảo quản tốt cũng không kém gì những món đồ được tìm thấy ở Pompei.

Các chuyên gia giải thích đơn giản : Đó là hệ quả của việc bị cháy thành than. Các cuộc khai quật còn cho thấy trên bậc cửa, bộ xương của một con chó chết vì không kịp chạy thoát vẫn còn trong tình trạng rất tốt ».

Theo giả thuyết của kiến trúc sư Francesco Prosperetti, quản lý Tài sản Văn Hóa thành Roma, căn nhà cổ này rất có thể là một phần cơ sở nước khoáng nóng của một trại lính thời cổ đại. Ở những bức tường ở phía trong, người ta còn tìm thấy những miệng lắp ống bằng đá nung. Bởi vì những đường ống dẫn này đã được sử dụng để lưu thông khí nóng.

Thế nhưng, liệu rằng những phát hiện mới về các vết tích lịch sử quý giá, phản ánh rõ nét cuộc sống thành Roma cách đây 1.800 năm, có làm đình lại công trình xây tầu điện ngầm hay không ? Cô Anne Le Nir cho biết tiếp :

« Giai đoạn đầu tiên cho đường tầu điện ngầm mới này bắt đầu từ năm 2007 và công trình này sẽ phải hoàn tất vào năm 2023, theo như dự báo mới nhất. Chính quyền Roma bảo đảm mục tiêu hạn chế tối đa sự chậm trễ và những tốn kém, vốn dĩ đã quá lớn cho 22 trạm metro đã được thực hiện trong tổng số 30 trạm dự kiến.

Nhưng chính quyền cũng muốn nâng cao giá trị những di tích được tìm thấy bằng cách cho biến một số trạm tầu điện thành bảo tàng. Một ý tưởng hơi giống với bảo tàng Louvre ở Paris. Và như thế, biến đường tầu mới này đi xuyên qua cả Thành phố Vĩnh Hằng thành một trục du lịch hấp dẫn duy nhất cho tất cả các du khách. »

Dế, thực phẩm tương lai?

Trang trại nuôi dế lớn nhất châu Âu nằm ở Bruxelles. Tại đây, công ty Little Food nuôi loại côn trùng này để chế biến thành thức ăn cho con người. Tôn trọng môi trường, lành mạnh và nhiều dinh dưỡng, đó là quảng cáo của công ty. Doanh nghiệp này còn bảo đảm rằng đó là thức ăn của con người trong tương lai, thay thế cho thịt. Dế được chế biến với các hương vị khác nhau, với tỏi, gia vị, cà chua, hun khói.

Trả lời câu hỏi của thông tín viên Laxmi Lota, anh Nikolaas Viaene, phụ trách chăn nuôi cho biết : « Dế hun khói có khẩu vị như thịt heo hun khói. Đúng như vậy. Đây là khẩu vị mà mọi người đều biết. Dế sấy khô, ăn giòn tan như bánh mì cắt lát nhỏ nướng giòn ».

Sản phẩm bán chạy nhất của công ty Little Food là món dế sấy khô, đóng trong các ống thủy tinh nhỏ, trong suốt. Đặc sản này được bán kèm cùng với một quyển sách nhỏ, hướng dẫn cách chế biến các món ăn cùng với món dế sấy khô. Hoặc được dùng như chip (khoai tây cắt lát mỏng chiên giòn), hoặc có thể trộn làm thành một dạng patê, hoặc trộn vào sa-lát…

Nikolaas Viaene cho biết trại nuôi dế của công ty hiện có đến 800 ngàn con. Loại côn trùng này phải được nuôi trong điều kiện nóng ẩm. Thời gian sinh sống của chúng là từ 33 đến 35 ngày. Dế được đưa đi chế biến sau khi sinh sản.

Maite Mercier, đồng sáng lập Little Food, phụ trách khâu chế biến, giải thích có nhiều loại mùi vị để chế biến dế. Tuy nhiên, theo quan điểm của cô, nên chọn những mùi vị nhẹ nhàng, dịu êm và dễ chịu. Những loại mùi vị, khẩu vị mạnh thì khó ăn : « Cần phải có khẩu vị nhẹ nhàng vì não bộ con người đã phải làm việc và căng thẳng về mặt tâm lý do ăn côn trùng. Nếu khẩu vị mạnh thì người tiêu thụ không chấp nhận, không ăn nữa ».

Nikolaas Viaene nhấn mạnh đến khía cạnh môi trường, tôn trọng sinh thái của việc nuôi dế làm thức ăn :

« Nuôi dế có hiệu quả hơn nuôi các loại gia súc khác. Ví dụ, so sánh với nuôi bò, để có được một lượng proteine như thịt bò thì nuôi dế chỉ cần một lượng thức ăn ít hơn 25 lần, nước ít hơn 300 lần và chất thải gây hiệu ứng nhà kính ít hơn 60 lần ».

Vậy người tiêu dùng có sẵn sàng ăn dế không ? Lưu ý là một miếng thịt bò xay có hàm lượng proteine bằng 10 gam dế sấy.

Hổ phách – một lợi thế du lịch của Litva

Hổ phách được coi là vàng của vùng Baltic, với gam mầu trải rộng, như màu mật ong, mầu ca-ra-mel hay mầu xanh trong, hoặc vàng. Từ nhiều năm nay, hổ phách là một nhân tố quan trọng thu hút du khách tới vùng Baltic, đặc biệt là Litva. Các xưởng chế biến hổ phách xuất khẩu thành phẩm sang đến tận Trung Quốc. Thế nhưng, Litva có lợi hay không khi phát triển công nghệ hổ phách ?

Hổ phách, hay còn được gọi là huyết phách, minh phách, hồng tùng chi, là nhựa cây đã hóa đá, mầu sắc trong suốt. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, dùng để làm đồ trang sức, hổ phách còn được cho là nhiều đặc tính giúp chữa bệnh. Một đặc tính thu hút sự chú ý của nhiều nhà buôn và người giàu Trung Quốc.

Latvia, tuy không có mỏ hổ phách, nhưng lại nằm trong vùng biển Baltic, ở Bắc Âu được cho là nhiều mỏ hổ phách nổi tiếng, hiện đang tìm cách phát triển các ngành gia công chế biến hổ phách để thu hút du khách.

Theo phóng sự của Marielle Vitureau, năm 2016, Litva bán hơn 5 tỷ euro đồ trang sức bằng hổ phách. Một phần rất nhỏ được bán ở thị trường nội địa. Giá một cân tùy theo kích cỡ viên hổ phách, mức độ trong suốt và sạch. Giá chuẩn được định bán theo kilô và một viên hổ phách nặng từ 20 đến 50 gam có kích cỡ bằng bao diêm.

Tuy nhiên, theo ông Astijus Jasaitis, phụ trách tiếp thị công ty Napoleonas, một trong những cơ sở sản xuất đồ trang sức bằng hổ phách lớn nhất Litva, thị trường nguyên liệu hổ phách không ổn định, do quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bà Virginija Mizgirienne có một viện bảo tàng nhỏ về hổ phách tại thủ đô Vilnius, cho biết đã phải tìm mọi cách để bảo vệ các bộ sưu tập của mình :

« Cách nay rất lâu, Trung Quốc cũng đã từng có hổ phách. Khi kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh, người giàu Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới đồ trang sức bằng hổ phách. Cách nay vài năm, họ tới mua hết tất cả đồ bằng hổ phách. Chúng tôi lo sợ và sắp xếp lại kho dự trữ, cất những đồ trang sức đẹp nhất, không bán các đồ này nữa. Có những lúc giá lên rất cao nhưng người Trung Quốc vẫn mua ».

Còn theo Giedrius Guntorius tổ chức hội chợ Amber Trip về hổ phách, hiện nay giá nguyên liệu hổ phách trên thị trường khá ổn định ở mức 1.900 euro/kg, nhờ vào việc nhập khẩu hổ phách từ Ukraina.

Để thu hút du khách, năm 2013, tổng cục du lịch Litva đã đưa ra dự án « Con đường hổ phách », nhằm biến hổ phách thành một lợi thế phát triển du lịch. Mỗi năm, Litva đón tiếp hơn một triệu lượt du khách. Ông Rasuol phụ trách dự án « Con đường hổ phách » trình bày :

« Chúng tôi có tham vọng trong vòng 2 năm tới sẽ trở thành một đối tác đầy đủ của dự án Con đường hổ phách và được Viện phụ trách các con đường du lịch châu Âu xác nhận. Dự án này rất ít tính thương mại vì chúng tôi chỉ giới thiệu với du khách những địa điểm quan trọng. ».

Kỹ thuật xoa bóp chữa trị bệnh bằng hổ phách nằm trong dự án này. Nhiều trung tâm điều trị đã đăng ký bản quyền một số kỹ thuật chữa trị bằng hổ phách. Là đơn vị trao đổi hàng hóa từ thời cổ xưa, hổ phách ngày nay vẫn giữ được vai trò này.

Nhật Bản : Một bảo tàng dành riêng cho « sứa »

Rời châu Âu về với châu Á, nhất là Nhật Bản. Đến xứ Phù Tang, không chỉ để ngắm những vườn hoa anh đào, ngoạn cảnh núi Phú Sĩ nên thơ, quý vị cũng nên giành chút thời gian ghé đến thành phố Tsuruoka, phía bắc Nhật Bản, để xem những « nàng sứa » lộng lẫy, kiêu sa.

Bể cá Kamo tập trung đến hơn 60 loài sứa, với đủ kiểu hình dạng, ngộ nghĩnh cũng có, kiêu sa cũng không vừa. Loài động vật biển lạ kỳ này cũng nằm trong số các loài sinh vật biển cổ xưa nhất hành tinh. Những loài sứa đầu tiên có lẽ xuất hiện cách đây hơn 600 triệu năm.

Kamo ra mắt công chúng vào năm 1930, và được cải tạo lại vào năm 2014, bể sứa lớn nhất hành tinh này mỗi năm đón đến hơn hai triệu khách tham quan, choáng ngợp trước những cảnh tượng đẹp đến mê hồn. Người tham quan còn có thể dự các buổi thuyết trình được tổ chức mỗi ngày, giải thích rõ về sự sống của loài sinh vật « đầy quyến rũ ».

Ông Kazuya Okuizumi, giám đốc bảo tàng cho Euronews biết là trong tương lai ông mong muốn làm phong phú hơn bộ sưu tập hiện có. Mục tiêu sắp tới của ông là làm sao có được những loài sứa sống sâu hơn dưới đáy biển. Một nhiệm vụ không phải dễ thực hiện.

Cuối cùng, để kết thúc chuyến thăm, quý vị còn có thể thưởng thức kem hay các loại bánh được chế biến từ sứa. Một điều lưu ý, ngạn ngữ có câu : « Hồng đẹp là hồng có gai », còn sứa đẹp thì như thế nào chắc quý vị cũng biết rồi… !

Một bể sứa tại bảo tàng Kamo, Nhật Bản.
Một bể sứa tại bảo tàng Kamo, Nhật Bản. Wikimedia Common.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.