Vào nội dung chính
VENEZUELA - QUỐC HỘI LẬP HIẾN

Venezuela : Tổng thống Maduro bám quyền nhờ Quốc Hội Lập Hiến?

Chủ Nhật 30/07/2017 là ngày quan trọng với tổng thống Nicolas Maduro để duy trì quyền lực. Khoảng 19,8 triệu cử tri Venezuela được kêu gọi đi bầu Quốc Hội Lập Hiến, thay thế cho Nghị Viện hiện tại, được bầu từ cuối năm 2015 và phe đối lập chiếm đa số.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trong một buổi lễ kết thúc chiến dịch vận động bầu Quốc Hội Lập Hiến tại Caracas, ngày 27/07/2017.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trong một buổi lễ kết thúc chiến dịch vận động bầu Quốc Hội Lập Hiến tại Caracas, ngày 27/07/2017. REUTERS/Carlos Garcias Rawlins
Quảng cáo

Tuy nhiên, tổng thống Maduro đang bị siết chặt giữa hai gọng kềm : Trong nước là các cuộc biểu tình phản đối Quốc Hội Lập Hiến kéo dài từ nhiều tháng nay mà đỉnh điểm là cuộc tổng đình công 48 tiếng (26-27/07), còn bên ngoài là các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phản đối của Liên Hiệp Châu Âu.

Mỹ đưa vào "danh sách đen" 13 quan chức Venezuela

Theo AFP, ngày 26/07, Hoa Kỳ ra đòn mạnh tay với chính quyền Maduro khi thông báo trừng phạt 13 quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của chính phủ Venezuela, trong đó có “Tibisay Lucena Ramirez, chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc Gia”“Elías Jose Jaua Milano, chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến Pháp”.

Tài sản và tài khoản ngân hàng của họ ở Hoa Kỳ, nếu có, sẽ bị phong tỏa. Những nhân vật có tên trong danh sách cũng không thể kinh doanh với Mỹ. Ngay lập tức, tổng thống Nicolas Maduro bác bỏ các biện pháp trừng phạt “ngạo mạn” của Washington.

Cùng lúc, bà Federica Mogherini, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ “quan ngại” về vấn đề “vi phạm nhân quyền và lạm dụng bạo lực” tại Venezuela.

Chính quyền Caracas dường như bị cô lập hơn khi mười ba nước thuộc Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS) lên tiếng kêu gọi tổng thống Maduro từ bỏ kế hoạch bầu Quốc Hội Lập Hiến. Ngoài ra, hãng hàng không Colombia Avianca thông báo tạm ngừng các chuyến bay giữa hai nước từ ngày 26/07. Chỉ có Cuba, đồng minh của Caracas, từ chối tham gia làm trung gian hòa giải tại Venezuela và tiếp tục công nhận tính chính đáng của tổng thống Maduro.

104 người chết vì biểu tình chống Quốc Hội Lập Hiến

Từ bốn tháng qua, theo lời kêu gọi của liên minh đối lập Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD), gần như ngày nào cũng có biểu tình phản đối chính phủ và kế hoạch Quốc Hội Lập Hiến. Người dân Venezuela bất mãn về thái độ dửng dưng của chính phủ trước tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm và hàng ngày phải xếp hàng dài chờ mua lương thực. Tổng cộng đã có 104 người chết trong các cuộc biểu tình và xung đột với cảnh sát, mà trường hợp gần đây nhất là một thanh niên 30 tuổi, thiệt mạng ngày 26/07 trong cuộc tuần hành ở Ejida, bang Mérida (phía tây Venezuela).

Sau thành công của cuộc tổng đình công 24 giờ vào tuần trước, phong trào phản đối tiếp tục gây sức ép với chính quyền Maduro bằng cuộc tổng đình công quy mô lớn trong vòng hai ngày 26 và 27/07 và kết thúc bằng một cuộc tuần hành lớn vào thứ Sáu 28/07, chỉ hai ngày trước bầu cử Quốc Hội Lập Hiến. Lãnh đạo phe đối lập, Henrique Capriles, kêu gọi người dân Venezuela “xả thân” trong thời gian này.

Ngay khi được ra khỏi nhà tù vào ngày 08/07 sau 3 năm và 5 tháng bị giam, dù vẫn bị quản thúc tại gia, ông Leopoldo Lopez, một thủ lĩnh khác của phe chống tư tưởng Chavez, đã kêu gọi quân đội, hiện vẫn còn ủng hộ tổng thống Maduro, hãy chống lại kế hoạch Quốc Hội Lập Hiến.

Chưởng lý Venezuela, bà Luisa Ortega, gương mặt tiêu biểu của những người “đào thoát” bên phe Chavez, cũng kêu gọi toàn dân tổng động viên phản đối Quốc Hội Lập Hiến. Đồng thời, bà lên án “những truy bức và lạm dụng” quyền lực.

Các nghiệp đoàn trung ương chính cũng ủng hộ cuộc tổng đình công do đối lập tổ chức. Nhiều phố bị chặn, chủ yếu ở phía đông và đông nam thủ đô, thành trì truyền thống của phe đối lập. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước. Trước cuộc tổng đình công này, người dân lo sợ xảy ra thêm bạo lực đã tích trữ lương thực tại nhà hoặc vượt biên sang Colombia để được an toàn vì “thật sự không biết chuyện gì sẽ xảy ra” sau cuộc bầu cử.

Theo kết quả của Viện thăm dò Datanalisis, được AFP trích dẫn, khoảng 70% dân Venezuela phản đối cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào Chủ Nhật 30/07. Với những người chống tư tưởng Chavez (mà ông Nicolas Maduro là người kế thừa), đây là âm mưu soạn lại Hiến Pháp nhằm giúp tổng thống Maduro bám lấy quyền lực, lẩn tránh Nghị Viện được bầu ra hiện do đối lập chiếm đa số và tránh cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2018.

Thế nhưng, nguyên thủ Venezuela, sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 01/2019, vẫn tái khẳng định quyết tâm và đòi phe đối lập “tôn trọng quyền của dân tộc được tự do bỏ phiếu”“không bạo lực”. Ông Nicolas Maduro đánh giá Quốc Hội Lập Hiến là “siêu quyền”, còn với phe đối lập, đây là bằng chứng cho thấy Venezuela đang bị đẩy vào “chế độ độc tài”.

Tại sao đối lập phản đối Quốc Hội Lập Hiến?

Dự kiến bắt đầu họp từ ngày 02/08/2017, Quốc Hội Lập Hiến sẽ gồm 545 đại biểu, thay thế cho các nghị sĩ đương nhiệm được bầu từ cuối năm 2015 và chủ yếu thuộc phe đối lập.

Trong tổng số 545 nghị sĩ lập hiến, 364 người sẽ đại diện cho khu vực bầu cử thành phố (mỗi thành phố có một đại biểu lập hiến, trừ thủ phủ của các bang sẽ có hai người và không phụ thuộc vào số dân), 173 nghị sĩ là do các nhóm xã hội chỉ định (như lao động, hưu trí, sinh viên, nông dân, người tàn tật, chủ doanh nghiệp…) và 8 người là đại biểu cho các cộng đồng dân bản địa.

Trong khoảng 50.000 ứng viên, hồ sơ của 6.120 người đã được chấp nhận. Cách thức chỉ định ứng viên, được tổng thống ấn định và được cơ quan bầu cử thông qua, cấm mọi ứng viên xuất thân từ các đảng phái chính trị.

Tuy nhiên, nhiều quan chức trong chính quyền hiện nay hoặc thành viên của Đảng Xã Hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) vẫn xuất hiện trong danh sách tranh cử, như nghị sĩ Diosdado Cabello hay Adan Chavez, anh của cố tổng thống Hugo Chavez.

Theo chuyên gia về bầu cử Eugenio Martinez, 62% trong tổng số 19,8 triệu cử tri Venezuela có thể bỏ phiếu hai lần : một lần với tư cách công dân sống tại thành phố đó và lần thứ hai là với tư cách thành viên thuộc một trong số các tầng lớp xã hội. Vì có người được bỏ phiếu hai lần nên số lượng cử tri tham gia bầu cử sẽ bị “thổi phồng”.

Phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử vì cách bỏ phiếu được cho là quá lợi cho chính quyền, và phe của tổng thống Maduro tìm cách thu được nhiều phiếu nhất tại các vùng nông thôn, nơi vẫn được coi là thành trì của họ. Liên minh đối lập Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) cũng tố cáo phương pháp chỉ định ứng viên Quốc Hội Lập Hiến.

Ngoài ra, họ khẳng định, theo luật pháp, tổng thống Venezuela phải trưng cầu dân ý về việc tổ chức bầu Quốc Hội Lập Hiến, thế nhưng, ông Maduro chưa bao giờ làm việc này. Liên minh đối lập lấy dẫn chứng là trước khi sửa đổi Hiến Pháp năm 1999, cố tổng thống Hugo Chavez đã tham khảo ý kiến của dân.

Trong khi đó, tổng thống Maduro khẳng định ngược lại : tiến trình bầu cử Quốc Hội Lập Hiến là “dân chủ, trực tiếp, phổ thông và bí mật” và ông có thể triệu tập cuộc bầu cử này mà không cần thông qua trưng cầu dân ý.

Ông đánh giá Quốc Hội Lập Hiến “là quyền lực lớn mà chúng ta đang cần để lập lại trật tự ở Venezuela. Chúng ta cần một quyền lực đứng trên cả những kẻ đang phá hoại sự phát triển của đất nước”. Mục tiêu được tổng thống Maduro đề ra là “hoàn thiện” bản Hiến Pháp Venezuela bằng cách bổ sung thêm các chương trình mang tính xã hội.

Từng cho rằng tình trạng khủng hoảng tại Venezuela là do cuộc “chiến tranh kinh tế” của giới doanh nhân, ông khẳng định Quốc Hội Lập Hiến sẽ cho phép khôi phục nền kinh tế của quốc gia dầu khí này.

Dù không có tỉ lệ tối thiểu cử tri đi bỏ phiếu, nhưng theo nhà phân tích Benigno Alarcon, tỉ lệ vắng mặt cao sẽ ảnh hưởng đến tính chính đánh của Quốc Hội Lập Hiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.