Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGA

Trừng phạt Nga : Quả banh đang nằm bên sân của Trump

Sau khi Thượng Viện Mỹ thông qua ngày 27/07/2017 các biện pháp trừng phạt Nga về việc Matxcơva bị nghi can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, quả banh hiện đang nằm bên sân của ông Donald Trump. Tổng thống Mỹ sẽ quyết định, hoặc là ký ban hành dự luật về trừng phạt Nga, hoặc là dùng quyền phủ quyết để bác bỏ.

Các thượng nghị sĩ Mỹ đến Ủy Ban Tư Pháp Thượng viện, Washington, ngày 26/07/2017.
Các thượng nghị sĩ Mỹ đến Ủy Ban Tư Pháp Thượng viện, Washington, ngày 26/07/2017. YURI GRIPAS / AFP
Quảng cáo

Các nghị sĩ Mỹ muốn trả đũa Nga trước hết là do việc Matxcơva bị tố cáo đã tiến hành chiến dịch gây nhiễu thông tin và tấn công tin học trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016. Việc Nga sáp nhập vùng Crimée và can thiệp vào miền đông Ukraina là hai lý do khác khiến Quốc Hội Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt Matxcơva.

Kết quả biểu quyết cho thấy có sự đồng thuận gần như hoàn toàn ở cả hai viện trên vấn đề trừng phạt Nga : Dự luật đã được thông qua ngày 25/07 ở Hạ viện với 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống, và ở Thượng viện ngày 27/07 với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Để « chắc ăn » hơn, dự luật còn bao gồm cả một điều khoản chưa từng có, đó là các nghị sĩ có quyền ngăn chận, nếu như tổng thống quyết định tạm ngưng thi hành các biện pháp trừng phạt Nga.

Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã tìm cách cải thiện quan hệ với Nga, mặc dù nhiều nghị sĩ Mỹ vẫn xem Matxcơva là một đối thủ hơn là đối tác. Nếu sợ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Nga, ông Trump có thể dùng quyền của tổng thống để phủ quyết dự luật trừng phạt Nga. Thế nhưng, giải pháp này chỉ mang tính ngắn hạn, bởi lẽ trong trường hợp đó, lưỡng viện Quốc Hội có quyền biểu quyết lại về văn bản luật và, như đã nói ở trên, họ hoàn toàn có thể thu được đa số 2 phần 3 số phiếu để bác bỏ phủ quyết của tổng thống.

Cho tới nay, các vị tổng thống Mỹ thường cố tránh để bị hạ nhục như vậy, cho nên họ thường phải ủng hộ những dự luật có sự đồng thuận cao ở Quốc Hội, cho dù đợi đến giờ chót mới miễn cưỡng ký ban hành.

Nhưng trong trường hợp này, ông Donald Trump đang lâm vào thế khó xử : bác cũng không được, mà ký cũng không yên. Dự luật đã gặp phản ứng dữ dội từ phía Nga. Ngày 27/07, tổng thống Vladimir Putin dọa sẽ đáp trả thái độ « xấc xược » của Mỹ. Ngay cả đồng minh Liên Hiệp Châu Âu hôm thứ Tư 26/07 cũng đã bày tỏ sự bất bình, sợ rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây phương hại cho các công ty năng lượng của châu Âu, đe dọa đến nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu và gây chia rẽ phương Tây hơn nữa.

Rõ ràng là vấn đề Mỹ đơn phương trừng phạt Nga đang làm rạn nứt sự đoàn kết nhất trí giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đối với Matxcơva kể từ vụ sát nhập Crimée năm 2014. Cho tới nay, các biện pháp trừng phạt Nga do vấn đề Crimée vẫn có sự phối hợp Mỹ và châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.