Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - SỨC KHỎE

Hội nghị quốc tế chống SIDA Paris: Hy vọng xen lẫn lo ngại

Từ Chủ nhật, 23/07/2017, đến thứ Tư, Paris đón tiếp 6.000 chuyên gia siêu vi trùng học, miễn dịch học và di truyền học nghiên cứu bệnh liệt kháng SIDA. Đây là dịp để tổng kết mức tiến triển của khoa học từ chăm sóc, trị liệu cho đến cơ hội cho bệnh nhân được cung cấp thuốc men. Trong bối cảnh tổng thống Donald Trump đề nghị cắt giảm 3/4 ngân sách bài trừ SIDA/AIDS, hội nghị năm nay không tránh được màu sắc chính trị.

Bản đồ phân bố người nhiễm HIV trên thế giới năm 2016. Nguồn : Báo cáo Onusida 2017
Bản đồ phân bố người nhiễm HIV trên thế giới năm 2016. Nguồn : Báo cáo Onusida 2017 RFI
Quảng cáo

Về tiến bộ, phải nói ngay là 34 năm từ khi siêu vi HIV được phát hiện, hy vọng tìm ra được thuốc ngừa hiệu nghiệm vẫn còn xa . Chướng ngại lớn nhất là siêu vi có khả năng ẩn náu trong một số tế bào và chờ xong đợt trị liệu thì tái xuất hiện.

Mục tiêu hiện nay là duy trì tình trạng « yên nghỉ » của HIV càng lâu càng tốt và hạn chế sức công phạt của thuốc chống siêu vi. Cuối cùng là tìm hình thức trị liệu nào đơn giản và ít tốn kém cho bệnh nhân nghèo ở các nước nghèo.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc công bố trước hội nghị quốc tế, thành quả đáng khích lệ được ghi nhận trong 10 năm gần đây là tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong giảm 50% trên thế giới ( một triệu trong năm 2016).

Cũng trong năm 2016, trên địa cầu có 36,7 triệu người chung sống với HIV, hơn phân nửa có được thuốc trị.

Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp đến hai phần ba ngân sách phòng chống SIDA trên thế giới. Trong năm 2016, một mình Hoa Kỳ đóng góp gần 5 tỷ đôla. Chương trình Pepfar, do tổng thống George W Bush đề ra từ năm 2003, giúp trị liệu cho 12 triệu người.

Tuy nhiên, gần đây, tổng thống Donald Trump yêu cầu giảm chi phí này trong dự luật ngân sách 2018 của Mỹ.

Tại Paris, trước giờ hội nghị quốc tế chống SIDA khai mạc, ban tổ chức công bố « Bản Tuyên Bố Paris » bày tỏ quan ngại. Tuy không gọi đích danh nước Mỹ của Donald Trump , hội nghị cảnh báo là « HIV sẽ không bao giờ bị diệt nếu không có nghiên cứu. Nghiên cứu sẽ không tiến triển nếu không có đầu tư lâu dài ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.