Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tây Ban Nha: Tranh cãi giữa Zara với Podemos

Đăng ngày:

Tại Tây Ban Nha, muốn hảo tâm cũng thật là khó. Amancio Ortega, người sáng lập mác Zara, đã tặng các thiết bị hiện đại nhất cho các bệnh viện. Sự hào phóng của nhà tỷ phú Tây Ban Nha đã gây tranh luận trong nước : Podemos và các hiệp hội bảo vệ sức khỏe cho rằng các đồ tặng này là không đúng chỗ. Ông Amanco Ortega phản bác lại rằng đó là một hành động từ thiện, vì lợi ích chung.

Một cửa hiệu Zara tại Madrid, Tây Ban Nha.
Một cửa hiệu Zara tại Madrid, Tây Ban Nha. Luis García\wikimedia.org
Quảng cáo

Vì sao một đại tập đoàn may mặc tặng những món quà lớn cho các bệnh viện nhưng lại bị chỉ trích ? Thông tín viên RFI tại Madrid, François Musseau giải thích về cuộc tranh cãi kỳ lạ này :

« Vâng, đúng là không bình thường. Trước tiên, cần nói rõ món quà tặng này có giá trị rất lớn, 320 triệu euro, tương đương 8% ngân sách y tế công cộng của Tây Ban Nha năm 2016. Thứ hai là những khoản giúp đỡ này được trao thẳng cho các bệnh viện cụ thể, ở Galicia, phía bắc và Andalucia, phía nam, dưới dạng các thiết bị y tế chăm sóc bệnh nhân bị ung thư, những thiết bị giúp chẩn đoán tốt hơn căn bệnh này để chữa trị tốt hơn.

Theo Quỹ Amancio Ortega, đây là một tin tuyệt vời vì mỗi năm, tại Tây Ban Nha, có khoảng 200 ngàn ca ung thư được phát hiện. Cuối cùng Amancio Ortega không phải là người tầm thường vì đây là một trong hai người giàu nhất thế giới. Cùng với tỷ phú Mêhicô Slim, Ortega đã xây dựng một đế chế may mặc và Zara chỉ là một trong vô vàn nhãn mác của đế chế này. »

Thế nhưng, sự hào phóng này đã gây tranh cãi. FADSP – Liên Đoàn Các Hiệp Hội Bảo Vệ Y Tế Công Cộng và đảng cánh tả cấp tiến Podemos cho rằng lẽ ra số tiền hiến tặng trên phải được rót thẳng vào ngân sách y tế của nhà nước Tây Ban Nha, chứ không nên chuyển thẳng vào các bệnh viện.

Đương nhiên, bên phía Quỹ Amancio Ortéga tỏ ra phẫn nộ trước những lời phản đối trên, khẳng định các khoản hiến tặng này giúp cứu sống sinh mạng hoặc cải thiện cuộc sống của hàng ngàn người. Đảng cánh hữu cầm quyền, đảng Nhân Dân, cũng đồng ý và lên án FADSP và đảng Podemos là mị dân.

Câu hỏi đặt ra : Phải chăng đây là cuộc tranh cãi giữa một bên là dịch vụ công và bên kia là sáng kiến tư nhân ?

« Chính xác là như vậy. Điều làm cho phe phản đối rất khó chịu, đó là kiểu thái độ này góp phần vào việc thừa nhận rằng lĩnh vực y tế công cộng nghèo nàn. Từ sáu năm qua, lĩnh vực này bị cắt giảm ngân sách rất nhiều. Và cách duy nhất để khắc phục sự thiếu hụt, không phải là tăng ngân sách, mà là trông đợi vào sự hảo tâm của những người giàu.

Lãnh đạo đảng Podemos Pablo Iglesias cho rằng « lòng nhân ái không phải là một cơ chế tốt để tài trợ cho lĩnh vực y tế công cộng » và chỉ trích sự vận hành theo kiểu Mỹ. Hơn nữa, chính trị gia này còn nói thêm Amancio Ortega dường như đã tìm ra cách thức này để trả thuế ít đi. Đương nhiên, Quỹ của nhà tỷ phú sở hữu mác Zara đã bác bỏ cáo buộc đó. »

Nga: Khi vết sẹo, bầm tím là những tác phẩm nghệ thuật

Nghệ thuật vị nhân sinh. Tại Nga, xâm hình giờ không chỉ đơn thuần là một công việc mang tính nghệ thuật, mà còn có thể giúp xóa tan những vết đau đớn thể xác, nạn nhân của các vụ bạo hành gia đình, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật.

Đó chính là những gì cô Evguenia Zakhar cùng với người bạn đời đang làm cho nhiều phụ nữ tại Oufa, thủ đô nước Cộng hòa Bachkortostan, thuộc liên bang Nga. Những vết bầm, vết sẹo, hậu quả của những trận đòn, cú đánh đập từ người chồng, người bạn đời, dưới bàn tay khéo léo của Zakhar, lần lượt biến thành những nhành hoa, những sinh vật xinh xắn.

Đối với nhiều khách hàng, Evguenia Zakhar không chỉ là một nghệ sĩ, mà còn là một nhà tâm lý học. Quả thật, theo tâm sự của Zakhar với phóng viên báo Le Courrier de Russie, được Le Figaro trích dẫn lại, lúc đầu cô cảm thấy khổ sở khi phải nghe tất cả những chuyện như thế này. Nhưng dần dà, cô tập lắng nghe. Thậm chí giờ cô còn khuyến khích họ chia sẻ những nỗi đau đó lần cuối cùng trước khi cho vào quên lãng, một khi hình xâm kết thúc.

Hành động dấn thân này của Evguenia Zakhar còn mang tính biểu tượng cao hơn, do việc nước Nga vừa thông qua đạo luật không phạt tù giam các hành vi bạo lực gia đình. Hành động này giờ chỉ bị xử phạt hành chính, chứ không còn bị quy vào tội hình sự, tức chỉ bị phạt tiền từ 5.000-30.000 rúp (78 – 467 euro).

Le Figaro (25/06/2017) cho biết theo thống kê của bộ Nội Vụ Nga, mỗi năm tại Nga có đến 26.000 trẻ nhỏ là nạn nhân của các vụ bạo hành từ bố mẹ; 36.000 phụ nữ bị bạn đời hành hung và 12.000 người trong số này đã tử vong dưới những trận đòn, tức cứ mỗi 40 phút có một phụ nữ thiệt mạng. Đáng ngại hơn cả là 97% các vụ hình sự có liên quan đến bạo hành gia đình đều không được đưa ra tòa.

Singapore : ma túy thâm nhập vào trường học

Năm 2015, tại Singapore, số học sinh, sinh viên sử dụng ma túy đã tăng gần gấp đôi từ 83 em (2014) lên thành 151, trong tổng số 3.338 người bị bắt vì sở hữu ma túy. Nếu so với Pháp, con số này có thể là quá thấp với 4,6 triệu người trong năm 2014 đã dùng cần sa, theo số liệu của Đài Quan Sát Pháp về ma túy và người nghiện. Thế nhưng, điều đáng lưu ý là luật pháp Singapore rất nghiêm khắc về vấn đề ma túy.

Vậy giải thích hiện tượng này như thế nào ? Trả lời câu hỏi thông tín viên Margaux Bédé, tại Singapore, anh Douglas, 30 tuổi cho biết đã hút cần sa lần đầu tiên cách nay 5 năm trong một chuyến đi du lịch tại Hoa Kỳ. Nếu như ý muốn hút thử cần sa xuất hiện ngay từ lúc còn ở trung học cơ sở, Douglas cho biết anh không bao giờ làm việc này tại Singapore.

« Không thể tìm mua được ma túy tại Singapore. Tôi không biết hỏi ai. Nếu hỏi một người hoàn toàn xa lạ, thì đó có thể là một viên cảnh sát được cài vào mạng lưới buôn lậu. Như vậy, thì không đáng để hút thử.

Ở nước ngoài, thật dễ dàng tìm mua được ma túy nhưng tôi không bao giờ thử mang về Singapore. Rất nguy hiểm. Luật pháp rất nghiêm khắc và có thể bị kết án tử hình với tội danh này. »

Luật pháp Singapore không nhẹ tay với những sử dụng ma túy. Những ai bị bắt giữ mà sở hữu hơn 500 gam cần sa hoặc 30 gam thuốc phiện hoặc 15 gam bạch phiến, thì có nguy cơ bị kết án tử hình. Robin Tay vẫn luôn ghi nhớ mức độ các hình phạt. Vốn là người nghiện ma túy, Robin Tay đã phải ngồi tù 7 năm với tội danh buôn ma túy.

Giờ đây, Robin Tay thường xuyên đi đến các trường học để khuyên răn và giúp đỡ giới trẻ nghiện ngập. Đa số học sinh tâm sự với anh rằng họ dùng ma túy là do sức ép ở trường học quá lớn.

« Một số người nghĩ rằng khi dùng ma túy, họ sẽ có thêm khả năng tập trung trí óc tốt hơn, có thể ngủ ít hơn và tiếp tục học, tập trung hơn. Trước đây, khi dùng các loại ma túy như hút cần sa, đó là để vui đùa. Nhưng ngày nay, ma túy đã hoàn toàn khác bởi vì có rất nhiều hóa chất trong đó.

Họ không dùng ma túy chỉ để cho vui. Có nhiều lý do khác nữa. Một số sinh viên nói với tôi rằng do áp lực học đường, họ cần tập trung và do vậy cần phải dùng một thứ gì đó. »

Trung bình, cứ hai tháng, thì Robin Tay gặp một sinh viên, học sinh bị nghiện ngập và trong số này, con nghiện trẻ nhất mới có 14 tuổi.

Thái Lan phát động chiến dịch chống ăn gỏi cá gây ung thư

Singapore lao đao với tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng ma túy tăng, thì tại Thái Lan giới bác sĩ cũng đang vật vã chống lại một món ăn truyền thống, được hàng triệu nông dân ưa thích : Đó là món Koi Pla, một dạng gỏi cá, tức ăn sống, có vắt chanh và nhiều gia vị khác.

Món này có mùi và khẩu vị mạnh, được chế biến nhanh, rẻ tiền, thế nhưng loại cá này lại thường có sán, giới chuyên môn gọi là sán lá gan lớn, nguồn gốc gây ra bệnh ung thư biểu mô đường mật – cholangiocarcinome. Sán lá gan lớn có rất nhiều trong nước sông hạ lưu Mê Kông. Một khi chui được vào cơ thể con người, sán có thể sống trong nhiều năm ở gan và khó phát hiện. Tuy nhiên, loại sán này gây viêm gan, thường dẫn đến ung thư.

Tại Thái Lan, mỗi năm có khoảng 20 ngàn người tử vong vì căn bệnh ung thư hiếm khi xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Một kỷ lục thế giới đáng buồn : Ở Thái Lan, cứ 100 ngàn người thì có 84 người mắc bệnh ung thư biểu mô đường mật. Tỷ lệ này tại Hoa Kỳ là một trên 100 ngàn.

Bác sĩ Naron Khutikeo, thuộc đại học Khon Khaen, trở thành chuyên gia về ung thư gan sau khi chính bố mẹ ông qua đời vì căn bệnh này, cho AFP biết : Đây là một vấn đề y tế nghiêm trọng, tại vùng Issan, nơi có đông bệnh nhân về bệnh này nhất, ảnh hưởng đến nhiều gia đình, cũng như sự phát triển xã hội kinh tế. Những người nông dân ít học chỉ đến khám khi đã rơi vào ung thư giai đoạn cuối.

Cùng với nhiều đồng nghiệp và các nhà khoa học, bác sĩ Khutikeo đi đến nhiều ngôi làng ở Issan để cảnh báo người dân về món ăn độc hại này. Thế nhưng, thay đổi thói quen ăn uống không phải là dễ dàng tại một vùng mà đa số các món ăn được chế biến từ cá lên men, trộn nhiều gia vị. Có người cho rằng nấu chín cá làm hỏng khẩu vị của món ăn này ; nhiều người thì suy nghĩ rằng cần chấp nhận số mệnh, kể cả chết vì bệnh ung thư gan. Tuy nhiên, cũng có người hiểu được vấn đề và chuyển sang ăn cá nấu chín.

Từ năm ngoái, cơ quan y tế Thái Lan coi việc chống căn bệnh này là một ưu tiên tầm cỡ quốc gia. Việc khám, truy tầm bệnh được mở rộng. Đại học Khon Khaen, ở thành phố Issan, đã tiến hành một chương trình mang tên CASCAP (Cholangiocarcinoma Screening and Care Program), tổ chức nhiều đợt khám bệnh miễn phí tại các khu làng của vùng này để tránh trường hợp bệnh nhân tới bệnh viện lúc đã quá muộn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.