Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Donald Trump hứa nhiều, làm chẳng bao nhiêu

Đăng ngày:

Donald Trump đắc cử tổng thống ngày 08/11/2016 sau một chiến dịch quyết liệt « nước Mỹ trên hết ». Trong diễn văn nhậm chức ngày 20/01/2017 tổng thống thứ 45 của Mỹ tuyên chiến với tầng lớp chính trị gia chuyên nghiệp tại Washington và cam kết sẽ « lấy chính quyền trao lại cho dân ». Sáu tháng sau, vị tổng thống có cá tính đặc biệt gần như không làm được những gì đã cam kết ? Từ Washington, nhà báo Phạm Trần phân tích nguyên do.

Tổng thống Donald Trump và phu nhân lên đường sang Paris. Ảnh ngày 12/07/2017.
Tổng thống Donald Trump và phu nhân lên đường sang Paris. Ảnh ngày 12/07/2017. Reuters
Quảng cáo

Vào ngày 20/07, tổng thống Donald Trump vào Nhà Trắng đúng sáu tháng. Được bầu với một bản cương lĩnh biểu tượng và triệt để: chống di dân nhập cư, xây bức tường hơn 3.000 cây số ở biên giới phía nam, xét lại những chính sách của người tiền nhiệm như Obamacare và những thỏa thuận quốc tế kể cả Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ ký kết với Mêhicô và Canada từ 23 năm trước.

Sáu tháng qua là một chuỗi ngày đầy sôi động vì tai tiếng hoặc đụng độ với báo chí. Tỷ phú địa ốc đụng với thực tế quyền lực chính trị. Không khí lạc quan của thị trường tài chính giảm dần. Cho dù thành quả kinh tế của nước Mỹ có tăng, 86% cử tri Cộng Hoà vẫn ủng hộ nhưng điểm tín nhiệm của tổng thống trong dân Mỹ chỉ còn 37%. Điều này cho thấy ông đã làm đa số dân thất vọng.

Báo chí Mỹ thẳng thừng chỉ trích. Nhà phân tích Alain Frachon của Le Monde trích dẫn : Về đối nội, tổng thống Mỹ Donald Trump không còn những lời phẫn nộ chống giới chính trị gia chuyên nghiệp « bê tha », không còn là hiệp sĩ bảo vệ tầng lớp trung lưu, nạn nhân của toàn cầu hóa, như lúc tranh cử. Tỷ phú địa ốc trở lại con người thật của chính mình, một người bảo thủ, cứng rắn với người nghèo, bao dung với người giàu.

Về đối ngoại, tổng thống Donald Trump rất ngẫu hứng. Ông thường bảo vệ lập trường trái ngược với ngoại trưởng Rex Tillerson. Về quân sự, ông khoán trắng cho bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis. Về kinh tế, Donald Trump, tuy nói là bảo vệ dân nghèo nhưng các chủ trương của ông hoàn toàn đi ngược lại.

Quan niệm « nước Mỹ trên hết » không thấy mang lại kết quả cải thiện đời sống cho công nhân Mỹ mà các dự luật ngân sách cũng không có cơ may được quốc hội thông qua. Cương lĩnh tranh cử -bảo vệ người lao động trước hệ quả xấu của toàn cầu hóa- ngày càng rỗng không.

Bớt thuế người giàu, giảm tài trợ người nghèo

Trừ hai cột trụ của một « Nhà nước vì dân » là tiền hưu trí và bảo vệ sức khỏe được duy trì, hầu hết những biện pháp an sinh xã hội đều bị cắt giảm : phụ cấp lương thực cho người nghèo, hỗ trợ người tàn tật, trợ cấp giáo dục ở các khu dân cư bị khó khăn, tài trợ huấn nghiệp. Donald Trump còn đề nghị dẹp bỏ hàng loạt chương trình xã hội do các tổng thống tiền nhiệm thiết lập.

Vì sao thành quả của Donald Trump rất hiếm hoi và bị xem là phản bội lời hứa « mang lại quyền lực cho dân » ? Martin Wolf, nhà bình luận kinh tế bậc thầy trên Financial Times, nhận định về chính sách đối nội của tổng thống Mỹ như sau : mục tiêu của Trump là bớt thuế cho người giàu và cắt giảm tài trợ người nghèo.

Không thông minh như Nixon, không nhã nhặn như Reagan

Thêm vào đó, tổng thống Cộng Hoà đương nhiệm bị chê là thiếu bản lĩnh của hai tổng thống cùng đảng trong quá khứ là Richard Nixon và Ronald Reagan.

Theo nhà phân Alain Frachon, chủ nghĩa « vì dân » của Donald Trump chỉ là bề ngoài. Thực chất bên trong là phục vụ dân giàu. Khi Donald Trump tuyên bố sẽ « tống cổ » thành phần thượng tầng chính trị chuyên nghiệp ở Washington đi chỗ khác làm công luận nhớ đến Richard Nixon và Ronald Reagan. Nhưng ông Donald Trump, không có sự thông minh tinh tế của tổng thống thứ 37 của Mỹ và hoàn toàn không biết khiêm tốn, nhã nhặn như vị tiền nhiệm thứ 40.

Phân tích của nhà báo Phạm Trần :

« Cái lý do chính là Donald Trump nói nhiều quá. Hứa hẹn nhiều quá trong lúc tranh cử hồi năm ngoái. Ông không nghĩ rằng tất cả những gì ông muốn làm là phải qua Quốc Hội mà Quốc Hội thì không phải chỉ có một đảng là đảng Cộng Hòa của ông mà còn có đảng Dân Chủ. Mà ngay trong số dân biểu, nghị sĩ của đảng Cộng Hòa cũng có nhiều người không hài lòng, không đồng ý với chính sách của Donald Trump.

Thành ra, tuy kinh tế có lên, tuy có tạo công ăn việc làm nhưng ở những nơi mà Donald Trump hứa hẹn cho phục hồi nhanh chóng như ở các vùng có mỏ than, những nơi sản xuất phụ tùng xe hơi hay máy móc thông dụng.

Như ở Indiana, nơi được ông Trump hứa hẹn sẽ giữ lại 700 công ăn việc làm trong hãng máy lạnh Carrier nổi tiếng, không cho hãng này dời sang Mêhicô. Những lời hứa đó không thực hiện được, Carrier vẫn di chuyển sang Mêhicô. Những người được hứa giữ công ăn việc làm ở Indiana rất bất bình và cho là ông Donald Trump đã phản bội họ…. »

Thích khoe khoang và thiếu thành thật, ông Trump có tài sử dụng dối trá như phương pháp thông tin.

Chính vì không có một chính sách kinh tế hợp lý, chủ nhân Nhà Trắng tập trung vào những vấn đề mà người Mỹ da trắng bình dân - chiếm đa số cử tri của phe Cộng Hoà - xem là nguy hại. Thái độ kỳ thị di dân nhập cư và người Hồi Giáo giúp Donald Trump củng cố thành phần ủng hộ viên vô điều kiện : 86% trong đảng Cộng Hoà.

Cho đến hôm nay, chiến thuật này tỏ ra hiệu quả. Đảng Dân Chủ không thắng được một cuộc bầu cử trước kỳ hạn nào từ sáu tháng qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.