Vào nội dung chính
G20 - QUỐC TẾ

G20 : Dẫu sao thì cũng đạt được một thỏa hiệp

Báo chí Pháp (11/07/2017) vẫn tiếp tục nhận định về thượng đỉnh G20 tại Hambourg, Đức, kết thúc ngày 08/07/2017. Tờ Le Monde trong bài phân tích đề tựa « G20 : Dẫu sao thì cũng đạt được một thỏa hiệp », cho rằng hành động này là nhằm giữ thể diện. Để tránh làm cho thượng đỉnh thất bại hoàn toàn, các thành viên G20 đã đồng ý ghi nhận các bất đồng trong hồ sơ khí hậu, để có thể tuyên bố đạt đồng thuận trên các vấn đề khác.

Tổng thống Pháp Macron họp báo tại thượng đỉnh G20, Hambourg, Đức, ngày 08/07/2017.
Tổng thống Pháp Macron họp báo tại thượng đỉnh G20, Hambourg, Đức, ngày 08/07/2017. Reuters
Quảng cáo

Sự dàn xếp này cho phép có được một thỏa hiệp mang tính ngoại giao, rất cần thiết để tránh làm cho mọi người chỉ nhớ đến những hình ảnh biểu tình phản đối, bạo lực, trong suốt thời gian thượng đỉnh.

Chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm « tổng kết » G20 Hambourg như sau : Đấu tranh chống khủng bố đạt được một bước tiến bộ, đồng thời, tránh được sự thụt lùi trong rất nhiều chủ đề khác.

Ví dụ về sự thỏa hiệp gần như hài hước trong lĩnh vực thương mại, làm nổi lên một câu hỏi mà nhiều người đã nêu ra từ lâu : đó là tính hữu ích của một định chế như G20.

Về điểm này, tổng thống Pháp nhận định : « G20 được lập ra cách nay một chục năm nhằm đối phó với những chao đảo của cuộc khủng hoảng tài chính. Ngày nay, G20 trở thành nơi có những cuộc thảo luận lớn về tiến trình toàn cầu hóa, di dân, phát triển, khủng bố, nhưng G20 cũng là một diễn đàn ở đó, người ta nhận thấy có những bất đồng do sự vươn lên của các thế lực chuyên quyền, do không thấu hiểu và khó tiên liệu. »

Oái ăm thay, G20 Hambourg lần này không đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực quan hệ đa phương, nhưng lại tỏ ra hữu ích cho một số quan hệ song phương. Ví dụ điển hình là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Donald Trump và Vladimir Putin.

Một cuộc gặp có nội dung thực chất vì nguyên thủ hai nước đồng thuận về một cuộc ngừng bắn ở phía tây nam Syria, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 09/07. Le Monde đánh giá cuộc gặp này mang tính quyết định và lãnh đạo hai nước công khai tỏ thái độ tâm đầu ý hợp. Cuộc thảo luận song phương đã kéo dài 2 tiếng 15 phút thay vì chỉ có 30 phút như dự kiến ban đầu.

« Tại Hambourg, một G20 của những liên minh hoàn cảnh »

Đây là nhận định của Le Figaro về thượng đỉnh G20. Trong tựa đề tiếng Pháp, Le Figaro nhắc đến thủ tướng đầu tiên của đế quốc Đức Otto von Bismarck, để nói đến chính sách đối ngoại thực dụng, những tính toán liên minh do hoàn cảnh bắt buộc, được thể hiện qua thượng đỉnh G20 ở Hambourg, Đức.

Vào tháng 11/2008, lần đầu tiên G20 họp thượng đỉnh tại Washington, theo sáng kiến của cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Liên minh giữa các nước phương Tây ngự trị khối này, dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, cho dù chính nước này phần nào phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Liên minh phương Tây giờ đây tan rã. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi châu Âu đoàn kết, tự nắm lấy vận mệnh của mình, thoát ra khỏi sự đỡ đầu của Hoa Kỳ. Về phần mình, tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất cần đến tình liên đới với các đối tác châu Âu khi rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris 2015.

Trong cái bầu không khí tìm kiếm liên minh do hoàn cảnh này, người ta thấy Đức và Trung Quốc đứng ra dẫn đầu một cách không chính thức cuộc chiến chống bảo hộ mậu dịch, bởi vì đây là hai quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới.

Cũng tương tự, sau khi Mỹ đơn phương rút ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương – TPP, Nhật Bản lo ngại về sự bành trướng thương mại và dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường » của Trung Quốc, đã vội vã lấp vào chỗ trống mà Hoa Kỳ gây ra, qua việc ký kết thỏa thuận tự do trao đổi thương mại với Liên Hiệp Châu Âu, ngày 06/07 vừa qua.

Hồ sơ Syria cũng cho thấy sự hình thành một liên minh có tính toán, do hoàn cảnh, giữa Mỹ, Nga và Pháp, với mục đích chung là diệt trừ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Bruxelles có trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc ?

Dư vị cay đắng của thượng đỉnh G20 chưa dứt, Bruxelles thứ Tư này lại lao vào một cuộc chiến khác: « Vòng đàm phán cuối cùng về quy chế thương mại cho Trung Quốc ». Les Echos dự báo cuộc đàm phán này sẽ là cam go.

Tại vòng đàm phán này, các thành viên Liên Hiệp Châu Âu thảo luận về phương pháp mới chống phá giá. Vào cuối tháng 12/2016, Trung Quốc đã chấm dứt giai đoạn 15 năm sau khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Câu hỏi đặt ra: Liệu có nên công nhận nước này có quy chế nền kinh tế thị trường như là Trung Quốc tự cho là có quyền được hưởng hay không? Hay là giống như Hoa Kỳ tiếp tục từ chối ? Bởi vì thách thức thương mại là rất lớn: Nếu như Trung Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường, châu Âu không thể áp dụng các quyền đánh thuế cao đối với hàng hóa nước này.

Trong bối cảnh mỗi nước một phách trong việc áp dụng các quy định về chống phá giá, Liên Hiệp Châu Âu tìm cách hài hòa mọi khả năng có thể, qua việc đề nghị làm mới hoàn toàn các quy định về chống phá giá của châu Âu. Tuy nhiên, cách thức Ủy Ban Châu Âu thực hiện đang bị các nước thành viên chỉ trích là mập mờ, không rõ ràng.

Irak: Cuộc chiến chống Daech vẫn tiếp diễn

Mossul đã được giải thoát khỏi bàn tay quân thánh chiến sau ba năm chiến tranh tàn khốc, chí ít đó là tuyên bố của chính quyền Bagdad từ 48 giờ qua. Le Figaro tỏ ra ngờ vực về thắng lợi này của quân đội Irak tại Mossul khi nhận thấy « Hồi kết đẫm máu giành tấc đất cuối cùng của Daech ».

Trong cảnh đổ nát hoang tàn, một bà mẹ nghẹn ngào cho biết đã bị thất lạc cô con gái 6 tuổi mà không dám quay về tìm vì sợ bị quân thánh chiến trả đũa. Bà cho biết vẫn còn nhiều gia đình bị kẹt trong những căn hầm, sống chung cùng với gia đình của quân thánh chiến.

Quả thật đúng như nhận xét của Le Figaro, nhật báo Le Monde trên trang nhất dự báo: « Tại Mossul hoang tàn, trận chiến hậu Daech ». Bài xã luận của nhật báo khẳng định : « Cuộc chiến chống Daech vẫn tiếp tục », bởi vì Mossul thất thủ không đồng nghĩa với sự biến mất hoàn toàn của quân thánh chiến.

Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn luôn kiểm soát một dải lãnh thổ rộng lớn dọc theo sông Euphrate, nằm chồng chéo lên hai quốc gia Irak và Syria. Tuy thất thủ, nhưng tổ chức khủng bố này đang « lột xác », biến mình từ một Nhà nước tự phong thành chiến tranh du kích hay một mạng lưới khủng bố, và vẫn còn khả năng gây bất ổn các quốc gia trong khu vực và hơn thế nữa.

Điều làm cho các nước phương Tây lo ngại nhất là sự phân tán của hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn quân thánh chiến nước ngoài, vốn dĩ có nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh thổ của Daech. Nay sự trở về của những tay súng thánh chiến đang đặt ra nhiều vấn đề, gây nguy hiểm cho những nước sở tại.

Trên phương diện quân sự, Daech coi như đã bị triệt tiêu, nhưng hệ tư tưởng thì vẫn còn đấy. Một trận đánh không thể tiến hành nếu không có một sự tái thiết thật sự tại những quốc gia có liên quan và một quyền tham gia chính trị của những người dân bị chính quyền Irak hiện tại gạt ra bên lề từ nhiều năm qua.

Le Monde nhắc lại, sự trỗi dậy của Daech – vốn được sản sinh từ đống tro tàn Al-Qaida vốn được tuyên bố đã đánh bại vào năm 2000 chính là hậu quả của việc gạt bỏ cộng đồng người Hồi Giáo hệ phái Sunni. Những cộng đồng này đã bị chính quyền Irak, những người Shia mang tư tưởng phục thù bóp nghẹt và trấn áp.

Đó là về mặt tư tưởng, chính trị và quân sự. Trên góc độ kinh tế, báo Les Echos  dự báo « Tái thiết Mossul sẽ tốn kém và đầy rủi ro cao về mặt chính trị ». Bagdad thẩm định chi phí tái thiết cho tất cả các vùng chiếm lại được từ Daech sẽ tốn đến 100 tỷ đô la trong vòng 10 năm. Và sự hòa giải tôn giáo và chính trị tiên đoán sẽ còn nhiều phức tạp hơn. Nói tóm lại, « Mossul, giờ bắt đầu từ số không » như tít lớn nhận định trên báo công giáo La Croix.

Paris có được đăng cai JO 2024 ?

Bỏ qua những lo âu địa chính trị nặng nề, hay chiến sự gay gắt tại Trung Đông, Libération trên trang nhất đặt câu hỏi : « Paris 2024, liệu chúng ta có thật sự muốn tổ chức Thế Vận Hội hay không ? ». Câu trả lời là Có nhưng là « Khi nào ? ». Vì sao có câu hỏi này ?

Thứ Ba 18/07 tới đây, Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế có thể sẽ trao quyền tổ chức cùng lúc hai thế vận hội JO 2024 và JO 2028. Trên nguyên tắc quyền đăng cai sẽ cấp cho cả hai ứng viên Paris và Los Angeles. Dường như Los Angeles có thể nhường quyền đăng cai JO 2024 cho Paris, đổi lấy quyền tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2028.

Cũng nhân dịp này, Libération điểm lại những lần JO trước. Thế Vận Hội Olympic 1992 tại Barcelona, đã mang đến cho thế giới hình ảnh « một đất nước Tây Ban Nha trẻ trung, hiện đại, ủng hộ châu Âu, và quyết tâm dẹp bỏ  những ý ngông cuồng mang tư tưởng chủ nghĩa biệt lập và chuyên chế xưa cũ », như lời bình luận của Enric Juliana, một trong những cây bút xã luận trên tờ La Vanguardia.

Bởi vì, đó cũng là lần đầu tiên JO được tổ chức trên lãnh thổ Tây Ban Nha, và cũng là lần đầu tiên nước này không bị tẩy chay, sau nhiều thập niên sống dưới chế độ độc tài Francisco Franco.

Năm 2016, « JO tại Rio : biểu tượng của sự chấm dứt bùng nổ kinh tế », là nhận xét của thông tín viên Libération tại Rio de Janeiro. Chưa đầy một năm sau sự kiện, Rio còn buồn thảm hơn. Các cơ sở hạ tầng được xây dựng phục vụ cho thế vận hội hầu như bị bỏ phế. Đối với viện công tố Brazil, việc bảo trì và sử dụng các cơ sở này cho hậu JO đã không được tính đến một cách nghiêm túc.

Trái ngược với sự lãng phí ở Rio, thông tín viên Sonia Delesalle-Stolper cho biết « JO tại Luân Đôn : Một thành công bền vững nhưng chưa mang tính xã hội ». Năm năm sau Thế Vận Hội Luân Đôn 2012, ngày thứ Sáu 04/08, sân vận động The Satdium lại sẽ rực rỡ pháo hoa mừng khai mạc giải vô địch điền kinh thế giới 2017.

Nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cho Thế Vận Hội 2012 đã được tái sử dụng vào những mục đích khác nhau từ nhà ở, du lịch, cho đến trường học. Nhiều điểm phục vụ cho thi đấu nay được mở cửa cho công chúng. Nhiều dự án xây dựng nhà ở mới đã được nhắm đến từ đây đến năm 2031. Tuy nhiên, thị trưởng Luân Đôn lấy làm tiếc rằng sự tham lam của các nhà kinh doanh bất động sản đang đẩy giá nhà ở những khu vực đó lên cao.

« Hoài niệm Sài Gòn »

Cuối cùng mục điểm báo xin khép lại với vở kịch Sài Gòn, của đạo diễn trẻ Pháp – Việt Caroline Guiela Nguyen, ra mắt công chúng lần đầu tiên vào ngày 08/07 vừa qua, tại Liên hoan văn hóa nghệ thuật Avignon. Theo báo Le Monde, đây là một chính kịch tình cảm tâm lý về những hệ quả của thời kỳ thực dân Pháp tại Việt Nam và vở kịch đã gây xúc động mạnh đối với khán giả.

Sau buổi diễn đầu tiên này, tất cả khán giả đã đứng dậy vỗ tay hoan hô đoàn kịch và đạo diễn Caroline Guiela Nguyen, lần đầu tiên tới dự liên hoan Avignon. Nhiều khán giả, nhất là những người sống lưu vong đã khóc vì xúc động.

Vở kịch có chút hơi hướng theo kiểu bộ phim tình cảm lãng mạn của Vương Gia Vệ,  In the mood for Love, bởi vì phim kể lại lịch sử đau thương giữa hai nước Pháp-Việt và bản thân đạo diễn Caroline Guiela Nguyen là con gái một Việt Kiều.

Caroline Guiela Nguyen và nhóm làm kịch đã nhiều lần tới thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm các diễn viên, người dịch và thu thập những kỷ niệm, câu chuyện , hình ảnh… qua đó tái tạo bầu không khí sống động của Sài Gòn thủa xưa.

Theo đánh giá của Le Monde, vở kịch này không hề giống các vở kịch khác ; người ta nghe thấy âm thanh của tiếng nói, của ngôn ngữ và vở kịch kết thúc với câu nói : Các câu chuyện Việt Nam thường được kể lại như vậy đấy, tức là với rất nhiều nước mắt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.