Vào nội dung chính
QATAR

Qatar bác bỏ tối hậu thư của các nước Ả Rập

Hôm nay 02/07/2017, là ngày hết hạn tối hậu thư của khối các nước Ả Rập, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, đối với Qatar, bị cáo buộc « hậu thuẫn khủng bố » và đồng lõa với Iran, đối thủ khu vực của Ả Rập Xê Út. Ngày hôm qua, ngoại trưởng Qatar tuyên bố không chấp nhận các yêu cầu trong tối hậu thư.

Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani họp báo tại Roma, ngày 01/07/2017.
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani họp báo tại Roma, ngày 01/07/2017. Reuters
Quảng cáo

Trong một cuộc họp báo tại Roma, sau hội kiến với đồng nhiệm Ý, ngoại trưởng Qatar Mohammed ben Abderrahmane Al-Thani khẳng định : « Danh sách các yêu cầu được làm ra là để bị bác bỏ », ông giải thích : « Cả thế giới đều hiểu rằng các đòi hỏi này được đặt ra để xâm phạm chủ quyền của Qatar ».

Xung đột giữa Qatar và khối các nước Ả Rập, do Ả Rập Xê Út chủ trì, bùng phát ngày 05/06, sau khi Ả Rập Xê Út cùng Bahrein, Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cắt đứt quan hệ với Doha. Cho đến nay, nỗ lực môi giới của các nước như Koweit, Pháp hay Nga không thành công. Ngày 19/06, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cảnh báo việc cấm vận Qatar sẽ được duy trì trong « nhiều năm » nữa, nếu bất đồng tiếp tục.

Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết ủng hộ Qatar

Trong cuộc đối đầu với các nước nói trên, Qatar có được sự hậu thuẫn nặng ký của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số 13 yêu cầu của tối hậu thư, có đòi hỏi Doha phải đóng cửa một căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm qua, sau cuộc họp giữa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và bộ trưởng Quốc Phòng Qatar, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ lên án việc cấm vận nói trên là « bất hợp pháp ». Ankara dường như sẵn sàng đi đến cùng để bảo vệ đồng minh láng giềng, bất chấp hoàn cảnh không dễ dàng của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Thông tín viên Alexandre Billette tường trình từ Istanbul,

« Về mặt chính thức, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra tự tin là một giải pháp sẽ có thể được tìm thấy trong những ngày tới. Đây là thông báo của phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm qua. Tuy nhiên, đằng sau giọng điệu ngoại giao lạc quan này, Ankara cũng như đồng minh Qatar hoàn toàn không có ý định thỏa hiệp. Cụ thể là không có chuyện đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar.

Tuy nhiên đây lại chính là một trong những đòi hỏi của tối hậu thư. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lên án tối hậu thư này là ‘‘đi ngược lại luật pháp quốc tế’’. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đối đầu với các cường quốc trong khu vực, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, để bảo vệ đồng minh Qatar.

Ankara dường như đặt niềm tin vào việc tiểu quốc Qatar có thể kháng cự lại được việc cấm vận dự kiến sẽ mạnh hơn, nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì hậu thuẫn.

Lập trường triệt để của Thổ Nhĩ Kỳ khiến một số đối tác kinh tế lo ngại là trong khi Ankara liên tục xung đột về ngoại giao với các nước láng giềng từ một thập niên nay, quốc gia này có thể không có đủ phương tiện để dấn thân vào một cuộc khủng hoảng khu vực mới, vào thời điểm mà nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang tỏ ra có nhiều dấu hiệu suy yếu ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.