Vào nội dung chính
NGA-MỸ-LIÊN ÂU

Đức, Pháp chỉ trích dự luật của Mỹ mở rộng trừng phạt Nga

Hôm qua, 16/06/2017, Berlin, được Paris hậu thuẫn, đã chỉ trích mạnh dự luật của Thượng Viện Mỹ, mở rộng các trừng phạt đối với Nga, do các can thiệp tại Ukraina và Syria. Dự luật của Thượng Viện Mỹ bbị xem là đã vượt qua « lằn ranh đỏ », khiến nhiều nước châu Âu bất bình.

Ký thỏa thuận về Nord Stream 2 tại Paris. Trong ảnh là lãnh đạo Gazprom Alexei Miller (T), cựu thủ tướng Đức Gerhard Schröder, và các lãnh đạo công ty Pháp Engie, 24/04/2017.
Ký thỏa thuận về Nord Stream 2 tại Paris. Trong ảnh là lãnh đạo Gazprom Alexei Miller (T), cựu thủ tướng Đức Gerhard Schröder, và các lãnh đạo công ty Pháp Engie, 24/04/2017. REUTERS/Christian Hartmann
Quảng cáo

Lý do chính là dự luật này đã nhắm thẳng vào dự án Nord Stream 2 đưa khí đốt từ Nga sang Liên Âu,có nhiều tập đoàn lớn của châu Âu tham gia. Người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Seibert lên án thẳng thừng : « Điều rất kỳ lạ là một văn bản nhằm trừng phạt thái độ của nước Nga, đặc biệt liên quan đến (nghi án can thiệp vào) bầu cử Mỹ, lại coi kinh tế châu Âu là đối tượng. Không thể để điều này tái diễn ».

Bộ Ngoại Giao Pháp tỏ ra mềm dẻo hơn, nhưng cũng thẳng thắn kêu gọi Washington tôn trọng nguyên tắc « phối hợp » với các đối tác về « các chủ đề liên quan đến an ninh và chính sách công nghiệp của châu Âu ». Trước đó, Áo cũng lên tiếng phản đối.

Theo một chuyên gia Viện Peterson Institute for International Economis, Thượng Viện Hoa Kỳ đã vượt qua « lằn ranh đỏ », được duy trì dưới thời Obama, theo đó các trừng phạt của Hoa Kỳ không được ảnh hưởng tới lĩnh vực cung ứng khí đốt của Liên Âu.

Trong dự luật được Thượng Viện Mỹ thông qua hôm thứ Năm 15/06, có một đoạn dành cho tổng thống Mỹ quyền hạn trừng phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, phương tiện hay công nghệ « trực tiếp » tạo điều kiện cho việc xây dựng hoặc bảo trì các hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Nga. Trong số các biện pháp trừng phạt, có việc ngăn cản người Mỹ mua cổ phiếu của các công ty là đối tượng, tước quyền tham gia đấu thầu các công trình công cộng tại Mỹ, hay hạn chế việc vay tiền tại các ngân hàng Mỹ.

Đường ống khí đốt Nord Stream 2, trị giá 9,5 euro, nối Nga với Đức, qua biển Baltic, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2019, với tổng dung lượng 55 tỉ mét khối, chiếm khoảng 10% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Bốn công ty lớn của châu Âu tham gia dự án bao gồm : Engie (Pháp), Uniper (Đức), OMV (Áo) và Shell (Anh-Hà Lan).
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.