Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGA

Trừng phạt Nga : Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật giới hạn quyền của tổng thống

Trong lúc điều tra về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016 tiếp tục, hôm qua, 15/06/2017, Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua dự luật siết chặt các trừng phạt nhắm vào Nga – do các can thiệp tại Ukraina và Syria -, và đặc biệt là một cơ chế, được đánh giá là chưa từng có, nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống Donald Trump trong quyết định dỡ bỏ hay không các trừng phạt trong tương lai.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 15/06/2017.
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington DC, ngày 15/06/2017. NICHOLAS KAMM / AFP
Quảng cáo

Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình từ Washington,

« Thượng Viện rất kín đáo về cuộc điều tra nhắm vào tổng thống Donald Trump trong nghi án ngăn cản tư pháp. Tuy nhiên các thượng nghị sĩ đã gửi đến Nhà Trắng một thông điệp rõ ràng. Gần như toàn bộ Thượng Viện thông qua một dự luật gia tăng trừng phạt Nga, và giới hạn khả năng can thiệp của tổng thống để dỡ bỏ trừng phạt.

Lãnh đạo phe thiểu số Dân Chủ tại Thượng Viện Chuck Schumer nhận định : ‘‘Chúng tôi không chỉ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nhắm vào Nga, vốn đã mưu toan can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ… mà chúng tôi còn chuyển các biện pháp trừng phạt hiện tại thành văn bản luật… Qua đó, việc dỡ bỏ các trừng phạt sẽ khó hơn… bởi chúng tôi hy vọng là Quốc Hội chứ không phải tổng thống, mới có quyền phán xử vấn đề này’’.

Số phận của viên công tố đặc biệt Robert Muller tiếp tục là chủ đề tranh luận. Giới thân cận với tổng thống Trump đã khéo léo để lọt ra ngoài một số thông tin về khả năng ông Robert Muller bị cách chức.

Tuy nhiên, thời gian càng trôi đi thì cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp càng tiến gần đến tổng thống hơn, việc cách chức ông Robert Muller cũng càng trở nên khó hơn. Điều này nếu xảy ra chẳng khác nào Nhà Trắng thừa nhận là mình có tội.

Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang James Comey cho biết mục tiêu của ông, khi công bố nội dung của một trong các đối thoại với tổng thống, là nhằm tạo ra phản ứng mạnh từ phía các dân biểu và chỉ định một công tố viên đặc biệt trong vụ này. Các nhà quan sát cho rằng qua việc này, cựu giám đốc FBI bị cách chức muốn giăng bẫy tổng thống Trump ».

Dự luật nói trên của Thượng Viện sẽ được chuyển qua Hạ Viện để thông qua, tuy nhiên tổng thống Donald Trump có quyền phủ quyết. Nhà Trắng hiện chưa đưa ra bình luận gì về việc này.

Theo các thông tin báo chí, tổng thống Mỹ đã nằm trong tầm ngắm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, trong nghi án ông Donald Trump cản trở tư pháp. Hôm qua, tổng thống Trump rất phẫn nộ trước các thông tin này, và một lần nữa khẳng định trên Twitter là giả thuyết về mối thông đồng giữa Nga với các cộng sự của ứng cử viên Donald Trump trong thời gian tranh cử chỉ là chuyện « vớ vẩn ».

Trên thực tế, cuộc điều tra nói trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông Donald Trump. Nếu cơ quan điều tra tập hợp được đủ các bằng chứng về việc tổng thống Mỹ ngăn cản tư pháp, việc này sẽ mở đường cho thủ tục phế truất. Hồi tuần trước, cựu giám đốc FBI cho biết đã bị tổng thống gây áp lực trong cuộc điều tra về nghi án Nga.

Vẫn liên quan đến nghi án này, hôm qua, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã thuê riêng một luật sư để thay mặt ông trả lời công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Người phụ trách truyền thông của phó tổng thống giải thích là ông Pence hiện phải « tập trung hoàn toàn cho nhiệm vụ thực thi kế hoạch của tổng thống, và hy vọng vụ việc này sẽ được giải quyết nhanh chóng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.