Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Thay đổi chính sách cộng đồng : Một bài toán khó cho nước Anh

Đăng ngày:

Ba vụ tấn công khủng bố trong vòng 3 tháng, đặt nước Anh trước một thách thức lớn : Làm sao chống và ngăn ngừa khủng bố ? Bởi vì, theo nhận định của ủy ban đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp, những kẻ sát nhân không phải là thành viên của một mạng lưới rõ ràng, mà chỉ là những cá nhân đơn lẻ đi theo con đường Hồi giáo cực đoan.

Người Hồi giáo tại Anh đến đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ngày 22/05. Luân Đôn ngày 05/06/2017.
Người Hồi giáo tại Anh đến đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ngày 22/05. Luân Đôn ngày 05/06/2017. REUTERS/Marko Djurica
Quảng cáo

Nghiêm trọng hơn là ngày càng có nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan sinh ra và lớn lên ở ngay tại nước Anh, cho dù hưởng thụ nền giáo dục dân chủ của Anh quốc, nhưng vẫn đễ dàng trở thành kẻ khủng bố ngay trên chính đất nước này.

Nước Anh vốn có truyền thống lạnh lùng và không thể hiện cảm xúc ra bên ngoài, đặc biệt là vẫn lạc quan vui vẻ khi bị tấn công khủng bố. Nhưng lần này, sau liên tục ba vụ thảm sát chỉ trong vòng ba tháng, thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố đã đến lúc cần phải có những cuộc trao đổi đáng xấu hổ để ngăn chặn khủng bố leo thang, và nước Anh đã quá dung thứ cho các hệ phái tư tưởng cực đoan.

Bà nói : “Chúng ta không thể, và không được giả đò như là sự việc cứ thế tiếp tục như vậy. Nhiều điều cần phải thay đổi, và phải thay đổi theo 4 hướng quan trọng như sau. Trước hết, bởi vì các vụ tấn công không có liên kết với nhau qua các mạng lưới hoạt động thường gặp, mà kết nối với nhau qua một điều quan trọng, là cùng chí hướng với nhau theo duy nhất một tư tưởng ác quỷ Hồi giáo cực đoan, đã truyền bá sự chia rẽ và cổ xúy chủ nghĩa giáo phái. Đó là cái tư tưởng cho rằng các giá trị phương Tây của chúng ta về tự do, dân chủ và và nhân quyền không phù hợp với đạo Hồi.

Đó là tư tưởng muốn đem đạo Hồi đi theo chiều hướng xấu xa, và bẻ cong sự thật. Đánh bại tư tưởng này là một trong số những thách thức vĩ đại nhất cho thời đại của chúng ta. Nhưng không thể đánh bại chỉ bằng can thiệp quân sự mà thôi. Cũng sẽ không thể đánh bại được chúng bằng việc tiếp tục duy trì một chiến dịch vĩnh viễn để chống khủng bố, bất kể giới chuyên gia và chỉ huy giỏi đến mức nào.

Chỉ có thể đánh bại hệ tư tưởng đó bằng cách đưa suy nghĩ của con người rời xa xu hướng bạo lực này và khiến họ hiểu rằng giá trị của chúng ta, giá trị đặc trưng của nước Anh là cao cả hơn bất kỳ điều gì mà những kẻ truyền bá và ủng hộ cho lòng thù hận rao giảng.

Người tị nạn: Một bài toán khó

Những lời rao giảng thù hận và chia rẽ sắc tộc đã khiến cho rất nhiều thiếu nữ Anh sinh ra và lớn lên ở đây sẵn sàng lên đường sang Trung Đông để làm vợ cho các chiến binh Daech, hay thanh niên sang tham gia vào lực lượng vũ trang, chống lại chính những đồng bào người Anh của mình.

Những lời rao giảng đó thậm chí không chỉ ảnh hưởng riêng trong các cộng đồng có nguồn gốc từ nền văn hóa Hồi giáo, mà mới gần đây trên thế giới từng ồn ào về trường hợp của một người gốc Việt Nam, cũng tham gia hoạt động tài chính và truyền thông cho khủng bố, bị cảnh sát bắt và tước quốc tịch rồi dẫn độ sang Mỹ để ra tòa và chịu án tù vì có liên quan tới âm mưu khủng bố quốc tế.

Sau khi những vùng căn cứ địa và trại huấn luyện ở Trung Đông bị liên quân xóa bỏ, nhiều thành viên của hệ tư tưởng quá khích đã quay trở về nước Anh và bắt đầu thực hiện những vụ tấn công khủng bố bằng những phương tiện thô sơ nhất.

Ban đầu là vụ đâm chết một thanh niên Anh mặc quân phục đi trên đường, rồi bây giờ là dùng xe hơi và dao kiếm tấn công vào khách du lịch hay người dân đang vui chơi ngoài đường. Thủ tướng Anh nói đã đến lúc nước Anh phải chấm dứt việc dung thứ quá mức cho tư tưởng cực đoan.

Nước Anh nổi tiếng là mảnh đất tự do dân chủ, chủ trương mô hình xã hội cộng đồng, tức cho phép nhiều tôn giáo khác nhau cùng rao giảng, và nhiều hệ tư tưởng khác nhau cùng được tự do phát triển. Vấn đề đặt ra là với mô hình xã hội của Anh hiện nay, sẽ khó mà phân biệt được đâu là tư tưởng cực đoan không được phép, và đâu là sự phản đối chính nghĩa để bảo vệ cho tự do tư tưởng?

Đây sẽ là một thách thức lớn cho Anh Quốc, một đất nước với bề dày lịch sử phức tạp. Ngày xưa nơi đây từng nổi tiếng với việc đàn áp người theo đạo Công giáo La Mã, giết hại linh mục và nhiều giáo dân phải lén lút hành đạo. Đó cũng chính là lý do khiến cho người Anh ngày hôm nay cảm thấy cần phải trả nợ với quá khứ, và chấp nhận rất nhiều hồ sơ tị nạn theo diện tôn giáo.

Thế nhưng với một bộ máy hoạt động quá tải, và thái độ lơ là của nhân viên, thì việc để lọt lưới những người giả mạo hay thậm chí những kẻ quá khích là chuyện dễ hiểu. Từng có một số kẻ quá khích từ Iraq lọt lưới thanh lọc và được chính phủ Anh cho phép tị nạn, rồi lại hoạt động chống phá ngay trên mảnh đất này.

Ví dụ trong cộng đồng người Việt cũng có rất nhiều người dù là ở miền Bắc nhưng vẫn khai là theo đạo Hòa Hảo để xin tị nạn, mà trong đời chưa bao giờ biết địa danh đó nằm ở An Giang hay Đồng Tháp. Rồi cũng có nhiều trường hợp khai là trẻ em, mà theo luật thì cho đến khi kết luận người này không phải là trẻ em, thì vẫn được đi học trong trường cấp ba hay thậm chí cấp hai cùng với trẻ con thực sự.

Đó là chưa kể có đến trên dưới một triệu người không có giấy tờ vượt biên vào Anh. Đây cũng chính là vấn đề chung của những nước châu Âu đang bị khủng bố tấn công như Pháp và Đức, khiến cho một số nước mạnh tay như Hungary tuyệt đối không nhận người tị nạn.

Brexit: Một giải pháp khả thi để chống khủng bố?

Đâu là giải pháp cho vấn đề nan giải này? Một số ý kiến trong cuộc vận động Brexit vừa qua cho rằng sau ngày nước Anh rút khỏi cam kết phải tuân thủ tòa án châu Âu thì sẽ giảm bớt được gánh nặng về việc phải cho những người mà nước Anh không muốn nhận được tạm thời cư trú, và như vậy sẽ yên ổn phần nào về an ninh?

Dẫu sao đây cũng chỉ là một ý kiến tranh cãi, vì bản chất của vấn đề là làn sóng người di tản từ các quốc gia đang bất ổn vì Hồi giáo cực đoan vẫn đang tiếp diễn. Thuyền nhân tràn ngập ở vùng Địa Trung Hải tràn vào Hi Lạp, rồi ngược lên Pháp, tìm mọi cách trốn qua phà biển Măngxơ vào Anh, mà có đủ loại mọi máy móc thiết bị thì vẫn có người lọt lưới.

Thủ tướng Anh của đảng Bảo Thủ đương quyền nói không thể nào chiến thắng Hồi giáo cực đoan chỉ bằng vũ khí, còn chủ tịch Công Đảng bên phía đối lập thì nói bà Theresa May lẽ ra phải từ chức vì cắt giảm chi tiêu cho cảnh sát khiến bạo lực gia tăng thành khủng bố.

Một số ý kiến cũng chỉ trích cả hai chính phủ đã cắt giảm ngân sách dành cho ngành giáo dục, bỏ bê việc chăm sóc trẻ em từ khi còn nhỏ, hay các cộng đồng sắc tộc, khiến thanh niên dễ dàng nghe theo tuyên truyền của kẻ xấu. Có ý kiến thậm chí còn lần ngược trở lại quyết định của nước Anh cùng Hoa Kỳ tham chiến, tấn công Taliban sau vụ khủng bố 11 tháng Chín.

Thực sự, đó chính là những điều, mà như thủ tướng Anh đã nói, là một cuộc trao đổi không hề dễ dàng và rất xấu hổ. Nước Anh từng ý thức được về chuyện này sau vụ Luân Đôn bỗng nhiên bị đốt phá ở khắp nơi, nhưng thực sự cho tới thời điểm này chưa có chính sách hay hành động cụ thể nào để đối phó với một nguy cơ tấn công hoàn toàn mới, và không dễ dàng gì giải quyết trong xã hội.

Đã vậy, nước Anh lại còn đang trong giai đoạn bầu cử để chọn ra một chính phủ mới, vừa lèo lái quá trình Brexit, lại vừa đối phó với tình hình kinh tế không mấy khả quan, và giờ đây lại thêm các vấn đề mới về văn hóa và cộng đồng, thì thực ra khó có câu trả lời nào cụ thể cho một giải pháp ổn định lâu dài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.