Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Âm nhạc Walt Disney, khúc giao hưởng ảo diệu

Đăng ngày:

Gần một thế kỷ qua, vương quốc Walt Disney là giấc mơ kỳ diệu của hàng triệu trẻ em khắp năm châu. Bên cạnh những nhân vật huyền thoại như Mickey Mouse, Lion King, gần đây nhất là nữ hoàng băng giá Elsa và Mc Queen, còn có hàng trăm ca khúc đi vào thế giới trẻ thơ như thể chúng đã tồn tại ở đó từ bao giờ.

Một cảnh trong phim hoạt hình Vua Sư Tử của hãng phim Walt Disney.
Một cảnh trong phim hoạt hình Vua Sư Tử của hãng phim Walt Disney. Pixabay
Quảng cáo

Bí quyết để hãng phim này trở thành một đế chế hùng mạnh như ngày nay chính là âm nhạc. Nó trở thành lời thoại chính dẫn dắt câu chuyện trong hàng loạt siêu phẩm hoạt hình thương hiệu Disney. Walt Disney, nhà sáng lập hãng phim thừa nhận :

« Âm nhạc luôn có vai trò quan trọng trong những sản phẩm của chúng tôi, ngay từ những bộ phim hoạt hình đầu tiên. Vì vậy, trong thực tế, tôi không thể nghĩ ra một câu chuyện nào bằng hình ảnh mà không nghĩ đến âm nhạc, thứ sẽ bổ sung và đáp ứng cho nó. Âm nhạc có sức mạnh thật to lớn (…) Khi những câu chuyện đó được lồng nhạc, thì sự sống của chúng trỗi dậy, là sức sống mà chúng không thể có được bằng cách nào khác ».

Walt Disney không biết đọc và viết nhạc. Vậy làm thế nào ông ấy lại có sự tác động sâu rộng lên địa phận âm nhạc đến vậy ? Nhà soạn nhạc người Mỹ Jerome Kern nhận xét :« Disney đã sử dụng âm nhạc như một ngôn ngữ (…) Bằng cách lồng kết những đoạn phim hài hước với những âm giai hóm hỉnh, không bàn cãi gì nữa, ông ấy đã có những đóng góp đáng chú ý cho thời đại của chúng ta »

Là người thiết kế những bước cờ quyết định của hãng phim, Disney đã có chính sách chiêu hiền đãi sỹ, quy tụ nhiều nhà văn, nghệ sỹ, nhạc sỹ tài năng, những người đã dành trọn tâm ý để mang đến giấc mơ tuyệt diệu nhất cho nhiều thế hệ khán giả nhí trên thế giới.

Công chúng chỉ thật sự biết đến tên tuổi của hãng phim Walt Disney vào năm 1928. Đó là lần đầu tiên giai điệu dân gian Turkey In The Straw và âm nhạc Steamboat Bill của Arthur Collins được lồng vào bộ phim mang tên Steamboat Willie. Đây là tác phẩm hoạt hình đầu tiên trong lịch sử điện ảnh ứng dụng kỹ thuật lồng tiếng và nhạc.

Đó cũng là dịp Disney trình làng ngôi sao mới : Mickey Mouse. Sản phẩm như một bệ phóng đưa hãng phim bước vào thế giới điện ảnh « có tiếng », cái được coi là rất mới mẻ thời bấy giờ (những bộ phim lồng tiếng đầu tiên xuất hiện năm 1927). Sự thành công này đã cứu anh em nhà Disney thoát khỏi nguy cơ phá sản năm 1929 và mở ra một hướng đi riêng, có tính quyết định cho những đề án phim sau này của hãng.

Con đường mới đã mở, bộ phim hoạt hình tựa đề Silly Symphonie bao gồm những mẫu phim ngắn, ra đời trong thời gian từ 1929 đến 1939, đã nối tiếp lịch sử huy hoàng của Walt Disney. Ở đây, lời thoại của nhân vật hầu như không có, âm nhạc là ngôn ngữ chính, phối hợp và dẫn dắt cốt truyện. Một mẫu phim là một bản giao hưởng, khắc họa một cách phong phú màu sắc, đường nét và chiều sâu cho nhân vật, cho câu chuyện.

Sê-ri hoạt hình này đã khai thác tối đa, sáng tạo những chất liệu âm nhạc quý báu nhất mà nhân loại đang thừa kế : đó là làn điệu dân gian, âm hưởng đồng quê, nhạc cổ điển bác học hay những phong cách hiện đại như jazz, pop, rock, …Đơn cử như : « Santa's Workshop », Khúc Quân Hành của Schubert rộn ràng vang lên trong buổi diễu hành của tất cả cư dân trong xưởng sản xuất đồ chơi của ông già Noel.

Music Land lại là chuyện tình đẹp giữa công chúa vương quốc Giao Hưởng và hoàng tử xứ Jazz. Khán giả vô cùng bất ngờ khi bắt gặp điệu Gavotte của François Gossec (1789), điệu Menuet của Beethoven, Chevauchée Walkyries hùng tráng của Richard Wagner, càng thích thú hơn nữa khi có sự xuất hiện vui nhộn từ The Saxes Have It, Jazz Fireworks hay âm vang "Bugle Call" của dàn trompette sắp sửa ra trận đến từ vương quốc jazz. Hai thế giới, hai màu sắc khác biệt, thai nghén nên câu chuyện âm nhạc, để lại ấn tượng khó phai trong tâm hồn trẻ thơ.

Nhằm thực hiện đề án Silly Symphonie đầy tham vọng, Walt Disney đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới cộng sự, trong số đó phải nhắc đến Frank Churchill, tác giả của âm nhạc nổi tiếng trong phim Nàng Bạch Tuyết. Tree Litle Pigs (1933) là một trong số sản phẩm khá ưng ý của ông. Và « Who's Afraid of the Big Bad Wolf » đã đi ra từ câu chuyện cổ tích, trở thành ca khúc nổi tiếng nhất với mức bán lên tới hàng triệu bản.

Frank Churchill đã sáng tác bài hát này dựa trên điệu hát « Happy Birthday » và hoàn thành nó chỉ trong vòng 5 phút. Rất tiếc, bài hát đó không đăng quang tại Oscar, vì một lý do rất đơn giản là giải thưởng dành cho ca khúc trong phim xuất sắc nhất chỉ xuất hiện trong lễ trao giải Oscar vào năm sau đó.

Âm nhạc trong phim Walt Disney không chỉ dừng lại như một phương tiện biểu hiện nghệ thuật mà ngày càng trở thành thương hiệu tiếp thị quan trọng trong cỗ máy kinh doanh của hãng Disney.

Cuối thập niên 80, sự xuất hiện của nhạc sĩ Alan Menken mở đầu cho một thế hệ ca khúc mới thuộc dòng pop. Tiêu biểu là bài Beauty and the Beast do Celine Dion và Peabo Bryson thể hiện trong bộ phim cùng tên Người Đẹp và Ác Thú, đã giành danh hiệu “Ca khúc trong phim xuất sắc nhất” tại giải Quả Cầu Vàng lần thứ 49 và giải Oscar năm 1992.

Thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua Can You Feel The Love Tonight cùng toàn bộ bài hát trong bản hùng ca “ Vua Sư Tử” do Elton John, Hans Zimmer và Tim Rice thực hiện. Với ca khúc này, Elton John đã giành cú đúp giải Oscar cho “Ca khúc trong phim xuất sắc nhất” cũng như Grammy dành cho nam nghệ sĩ của năm (1994).

Năm 2013, Disney tiếp tục chắp cánh tâm hồn trẻ thơ bằng huyền thoại tựa đề Frozen (Nữ Hoàng Băng Giá). Một mùa bội thu nữa của hãng phim lại nối tiếp. Đặc biệt ca khúc Let It Go (nhạc và lời của Kristen Anderson-Lopez và Robert Lopez) được giới chuyên môn đánh giá "như một bản thánh ca, ca ngợi sự giải thoát ». Let It Go đã bước lên bục danh dự Oscar lần thứ 86 với phần thưởng cho « Ca khúc trong phim hay nhất ».

Không ai có thể tưởng tượng rằng, gần một trăm năm sau khi Walt Disney thành lập hãng phim mang tên mình, đứa con tinh thần của ông và các cộng sự ngày nay được thế giới định nghĩa như một vương quốc cổ tích có thật. Và tâm hồn của thế giới đó chính là những bài ca, điệu nhạc rất đỗi lung linh, chắp cánh tâm hồn cho hàng triệu khán giả nhí thỏa sức bay xa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.