Vào nội dung chính
HOA KỲ - KHÍ HẬU

Donald Trump bỏ hiệp định khí hậu: Trong rủi có may

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump, rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu, gây phản ứng bất bình trên khắp thế giới kể cả tại nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và giới ngoại giao lại cho rằng trong cái rủi có cái may : việc thực thi hiệp định COP21 sẽ không bị cản trở từ bên trong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu COP 21. Ảnh tại Nhà Trắng ngày 1/06/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu COP 21. Ảnh tại Nhà Trắng ngày 1/06/2017. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Có một thành viên thế lực như Mỹ luôn tìm cách cản trở tiến trình thực thi hiệp định Paris về khí hậu trong khuôn khổ hội nghị COP hàng năm là nỗi lo của giới chuyên gia.

« Để Donald Trump đứng ngoài vẫn tốt hơn là đứng bên trong làm trì trệ hiệp định ». « Đứng bên trong hiệp định Hoa Kỳ có thể gây nhiều tác hại hơn là đứng bên ngoài ». Mohamed Adow, chuyên gia khí hậu của tổ chức phi chính phủ Christian Aid và Luke Kemp, tác giả bài phân tích « Thà ở bên ngoài hơn là bên trong » trên tạp chí khoa học The Nature, tuần trước không phải là những tiếng nói đơn độc chào mừng quyết định của Donald Trump.

Mầm hy vọng

Quan điểm « Tái ông thất mã », thiếu Hoa Kỳ biết đâu lại là chuyện tốt cho nhân loại, đang được lan rộng trong giới khoa học và ngoại giao.

Anden Meyer, chuyên gia theo dõi đàm phán khí hậu từ 20 năm qua dự đoán : Washington muốn nói gì thì nói, chẳng có nước nào ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

Từ khi hiệp định COP21 được long trọng ký kết tại Paris vào năm 2015, còn nhiều nguyên tắc thực thi đang được thương thảo đặc biệt là bản tổng kết đầu tiên về « nỗ lực chung » làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2018.

Cũng quan trọng không kém là công khai hóa chính sách khí hậu của « từng thành viên » mà mục tiêu là giữ cho nhiệt độ khí quyển, từ nay đến cuối thế kỷ chỉ tăng ở mức dưới 2°C, hầu tránh đại họa diệt vong, thiên tai, lũ lụt.

Hiệp định COP21 là kết quả của hơn 20 năm đàm phán gay go và thỏa hiệp, tính từ hiệp định khung đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về trái đất được 160 quốc gia ký kết tại Rio (Brazil) năm 1992, rồi đến Nghị Định Thư Kyoto 1997, giảm khí thải làm nóng bầu khí quyển.

Donald Trump cho là hiệp định COP21 gây nhiều bất lợi cho kinh tế Mỹ và cần phải thương thuyết lại. Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ đứng sau Trung Quốc trên bảng xếp hạng các quốc gia gây ô nhiễm nhất địa cầu.

Không có Mỹ góp phần, liệu mục tiêu chung có thể đạt được hay không ? Theo bà Laurence Tubiana, nguyên là trưởng đoàn thương thuyết của Pháp, yêu sách của tổng thống Mỹ sẽ làm cho tình thế nghiêm trọng hơn. Kinh tế Mỹ sẽ chậm chuyển đổi trong khi nhân loại không còn đủ thời gian để hành động.

Tuy nhiên, Thoriq Ibrahim, bộ trưởng Môi Trường đảo Maldives và cũng là phát ngôn viên của các tiểu quốc đảo đang bị nước biển đe dọa xóa tên lại nhẹ nhõm. Ông cho rằng sự kiện Hoa Kỳ rút chân là cơ hội để cộng đồng quốc tế chứng tỏ quyết tâm « đối đầu với thử thách » diệt vong.

Bằng chứng là tin Donald Trump đắc cử tổng thống rơi vào thời điểm Thượng đỉnh COP22 diễn ra tại Maroc, làm cử tọa choáng váng như bị « điện giật ». Thế là, nhiều quốc gia bỏ ngay thái độ lưỡng lự, tuyên bố gia nhập hiệp định khí hậu. Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út…. tái cam kết thực thi. Châu Âu, Trung Quốc và Canada và những quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp sẽ là đầu tàu của nỗ lực sử dụng năng lượng sạch.

Tổng giám đốc Hiệp Hội WWF, bảo vệ động vật thiên nhiên, Pascal Canfin, thẩm định « không có Trump, hiệp định COP sẽ được nước Mỹ, dân Mỹ thực thi từ cấp doanh nghiệp, thành phố cho đến tiểu bang ».

Nhưng mối lo lớn khi Mỹ rút chân là vấn đề tài chính cho Hiến Chương Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc và Quỹ Xanh (100 tỷ đôla) tài trợ cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.