Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Liệu Liên Hiệp Châu Âu sẽ dùng "điều 7" để trừng phạt Hungary?

Đăng ngày:

Nghị Viện Châu Âu mới đây vừa đưa ra nhận định rằng tại Hungary, tình hình dân chủ và Nhà nước pháp quyền bị suy giảm nghiêm trọng và đề nghị Liên Âu tiến hành một cuộc điều tra xem nước này có vi phạm những bổn phận đã cam kết về nhân quyền hay không.

Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, tại Budapest ngày 10/02/2017.
Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, tại Budapest ngày 10/02/2017. REUTERS/Laszlo Balogh
Quảng cáo

Đây là hồi âm mạnh mẽ nhất của châu Âu cho những thách thức đến từ Budapest trong những năm gần đây. Nhất là, trong vòng hơn nửa năm qua, chính quyền nước này còn trở nên khiêu khích hơn khi liên tiếp ra những đạo luật bài xích người tỵ nạn, nhập cư, ngăn chặn sự hoạt động của các tổ chức dân sự, mà gần đây nhất là sửa Luật Giáo dục Đại học nhằm vô hiệu hóa Đại học Trung Âu.

Nghị Viện Châu Âu kêu gọi chính quyền Hungary bãi bỏ các điều luật nói trên, và thỏa thuận với nhà đương cục Hoa Kỳ để Đại học Trung Âu có thể tiếp tục hoạt động tự do tại Budapest. Đồng thời, Nghị Viện cũng yêu cầu Ủy Ban Châu Âu hãy kiểm tra chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn nữa việc sử dụng những nguồn tài chính từ Liên Âu của chính quyền Hung.

Đòn giáng vào Budapest của cánh tả châu Âu

Nghị quyết nói trên của Nghị Viện Châu Âu - do các dân biểu thuộc liên minh Xã hội, Đảng Xanh, Đảng Tự do và phe cánh tả trong Nghị Viện Châu Âu đề xuất - được thông qua với 393 phiếu thuận, 221 phiếu chống và 64 phiếu trắng. Trong số những nghị sĩ bỏ phiếu chống, có các nhóm thuộc Đảng Bảo thủ Anh, đảng cầm quyền Ba Lan và của lãnh tụ cực hữu Pháp Marine Le Pen.

Đáng chú ý là nhiều dân biểu thuộc Đảng Nhân dân Châu Âu, liên minh cánh hữu lớn nhất trong Nghị Viện Châu Âu mà đảng cầm quyền FIDESZ của thủ tướng Orbán Viktor là thành viên, cũng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này, chứng tỏ không ít chính khách cánh hữu cũng đã chán ngán sự chống phá châu Âu theo kiểu “Hãy chặn đứng Bruxelles!” của đảng này.

Thường được gọi bằng cái tên “điều 7”, căn cứ điểm 7 bản Thỏa thuận gia nhập Liên Âu, đây có thể là thủ tục xử lý mạnh nhất của châu Âu đối với một quốc gia thành viên. Về căn bản, điều này có nghĩa là các định chế châu Âu sẽ ngồi vào bàn đối thoại với Budapest, xem nước này muốn tiếp tục xây dựng nền dân chủ và bảo vệ các giá trị cơ bản của Liên Hiệp Châu Âu ra sao.

Trước mắt, một ủy ban chuyên trách của Liên Âu phụ trách về các quyền cơ bản của công dân sẽ nêu ý kiến của họ trong một bản tường trình, rằng theo họ có cần thiết phải tiến hành điều tra đối với Hungary hay không. Nếu câu trả lời là “có” thì ủy ban này sẽ đề xuất việc khởi động “điều 7”, và Nghị Viện Châu Âu lại tiếp tục tiến hành lấy biểu quyết.

Sự trừng phạt khó nhọc

Ngay cả khi Liên Âu - áp dụng “điều 7” để xem xét những quốc gia vi phạm bổn phận nhân quyền và các giá trị châu Âu – thì hình thức xử lý mạnh nhất này cũng không nhằm vào việc trừng phạt các thành viên, và con đường dẫn tới bất cứ sự trừng phạt nào cũng hết sức tốn thời gian và nhiêu khê. Nghị Viện Châu Âu cũng biết rằng, mục đích của họ không phải là trừng phạt.

Trong trường hợp của Hungary, như đã nói ở trên, nếu Nghị Viện Châu Âu có biểu quyết để tiến hành “điều 7”, thì bản thân Nghị Viện cũng không thể tiến hành xử lý. Quyền hạn đó thuộc về các vị bộ trưởng các nước thành viên, và họ cũng còn “điều tra” và “khuyên nhủ” dài dài đối với chính quyền Hung, trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì.

Chỉ sau rất nhiều thủ tục thư từ, đàm phán, đi lại, bàn bạc nội bộ, cũng như với chính quyền Hungary có thể kéo dài hàng năm, mà châu Âu vẫn nhận thấy Budapest vi phạm trầm trọng các giá trị chung châu Âu, và ban lãnh đạo nước này không có ý “sửa chữa”, việc trừng phạt mới được đưa ra biểu quyết. Và chỉ có thể trừng phạt nếu tất cả các thành viên Liên Hiệp Châu Âu (ngoài Hungary) đều đồng tình.

Hình thức trừng phạt khả dĩ có thể là tước quyền biểu quyết, giảm các nguồn trợ cấp, đóng cửa biên giới, buộc phải đóng các khoản thuế khóa, v.v... nhưng đây cũng là điều mà các bộ trưởng các nước thành viên cần thống nhất. Nếu không có sự đồng thuận của đa số trong vấn đề “trừng phạt thế nào?”, thì cũng sẽ không có trừng phạt. Nội các Hungary có thể yên tâm về điều này!

Chính quyền Hung: bất chấp châu Âu!

Đáng công phẫn”, “đáng hổ thẹn”, “hoàn toàn sai sự thật”... là những lời lẽ mà liên minh cầm quyền cánh hữu Hungary dùng để nói tới bản nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu, và họ cho rằng đây là áp lực để “buộc nước Hung phải nhận nhập cư bất hợp pháp”, là “sự tấn công chính trị nhằm vào Hung, do nước này chỉ muốn đại diện cho lợi ích người dân Hung tại Bruxelles”.

Nhóm dân biểu Hungary trong Nghị Viện Châu Âu khẳng định rằng mặc dù Liên Âu bị nhà tỷ phú thân bè lũ nhập cư, ông Soros György liên tục gây áp lực để làm khó dễ với Budapest, nhưng chính quyền Hung “vẫn duy trì đường lối chống tệ nhập cư bất hợp pháp và trong tương lai, vẫn chỉ dân Hung được quyền quyết định họ sẽ sống với ai trên lãnh thổ nước họ”.

Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter tham dự phiên họp của Ủy ban các bộ trưởng thuộc Hội Đồng Châu Âu, đã phát biểu với báo chí rằng châu Âu đang đứng trước những thử thách lịch sử hết sức trầm trọng, và những thử thách đó đã khiến một số quốc gia, một số định chế châu Âu không còn giữ được suy nghĩ sáng suốt, để rồi quay sang tấn công Hungary một cách tệ hại.

Thủ tướng Orbán Viktor sau khi tham dự và ca ngợi hết lời sáng kiến “Một vành đai - một con đường” của Bắc Kinh, thì cho rằng Brussels đã “ngồi ngược trên lưng ngựa”, và rằng “họ phụ thuộc vào chúng ta, chứ không phải chúng ta phụ thuộc vào họ”, ý nói Bruxelles phải phụ thuộc các nước thành viên. Ông cũng khẳng định Budapest sẽ bảo vệ quan điểm của mình, và sẽ “chơi đến cùng”.

Câu hỏi chung cuộc: Orbán hay Liên Âu?

Một câu hỏi được đặt ra: trước một Hungary thù địch không giấu giếm, Liên Âu có thể làm gì, nếu khả năng trừng phạt Budapest là không hiện thực? Áp dụng “điều 7” để làm gì, khi rõ ràng là các định chế dân chủ của châu Âu không được chuẩn bị cho tình huống hiện tại, và một cách dễ hiểu là dân chủ thì nhiều khi chậm trễ và khó nhọc trong quá trình vận hành và thực thi?

Hiện tượng Orbán và nội các cánh hữu Hungary càng đáng để tâm hơn nữa, nếu đặt trong bối cảnh chính trường thế giới đang bị chao đảo trước các lực lượng dân túy và hệ thống tuyên truyền dối trá của họ. Nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền bị vi phạm ở nhiều nơi, dưới chiêu bài bảo vệ quyền lợi người dân, bảo vệ lợi ích đất nước trước những thế lực ngoại bang, những “kẻ thù của nhân dân”.

Phải chăng, như theo ý kiến của một dân biểu Nghị Viện Châu Âu trong sắc áo một chính đảng đối lập Hungary, ngay việc đưa vấn đề nước Hung phi dân chủ và vi phạm các chuẩn mực châu Âu lên bàn nghị sự, cũng đã là một thành công. Và thành công nữa, là cả những dân biểu cánh hữu cùng “phe” với đảng cầm quyền FIDESZ cũng nhận thấy vấn nạn đó, bất chấp bộ máy tuyên truyền dối trá của FIDESZ.

Như thế, sự lựa chọn ở đây, sẽ là châu Âu dân chủ, hay thứ Nhà nước “dân chủ phi tự do” theo mô hình Orbán Viktor. Nước Hung và châu Âu không thể bị những lãnh tụ như Orbán hủy hoại, những người chỉ lo tham nhũng, đút túi, làm đất nước kiệt quệ, liên minh với Nga phản dân chủ và tính nước bỏ châu Âu, theo như lời một dân biểu Nghị Viện Châu Âu khác thuộc Liên Minh Dân Chủ Hungary.

Nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu được coi là mang tính lịch sử, vì lần đầu tiên nó được đưa ra với một chính phủ thành viên Liên Âu, vì những biểu hiện phi dân chủ và phản châu Âu trong bảy năm nay, chứng tỏ Liên Hiệp Châu Âu đã chán ngán Orbán Viktor. Nó sẽ có ảnh hưởng thế nào tới cuộc bầu cử Quốc Hội Hungary trong năm sau mà FIDESZ dường như vẫn nắm chắc phần thắng, đó là một câu hỏi chưa có lời đáp...

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.