Vào nội dung chính
ANH - KHỦNG BỐ

Anh nâng báo động lên mức cao nhất sau vụ khủng bố ở Manchester

Sau vụ khủng bố tối 22/05/2017 ở Manchester làm 22 người chết và 59 người bị thương, hôm qua, thủ tướng Anh Theresa May  đã quyết định nâng báo động khủng bố lên mức cao nhất. Đối với cơ quan an ninh Anh, điều này có nghĩa là một vụ tấn công khủng bố có nguy cơ sớm xẩy ra.

Anh Quốc duy trì mức báo động cao nhất : Một cảnh tại Luân Đôn ngày 24/05/2017.
Anh Quốc duy trì mức báo động cao nhất : Một cảnh tại Luân Đôn ngày 24/05/2017. REUTERS/Neil Hall
Quảng cáo

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường trình :

« Hôm thứ Ba, lúc đầu, thủ tướng Theresa May thông báo rằng báo động nguy cơ khủng bố vốn ở mức "nghiêm trọng" từ ba năm nay sẽ không thay đổi. Thế nhưng, vào tối khuya đêm qua, bà đã quyết định nâng lên mức cao nhất, tức là nguy cơ khủng có thể xẩy ra ngay. Quyết định này đã làm u ám thêm một chút bầu không khí trên toàn quốc.

Rất ý thức được tác động gây lo sợ mà quyết định trên có thể dấy lên, thủ tướng Anh cố trấn an người dân rằng đó là một biện pháp đề phòng, trong khi chính quyền chưa thể loại bỏ được khả năng thủ phạm vụ tấn công liên quan đến một mạng lưới khủng bố quy mô hơn. Điều này hàm ý là cho dù có nhiều vụ bố ráp của cảnh sát và một nghi phạm bị bắt ở phía nam thành phố Manchester, các nhà điều tra vẫn chưa lần ra được hành trình của kẻ đánh bom tự sát.

Do đó, lực lượng an ninh đã đề nghị triển khai quân đội để hỗ trợ cảnh sát tại những khu vực quan trọng ở Anh Quốc và trong những sự kiện văn hóa và thể thao có quy mô lớn. Biện pháp này từ giờ được mang tên chiến dịch « Temperer », cho phép 5.000 quân nhân đến tăng cường cho đội ngũ cảnh sát hoặc thay thế để lực lượng cảnh sát vũ trang đi tuần tra tại những khu vực dễ bị tấn công ».

Manchester tưởng niệm nạn nhân

Người dân Manchester đã thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân vụ khủng bố trong buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trước tòa thị chính, chật cứng người tham dự trong yên lặng.

Theo đặc phái viên RFI Anastasia Becchio, lễ tưởng niệm chỉ kéo dài 30 phút, nhưng sau đó, rất nhiều người lưu lại, đủ mọi lứa tuổi, xuất thân từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Từ các mục sư giáo hội Anh, người theo đạo Sikh đến thanh niên Do Thái và người theo đạo Hồi, tất cả giương cao những tấm băng-rôn ca ngợi « tình yêu cho mọi người, còn lòng thù hận không cho ai cả ». Họ đặt hoa trước tòa thị chính với những lời nhắn nhủ : « Tôi yêu Machester », « Chống khủng bố, hãy chứng tỏ rằng cuộc sống vẫn tiếp tục và điều quan trọng là giữ hình ảnh những nạn nhân trong tim ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.